Đạo và đời

Chào các bạn,

Đây đang là mùa Giáng Sinh. Ở Việt Nam cách đây mấy năm thì Giáng Sinh chỉ là ngày lễ của người theo đạo Thiên Chúa, còn bây giờ chúng ta có thể thấy là không khí của đêm Noel tràn ngập khắp nơi. Giáng Sinh dường như đã trở thành ngày lễ của tất cả mọi người. Sự phấn khởi, ấm áp, và niềm vui trong không khí của đêm Noel chẳng phân biệt và chẳng loại trừ ai là người theo đạo hay không theo đạo.

Mình nhớ là hồi bé qua cách nói chuyện của người lớn, mình có cảm giác như những người theo đạo Thiên chúa,và người không theo đạo (hay người lương) thuộc về hai thế giới khác nhau (đạo Phật thì phổ biến và ít nhiều đều có trong các gia đình nên mình không so sánh ở đây). Trong con mắt trẻ thơ thì mình chỉ mường tượng rằng người theo Thiên Chúa hay đi lễ nhà thờ, họ thờ phụng chúa Giesu khác với người lương thờ ông bà tổ tiên, họ thường chỉ kết hôn với người cùng đạo, và đâu đó mình nghe được qua bạn bè mình rằng những người bạn có đạo thường là rất tốt và đáng tin cậy.

Mình cũng không biết gì hơn thế, cũng không nghe ai thảo luận hay giải thích tại sao lại có người theo đạo và không theo đạo, theo đạo tốt hay không tốt, người có đạo có khác gì với người lương không? Mọi thứ cứ ở đó như nó vốn thế, thậm chí khi nói về tôn giáo thì mình nghe nhiều ý kiến phản đối hơn là các phân tích tích cực. Có lẽ là mọi người có ác cảm trong quá khứ vì một số người đã dùng tôn giáo để phục vụ cho mục đích chính trị hay mưu đồ cá nhân.

Nếu bạn là một độc giả thường xuyên của Đọt Chuối Non thì hẳn là bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi này. Bản thân mình cũng vậy. Nói một cách ngắn gọn, đạo nào cũng có chung một mục đích là hướng con người trở về đúng với bản chất thật nhất: sống có đạo đức, thiện tâm, khiêm tốn. Theo đạo hay không theo đạo cũng chỉ là một cái nhãn (label), chúng không nói lên điều gì nhiều nếu như bản thân chúng ta không thể hiện được điều đó trong đời sống của mình.

Đứng ở góc độ cá nhân, mình thấy hiểu về đạo quan trọng vì một số lí do. Thứ nhất là niềm tin. Khi mình còn bé thì gia đình là chỗ dựa tinh thần rất vững chắc. Bố mẹ luôn là động lực để mình cố gắng vươn lên. Nhưng khi tốt nghiệp đại học mình cảm thấy muốn thoát khỏi ảnh hưởng của bố mẹ, muốn tự lập để khẳng định mình. Lúc đó thì các quyết định của mình không còn là để làm cho bố mẹ vui nữa. Ngay cả khi bố mẹ không đồng ý mình vẫn theo đuổi công việc mà mình mong muốn, và lúc đó mình đi tìm một chỗ dựa tinh thần lớn hơn bố mẹ mình. Sau này thì mình nhận ra đó chính là God (Chúa, Phật hay đấng tối cao nào đó không phải là con người). Thứ hai là sức mạnh. Nói một cách đơn giản là khi tin vào một điều lớn lao thì bản thân mình cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Mình không sợ chết 🙂 (vì nếu theo giải thích của Phật thì đời sống của con người trên thế gian rất ngắn ngủi, con người cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc thôi). Mình cũng không lo lắng cho tương lai (vì theo giải thích của Phật thì tương lai là cái không ai biết, sống cho ngày hôm nay, ở đây lúc này thôi). Mình cũng không tức giận hay để bụng ai nữa (vì chúa Giesu bảo phải yêu hàng xóm của mình, yêu cả kẻ thù của mình). Những thay đổi đơn giản như vậy thôi nhưng đã khiến mình cách nhìn của mình về cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Ở góc độ quốc gia, mình cũng có chút trải nghiệm chia sẻ với các bạn. Khi sang Mỹ mình thấy có một điều rất khác biệt là thực hành tôn giáo ở đây lại rất mạnh, khác hẳn với Việt Nam. Đạo là văn hóa. Ở những vùng còn giữ được nhiều truyền thống văn hóa như Midwest (trung Mỹ), người dân chăm đi lễ nhà thờ và sống rất tốt, hay giúp đỡ người khác. Có một hôm đọc website giới thiệu của giáo sư, mình còn thấy giáo sư viết rõ gia đình ông ấy hay đi nhà thờ nào. Mình khá ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu thì mình mới biết rằng đó là một dấu hiệu chỉ ra: 1) “Tôi và gia đình tôi theo đạo (tức là tin vào chúa Giesu)”, 2) “Chúng tôi đáng tin cậy”. Dấu hiệu thứ 2 là một cách hiểu ngầm, nhưng lại rất quan trọng trong xã hội Mỹ. Không thể phủ nhận một điều là nhờ có đạo Tin Lành mà xã hội Mỹ là một xã hội có tính tin tưởng giữa các cá nhân cao (high-trust society). Năm 1904, Max Weber, nhà kinh tế chính trị và xã hội người Đức, đã viết một cuốn sách về vai trò quyết định của Thiên Chúa giáo đối với sự phát triển kinh tế thần kì của nước Mỹ. Rõ ràng là sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng nếu chúng ta nhìn đạo ở góc độ văn hóa và tính tích cực của đạo trong việc xây dựng niềm tin của con người và sự tin tưởng giữa các cá nhân, thì giải thích của Weber cũng rất có lý: nước Mỹ mạnh nhờ có đạo Tin Lành. Điều này cũng đúng với các quốc gia phát triển khác như các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay cộng đồng người Do Thái. Đặc điểm chung của họ là xã hội có sự tin tưởng cao giữa các cá nhân và niềm tin vào God.

Chúng ta vẫn hay đổ lỗi cho hệ thống, cho lãnh đạo, cho cơ chế đã làm trì trệ sự phát triển của đất nước, nhưng nếu nhìn xa hơn thì tất cả những điều đó lại cũng là một sản phẩm của văn hóa và lịch sử. Chúng ta vẫn nói rằng đạo Phật là tôn giáo phổ biến ở Việt Nam, văn hóa Việt Nam là văn hóa Phật giáo. Người Việt ai cũng ít nhất một lần ghé chùa, thắp hương, khấn Phật nhưng những người thực sự hiểu Phật giáo và có ý niệm về Phật trong đời sống của mình thì ít mà những người ghé chùa lễ phật để cầu danh lợi thì ngày càng nhiều.

Christmas is not a time nor a season, but a state of mind – Calvin Coolidge

Giáng sinh không phải là một thời cũng không phải là một mùa, mà là một cách nhìn.

Mong rằng mỗi khi Noel về, chúng ta cũng hòa cùng thế giới để chào đón ngày chúa Giesu ra đời, cùng vui chơi, ca hát, tặng nhau những món quà của tình yêu thương, và không quên dành một phút lắng đọng để nhìn lại mình.

Chúc các bạn mùa Giáng Sinh an lành.

Hoàng Khánh Hòa

8 thoughts on “Đạo và đời”

  1. http://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_giáo

    Bài viết này giới thiệu tổng quát về các tín ngưỡng khác nhau. Về các cách sử dụng khác của từ “tôn giáo”, xem trang định hướng Tôn giáo (định hướng).

    Tôn giáo hay đạo, đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó. Những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng và trần tục[1]. Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn thiêng liêng là cái siêu nhiên, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo. Trong nghĩa tổng quát nhất, có quan điểm đã định nghĩa tôn giáo là kết quả của tất cả các câu trả lời để giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ; những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại. Chính vì thế những tư tưởng tôn giáo thường mang tính triết học. Số tôn giáo được hình thành từ xưa đến nay được xem là vô số, có nhiều hình thức trong những nền văn hóa và quan điểm cá nhân khác nhau. Tuy thế, ngày nay trên thế giới chỉ có một số tôn giáo lớn được nhiều người theo hơn những tôn giáo khác.
    Đôi khi từ “tôn giáo” cũng có thể được dùng để chỉ đến những cái gọi đúng hơn là “tổ chức tôn giáo” – một tổ chức gồm nhiều cá nhân ủng hộ việc thờ phụng, thường có tư cách pháp nhân.
    Lưu ý:
    + Cái mà loài người gọi là “tôn giáo” hay được nhận thức là “tôn giáo” có thể không đồng nhất với những định nghĩa trên đây trong niềm tin tối hậu nơi mỗi tôn giáo (tức là khi một tín hữu theo một tôn giáo nào đó, họ không có cái gọi là ý niệm “tôn giáo” nơi tôn giáo của họ, tôn giáo chỉ là một cách suy niệm của những người không có tôn giáo bao phủ lấy thực tại nơi những người có tôn giáo).
    + Hiện tượng “Tôn giáo” cho đến ngày nay vẫn còn là một điều bí ẩn nơi loài người.

    Định nghĩa

    Ngoài nghĩa rộng về tôn giáo trên, có nhiều cách sử dụng cũng như nhiều nghĩa của từ “tôn giáo.” Một số lối giải thích như sau:
    Một cách định nghĩa, đôi khi được gọi là “lối theo chức năng”, định nghĩa tôn giáo là bất cứ hệ thống tín ngưỡng và phong tục nào có chức năng đề cập đến những câu hỏi căn bản về đặc tính loài người, đạo đức, sự chết và sự tồn tại của thần thánh (nếu có). Định nghĩa rộng ngày bao gồm mọi hệ thống tín ngưỡng, kể cả những hệ thống không tin tưởng vào thần thánh nào, những hệ thống đơn thần, những hệ thống đa thần và những hệ thống không đề cập đến vấn đề này vì không có chứng cớ.

    Cách định nghĩa thứ hai, đôi khi được gọi là “lối theo hình thể”, định nghĩa tôn giáo là bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào xác nhận những điều không thể quan sát một cách khoa học được, và chỉ dựa vào chức trách hay kinh nghiệm với thần thánh. Nghĩa này hẹp hơn phân biệt “tôn giáo” với chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa nhân bản thế tục, thuyết vô thần, triết khách quan và thuyết bất khả tri, vì những hệ thống này không dựa vào chức trách hay kinh nghiệm nhưng dựa vào cách hiểu theo khoa học.

    Cách định nghĩa thứ ba, đôi khi được gọi là “lối theo chứng cớ vật chất”, định nghĩa tôn giáo là những tín ngưỡng về nhân quả mà Occam’s Razor loại trừ vì chúng chấp nhận những nguyên nhân quá phức tạp để giải thích những chứng cớ vật chất. Theo nghĩa này, những hệ thống không phải là tôn giáo là những hệ thống không tin tưởng vào những nguyên nhân phức tạp hơn cần thiết để giải thích những chứng cớ vật chất. Những người theo quan điểm này tự xưng là “bất tôn giáo”, nhưng cũng có người tôn giáo nhìn nhận rằng “tín ngưỡng” và “khoa học” là hai cách hoàn toàn khác nhau để đi đến chân lý. Quan điểm này bị bác bỏ bởi những người xem rằng những giải thích siêu hình là cần thiết để giải thích các hiện tượng tự nhiên một cách căn bản.

    Cách định nghĩa thứ tư, đôi khi được gọi là “lối tổ chức”, định nghĩa tôn giáo là các hội đoàn, tín ngưỡng, tổ chức, phong tục, và luật đạo đức chính thức của tất cả các tôn giáo chính có tổ chức. Nghĩa này đặt “tôn giáo” vào một vị trí trái ngược với “tinh thần”, cho nên không bao gồm những luận điệu của “tinh thần” về việc tiếp xúc, phục vụ, hay tôn thờ thần thánh. Tuy nhiên, trong nghĩa này tôn giáo và tinh thần không cần phải “được cái này mất cái kia”: một người sùng đạo có thể có tinh thần hay không tinh thần, và một người có tinh thần có thể có hay không sùng đạo. Theo tương tự, ta có thể xem “tôn giáo” như là than, củi, hay xăng, và “tinh thần” là ngọn lửa..

    Tôn giáo trong lịch sử

    Lịch sử tôn giáo

    Nếu không kể những chứng tích khảo cổ học cho thấy niềm tin tôn giáo về cuộc sống sau khi chết có từ rất xa xưa, khi mà người ta chôn đồ tùy táng cùng với người chết thì ít nhất cách đây 40.000 năm, tổ tiên con người đã có niềm tin tôn giáo và tham gia các nghi lễ tôn giáo.[2] Trong các xã hội săn bắn và hái lượm, phổ biến là thuyết vật linh, cho rằng vật thể trong thế giới tự nhiên được phú cho nhận thức và tác động đến đời sống con người. Biển cả, núi cao, gió và thậm chí cả cây cối…cũng có thể được coi là những thế lực có tính chất thần thánh sinh ra và chi phối đời sống con người. Xã hội săn bắn, hái lượm có tổ chức chưa phức tạp nên đời sống tôn giáo chủ yếu tồn tại trong gia đình. Địa vị pháp sư (shaman) có thể được trao cho một người như là lãnh tụ tôn giáo nhưng hoạt động này không phải chiếm toàn bộ thời gian của người đó.

    Sang đến giai đoạn xã hội trồng trọt và chăn nuôi, niềm tin thần thánh là nguyên nhân hình thành thế giới dần dần được phát triển. Một hệ thống văn hóa đạo đức được ủng hộ bằng việc công nhận thần thánh đồng thời tôn giáo vượt qua khỏi phạm vi gia đình và thường gắn chặt với chính trị, lãnh tụ xã hội thường được xem là vua và tăng lữ như các Pharaoh Ai Cập.

    Trước Cách mạng Công nghiệp, tôn giáo đã rất phát triển và là thể chế xã hội vô cùng quan trọng ở khắp các lục địa. Đây cũng là lúc các tôn giáo có nhiều xung đột với nhau: Kitô giáo với Hồi giáo qua nhiều cuộc Thập tự chinh; Ấn Độ giáo xung đột với Phật giáo và về cơ bản đã loại trừ tôn giáo này ra khỏi miền đất phát tích của nó vào thế kỷ 13; người Hồi giáo chinh phục và truyền bá tôn giáo của mình đến những vùng khác…

    Từ khi Cách mạng Công nghiệp nổ ra, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã khiến cho ảnh hưởng của tôn giáo không còn mạnh mẽ như trước, tôn giáo dần bị tách rời khỏi nhà nước. Trong đời sống xã hội, khoa học cũng dần thay thế cho tôn giáo, chẳng hạn một người khi gặp bệnh tật tìm đến bác sỹ nhiều hơn là tu sỹ. Tuy vậy, thậm chí ngay cả cho đến nay, nhiều phong trào tôn giáo mới vẫn tiếp tục phát triển.
    [sửa]Những khái niệm được tôn giáo đề cập

    Những tôn giáo là những hệ thống tín ngưỡng thường tìm câu trả lời cho những khái niệm sau:
    Thượng đế – Siêu việt tính hay bản chất của tồn tại (hoặc cái được loài người nhận thức là tồn tại) trong mối tương quan với con người;
    Con người;
    Tạo hóa, những tín ngưỡng về nguồn gốc của vũ trụ, Trái Đất, sự sống, và nhân loại;
    Thần thánh, những tín ngưỡng về sự tồn tại (hay không tồn tại) và bản chất của thần thánh (hay Ông Trời), những gì linh thiêng hay siêu phàm;
    Những tín ngưỡng về cách liên lạc với thần thánh, vật linh thiêng, những người khác, loài vật, thế giới tự nhiên xung quanh ta và với chúng ta;
    Những tín ngưỡng về bản chất đạo lý và đạo đức, như đạo đức khách quan và đạo đức tương đối;
    Những cách để nhận dạng và ca tụng những kinh nghiệm giá trị;
    Việc tìm ra trọn vẹn về lĩnh vực nhu cầu và thèm muốn;
    Sự tìm ra mục đích của sự sống, và nhận dạng các mục tiêu trong đời;
    Tìm ra một cơ cấu đạo lý, và định nghĩa những hành vi “thiện” (tốt) và “ác” (xấu);
    Những tín ngưỡng về những trạng thái tồn tại khác như thiên đàng, địa ngục, hay Niết bàn và cách chuẩn bị vào những cõi này;
    Những giải thích và sự hiểu biết về điều ác và đau khổ, và viết về thiện ác.
    Thông thường, những tôn giáo khác nhau và những phe không tôn giáo đều có câu trả lời khác nhau về các khái niệm trên, và nhiều tôn giáo có nhiều trả lời cho mỗi khái niệm.
    [sửa]Tục lệ tôn giáo
    Lễ thụ phong cho Hoàng đế Charlemagne

    Những phong tục dựa vào tín ngưỡng tôn giáo thường gồm có:
    Cầu nguyện
    Thờ phụng
    Họp mặt thường lệ với những người khác đồng tôn giáo
    Viên chức tôn giáo để lãnh đạo hay giúp đỡ những tín đồ, như nhà tu, mục sư, tăng lữ…
    Nghi lễ và phong tục đặc biệt trong tín ngưỡng
    Cách giữ gìn niềm tin vào những điều răn trong kinh sách và những tục lệ của tôn giáo đó
    Luật lệ ứng xử ngoài đời phù hợp với tín ngưỡng (đạo lý), như Mười điều răn trong Cựu Ước, đặt ra từ tín ngưỡng chứ không phải do tín ngưỡng định nghĩa, và đạo lý thường được tôn trọng đến địa vị giáo luật (luật pháp) và được các tín đồ thi hành
    Việc duy trì và học tập những kinh sách ghi chép những tín ngưỡng cơ bản của tôn giáo.
    Những tín đồ của một tôn giáo thường họp mặt để làm lễ, đọc hay tụng kinh, cầu nguyện, thờ phụng, và giúp đỡ tinh thần lẫn nhau. Tuy nhiên, cầu nguyện và ngồi thiền một mình cũng thường được xem là quan trọng, cũng như sống theo tín ngưỡng ngoài đời hay với những người không theo đạo đó. Đây thường là một chức năng của tôn giáo đó.
    [sửa]Tín ngưỡng tôn giáo

    Tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin và sự sùng bái thần thánh hay các quyền lực vô biên, siêu nhiên, vào cuộc sống sau khi chết…, tóm lại, là những phát biểu mà vì đó các thành viên của một tôn giáo nào đó gắn bó vào đó.[3] Câu chuyện về Adam và Eva là một ví dụ về tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng thường phát sinh khi một lãnh tụ tinh thần khẳng định một số hiểu biết đặc biệt về chân lý thần thánh và tổ chức tín đồ của mình. Cũng có quan điểm cho rằng, tíng ngưỡng tôn giáo là hoạt động tôn giáo ít hay không có điểm chung với các tổ chức tôn giáo khác trong một xã hội cụ thể.[4] Theo quan điểm này thì tín ngưỡng là một cái gì đó hoàn toàn mới, nó có thể là kết quả của sự truyền bá quan điểm tôn giáo từ một xã hội này sang một xã hội khác, nơi mà nó chưa từng có tiền lệ. Do vậy khi mới hình thành, tín ngưỡng thường chưa được chính thức hóa và hay có mâu thuẫn với xã hội, nếu tiếp tục phát triển, tín ngưỡng sẽ trở nên có tổ chức, nghi lễ chặt chẽ hơn và có thể trở thành tôn giáo. Tuy nhiên tín ngưỡng tôn giáo không phải là các giáo phái, giáo phái là những nhóm ly khai với giáo hội hay tổ chức tôn giáo truyền thống của nó còn tín ngưỡng thì hoàn toàn mới.
    [sửa]Vai trò của tôn giáo trong xã hội

    Tôn giáo là một phổ quát văn hóa nên nó đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người. Các nhà xã hội học, dù là duy chức năng hay duy xung đột đều nhất trí rằng tôn giáo là một định chế xã hội và có các chức năng chính sau:
    Chức năng tích hợp xã hội hay còn gọi là kết hợp xã hội: tôn giáo có các giá trị, tiêu chuẩn của nó, vì thế những người có cùng một tôn giáo gắn bó với nhau hơn nhờ những giá trị và tiêu chuẩn chung ấy. Từ xã hội nguyên thủy, những thành viên của xã hội đã có chung một vật tổ – biểu hiện hữu hình của sự gắn kết. Ngày nay, tất cả những đồng tiền giấy của nước Mỹ đều in dòng chữ: Chúng con tin tưởng tuyệt đối vào Chúa hàm ý sự đoàn kết tập thể dự trên niềm tin. Tôn giáo, dẫu đó là Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo, cũng đều cung cấp cho người ta ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của họ. Nó mang đến cho họ những giá trị tối hậu và những cùng đích nào đó để giữ họ chung lại với nhau.[5]. Trong những thời điểm khủng hoảng hay hỗn loạn, tôn giáo cũng giúp cho con người gắn bó với nhau hơn. Tuy vậy, tôn giáo không phải là định chế xã hội duy nhất có chức năng tích hợp, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc…cũng là chất keo gắn kết những thành viên của một xã hội. Mặt khác, cũng có khi sự “rối loạn chức năng” xảy ra, đó là lúc tôn giáo góp phần vào sự căng thẳng, thậm chí xung đột giữa các nhóm hoặc giữa các quốc gia với nhau. Thời Trung Cổ, niềm tin tôn giáo thúc đẩy tín đồ Cơ Đốc châu Âu tổ chức thành những đạo quân Thập tự chống lại tín đồ Hồi giáo phương Đông. Ngày nay, mâu thuẫn giữa các tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo cũng góp phần vào sự bất ổn định chính trị của khu vực Trung Đông hay căng thẳng giữa các tín đồ Tin Lành với Thiên Chúa giáo ở Bắc Ireland; giữa các tín đồ Ấn Độ giáo với đạo Sikh ở Ấn Độ…
    Chức năng kiểm soát xã hội: theo quan điểm duy xung đột, đặc biệt là của Karl Marx, tôn giáo ngăn cản sự biến đổi xã hội bằng cách khuyến khích những người bị áp bức vào các quan tâm ở thế giới khác, thay vì vào sự đói nghèo, hay sự bóc lột đang hiện diện. Tôn giáo góp phần kiện toàn các định chế và trật tự xã hội như một tổng thể, duy trì hiện trạng của xã hội, giữ nguyên cấu trúc bất bình đẳng của nó cũng như củng cố lợi ích của tầng lớp thống trị. Thiên Chúa giáo dạy con người sự vâng lời và như vậy rất có thể nó làm cho những người bị áp bức không chống lại; hay hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ định hình cấu trúc xã hội của đại đa số người theo Ấn Độ giáo; những người cầm quyền thường viện dẫn tôn giáo để thực hiện quyền kiểm soát xã hội… Về điều này, có thể tóm tắt trong câu nói nổi tiếng của Karl Marx: tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại. Tóm lại, tôn giáo thúc đẩy tính tuân thủ xã hội và qua đó duy trì sự ổn định. Mặt khác, những nghiên cứu của Max Weber[6] về giáo phái Calvin của đạo Tin Lành đã dẫn đến kết luận tôn giáo có tác dụng thúc đẩy xã hội. Các cải cách của Tin Lành đã dẫn đến việc duy lý hóa xã hội, con người thay vì chấp nhận số mệnh và hướng về đời sống sau khi chết theo truyền thống, phải đạt tới cuộc sống thịnh vượng, phải phấn đấu để thành công bằng mọi nỗ lực để thực hiện hoạch định của Chúa[7]. Weber cho rằng chính vì thế chủ nghĩa tư bản hình thành vững chắc ở những nơi mà giáo phái Calvin phát triển mạnh, thậm chí còn gọi tinh thần của tôn giáo này là cốt tủy của chủ nghĩa tư bản.

    Những người Hindu sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên dễ dàng hơn sau khi tắm nuớc sông Hằng

    Chức năng hỗ trợ xã hội: dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, thất bại, thiên tai, bệnh tật,… cái chết của những người thân thuộc, yêu quý và cái chết của chính bản thân mình. Trong những lúc như thế, cuộc sống rất dễ bị tổn thương và trở nên vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khó bị rơi vào tuyệt vọng hơn. Một số tôn giáo còn cung cấp cho con người những biện pháp như cầu nguyện, cúng bái thần linh trong niềm tin rằng những việc làm như vậy sẽ giúp cải thiện tình hình. Trên góc độ khác, tôn giáo còn cho con người một cứu cánh trong bất hạnh đó là coi bất hạnh ấy là ý của đấng thiêng liêng và có một ý nghĩa nào đấy mà con người không nhận thức được. Trong nghĩa cơ bản, tôn giáo tạo ra phương tiện để giải quyết những vấn đề sau cùng: sống, chết mà không có lẽ phải thông thường nào có thể đưa ra lời giải đáp.[8] Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ Peter Berger nêu rằng khi đối mặt với những đe dọa như tai họa hay cái chết, sức mạnh hỗ trợ của niềm tin thần thánh hay sự thiêng liêng giảm đi rất nhiều nếu con người xem thần thánh đơn thuần chủ yếu là công cụ để giải quyết bi kịch ….

    Like

  2. [sửa]Tôn giáo và chính trị

    Trong lịch sử, tôn giáo thường đi song song với chính trị. Các hoàng đế Trung Quốc lấy căn cứ quyền của họ từ Thiên mệnh (天命). Giáo hội Công giáo Rôma đã thống trị phần lớn châu Âu cho đến cuộc Cải cách Tin lành. Đến Thời đại Ánh sáng vào thế kỷ 18 tại châu Âu, nhiều triết gia tin vào việc cách ly tôn giáo và nhà nước. Hiện nay tôn giáo đóng nhiều vai trò khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới:
    Tôn giáo cách ly: tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Pháp, hiến pháp cách ly tôn giáo và nhà nước. Các quốc gia này thường cho phép người dân tự do tín ngưỡng, nhưng không công nhận bất cứ tôn giáo nào để khỏi bị xem là thiên vị.
    Quốc giáo: Một số quốc gia có một quốc giáo, một tôn giáo được nhà nước công nhận là chính thức và nhận thuế từ dân, tuy nhiên người dân vẫn được phép tự do tín ngưỡng. Trong các nước này gồm có một số nước Hồi giáo, Công giáo và những nước như Thái Lan (Phật giáo), Anh (Anh giáo). Tuy nhiên, các viên chức quốc giáo không có địa vị quan trọng trong chính quyền, trừ quốc trưởng.
    Thần quyền: Tại một số quốc gia, điển hình là Iran và Tòa thánh Vatican, tôn giáo và chính quyền là một. Các viên chức quan trọng trong tôn giáo cũng là viên chức trong chính quyền.

    Like

  3. Thật tế mình ở nước ngoài thì không sao. Nhiều người hay bạn ở Việt Nam dùng Internet “bị chặn” một số links, nên mình thường post link, cũng như nội dung chính liên quan. Mọi người có thể đọc nội dung chính hay bấm vào link đều được.

    Có ai đó ví đạo như vai trò của bệnh viện. Khi người ta trẻ và khoẻ mạnh thì mấy cái bệnh viện là thừa hay không cần thiếc. Khi già hay bệnh tật thì người ta thấy bệnh viện là quan trọng và cần. Có lẽ đây là cách giải thích đơn giản về đạo mà ai cũng hiểu được.

    Tại châu Âu xuất hiện hình thức “đa đạo” có lẽ phù hợp với giới trẻ và đời sống hiện tại. 

    Thật tế tại Việt Nam cách đây 20 năm, mùa hay lễ Giáng sinh cũng đã được biết đến nhiều do các gia đình, hội thánh, giáo sứ … cũng như các trường trước của các hội thánh tổ chức, như trường Bùi Chu, trường Đắc Lộ … Khi học cấp 2, cấp 3, rồi lên ĐH, thì mình vẫn tham gia đón Giáng sinh cũng các bạn học. Mọi người thường tổ chức ăn uống, nghe nhạc, ca hát … sau đó kêu nhau lên nhà thờ Đức Bà, đi chơi qua đêm.

    Chúc Hoà luôn khoẻ, yêu đời và yêu đạo. Mà Hoà theo đạo gì vậy? Mình lúc nhỏ hay đi chùa, có cả pháp danh, bây giờ thì không có theo đạo nào cả, vẫn giữ đạo Ông Bà, đạo Cha Mẹ, Gia đình, Anh em và bạn bè. Các sách, nhạc hay các links nào hay và thích về tôn giáo, triết, … thì nghe và đọc khi có thời gian. 

    PS:
    The Original Jesus: The Buddhist Sources of Christianity
    Elmar R. Gruber and Holger Kersten

    http://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_and_Christianity

    http://en.wikipedia.org/wiki/Holger_Kersten#Travels_to_India_and_Tibet
    http://en.wikipedia.org/wiki/Lost_years_of_Jesus

    Like

  4. Cảm ơn Mekong đã chia sẻ. Mình thì không theo đạo nào cả (chắc cũng như Mekong bây giờ thôi 🙂 ). Có điều nếu tính cả thời bé đến giờ thì có khi lại ngược một chút, vì nhà mình không có ai theo đạo. Hồi bé xíu có nhớ đi xem Noel trong nhà thờ đúng 1 lần. Lớn lên chút cũng nghĩ giống nhiều bạn trẻ bây giờ là …chắc già mới học đạo Phật, vô chùa tìm hiểu kĩ hơn :D.

    Gần đây mình mới bắt đầu nghiên cứu về Christianity và Buddhism qua các chia sẻ của a Hoành và đọc thêm Bible lẫn các giải thích về kinh Phật.

    Nói chung mình cảm thấy tìm hiểu về đạo với người trẻ như mình thường là nhờ cái duyên (người già quan tâm thì dễ hiểu hơn 🙂 ). Mình cũng muốn introduce tới nhiều bạn trẻ lắm nhưng cảm thấy như họ quá bận rộn và “từng trải” với cuộc sống nên không muốn tìm hiểu, cho là thiếu thực tế. Biết làm sao được!

    Chúc Mekong một năm mới nhiều bình an nhé. Nếu có thể, mình cũng rất vui được làm quen (có lẽ Mekong nhiều tuổi hơn mình).

    (À, Mekong có giới thiệu cuốn sách phía dưới comment, liệu Mekong có thể giới thiệu cụ thể hơn được không?. Mình cũng chưa đọc bao giờ).

    Khánh Hòa

    Like

  5. Các sách và tác giả Đức – Việt:

    http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=541771

    Siddhartha – Hermann Hesse

    Trung thành với mối ưu tâm đầy màu sắc triết học từ thuở ấu thơ về cuộc kiếm tìm ý nghĩa tồn tại của con người, qua “Siddhartha”, một lần nữa Hermann Hesse (1877 – 1962, Nobel Văn chương năm 1946) trở lại với hình tượng chàng trẻ tuổi hăm hở lên đường tìm chân lý.

    Tên sách: Siddhartha
    Tác giả: Hermann Hesse
    Dịch giả: Lê Chu Cầu
    NXB Văn học và Công ty Nhã Nam ấn hành tháng 8/2009

    Đây cũng chính là hình tượng quen thuộc của văn chương thế giới từ cổ chí kim – từ Odysse cho tới Don Rodrigue, từ Don Quijote cho tới Đường Tam Tạng…

    Điều khác biệt của con người đi tìm chân lý trong Siddhartha chính là anh ta xuất phát từ chỗ “có đạo” chứ không phải từ “vô minh” mà kiếm tìm một con đường dung thứ bản ngã. Tại sao đã có đạo lại còn phải tầm đạo? Phải chăng, điều nhà văn muốn bày tỏ và khuyến dụ bạn đọc chính là một quan niệm kép, “đạo” từ đạo, giác ngộ của giác ngộ?

    Chàng trẻ tuổi Siddhartha xuất thân từ một gia đình Bà la môn quyền quý, vầng trán của chàng khi đảnh lễ khiến rung động xiết bao trái tim thanh nữ, đạo hạnh của chàng nức tiếng gần xa. Nhưng Siddhartha vẫn quyết chí dứt tình cha để lên đường tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Như vậy, hành trình của chàng trai xuất phát từ một sự đoạn tuyệt, hay là mối nghi ngờ đối với chính cái khuôn thước tư tưởng mà chàng đã mang kể từ khi sinh ra. Nhìn rộng ra, đó là một tinh thần hồ nghi đối với lý thuyết nói chung, cho dù lý thuyết ấy có đẹp đẽ đến đâu – điều này là tất yếu đối với một tuổi trẻ khát khao tri thức và điều cao cả.

    Tìm theo những tu sĩ khổ hạnh trong rừng sâu, gặp gỡ cả Đức Thích Ca Mâu Ni muôn phần an lạc, nhưng Siddhartha vẫn kiên quyết rằng con đường của mình là ở phía trước – chàng muốn được tự chứng nghiệm giây phút giác ngộ, điều mà chàng tin rằng không thể đến chỉ qua việc nghe thuyết pháp. Rúng động cả thể xác và tâm can trước vẻ đẹp huy hoàng trong một khoảnh khắc của không gian tinh khiết, chàng quyết phải trở lại đắm mình vào bể dục lạc và hiện hữu của đời sống thế tục.

    Dẫu chàng chẳng có một manh áo lành.

    Chẳng có một kỹ năng tồn tại giữa xã hội.

    Điều duy nhất chàng có là tâm trí sáng suốt của một kẻ tu tập, mà chàng đem đánh đổi với Kamala, nàng kỹ nữ danh giá, giàu có nhất kinh thành, để học lấy mọi nghệ thuật tinh vi của lạc thú thể xác. Học buôn bán với thương gia lọc lõi Kamaswami, chàng chẳng quan tâm đến mánh lới lãi lời, chỉ lấy niềm vui chan hoà mà đối đãi.
    Chàng không cầu tiền bạc mà tiền bạc tự đến.
    Chàng không cầu tình yêu mà Kamala lại đem lòng yêu chàng tới chết.
    Không nhắm vào bất cứ một mục đích hiện hữu nào: tiền bạc, danh lợi, ràng buộc đời sống…, Siddhartha chỉ muốn trải nghiệm tột cùng mãnh liệt và vân vi nhất những cảm giác ngũ quan cũng như tổng hoà của nó, sự toàn mãn và sâu lắng của nội giới.

    Còn quan trọng hơn cả tinh thần hồ nghi lý thuyết, nhân vật của Hesse tự bản chất là kẻ “có đạo”, dù anh ta có tuân thủ giáo lý hay không: đó là lòng thiện lương thiên bẩm, ý nguyện tới điều lành, không tham lam, lòng trung thực sòng phẳng tận cùng và không bao giờ xâm phạm kẻ khác.

    Như dòng sông đã chảy qua những quanh co ghềnh thác, Siddhartha đã sống trọn nghĩa lý sự tồn tại của con người nơi cõi thế.

    Hành động một lần nữa rũ bỏ, dứt áo ra đi khỏi cuộc sống bộn bề và chán ngấy dục lạc, thực ra chỉ mang tính chất tượng trưng. Quay trở lại dòng sông cũ, dòng sông mà thời trai trẻ chàng đã một lần vượt qua để đi tầm đạo, tựa như một hành trình liên hoàn từ Con người tới Con người. Con người lúc trước chưa cảm giác và suy nghiệm, con người lúc sau đã căng đầy những dữ kiện tâm cảm, trí lự cho minh triết và giác ngộ.

    Học ở dòng sông chỉ là một cách nói tượng trưng. Lúc này Siddhartha đã có thể học ở chính mình, ở năng lượng suy tưởng dồi dào, không phút nào trì trệ, vừa thấu hiểu vừa bao dung đồng thời biết trân trọng mỗi giây khắc cuộc đời trôi qua như một biểu hiện của chân tính mãnh liệt, dẫu mong manh vô thường nhưng là bất tử của vạn pháp trong một vũ trụ nhất nguyên vô cùng.

    Khánh Phương
    _________________________

    Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
    Không buồn thương sao biết chuyện con người
    Không nghèo đói làm sao thi vị hóa
    Không lang thang sao biết gió mưa nhiều
    (Thích Nhất Hạnh)

    Like

Leave a comment