Kinh tế: IRSEC “Lãnh đạo VN cần lắng nghe đề xuất cải cách” – Nhà tài trợ lo lắng đồng VN mất giá

Lãnh đạo VN cần lắng nghe đề xuất cải cách

BBC


Các tổ chức quốc tế và giới đầu tư nước ngoài đang tăng cường kêu gọi Hà Nội cải cách. 

Giới đầu tư thấy ‘Con hổ kinh tế’ Việt Nam đang bước đi khập khiễng, theo lời tựa trong bài của Bottollier Amelie-Depois, AFP nêu ra cuối tuần qua.

Tác giả cho hay giới đầu tư nước ngoài nói Việt Nam đã và đang tụt lại phía sau các nước láng giềng.

Việt Nam từng được coi là “con hổ châu Á” cách đây hai thập niên, tuy nhiên Hà nội cần phải cải cách hơn nữa để bắt kịp với các nước trong vùng.

Cơ sở hạ tầng quá bề bộn, lực lượng lao động trình độ còn non yếu, tệ quan liêu và tham nhũng quá đáng chỉ là một vài trong số những vấn đề mà các nhà đầu tư đề cập.

Các kỳ vọng và những hứa hẹn hồi thập niên 1990, khi quốc gia cộng sản bỏ nền kinh tế tập trung để chuyển sang qui luật kinh tế thị trường, đã không thành hiện thực.

“Hầu hết các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ Việt Nam (AmCham) nói.

“Tuy nhiên, Việt Nam đang phải cố gắng để xứng với tiềm năng của mình do chậm trong việc đạt tiến bộ đối với một loạt rào cản lâu năm ở khu vực đầu tư.”

‘Quốc gia thiếu điện’

Trong hai thập niên qua Việt Nam nằm trong số các nước châu Á phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7,1% từ năm 1990 đến năm 2009, theo Ngân hàng Phát triển châu Á.

Thực trạng quan liêu và tham nhũng quá đáng chỉ là một vài trong số những vấn đề giới đầu tư nước ngoài quan ngại.

Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD, quốc gia 86 triệu dân hiện là một nước có “thu nhập trung bình” theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới.

Nhưng Việt Nam vẫn còn cách xa Đài Loan, Singapore hay Nam Hàn, nơi tốc độ tăng trưởng nhanh khiến các nước này được xem là các “nền kinh tế con hổ” và sự thành công của họ là giấc mơ đối với Việt Nam.

Việt Nam có “nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, không có khả năng phát triển từ một nền kinh tế dựa vào lao động rẻ và phương pháp sản xuất công nghệ thấp “, ông Matthias Duhn, Giám đốc Điều hành Eurocham, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nói.

Những cảnh báo được đưa ra ngay trước Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào giữa tháng 1/2011.

Tại Đại hội, các đại biểu sẽ quyết định các ghế lãnh đạo chủ chốt trong năm năm tiếp theo, cũng như “hướng đi kinh tế chính” của Việt Nam, ông Benoit de Treglode, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (IRASEC) ở Bangkok.

Ông Benoit de Treglode nói cộng đồng quốc tế đã tăng cường kêu gọi cải cách trước Đại hội Đảng với hy vọng các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ lắng nghe.

Vào hôm thứ Năm tuần trước, giới lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã lại nêu về những quan ngại của họ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hai lần trong năm.


Kêu gọi cải tổ gia tăng trước Đại Hội Đảng.

Họ kêu gọi phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động, giảm bớt bộ máy quan liêu và thực hiện những cải cách khác nữa.

Chủ tịch AmCham cũng nói tại diễn đàn rằng Việt Nam đã vi phạm cam kết của mình đối với Tổ chức Mậu dịch Thế giới bằng việc đưa ra qui định kiểm soát giá mới nhắm vào các công ty nước ngoài.

Một số quan chức thân cận với giới chóp bu thừa nhận nhu cầu phải cải cách.

“Người ta ‎đã quá để ý tăng về lượng đầu tư hơn là về chất, cũng như hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh,” ông Trần Tiến Cường từ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã được trích dẫn trên Vietnam News gần đây.

Eurocham được trích dẫn ước tính rằng Việt Nam cần khoảng 70-80 tỷ đô la đầu tư cho đường bộ, đường sắt, và cơ sở hạ tầng cảng biển từ 5-10 năm tới.

Con số này sẽ tăng lên mức 120 tỷ đôla nếu bao gồm cả hạ tầng về năng lượng tại quốc gia đang thiếu điện.

‘Hội chứng Vinashin’

Đó là chưa kể những trở ngại khác bao gồm tệ tham nhũng cố hữu và thực trạng bất ổn của đồng tiền Việt Nam, bị phá giá ba lần kể từ cuối năm ngoái.

Giới đầu tư nước ngoài cũng đang quan ngại đặc biệt đối tình hình tài chính của các tập đoàn nhà nước lớn trong những tháng gần đây

Trong khi Vietnam Airlines tỏ ra là hãng hàng không nổi lên trong khu vực, các nhà đầu đang tự hỏi hãng hàng không quốc gia này liệu có cùng cảnh với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Vinashin, hay không.

“Đảng Cộng Sản không thể ở cái thế nhắm mắt làm ngơ.”
Benoit de Treglode, Viện IRASEC

Vinashin có nguy cơ bị phá sản với khoản nợ ít nhất là 86 ngàn tỷ đồng (4,4 tỷ USD).

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam lấy làm tiếc rằng khu vực quốc doanh tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

“Nhà đầu tư đang đặt câu hỏi tập đoàn nhà nước nào trong số tập đoàn được mở rộng quá đà sẽ sụp đổ tới đây, hoặc phải đưa nợ xấu vào bảng cân đối kế toán của họ,” ông nói.

Việt Nam luôn tiến hành cải cách theo tốc độ riêng của mình – chậm mà chắc.

Nhưng ông Benoit de Treglode cho hay các yêu cầu cải cách của cộng đồng doanh nhân quốc tế đã và đang tăng độ cộng hưởng trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông nói rằng với một triệu thanh niên bước vào thị trường việc làm hàng năm, đảng đương quyền lo duy trì quyền lực “không thể ở cái thế nhắm mắt làm ngơ” trước những đề xuất từ các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Nhà tài trợ quan ngại tiền đồng mất giá, lạm phát tăng mạnh

– Trong khi IMF, WB nhận định lạm phát đã tăng mạnh, có thể tăng đến hai con số năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cho hay Chính phủ đang nỗ lực để “lạm phát trong tầm kiểm soát” với dự báo ở mức 8,5%.

Áp lực lạm phát gia tăng, sự mất giá của tiền đồng đã làm nóng hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc sáng nay (7/12). Các nhà tài trợ lo ngại vấn đề này có thể làm ảnh hưởng lòng tin của họ tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Lo tiền “mất giá liên tục”

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho hay đến cuối tháng 11, tỉ lệ lạm phát đứng ở mức 11,1%, 11 tháng đầu năm  9,6%. Lạm phát giá lương thực hàng năm lên đến 14,8%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2009. WB dự báo lạm phát cho cả năm nay sẽ vào khoảng 10,5% – cao hơn mức 8% mà Quốc hội đề ra.

Ảnh: XL

Cùng khẳng định lạm phát đã tăng mạnh, dự kiến có thể tăng hai con số trong năm nay, ông Masato Miyazaki, quan chức khu vực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bắt bệnh: “Giá lương thực, thực phẩm cao hơn đã góp phần làm tăng lạm phát, cầu nội địa cao cùng với sự mất giá của VND cũng đóng vai trò quan trọng làm lạm phát tăng”.

IMF khuyến cáo Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ để khôi phục một cách có trật tự các điều kiện trên thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát. Trong khi đó, với tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ vượt quá mục tiêu năm nay là 25%, IMF cho rằng đây là mức “quá cao” đối với nền kinh tế. Thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và mức thâm hụt tài khoản vãng lai (không kể vàng) được dự báo ở mức dưới 7% của GDP vẫn còn rất lớn.

IFM bày tỏ lo ngại việc tỷ giá VND đã phải chịu áp lực “mất giá liên tục” kể từ mùa hè, mặc dù đã được phá giá 2,1% trong tháng 8 và các lãi suất chính sách đã được tăng thêm 100 điểm cơ bản vào tháng 11. Tỷ giá thị trường tự do đã nằm ngoài biên độ của tỷ giá chính thức khoảng 10%.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay “kiểm soát lạm phát và mục tiêu là vấn đề lớn”. “Mục tiêu là kiểm soát lạm phát và con số lạm phát không quá 7%. Trong kỳ họp Quốc hội 8 vừa qua đã thấy vấn đề kiềm chế lạm phát là khó thực hiện và dự báo cả năm nay là 8,5%. Sau đó, do tình hình diễn biến của tháng 10 và tháng 11 do một số hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, rồi tỉ giá, thiên tai, nên ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lạm phát khiến con số đã lên 9,58%. Chính phủ đang cố gắng để lạm phát trong tầm kiểm soát. Và hy vọng 2011 sẽ giữ ở mức 7%”, ông nói.

Lo lắng lạm phát cao cũng như sự mất giá của tiền đồng tạo ra khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn ra đầy bất trắc, Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tanizaki cho rằng “Chính phủ cần thực hiện những biện pháp hiệu quả mạnh mẽ để khôi phục lòng tin của nhà tài trợ vào tiền đồng, sớm ổn định thị trường tiền tệ nội địa”.

Tránh giải pháp “giật cục”

Trước những lo ngại của các nhà tài trợ về lạm phát tăng mạnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Văn Giàu cho hay đã tiến hành chính sách điều chỉnh lãi suất chủ chốt, bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Chúng tôi mới điều chỉnh một tháng và vẫn tiếp tục theo dõi”, ông Giàu cho hay. Trong bản thảo dài 5 trang lưu hành tại hội nghị, Thống đốc cũng đã đưa ra chi tiết 3 nhóm giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.

Ông khẳng định “các công cụ chính sách tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát”. Cho rằng “mặc dù có nhiều tiến bộ”, ông Giàu nhận định thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam còn nhiều thách thức phía trước, nhất là tính ổn định để tạo lòng tin vững chắc, lâu dài đối với tâm lý xã hội và tâm lý thị trường.

Ảnh: XL

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ công bố trong tháng 11 vừa qua “tích cực nhưng chưa đủ”. Việt Nam nên thiết lập một chính sách tiền tệ dài hạn rõ ràng nhằm định hướng đạt được một mức lạm phát gần hơn lạm phát trung bình từ 2 đến 4% của các nước ASEAN trong khu vực.

WB thì cho rằng Việt Nam cần đảm bảo sự nhất quán xuyên suốt các mục tiêu của chính sách tiền tệ như lãi suất, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tỷ giá… nhằm tránh tình trạng điều chỉnh vội vàng và các giải pháp “giật cục” khi thực thi chính sách tiền tệ.

Tổ chức này nhận định bản thân mục tiêu hoạch định chính sách của Việt Nam dường như đã có sự “thiên vị cố hữu”, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Khi phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, thì chính phủ dùng đến các cơ chế hành chính – như kiểm soát giá cả và quỹ bình ổn giá – để kiểm soát lạm phát, mặc dù các biện pháp này không được sử dụng thường xuyên và thường trong các trường hợp cần thiết.

“Khi nền kinh tế trở nên phức tạp hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ cần có các chính sách thân thiện với thị trường hơn để đạt được mục tiêu bình ổn giá, trong đó bao gồm việc sử dụng nhiều hơn chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ”.

Theo IMF, các lãi suất chính sách vẫn còn rất thấp để có thể ngăn chặn kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về sự giảm giá của VND và lạm phát cao hơn. “Chúng tôi tin là chính phủ nên theo đuổi một gói gắn kết các biện pháp thắt chặt mà nên gồm có sự tăng lãi suất chính sách cao hơn nữa và sự củng cố ngân sách lớn hơn”.

Củng cố ngân sách nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP cũng là cần thiết. “Với hầu hết các biện pháp kích thích kinh tế đã hết hiệu lực vào cuối năm 2009, việc giảm thâm hụt ngân sách tổng thể từ dưới 9% GDP trong năm 2009 xuống khoảng 5,5% GDP trong năm nay là trong tầm tay, miễn là Chính phủ thắt chặt chi tiêu”, quan chức IMF nhận định.

Liệu có Vinashin thứ hai?

Đó là câu hỏi tân Đại sứ Anh Antony Stokes nêu khi quan tâm tới vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN). “Làm thế nào để giới đầu tư có lòng tin vào cách Chính phủ phát hiện ra Vinashin và cách hướng dẫn các công ty hoạt động hiệu quả hơn theo cơ chế thị trường? Đó là cách để tăng cường lòng tin và đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho giới đầu tư”, Đại sứ phát biểu.

Đại sứ Mỹ Micheal Michalak cũng đặt câu hỏi về kế hoạch của Chính phủ để không có thêm một vụ Vinashin xảy ra cũng như việc cổ phần hóa các DNNN phải mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Giám đốc ADB Konishi cho hay cần đảm bảo tính trách nhiệm, tăng cường giám sát hoạt động của DNNN, quản lý tốt để tránh những rủi ro có thể xảy ra, làm “rào cản” cho sự phát triển kinh tế quốc gia cũng như tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “Vinashin là một bài học đau lòng cho Việt Nam. Chính phủ sẽ không để xảy ra trường hợp tương tự nữa. Chúng tôi sẽ tăng cường các văn bản pháp luật, như Luật kiểm toán, nhằm nâng cao vai trò của kiểm toán và yêu cầu công khai, minh bạch thông tin kiểm toán”.

Ông Phúc cũng nói Việt Nam quyết tâm thực hiện lộ trình cải cách DNNN song do thị trường vốn chững lại nên tiến trình cổ phần hoá chậm. Về đầu tư của DNNN, ông cho hay Luật DNNN trước đây khi chuyển đổi có ý tưởng tạo cho DNNN có quyền chủ động trong đầu tư kinh doanh, song “quên” một điều. Đó là tài sản không phải của những người làm giám đốc DNNN mà là tài sản của dân, nhưng lại trao quyền như tài sản tư nhân nên dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Nhưng luật này hết hiệu lực từ 1/7 vừa qua.

Xuân Linh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s