Ừ, chỉ có vậy mà cũng không biết…

Chào các bạn,

Có một điều mình không biết cả mấy mươi năm, và chỉ khám phá ra những năm gần đây thôi. Đó là khái niệm về tính khí của mình.

Từ nhỏ đến lớn mình hiểu được tính khí của mình như thế nào—chuyện gì có thể làm mình vui, chuyện gì làm mình giận, thích loại người nào, ghét loại người nào, ước mong gì, không ước mong gì, mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào… Và mình nghĩ rằng “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Trời sinh mình tính khí như thế, thì dùng tính khí đó để sống cách nào tốt nhất, thành công nhất trong đời. Đó là nghệ thuật sống.

Như người sinh ra với cơ thể như thế–yếu ớt hay mạnh mẽ, dáng đi như thế, giọng nói như thế–thì cứ vậy mà sống với cái trời cho và cố dùng chúng để thành công.

Nhưng…

Mình quên mất là hồi nhỏ mình có học võ. Vì nhỏ con và yếu ớt, cứ bị chúng ăn hiếp, cho nên mình đi học võ, và sau khi mình học võ một thời gian thì tay chân mình nhanh hơn nhiều, mạnh hơn nhiều, khả năng tự vệ cao hơn nhiều, và chẳng còn bị ma nào ăn hiếp cả.

Có nghĩa là cơ thể yếu đuối trời cho không bắt buộc phải bị yếu đuối mãi, có thể làm cho mạnh mẽ hơn, và nhờ đó mà thay đổi cách sống—thay vì sợ bị ăn đòn thì sống thoải mái tự do hơn.

Nhưng dù mình rất am hiểu việc huấn luyện cơ thể, mình chẳng bao giờ nghĩ đến việc luyện tâm cả. Thế mới lạ. Có lẽ vì sống cả mấy mươi năm mà chẳng hề nghe ai nói luyện tâm để sống bao giờ. Chỉ có một vài sách dạy vài kỹ thuật “Đắc Nhân Tâm”, phần lớn là các cử chỉ bên ngoài. Nhà thờ thì chỉ dạy đọc kinh, xưng tội, kiểu công thức, chẳng mấy ai nhấn mạnh gì đến tâm mình. Thiền thì nghe như là môn cho các cụ lên chùa không muốn làm gì với đời cả. Hơn nữa, hồi mình còn đi học, sách Thiền chỉ lèo tèo vài ba quyển, mà toàn là lảm nhảm điều không ai hiểu được (và mình tin là tác giả cũng chẳng hiểu họ viết gì), không được như ngày nay với rất nhiều nguồn về Thiền rất phong phú trên Internet. Cho nên mình sống rất mệt mỏi với cái tâm và những tính khí “trời sinh” của mình, cứ như là thiếu nữ mình hạc xương mai mà ngày nào đi học cũng phải bị một đám côn đồ rượt chạy.

Đó là chuyện ngày xưa. Vào những năm sau này, nhờ mần mò môn tư duy tích cực cho đến lúc vào được nguồn đầu tiên của nó từ Norman Vincent Peele, và nhờ trao đổi thường xuyên với các bạn bè trong giới lãnh đạo, mình mới khám phá ra một điều giản dị lẽ ra thì phải thấy được mấy chục năm trước. Đó là: “Cha me sinh ta, ta sinh tính ta”. Tâm tính mình, cũng như là cơ thể, bắt buộc phải được huấn luyện võ công thì mới thành mạnh mẽ được. Không tập võ thì công lực yếu kém và không tự bảo vệ được. Không có chuyện “trời sinh tính” rồi cứ để tính khí phát triển tự nó và không có công phu tập luyện để tâm tính thành kỹ luật và mạnh mẽ.

Điều còn lại chỉ là luyên tâm thế nào? Học điều gì và luyện điều gì? Và mình khám phá ra là các quy tắc luyện tâm đã nằm đó hàng nghìn năm, trong đống kinh sách của các tôn giáo lớn của thế giới. Chỉ có điều là người ta, kể cả các vị tôn giáo, thường chỉ biết hoặc chỉ quan tâm đến công thức tôn giáo mà không biết hoặc không quan tâm đến các vấn đề sâu thẳm của con tim, cho nên họ hoặc không nắm được hoặc không chuyển tải được tinh yếu của tôn giáo là tu luyện quả tim con người, chứ không phải là các nghi lễ tôn giáo.

Cho nên các bạn, nếu các bạn không muốn mất mấy chục năm vật lộn tinh thần rất mệt mỏi với đời sống, thì các bạn nên bắt đầu luyện tâm nghiêm chỉnh ngay từ bây giờ, khỏi tốn công mần mò tìm kiếm mấy mươi năm như mình.

Khiêm tốn là đầu mối của mọi đức hạnh và mọi sức mạnh”.

Chúng ta đã nói về rất nhiều thứ, nhưng để gom lại vào một mà thôi, thì đó là khiêm tốn.

“Không thấy ta, không thấy người khác, không thấy chúng sinh. Tất cả đều như nhau, đều là một”. Chỉ câu này thôi, các bạn có thể suy nghĩ, phân tích, “quán chiếu” về nó mỗi ngày, và dùng nó làm kim chỉ nam cho mọi tư duy và hành động của mình trong ngày.

• Nếu không thấy được là mọi người hơn mình, thì ít ra cũng cố thấy mọi người bằng mình và như mình, kể cả người thất học, người nghèo hèn, người tội lỗi…

• Nếu mình có cái hay để người khác học, thì mọi người đều có cái hay cho mình học. Cố tìm cái hay của họ khi nghe họ nói, kể cả khi họ phê phán mình.

• Nếu mình có cái yếu để tha thứ, thì mọi người khác đều có cái yếu để mình tha thứ. Hãy tha thứ và yêu mến họ khi mình nghĩ là họ lầm lỗi.

• Nếu mình có lý trong của mình trong mỗi câu nói, thì mọi người khác đều có lý của họ trong mỗi câu nói của họ. Hãy tìm hiểu để đồng cảm.

• Mình không muốn người khác giận khi nghe mình nói, thì khi người khác nói mình đừng giận, dù đó là phê phán mình một cách không công bình. Tha thứ chỉ có nghĩa là tha thứ khi người ta “có tội” với mình.

• Mình muốn mọi người yêu mình, cho nên hãy yêu mọi người.

— Chúa Giêsu nói 2 điều luật chính: (1) yêu thượng đế với cả con tim, cả linh hồn, cả khối óc và cả sức mạnh của mình, và (2) yêu láng giềng như yêu chính mình.

Trong công thức Giêsu, yêu thượng đế rất quan trọng. Nếu ta không cực kì yêu thượng đế, thì ta không đủ sức mạnh để yêu người khác vô điều kiện, nhất là yêu những người “xấu”. “Yêu Thượng đế” chính là nguồn sức mạnh tinh thần để ta có thể yêu mọi người khác.

— Phật dạy con đường giác ngộ là “không thấy ta, không thấy người khác, không thấy chúng sinh…” Tức là, nhìn người khác, nhìn chúng sinh khác, thì cũng cứ như là nhìn chính mình, với cùng cảm xúc và tư duy. Đó là đỉnh điểm của tu tập, và của giác ngộ.

Khi nghe người khác nói, ta nghe như là chính mình nói, có thể cảm xúc được cảm xúc của người nói, hiểu được mong ước của người nói… và chấp nhận câu nói như vừa từ trong miệng mình nói ra. Một hành động của người khác, ta cũng có thể cảm nhận như chính ta là người đó đang làm…

Dĩ nhiên không dễ để làm các điều này. Nhưng chúng là đỉnh điểm của tu tập. Chúng ta phải hiểu được, để biết được sao bắc đẩu của tiến trình tu tập của mình là gì.

Mỗi ngày chúng ta cần vài phút tĩnh lặng, để nhìn lại các tư duy và hành động của mình, để xem chúng có nằm trong hướng đi đến đỉnh điểm hay sai hướng. Các phút tĩnh lặng này có thể là ngồi thiền, hay “nằm thiền”, hay cầu nguyện… Hình thức không quan trọng bằng tiến trình “review” (xét lại) trong tĩnh lặng, hàng ngày.

Rất giản dị. Chỉ có vậy thôi. Nhưng nó đòi kiên trì tập luyện không ngừng. Các vị thầy dạy nhạc thường nói với học trò, “Mỗi ngày cứ chạy các thang âm lên xuống này—đồ rê mi fa sol la si đô, đô si là sol fa mi rê đồ–cho đến khi nhuần nhuyễn”. Chỉ giản dị có thế, nhưng có thể tốn 10 năm để nhuần nhuyễn, và đây là thực hành cả đời người nghệ sĩ, không ngừng.

Khiêm tốn là nguồn gốc của mọi đức hạnh và mọi sức mạnh. Các bạn đừng quên câu này.

Chúc các bạn một ngày tươi vui.

Mến,
Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

13 thoughts on “Ừ, chỉ có vậy mà cũng không biết…”

  1. Dear Anh Hai

    Em cảm ơn Anh Hai đã chia sẻ chính kinh nghiệm bản thân để làm hành trang quí báu, rút ngắn hành trình tìm kiếm tu luyện cho những ai muốn trở nên người tốt người hữu ích cho mình và cho đời.

    Em được may mắn sống trong môi trường giáo dục luyện tâm rất sớm nhưng trong thực tế đôi khi thiếu đi sự kiên trì cũng như nhân đức nền tảng là sự khiêm tốn nên thường xuyên phải bắt đầu lại từ khởi điểm 😛

    Em cảm ơn Anh Hai về những chia sẻ nhắc nhở: “Khiêm tốn là nguồn gốc của mọi đức hạnh và mọi sức mạnh. Các bạn đừng quên câu này”

    Em M Lành

    Like

  2. Dear a Hoành,

    E cảm thấy may mắn và biết ơn khi đọc những bài viết dễ hiểu, nhẹ nhàng của anh. Tuy nhiên, em vẫn còn chưa rõ lắm về cách luyện tâm. E hiểu thế này đúng không ạ?:
    – Tất cả suy nghĩ và hành động của mình đều quán chiếu về “Khiêm tốn, thật thà, yêu người”
    – Mình luôn có những khoảng “tĩnh lặng” để suy xét xem suy nghĩ, hành động đã theo kim chỉ nam ở trên chưa. Nếu chưa thì phải điều chỉnh về đúng hướng.
    – Việc luyện tâm như trên có chữa được các vấn đề về tâm lý như mặc cảm, trầm cảm, không hứng thú với bất cứ cái gì… không ạ?

    E cảm ơn anh nhiều ạ!

    Like

  3. Một bài viết rất hay.
    Em cũng đang trên đường tu tập khiêm tốn, điều em thấy thay đổi khá rõ từ khi đọc dotchuoinon đó là ” Luôn cố gắng tìm điểm tốt của người khác và đặt mọi người lên trên mình”. ” Đặt mọi người lên trên mình” là điều rất khó, vì đôi khi em thấy trong em còn tính kiêu căng, tự cho bản thân hơn người khác, em vẫn đang trên đường luyện tâm và chắc cần thêm nhiều thời gian nữa để đạt được mức ” Khiêm tốn” thực sự.
    Nhờ các bài viết của anh, em thấy mọi điều nhẹ nhàng rất nhiều. Cám ơn anh nhiều.
    Chúc anh luôn mạnh khỏe.
    Em Nguyện

    Like

  4. Hi Nguyện,

    Khiêm tốn không cần thiết phải là xem người ta hơn mình, mà xem người ta bằng mình là được.

    Anh có cách học rất hay. Anh có thể nói chuyện với bất kì ai trong 5, 10 phút là anh có thể học được một hai điều từ người đó. Anh có thể nói chuyện ới em trong 5, 10 phút và anh học từ em điều gì đó. Nói chuyện với một nông dân, trong vài phút anh có thể học thêm một chút về trồng và dưỡng cầy mít chẳng hạn. Nõi chuyên với chị bán bánh mì vài phút, anh sẽ học thêm đươc cách làm thịt hay làm nước sauce hoặc cách nướng bánh mì. Nói chuyện với em bé 6 tuổi anh có thể bị thách thức vì các câu như “Tại sao con chim nó bay được mà mình không bay được” hay “Tại sao mặt trời thì nóng và mặt trăng thì mát’ hay “Tại sao mặt trăng hình tròn mà không vuông?”

    Có nghĩa là bất kì ai anh gặp trên đời, anh biết là người đó cũng đều có thể dạy anh một điều anh chưa biết, cũng đều là thầy anh về điều gì đó.

    Cho nên xem mọi người bằng mình, có thể là thầy mình về điều gì đó, dễ như ăn cháo. Không cần cố gắng mệt mỏi. Mà mình lại có kiến thức bằng 10 thiên hạ, vì ra đường mình luôn có thầy. Trò thì mình có lèo tèo vài ba người, thầy thì mình có đầy thiên hạ. Học thế thì không khá sao được?

    A. Hoành

    A. Hoành

    Liked by 3 people

  5. Hi Thanh Nhàn,

    Anh dạy “Tư duy tích cực”. Mọi điều anh viết đều là tích cực. Nếu em thực hành tích cực thì đương nhiên là từ từ mọi thứ tiêu cực trong em phải biến mất.

    Nhưng anh cảm thấy em có thể thiếu kiên trì, vì chưa tập mà đã lo quá nhiều về thành quả. Tư duy tích cực là cách sống cả đời, không để chỉ tập 6 tháng rồi nghỉ mà được gì.

    Em nên bắt đầu thực hành, và chừng 1, 2 tháng thấy có vài kết quả tốt cho em thì cứ như thế mà tập tiếp cả đời. Luôn luôn thấy mình khá hơn là được. Khỏi cần lo mọi thứ tiêu cực của em. Đừng nghĩ đến chúng. Tìm các bài về “Luật Hấp Dẫn” của anh mà đọc, thì em sẽ hiểu.

    Tập trung vào khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng.

    Chỉ có vậy.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  6. Nếu ta không cực kì yêu thượng đế, thì ta không đủ sức mạnh để yêu người khác vô điều kiện, nhất là yêu những người “xấu”. “Yêu Thượng đế” chính là nguồn sức mạnh tinh thần để ta có thể yêu mọi người khác. Em sẽ nỗ lực thực hành ạ!
    Em cảm ơn anh nhiều ạ!
    Em Ngọc

    Like

  7. Kính gửi Anh Hoành,

    Nhân việc đọc bài Trà Đàm sáng nay (26/05/2022) về điều quan trọng nhất của Lãnh Đạo là Tĩnh Lặng thì em đọc lại bài này, do nó được link với nhau. Và em mới tỉnh người ra, chợt bừng sáng lên, vì mình đã bỏ lỡ bài viết này 12 năm ròng.

    Vì vậy, em comment vào đây: trước là để cảm ơn Anh đã viết cả 2 bài Trà Đàm này; sau là để bài viết này được trội lên trong phần comment để nhằm việc nếu bạn nào đó đã lỡ giống như em thì bạn ấy có thể đọc, hiểu và thực hành thật thâm thì may ra mới có thể đi sâu, đi xa được.

    Biết ơn Anh,
    L.D

    Like

Leave a comment