World Bank, IMF, Viện KTVN: Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam?

Trực tuyến: Chuyên gia IMF “mổ xẻ” sự mất giá của VND

Tác giả: VEF

(VEF) – “Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để hồi phục lại niềm tin của những người tiết kiệm tiền đồng”, đại diện IMF bình luận trong cuộc bàn tròn “Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam” hôm 12/11/2010.

LTS: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010, lựa chọn nào trong chính sách điều hành năm tới đã được đại diện WB, IMF và Viện Kinh tế Việt Nam mổ xẻ, phân tích trong cuộc bàn tròn với chủ đề “Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam” hôm 12/11, do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – báo VietNamNet thực hiện.

Dưới sự điều hành của Chính phủ, không thể không ghi nhận những thành công trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cũng còn không ít hạn chế, điểm yếu trong điều hành, mà đây lại là những dấu hiệu tiềm ẩn bất ổn về kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn, sức ép lạm phát vẫn là một ẩn số, diễn biến thị trường vàng, ngoại tệ, lãi suất… phức tạp.

Một số điểm nghẽn khác cũng cản trở sự phát triển, đó là sự yếu kém của vài “con sâu” tập đoàn, tổng công ty nhà nước – vốn được ưu tiên phân bổ nhiều nguồn lực, là chi tiêu ngân sách quá tay, là nợ công ngấp nghé vượt ngưỡng an toàn, là hạ tầng cơ sở yếu kém, là chất lượng nhân lực chưa cao…

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần 1 cuộc bàn tròn trực tuyến này.

Nhà báo Việt Lâm: Xin kính chào quý độc giả của diễn đàn kinh tế Việt Nam và độc giả của báo điện tử VietNamNet. Vậy là năm 2010 sắp kết thúc, nhìn một cách thẳng thắn, không thể không ghi nhận, dưới sự điều hành của chính phủ, kinh tế Việt Nam năm nay đã đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt sáng của bức tranh, còn phía kia chưa được nhắc đến một cách thấu đáo là những vấn đề còn tồn tại lâu nay, được gọi là những nút thắt tăng trưởng như cơ sở hạ tầng yếu kém, chi tiêu ngân sách quá tay, bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực hữu hạn của quốc gia.

Cùng với đó, trong hai tuần qua chúng ta phải chứng kiến những diễn biến rất khó lường trên thị trường tiền tệ và áp lực lạm phát khiến cho mối quan ngại bất ổn vĩ mô của Việt Nam trở nên sâu sắc.

Bàn tròn hôm nay với Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam ông Benedict Bingham, tiến sỹ Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam hy vọng sẽ mổ xẻ những vấn đề trên, ngõ hầu đưa ra những chính sách khuyến nghị hiệu quả.

Câu hỏi đầu tiên dành cho 3 vị khách mời: Nhận định chung nhất của 3 vị về nền kinh tế Việt Nam năm nay?

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: Rất cảm  ơn câu hỏi của quý vị, tôi rất vui được tham dự bàn tròn này. Đánh giá của tôi về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2010 gồm 2 phần.

Thứ nhất, về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, rõ ràng Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế thế giới một cách khá lạc quan với xuất khẩu tăng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tốc độ tăng trưởng khả quan hơn so với năm trước, trong đó có nhiều ngành đã phục hồi tốt.

Tôi tin rằng mục tiêu của chính phủ Việt Nam về tỉ lệ tăng trưởng năm nay khoảng 6,5% là hoàn toàn có thể đạt được.

Tôi nghĩ thách thức với Việt Nam sẽ là việc ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn. Chính phủ Việt Nam từ cuối năm 2009 đã tập trung vào một số biện pháp nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô trong đó có việc củng cố chính sách tài khóa và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Những chính sách này đã có tác dụng trong đầu năm nay đối với thị trường và nền kinh tế. Kết quả là mối lo lạm phát giảm và thị trường hối đoái ổn định. Nhưng mấy tháng gần đây, tôi nhận thấy có những thay đổi trong môi trường kinh tế với bất ổn như nguy cơ lạm phát, tỉ giá USD/ VND biến động.

Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã nhận ra những dấu hiệu bất ổn đang gia tăng đối với nền kinh tế trong mấy tháng gần đây và có những hành động rất kịp thời để tái ổn định thị trường và lấy lại niềm tin.

Tôi nghĩ các diễn biến của nền kinh tế cần được theo dõi sâu sát hơn và phải có những khuyến nghị chính sách cần thiết để duy trì sự ổn định bền vững. Tôi tin rằng ông Bingham đồng nghiệp của tôi sẽ đưa ra những nhận định rõ ràng hơn cho điểm này.

Tỷ giá chỉ là triệu chứng của nợ công và lạm phát

Ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam: Tôi cũng đồng tình với những nhận định mà bà Kwakwa vừa đưa ra. Tôi cho rằng có một vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn là việc tại sao đồng Việt Nam đang bị tụt giá, bất chấp mấy tháng nay nền kinh tế đã có rất nhiều dấu hiệu lạc quan như bà Kwakwa vừa nêu.

Ví dụ việc tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được con số 6,5%, xuất khẩu phục hồi, nguồn FDI tăng. Vì thế, tôi nghĩ rằng, đối với người ngoài nhìn vào thì sự mất giá của đồng Việt Nam như vậy là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Nhất là khi các nước còn lại trong khu vực lại đối mặt với vấn đề hoàn toàn ngược lại. Nhìn trên bối cảnh toàn cầu, ta có thể thấy một xu hướng lưu thông của dòng vốn đó là từ những nước có nền kinh tế phát triển đang có dấu hiệu phục hồi chậm chạp chảy đến các nước đang có tốc độ tăng trưởng và nền kinh tế rất năng động trong khu vực Đông Á.

Những dòng vốn này chảy nhanh và mạnh tới mức mà một số nước Châu Á thậm chí đã phải tìm những biện pháp để hạn chế, kiềm chế những dòng vốn chảy vào để tránh áp lực tăng giá cho nội tệ của họ.

Vì vậy câu hỏi đặt ra là tại sao, Việt Nam – một trong những nền kinh tế có sự phát triển năng động nhất ở trong khu vực lại đối mặt với vấn đề hoàn toàn ngược lại với những nước khác, đó là đồng Việt Nam bị mất giá.

Rõ ràng, vấn đề đặt ra không phải là do thiếu nguồn đôla Mỹ. Nhìn vào cán cân thanh toán của nửa đầu năm nay, chúng ta thấy rõ ràng thâm hụt thương mại rất lớn, nhưng đồng thời dòng vốn chảy vào như đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, kiều hối còn lớn hơn.

Tôi thấy, dòng đôla đang chảy vào Việt Nam hoàn toàn đủ đối với nền kinh tế, và đó không phải vấn đề gây ra sự tụt giá của đồng Việt Nam.

Vì vậy, tôi nghĩ vấn đề ở chỗ người dân không muốn giữ tiền đồng ở thời điểm hiện nay. Tôi sẽ phân tích vấn đề này theo 2 mối quan ngại sau.

Một là vấn đề bà Kwakwa cũng vừa đưa ra, đó là đầu năm nay, các chính sách tập trung vào việc ổn định nền kinh tế vĩ mô với mục đích nhằm giảm lạm phát và giảm áp lực lên tiền đồng. Với những chính sách như vậy được thực thi vào đầu năm nay, người dân có niềm tin rất lớn vào tiền đồng.

Khoảng nửa sau của năm nay, các chính sách này có vẻ xa rời với mục tiêu ban đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dần sang tập trung vào tăng trưởng. Trong tình hình đó, người dân nhìn thấy lạm phát tăng trở lại trong khi chính phủ lại không có biện pháp kịp thời về mặt chính sách tiền tệ, họ bắt đầu lo lắng về những khoản tiết kiệm bằng tiền đồng của mình.

Rất khó để khiến người dân vẫn giữ được lòng tin khi lạm phát ngày càng tăng trong khi chính phủ lại chỉ nói đến việc siết chặt lãi suất. Tôi thấy rằng, các nhà đầu tư ở Việt Nam là những người rất thông minh và linh hoạt. Khi họ nhìn thấy một sự mâu thuẫn trong chính sách tiền tệ, lạm phát tăng trong khi lãi suất giảm, họ chắc chắn không thể giữ lòng tin và sẽ nhanh chóng chuyển đầu tư, tiết kiệm của họ từ tiền đồng sang tiền đôla và vàng.

Trong những tuần vừa rồi, chúng ta cũng thấy chính phủ bắt đầu có những biện pháp phản ứng đối với vấn đề này bằng cách tái định hướng chính sách tiền tệ trở lại với mục đích là giảm lạm phát, giải tỏa lo lắng cho nhà đầu tư và những người tiết kiệm.

Vấn đề là một khi chúng ta đánh mất lòng tin thì việc lấy lại nó còn khó hơn rất nhiều. Năm ngoái chúng ta cũng đã gặp phải tình trạng này. Vì vậy, hiện tại, chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra những chính sách mạnh nhằm hồi phục lại niềm tin của những người tiết kiệm tiền đồng.

Vì thế, về mặt chính sách tiền tệ, tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ phải làm việc rất nhiều trong những tuần tới để phục hồi sự ổn định trên thị trường ngoại hối.

Theo tôi, chính sách tiền tệ không phải là vấn đề duy nhất đang khiến cho người dân và các nhà đầu tư Việt Nam lo lắng. Chúng ta cũng thấy một vấn đề đang nóng lên trên diễn đàn quốc hội trong mấy ngày nay chính là vấn đề nợ công.

Người dân thấy nợ công năm ngoái khá lớn, năm nay nợ công lại tăng lên, họ lại thấy những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước lớn, và họ nghĩ nợ công sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên khoản tiết kiệm bằng tiền đồng của họ.

Tôi nghĩ, một trong những chiến lược cần thiết hiện nay là, trong thời gian diễn ra họp Quốc hội, những người đại diện của nhân dân phải tìm cách để cho cử tri thấy chính phủ cũng đang rất quan tâm tới nợ công và tìm cách giải quyết vấn đề liên quan tới thâm hụt công.

Điều đó có nghĩa, chính phủ phải đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng thâm hụt công năm nay sẽ giảm, và các kế hoạch tài chính năm tới phải cho thấy nỗ lực giảm thâm hụt công.

Người dân cũng muốn được đảm bảo một lần rằng những vấn đề do các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước lớn như Vinashin gây ra không làm ảnh hưởng xấu tới nợ công.

Tôi cho rằng quốc hội và chính phủ đang chỉ ra và đang tập trung vào những vấn đề đúng. Tôi tin rằng, nếu chính phủ giải quyết được hai vấn đề cơ bản nhất là lạm phát và nợ công, vấn đề của thị trường hối đoái, vốn chỉ là một triệu chứng của hai vấn đề trên, sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa.

Vỡ ra những căn bệnh là cơ hội để thay đổi

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Có lẽ phải nhìn nhận năm 2010 trong chuỗi của nhiều năm trước thì phán xét mới công bằng. Như thế, chúng ta sẽ mổ xẻ những nguyên nhân không chỉ ở những chính sách mà cả những điểm yếu cơ cấu bên trong.

Tổng quát của năm nay, đứng về phía những con số, tôi thấy tình hình không đến nỗi nghiêm trọng. Tức là nhìn vào trạng thái tĩnh thì thấy không có vấn đề gì thậm chí còn thấy thành công. Nhưng nếu nhìn vào trạng thái động thì chúng ta thấy có nhiều vấn đề và như ông Bingham nói, có lẽ phải mổ xẻ ở trạng thái động, như thế phải nối với những vấn đề dài hạn.

Trong năm nay, bên cạnh những thành tích, chúng ta thấy những căn bệnh kinh niên chưa xử lý được. Căn bệnh kinh niên ở đây là: thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, là xu hướng bất ổn như lạm phát.

Cùng với những căn bệnh kinh niên ấy, chúng ta thấy tình hình ngắn hạn biến động rất bất thường, gây ra trạng thái mất lòng tin của người dân vào chính sách. Mổ xẻ như thế mới thấy hết được những vấn đề cần xử lý.

Tôi cũng rất mong muốn được các vị khách quốc tế bình luận sâu thêm về những điểm yếu dài hạn. Phải làm rõ được điều đó thì mới chữa được những căn bệnh ngắn hạn. Đối với những căn bệnh ngắn hạn, tôi cho rằng nó có 2 vấn đề.

Thứ nhất, thông điệp chính sách vẫn chưa nhất quán. Thứ hai, cách phối hợp giữa các chính sách chưa tốt cho nên nó vô hiệu hóa, triệt tiêu tác động lẫn nhau ví dụ như chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đó là những vấn đề cần mổ xẻ. Năm 2010, 2011 là hai năm đặc biệt. Năm 2010 là năm kết thúc 10 năm chiến lược và 2011 là năm mở đầu cho một lựa chọn chiến lược mới. Những gợi ý này sẽ giúp chúng ta rất nhiều về cách nhìn trong một giai đoạn chiến lược mới.

Thứ hai, tôi muốn bổ sung thêm ý kiến của ông Bingham, năm nay, nhìn một cách lạc quan là năm làm vỡ ra rất nhiều vấn đề, không chỉ là những con số tích cực. Tôi lấy ví dụ như Vinashin, vụ việc vỡ ra cũng cho chúng ta thấy cần phải làm như thế nào. Hoặc câu chuyện bôxít hay câu chuyện đường cao tốc, đầu tư công … tất cả những chuyện ấy cho chúng ta thấy nhiều vấn đề vỡ ra cần phải giải quyết.

Như thế, lạc quan ở chỗ, khủng hoảng có tác dụng tốt, nó cho chúng ta thấy những điểm yếu, cách giải quyết những vấn đề đó. Vì vậy, lạc quan không phải nhìn từ các con số tăng trưởng vượt mục tiêu hay lạm phát là kiềm chế được theo đúng ý đồ … mà chính là phát hiện ra những điểm yếu để thay đổi. Điều đó rất cần cho chiến lược tới.

Giám đốc WB cắt nghĩa “cơn say” tăng trưởng của VN

(VEF) – “Việt Nam quá tập trung vào con số tăng trưởng, không phải do áp lực từ phía chúng tôi mà do truyền thống từ lịch sử nền kinh tế tập trung của Việt Nam”, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định trong bàn tròn “Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam” hôm 12/11.

LTS: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010, lựa chọn nào trong chính sách điều hành năm tới đã được đại diện WB, IMF và Viện Kinh tế Việt Nam mổ xẻ, phân tích trong cuộc bàn tròn với chủ đề “Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam” hôm 12/11, do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – báo VietNamNet thực hiện.

Trong phần 1 đã được đăng tải hôm 15/11, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, đã “mổ xẻ” nguyên nhân dẫn tới sự mất giá của tiền đồng. Theo ông, Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra những chính sách mạnh nhằm hồi phục lại niềm tin của những người tiết kiệm tiền đồng.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu tiếp tới bạn đọc phần 2 với nội dung chính xoay quanh câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.

Nhà báo Việt Lâm: Như ông Trần Đình Thiên nói, khủng hoảng là một cơ hội nhìn rõ những căn bệnh để có thể tìm ra giải pháp để sửa chữa. Nhưng rõ ràng chúng ta thấy, năm 2008 có một cuộc khủng hoảng lớn như vậy trên thế giới và hầu hết các nước đã tận dụng rất tốt khủng hoảng để tái cấu trúc kinh tế và sửa chữa những điểm yếu căn bản của nền kinh tế.

Vậy tại sao chúng ta cũng đề cập đến nhu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng 2008 đó nhưng đến bây giờ 2010 chúng ta lại phải nói về câu chuyện này?

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chúng ta  phải nhìn như thế này, có một điều rất lạ là khi chúng ta gia nhập WTO, cơ hội rất nhiều, đầu tư tăng lên, kể cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, thương mại mở ra rất lớn nhưng tăng trưởng kinh tế lại giảm xuống và bất ổn lại tăng lên.

Tình hình đó có ý nghĩa rất lớn, đó là thời cơ nhiều nhưng không chuẩn bị được tốt thì không thế hấp thu được thời cơ ấy. Thậm chí thời cơ ấy có thể biến thành nguy cơ trong phát triển.

Bài học ba năm qua cho thấy rằng, đáng nhẽ phải tập trung chuẩn bị năng lực khắc phục những điểm yếu để có thể cất cánh một cách đàng hoàng thì chúng ta lại chưa làm được việc ấy.

Mấy năm vừa rồi gợi cho chúng ta một điều là phải thay đổi những điều rất cơ bản. Điều này được đại hội Đảng đặt ra rất mạnh, tức là thay đổi hẳn mô hình tăng trưởng, đây là điều chúng ta nên ghi nhận.

Như vậy, chúng ta phải cần nhiều năng lực, cần nhiều thời gian mới giải quyết được vấn đề dài hạn. Nhưng mặt khác, chúng ta thấy nền kinh tế mấy năm nay lại vướng vào câu chuyện ngắn hạn, lúc nào cũng như chuẩn bị rơi vào vòng xoáy.

Tập trung nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn để thoát ra thì năng lực, điều kiện để giải quyết những vấn đề dài hạn sẽ bị hạn chế.

Điều đó, giải thích tại sao chúng ta nhìn thấy căn bệnh rồi nhưng chữa nó lại chưa được. Đến năm nay, câu chuyện đó lại được đặt ra và đặt ra một cách quyết liệt hơn. Tôi nghĩ rằng, với tình hình như năm nay, cùng với sự kiện đại hội Đảng sắp diễn ra có thể có những đổi mới có tính triệt để cao.

Hiện nay, ta đang gặp một tình huống có lẽ là đúng như ông Bingham nói, chúng ta đang rơi vào một cái gọi là vấn đề ngắn hạn rất gay gắt. Cái bất ổn như tỷ giá, lãi suất, lạm phát đang buộc phải nỗ lực giải quyết. Chúng ta phải thoát ra khỏi điều này nhưng đồng thời phải nghĩ đến vấn đề dài hạn, nếu không nền kinh tế sẽ loanh quanh mãi.

Đây là những điểm cốt tử mà tôi cho rằng phải có những thay đổi mạnh, nhằm giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Hai bài học cho Chính phủ Việt Nam

Nhà báo Việt Lâm: Theo ông Bingham, những chính sách mới đây của Ngân hàng nhà nước Việt Nam có đủ mạnh hay không để giải quyết những vấn đề ngắn hạn?

Ông Bernedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam: Tôi nghĩ những phản ứng chính sách vừa rồi của chính phủ Việt Nam là những bước đi tốt theo hướng đúng đắn, nhưng như tôi đã đề cập trước đó, một khi ta đánh mất lòng tin thì việc lấy lại lòng tin còn khó gấp nhiều lần.

Vì thế, trong những tuần tới đây, tôi hy vọng có thể nhìn thấy những nỗ lực lớn hơn về mặt chính sách để bình ổn lại thị trường hối đoái cũng như giảm lạm phát.

Theo tôi, những năm gần đây là một quá trình học hỏi hết sức hữu ích đối với chính phủ.

Việc gia nhập WTO giống như việc được ngồi vào 1 chiếc Ferrari để lái vậy. Sẽ thật tuyệt vời bởi chiếc xe phóng rất nhanh nhưng cho tới khi chúng ta học được cách lái, sẽ có những hoảng sợ nhất định với một chiếc xe nhanh như vậy.

Về khía cạnh kinh tế vĩ mô, tôi nghĩ mấy năm vừa qua đã giúp cho chính phủ Việt Nam có được ít nhất là 2 bài học quan trọng:

Thứ nhất là trong bối cảnh kinh tế mới như hiện nay, chúng ta không thể “nhập nhằng” với vấn đề lạm phát. Những cam kết về vấn đề lạm phát không thể thay đổi liên tục, nay thế nay mai thế khác được.

Khi các nhà đầu tư và nguời dân đã nghi ngờ những cam kết đối với lạm phát của chính phủ, giữ được niềm tin của họ vào đồng nội tệ là rất khó.

Bài học thứ hai đó là sau gia nhập WTO đã mang lại cho Việt Nam cơ hội có được một dòng vốn đổ vào cực kỳ lớn, vì thế cần có một kỷ luật chặt chẽ đối với các dự án đầu tư công.

Một khi người dân đã mất niềm tin vào kỷ luật trong đầu tư nhà nước, khả năng họ sẵn sàng bỏ đồng vốn của họ vào nền kinh tế sẽ suy giảm.

Khi tôi đến đây vào năm 2007, tôi thấy quá là nhiều tiền đổ vào Việt Nam cho đủ mọi loại mục đích khác nhau. Tiền để xây dự án bất động sản, resort, sân golf, chẳng quan trọng là tiền đã được dùng vào việc gì nữa. Sự đầu tư vung tay quá trán này thể hiện rõ nhất ở khu vực nhà nước.

Lơi lỏng kỷ luật ngân sách với đầu tư công dẫn tới một loạt các vấn đề chúng ta đang nhìn thấy hiện nay, thâm hụt thương mại lớn, yếu kém trong hệ thống ngân hàng, và yếu kém của bản thân cả khu vực nhà nước nữa…

Tôi đồng tình với ông Thiên là nếu chúng ta không kiểm soát được các vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô cơ bản, thì không thể tập trung vào bất kỳ vấn đề nào khác. Người dân không quan tâm tới những kế hoạch 5-10 năm tới nếu như trong 2,3 tháng trước mắt, tình hình kinh tế tồi tệ.

Tôi đồng ý với ông Thiên rằng tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế không chỉ là con số tăng trưởng 6 hay 7% như năm nay. Điểm đáng khích lệ là một số vấn đề kinh tế vĩ mô cơ bản đã được bàn luận công khai và sôi nổi ở những diễn đàn như Quốc hội, Chính phủ và các Diễn đàn khác của nhân dân. Qua quá trình tranh luận và khám phá này, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn năm 2007.

Không phải do áp lực từ WB

Nhà báo Việt Lâm: Tôi cho rằng khi nào chúng ta chưa tìm ra được câu trả lời rõ ràng là điều gì quan trọng hơn với nền kinh tế Việt Nam, chỉ tiêu tăng trưởng hay là chất lượng tăng trưởng, rất khó để thoát ra được tình trạng hiện nay.

Vì thế, độc giả Lan Anh có một câu hỏi với Giám đốc World Bank tại Việt Nam: Thưa bà Victoria, phải chăng các nhà tài trợ có thói quen nhìn nhận thành công của nền kinh tế nhận tài trợ dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP, dẫn tới người ta quan tâm đến chỉ số GDP bằng mọi giá, từ đó tạo ra nhiều hệ lũy khác liên quan đến ổn định vĩ mô và chất lượng tăng trưởng?

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam: Cảm ơn bạn đã hỏi, nếu xét trên bình diện thế giới thì rõ ràng tăng trưởng kinh tế cao có tác dụng trong giảm nghèo. Nhiều nước trên thế giới là ví dụ cho thấy việc giảm nghèo thành công đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Nhưng vấn đề đặt ra là không phải kiểu tăng trưởng nào cũng sẽ đem tới điều chúng ta mong muốn, vì vậy, tốc độ tăng trưởng quan trọng thì chất lượng tăng trưởng cũng quan trọng chẳng kém.

Chất lượng tăng trưởng thể hiện ở nhiều mặt, thể hiện ở việc chúng ta phân bố hiệu quả các nguồn lực như vốn, lao động và các nguồn lực khác để đạt được tăng trưởng.

Chất lượng tăng trưởng cũng thể hiện ở mức độ ổn định của tăng trưởng, còn thể hiện ở mức độ lan tỏa rộng của nó, nghĩa là số đông dân số phải được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đó.

Khi chúng ta nói về hiệu quả của sự tăng trưởng, nghĩa là hiệu quả của việc sẽ sử dụng các nguồn lực như thế nào để đạt được tăng trưởng, chúng ta quay trở lại với một vấn đề cơ bản đã bàn trước đó.

Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta thấy đầu tư xã hội khá cao, đầu tư chiếm tới 40% GDP. Điều đó có nghĩa là số tiền đầu tư bỏ ra để đạt được một đơn vị tăng trưởng không hề nhỏ. Vấn đề là Việt Nam đã đầu tư một cách chưa hiệu quả, nói cách khác có thể đầu tư vào những khu vực khác để đạt được hiệu quả cao hơn.

Quyết định đầu tư là một quá trình đồng bộ, lựa chọn dự án đầu tư nào, liệu sẽ đầu tư vào đường sắt cao tốc hay vào những chương trình khác, chuẩn bị dự án đầu tư như thế nào, phân tích vấn đề kỹ thuật và kinh tế ra sao, và cả vấn đề thực thi nữa. Tất cả quá trình đồng bộ đó mới quyết định khả năng chúng ta có đầu tư hiệu quả hay không.

Liên quan tới vấn đề này là tính hiệu quả của khu vực nhà nước, vì Việt Nam đã chọn mô hình tăng trưởng lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo và nhà nước hiện tại chiếm rất nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều bằng chứng cho thấy các nguồn lực trên đang không được nhà nước sử dụng một cách hiệu quả nhất, vì thế cải cách khu vực công để tăng hiệu quả tăng trưởng là một phần thách thức trong quá trình tiến tới tăng trưởng bền vững và hiệu quả.

Nếu nguồn lực đầu tư vào khu vực nhà nước không hiệu quả, Việt Nam không cần sử dụng nguồn lực lớn như vậy vào khu vực ấy nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhằm giảm áp lực đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Khía cạnh thứ hai trong tính bền vững của sự phát triển đó là vấn đề môi trường. Nếu chúng ta phát triển theo cách phá hoại môi trường, mang đến những nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lực và sức khoẻ của người dân, tăng trưởng của chúng ta sẽ không nhanh và bền vững trong dài hạn.

Khía cạnh cuối cùng trong tăng trưởng bền vững là, phần lớn người Việt Nam phải được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này một cách thực chất. Đây là điểm rất quan trọng.

Khi nói sự tham gia của nhân dân vào tăng trưởng tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, đây là khu vực tạo ra đa số việc làm cho người Việt. Liệu những doanh nghiệp có kỹ năng này đã có đủ điều kiện để phát triển kinh doanh, tiếp tục tuyển thêm lao động và trả mức lương đủ sống cho đại đa số người Việt.

Một điểm quan trọng khác là những hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi đa số người Việt đang dựa vào để sinh sống. Nếu như nhìn qua có thể thấy Việt Nam đang rất thành công trong phát triển nông nghiệp. Các bạn là nhà xuất khẩu gạo, cà phê, chè, thủy hải sản hàng đầu thế giới…

Điều đó có nghĩa là khu vực nông nghiệp đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế, nhưng thực tế nông dân vẫn đang nghèo khổ, rõ ràng họ chưa hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng mà họ đã đóng phần lớn vào.

Như thế có nghĩa là Việt Nam phải có những chính sách giúp nông nghiệp mang lại lợi nhuận nhiều hơn, giúp nông dân tham gia vào những hoạt động cao hơn trong chuỗi giá trị. Khi họ tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho sản phẩm, khả năng cạnh tranh và hiệu suất cũng sẽ cao hơn.

Quay trở lại với câu hỏi của độc giả đã đặt ra, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng rất quan trọng nhưng chất lượng và độ bền vững của tăng trưởng còn quan trọng hơn.

Theo tôi, Việt Nam quá tập trung vào con số tăng trưởng, không phải do áp lực từ phía chúng tôi mà do truyền thống từ lịch sử nền kinh tế tập trung của Việt Nam, một nền kinh tế quá tập trung vào kế hoạch, vào mục tiêu, vào thành tích. Đó là cách tiếp cận của nền kinh tế tập trung.

Vì thế, chúng tôi muốn trong kế hoạch kinh tế 5, 10 năm tới của Việt Nam, các bạn hãy thay đổi ưu tiên, từ ưu tiên tập trung vào các con số, chỉ tiêu sang ưu tiên vào chất lượng và hiệu quả của sự phát triển.

Tôi thật sự hi vọng rằng sẽ có nhiều thảo luận hơn nữa về vấn đề này trong một vài tháng tới ở các cấp chính trị của Việt Nam

Trong 5 năm tới, tôi mong chất lượng tăng trưởng cần được tập trung hơn, không chỉ trong vấn đề kinh tế mà cả trong y tế, văn hóa, giáo dục…. Trong các lĩnh vực này, con số đã đạt được những thành tựu khả quan nhưng chất lượng rõ ràng là một điều cần phải bàn.

IMF, WB “can” Việt Nam đánh đổi ổn định lấy tăng trưởng

(VEF) – “Tập trung ổn định vĩ mô, tái điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng trưởng bền vững, thì chẳng có lý do gì Việt Nam không đạt được tăng trưởng như 20 năm qua”, đại diện IMF bình luận trong cuộc bàn tròn trực tuyến hôm 12/11 trên VEF.

LTS: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010, lựa chọn nào trong chính sách điều hành năm tới đã được đại diện WB, IMF và Viện Kinh tế Việt Nam mổ xẻ, phân tích trong cuộc bàn tròn với chủ đề “Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam” hôm 12/11, do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – báo VietNamNet thực hiện.

Trong phần 1 đã được đăng tải hôm 15/11, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, đã “mổ xẻ” nguyên nhân dẫn tới sự mất giá của tiền đồng. Theo ông, Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra những chính sách mạnh nhằm hồi phục lại niềm tin của những người tiết kiệm tiền đồng.

phần 2 của bàn tròn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam, đã cắt nghĩa việc Việt Nam quá tập trung vào con số tăng trưởng, không phải do áp lực từ phía WB mà do truyền thống từ lịch sử nền kinh tế tập trung của Việt Nam, một nền kinh tế quá tập trung vào kế hoạch, vào mục tiêu, vào thành tích.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu tiếp tới bạn đọc phần 2 với nội dung chính xoay quanh câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.

Nhà báo Việt Lâm: Thưa ông Trần Đình Thiên, là nhà tư vấn kinh tế cho chính phủ, ông nhận thấy tư duy từ bỏ việc chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá đã có hay chưa?

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:

Với câu hỏi này là tôi muốn bổ sung vào cách trả lời của bà Victoria. Thực tế mà nói, nước nào cũng muốn tăng trưởng cao cả, nhưng vấn đề là tăng trưởng tốn bao nhiêu nguồn lực, câu hỏi này bà Victoria đã trả lời.

Thực tiễn cho thấy rằng, Việt Nam chúng ta tăng trưởng khá tốn vốn, vì 8, 9 đồng bỏ ra mới được 1 đồng tăng trưởng. Cái thứ hai là rất tốn tài nguyên, cái thứ ba là rất tốn lao động rẻ tiền.

Như vậy, làm thế nào để thay đổi tăng trưởng. Tại sao lại ưu tiên tốc độ tăng trưởng mà không ưu tiên cái khác, nền kinh tế cần tăng trưởng cao nhưng nhà nước với tư cách điều hành thì ưu tiên cái nào là chính, hay tốc độ cao có phải là ưu tiên của Chính phủ không.

Chúng ta thấy chính phủ VN hay ưu tiên tăng trưởng, khi nào thấy bất ổn thì lại ưu tiên ổn định vĩ mô. Khi tăng trưởng thấp chính phủ lại đổ tiền ra ưu tiên tăng trưởng, lúc ấy chính phủ đã hy sinh, đánh đổi cái ổn định bằng cái tăng trưởng, coi tăng trưởng làm mục tiêu trực tiếp.

Tôi thấy nền kinh tế vẫn cần tăng trưởng cao, nhưng để thực hiện mục tiêu đó nhà nước phải ưu tiên cho ổn định vĩ mô chứ không phải ưu tiên việc đổ tiền ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Khi nhà nước giúp cho ổn định vĩ mô, lòng tin sẽ tốt và doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều, lúc đó nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao.

Nếu nhà nước không lo ổn định mà cứ lo tăng trưởng thì cũng giống như nhiều trường hợp làm đường rất nhiều nhưng mấy ngày sau có cái hố, ô tô đi gặp phải đổ nhào ngay.

Như vậy cách tư duy về mục tiêu của nền kinh tế đến mục tiêu gắn với chức năng của Nhà nước không phải hoàn toàn đồng nhất. Trong nền kinh tế nhiều bộ phận chức năng, mỗi ông làm một việc để cho nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng cao một cách hợp lý, khi đó phân bổ nguồn lực mới hợp lý được, phân bổ vai vế khi đó mới hợp lý được.

Ai đóng vai anh hề là anh hề, ai đóng vai vua là vua, ai đóng vai quan là quan, ai dân là dân chứ nếu không ai cũng thích vai vua cả thì không được.

Tôi cho điều này là không khó thực hiện, vấn đề là nhà nước làm đúng chức năng của mình trong nền kinh tế thị trường.

Nhưng cái khó là ở chỗ Nhà nước có đủ năng lực để làm việc đó tốt không? Thì đúng như vị đại diện IMF nói, khi Việt Nam vào WTO cái là mọi thứ phức tạp hơn, mình phải rèn luyện, ngày nào cũng phải tập thể dục thì mới khỏe được chứ!

Phải nâng cao năng lực thường xuyên chứ cứ nghĩ rằng như thế là ổn rồi thì sẽ rất khó. Nền kinh tế thế giới bây giờ ngày càng phức tạp, nền kinh tế mở của Việt Nam cũng ngày càng phức tạp, vì vậy năng lực quản trị của Nhà nước cũng phải được nâng lên.

Đó là vấn đề hiện nay đang đặt ra và tôi nghĩ rằng khi chúng ta xác định thay đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi vai trò của các khu vực kinh tế thì điều này cũng đã hàm ý rằng sẽ có một sự chuyển dịch cơ bản để đáp ứng câu trả lời chất lượng hay tốc độ.

Chúng ta không được phép bỏ cái nào cả, nếu bỏ tốc độ thì làm sao đuổi kịp thể giới được.

Bà KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:

Tôi muốn bổ sung thêm một điểm nhận định những điều mà ông Trần Đình Thiên vừa nêu, đó là về sự hy sinh như ông nói, đánh đổi ổn định để tăng trưởng có vẻ chỉ được áp dụng trong ngắn hạn thôi, còn về dài hạn, chính sự ổn định của nền kinh tế mới là tạo nền tảng cho tăng trưởng.

Vậy nên nếu chúng ta tập trung vào các yêu cầu và những vấn đề cơ bản để ổn định vĩ mô, cuối cùng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Những bất ổn vĩ mô về mặt lâu dài sẽ tạo ra tác dụng tiêu cực lên tăng trưởng.

Theo cách đó, nếu chúng ta xử lý một số vấn đề mang tính cơ cấu giúp mang lại chất lượng cho tăng trưởng, có thể sẽ rất khó trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, chính điều ấy mới nuôi dưỡng tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian dài hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có những hành động ngay từ bây giờ.

Có thể ngay bây giờ làm không dễ dàng nhưng đó là sự đầu tư dài hạn cho tương lai.

Nhà báo Việt Lâm: Thưa ông Trần Đình Thiên,  ông nghĩ sao về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vừa được Quốc hội thông qua, liệu có gì mâu thuẫn giữa việc chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7,5 % và lạm phát dưới 7%, trong khi theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì đối với các nước khác, lạm phát 7% là một vấn đề rất lớn, ông bình luận gì?

Ông Trần Đình Thiên:

Các mục tiêu này dự kiến cho một nhiệm vụ cho nên phải căn cứ vào thực tiễn năm nay để đặt ra cho năm nay.

Tôi thấy Việt Nam muốn tăng trưởng cao không khó, Việt Nam chắc muốn tăng trưởng 10% cũng được, cho nên theo tôi hiện nay đà tăng trưởng của Việt Nam rất tốt.

Chúng ta xuống đáy vào tháng 1/2009, từ đó đến nay hết năm 2010, cứ tháng sau tăng hơn tháng trước, đà tăng rất tốt nên việc đạt được mức tăng 7,5% là không khó cho nên ta mới cần tập trung vào những việc khó. Chứ nếu cứ tập trung vào việc dễ rồi việc khó bỏ đó là nguy hiểm.

Việc khó bây giờ là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Câu chuyện là thế này, Tôi vẫn nói cái quan trọng nhất để tăng trưởng chính là lòng tin, mà lòng tin trực tiếp ngay ở chỉ số CPI.

Cho nên để làm được việc tăng trưởng tốt trong dài hạn chứ không phải chỉ một năm rồi sau đó vất vả tốn bao nhiêu tiền để chống lạm phát, mục tiêu sang năm là cố gắng kéo lạm phát xuống thấp hơn nữa.

Ở đây tôi muốn nói hai vấn đề.

Thứ nhất là Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm đến mỗi chỉ số CPI, tôi cho rằng về mặt ổn định vĩ mô cần quan tâm đến giá của các tài sản như giá chứng khoán, giá đất đai, giá vàng… những cái này là giá vốn, ta rất ít để ý nhưng thực ra nó rất bất ổn, còn đang bất ổn hơn cả CPI nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy để ổn định vĩ mô không chỉ quan tâm đến chỉ số CPI rồi kéo nó xuống mà còn phải ổn định giá của các loại tài sản.

Điểm thứ hai tôi muốn nói là nếu đặt mục tiêu kéo lạm phát xuống 5% có khó không, đương nhiên là khó nhưng phải cố để làm được việc ấy.

Câu hỏi là cơ sở nào để làm được việc ấy?

Tôi nói có hai yếu tố giúp Việt Nam mà nếu quyết tâm làm thì vẫn có thể ổn định được:

Thứ nhất  là hãy bớt chi tiêu ngân sách đi! Tức là không thể duy trì mức chi tiêu ngân sách năm nào cũng 42, 43% GDP, chúng ta phải quyết tâm hạ chi tiêu ngân sách xuống.

Ngoài ra còn phải cắt giảm các hạng mục đầu tư công để quản trị hiệu quả. Làm cái này bằng cách để các chi tiêu ấy có thể kiểm soát được. Hiện nay chúng ta chi tiêu quá nhiều dự án, nên không quản trị được, vừa kém hiệu quả vừa tốn kém. Đó chính là dư địa chính sách lớn nhất để chúng ta kéo lạm phát xuống.

Cái thứ hai là chúng ta nên bớt tham vọng tăng trưởng, chúng ta nén nó lại, nén chưa chắc đã thấp nhưng chúng ta không cần cố mục tiêu tăng trưởng cao. Chúng ta phải cố ổn đinh, lúc đó tăng trưởng 5 hoặc 6% vẫn tốt. Nếu ổn định thì sang năm nó sẽ tăng trưởng tốt hơn vì lòng tin tốt.

Tức là chuyển hướng mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, lúc đó chúng ta sẽ có những thay đổi rất mạnh trong tương quan tăng trưởng nhanh và ổn định.

Giống như yêu cô nào nhưng nhìn cô ấy ít thôi, nhìn cô khác nhiều hơn thì lập tức cô ấy dễ tán hơn.

Ông Bernedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam

Tôi cũng đồng ý với nhận định của ông Trần Đình Thiên ở chỗ là nếu như chúng ta có thể chuyển đổi được ưu tiên giữa tăng trưởng và chất lượng, chúng ta tập trung vào việc điều hành thì mục tiêu tăng trưởng của chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Vấn đề không phải ở thiếu vốn, thách thức là tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định cho các nhà đầu tư..

Còn về lạm phát thì tôi đồng ý mục tiêu 7% là vẫn quá cao, Chính phủ Việt Nan cần có mục tiêu tham vọng hơn, phải gửi tới các nhà đầu tư thông điệp rằng chính phủ cam kết quyết liệt hơn trong việc giảm lạm phát xuống bằng mức trung bình với các nước trong khu vực Châu Á là 3 hoặc 4%.

Không những thế tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cần phải quyết liệt hơn nữa đối với việc chi tiêu cho các Doanh nghiệp nhà nước, cần phải gây sức ép cho họ để giảm lạm phát hơn nữa thì mới có thể tạo dựng được lòng tin trong nhà đầu tư và nhân dân.

Về thâm hụt công, một mục tiêu tham vọng hơn cũng là cần thiết. Chính phủ cũng phải gửi thêm một thông điệp nữa cho nhà đầu tư rằng Việt Nam cam kết giảm thâm hụt công, Tôi đồng ý với ông Thiên rằng kỷ luật trong chi tiêu ngân sách sẽ giúp giảm thâm hụt nhà nước một cách đáng kể.

Vơi việc tập trung nhiều hơn vào ổn định vĩ mô, tái điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng bằng con số trên giấy,  tôi cho rằng chẳng có lý do gì Việt Nam không đạt được tăng trưởng như 20 năm qua.

Nhà báo Việt Lâm: Trở lại với đầu tư công, đã bao giờ Ngân hàng thế giới nói với Chính Phủ Việt Nam là chúng tôi thấy các ông chi tiêu chưa hiệu quả, có cần phải vay thêm nhiều tiền như thế từ World Bank hay không?

Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:

Chúng tôi vẫn làm việc với Chính Phủ Việt Nam về thương thảo các khoản vay, các chính sách của chúng tôi phụ thuộc vào bản thân các dự án cải cách của chính phủ. Chúng tôi luôn bàn thảo với chính phủ xem chương trình cải cách của họ như thế nào, đưa ra biện pháp nào là hợp lý. Chúng tôi cố gắng gây ảnh hưởng bằng cách đối thoại với chính phủ, tư vấn và phân tích chính sách. Đương nhiên, vấn đề hiệu quả trong đầu tư và chi tiêu công là vấn đề lớn trong các đối thoại của chúng tôi.

Trong những năm gần đây chúng tôi tiến hành nhiều hoạt động như chương trình cải cách đầu tư công, trong đó chúng tôi hỗ trợ chương trình kích thích kinh tế của chính phủ. Hoạt động này tập trung rất mạnh vào việc cải thiện tính hiệu quả của đầu tư công. Chúng tôi đã làm xong phần 1 và chuẩn bị thực hiện phần 2 cuối năm nay.

Các bạn thấy Ngân hàng thế giới đã và đang làm việc với chính phủ Việt Nam về đầu tư công và tính hiệu quả của chi tiêu công. Chúng tôi còn làm việc cả về quản lý tài chính công nữa.

Chúng tôi thảo luận với chính phủ những nguyên tắc đang được sử dụng trên phạm vi toàn cầu để đánh giá chất lượng của quản trị chi tiêu công. Chính phủ tự đánh giá phương diện quản trị tài chính công của mình trên tương quan với các nước khác. Chúng tôi còn phối hợp với chính phủ thực hiện các Đánh giá tài chính tổng quan. Ngân hàng có nhiều công cụ để thảo luận với chính phủ Việt Nam trong hai vấn đề đặc biệt quan trọng là tính hiệu quả của đầu tư và chi tiêu công.

Nhà báo Việt Lâm: Nếu Chính phủ Việt Nam đề nghị World Bank cấp khoản vay cho đường sắt cao tốc thì bà nghĩ sao?

Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:

Chúng tôi sẽ xem liệu dự án lớn này có nhận được sự đồng thuận trong xã hội hay không. Để dự án được thông qua ở cấp lãnh đạo, nó phải nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

Bên cạnh sự đồng thuận đó, chúng tôi cũng sẽ tự mình chủ động đưa ra những phân tích về mặt kinh tế: xem việc đầu tư này có hiệu quả hay không, chúng ta có đủ nguồn lực để đầu tư cho dự án hết sức lớn và tốn kém này hay không

Dự án đường sắt cao tốc sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền trong khi chúng ta còn rất nhiều lĩnh vực khác phải quan tâm như giáo dục, y tế. Chúng ta phải cân nhắc xem liệu có nên đánh đổi như thế hay không.

Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là những đánh giá và phân tích kinh tế, liệu dự án này có mang lại lợi nhuận kinh tế hay không.

Hầu hết các dự án chúng tôi đang hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay như các dự án cơ sở hạ tầng, chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn ít nhất phải thu được 12% lợi nhuận. Nếu bắt tay vào dự án này, mức lợi nhuận của nó cũng phải đạt được như trên.

Và vấn đề đặt ra là nếu đem tiền đầu tư cho dự án này thì có lẽ sẽ chẳng còn nhiều tiền để đầu tư cho các dự án khác nữa, nên chúng tôi sẽ phải hết sức cân nhắc cẩn trọng xem có nên đổ hết tiền hết vào một dự án lớn như vậy hay không.

Một bình luận về “World Bank, IMF, Viện KTVN: Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam?”

  1. Việt Nam hiện thời có GDP tốt (có thể khoảng 6.5% hay hơn cho 2010).

    Nhưng đồng VN bị yếu và lạm phát cao, trong lúc lạm phát nên rất thấp lúc này là lúc cả thế giới vẫn bị đình trệ kinh tế.

    Thị trường chứng khoán vẫn trì trệ và không phục hồi được.

    Đó là triệu chứng của nền kinh tế yếu sản xuất. GDP tăng nhờ các gói tiền kích cầu, tiền kích cầu làm tăng GDP nhưng cũng tăng lạm phát vì sản xuất thực không có đủ để cân bằng lượng tiền kích cầu trong thị trường.

    Giải pháp chính phải là tái tổ chức lực lượng và môi trường sản xuất. Các DNNN có rất nhiều vấn đề, không hiệu năng, và lại chiếm phần lớn sân chơi. Các doanh nghiệp tư nhân không còn nhiều cơ hội vì DNNN đã dành sân hết rồi.

    Han chế hoạt động của các DNNN, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN tư, và nếu có thể tư nhân hóa một số DNNN. Đây là tái cơ cấu hệ thống kinh tế để “ổn định vĩ mô” và các quý vị chuyên gia hay nói đến.

    Cải thiện Industrial organization và luật cạnh tranh để các công ty có thể cạnh tranh mạnh mẽ bình đẳng, thì guồng máy sản xuất mới có thể mạnh mẽ và năng suất cao. Đây là tạo môi trường cạnh tranh tự do cho guồng máy kinh tế.

    Xuất cảng (sản phẩm hay dịch vụ) và đầu tư nước ngoài trực tiếp (direct foreign investments) vẫn là lối thoát mạnh nhất.

    Nhà nước cần có biện pháp giúp các doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu, qua các phòng thương mãi và sứ quán nước ngoài. Xây dựng các mạng lưới thương mãi quốc tế (các hội doanh nhân VN, phòng thương mãi VN khắp nơi, và các tổ chức này nên là do những người doanh nhân muốn làm việc, thay vì là các tổ chức của nhà nước chỉ đạo, chỉ có đó cho có tên)

    Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp của ta không hiệu năng thì rất khó xuất khẩu để cạnh tranh với quốc tế. Vì vậy, gốc chính của xuất khẩu vẫn là tạo sân chơi bình đẳng cho nhiều công ty tư và hạn chế ưu quyền của các DNNN.

    DFI chỉ có thể cải thiện nếu ta tiếp tục cải thiện hệ thống hành chánh, minh bạch, nhanh chóng… và hệ thống tư pháp công minh.

    Dùng thị trường nội địa làm sức mạnh tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất. 84 triệu dân là một thị trường lớn, không thể coi thường. Như vậy có nghĩa là ta phải cạnh tranh với hàng các nước khác ngay trong nhà mình, đặc biệt là hàng TQ. Nhưng đối với TQ mà không dùng anti-dumping law thì có lẽ là không bao giờ được. Cho nên phải dùng anti-dumping law để bảo vệ thị trường nội địa khỏi bị thao túng vì cạnh tranh bất công bình và bất hợp pháp.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s