Họp thượng đỉnh Việt Nam-Lào-Campuchia

BBC

Thủ tướng Việt Nam nói chuyện với đại diện doanh nghiệp VN tại Campuchia (Nguồn:chinhphu.vn)
Thủ tướng Việt Nam nói chuyện với đại diện doanh nghiệp VN tại Campuchia.

Ba nước Việt Nam, Lào, và Campuchia vừa họp hội nghị thượng đỉnh, tổ chức hai năm một lần, tại Phnom Penh.

Hội nghị bàn về tăng cường hợp tác, thúc đẩy đầu tư tại khu Tam giác phát triển, vùng đất rộng ở biên giới của ba nước.

Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được hình thành sau cuộc họp tháng 11 năm 2004 tại Viêng Chăn.

Trải rộng trên địa bàn của 13 tỉnh thuộc ba nước, vùng này có diện tích 140 ngàn cây số vuông, dân số 7 triệu người. Các tỉnh của Việt Nam nằm trong tam giác bao gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước.

Lãnh đạo ba nước kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp ngân khoản cho các dự án phát triển tại khu tam giác.

Cho đến nay chỉ có Nhật Bản là nước quan tâm, với 20 triệu USD viện trợ không hoàn lại, hãng Kyodo loan tin.

Sok Serey, nhà báo Campuchia đưa tin về hội nghị cho rằng hợp tác giữa ba nước là điều cần thiết. Lên tiếng với BBC Việt Ngữ ông Serey nói ông quan tâm đến phiên họp thượng đỉnh của ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.

“Theo tôi đây là cơ hội để củng cố quan hệ láng giềng thân thiện. Cuộc họp tập trung bàn cách tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa ba nước Đông Dương. Ba nước cũng mở rộng khuôn khổ bàn luận, họ mời đại diện của Miến Điện và Thái Lan tham dự.”

Tại cuộc họp thủ tướng ba nước Đông Dương đã ký nghị định thư về việc hình thành các chính sách ưu tiên để phát triển vùng tam giác.

Sau đó lãnh đạo ba nước, cùng thủ tướng Miến Điện và Thái Lan tham dự Diễn đàn Phát triển Kinh tế vùng Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

Phát biểu với giới truyền thông, thủ tướng Campuchia, ông Hunsen coi cuộc họp về vùng tam giác phát triển là cơ hội để các nước nhắc lại cam kết, đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa các chính phủ và người dân, trên cơ sở quán hệ láng giềng thân thiện.”

Các thủ tướng đã thông qua Bản Quy hoạch lại khu vực Tam giác phát triển đến năm 2020 do Việt Nam thiết kế. Thông cáo báo chí lúc kết thúc hội nghị có đoạn nói lãnh đạo ba nước “khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác” nhằm đưa khu vực tam giác phát triển thành địa bàn “ổn định về an ninh, chính trị và phát triển về kinh tế-xã hội.”

Thăm Campuchia

Trước đó trong ngày, thủ tướng Việt Nam đã thăm chính thức Campuchia.

Tháp tùng người đứng đầu chính phủ là đại diện của một số doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực như dầu khí, hàng không, ngân hàng, lâm nghiệp, xuất nhập khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lập trường của Việt Nam là củng cố quan hệ láng giềng thân thiện, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Campuchia.

Báo Campuchia đưa tin thủ tướng Hunsen đề nghị phía Việt Nam cung cấp 170MW điện cho Phnom Penh từ nay đến cuối năm. Người đứng đầu đoàn Việt Nam cho hay, Hà Nội “sẽ cố gắng cao nhất.”

Trong buổi tiếp thủ tướng Việt Nam, chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chia Sim mong muốn phía Việt Nam tiếp tục trợ giúp phát triển kinh tế ở Campuchia.

Báo Việt Nam đưa tin trao đổi thương mại Việt Nam-Campuchia năm nay đạt gần 1,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Campuchia. Hiện có khoảng 60 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Trong chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) ký một số hợp đồng tín dụng trị giá hơn 150 triệu USD dùng để tài trợ cho các dự án đầu tư của Việt Nam ở Campuchia.

Ông Trần Duy Tùng, một doanh nhân người Việt tại Campuchia cho hay về cấp chính phủ, Việt Nam đang giúp Campuchia một số dự án về thủy điện và bệnh viện. Ở cấp doanh nghiệp, công ty Việt Nam đang giúp Campuchia về lâm nghiệp, trồng rừng, chế biến nông sản.

“So với trước đây, hàng tiêu dùng của Việt Nam bây giờ đã xuất hiện nhiều tại Phnom Penh. Ví dụ như mì ăn liền, xà bông, đồ nhựa.

“Tại Campuchia ảnh hưởng của Trung quốc khá lớn và mạnh. Họ làm ăn có bài bản hơn. Khoảng 70 phần trăm các dự án lớn ở Campuchia rơi vào tay công ty Trung Quốc.”

Liệu quan hệ Việt Nam Campuchia có cơ hội trở về giai đoạn thân thiện như hồi 1978-79 hay không?

“Khó quay lại như trước,” ông Tùng cho BBC Việt Ngữ hay. “Trong ba nước Đông Dương, (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) thì Campuchia họ đi một hướng khác. Họ không bất thân ai, tuy nhiên nước nào đầu tư mạnh, có nhiều tiền là họ theo à.”