Chuyện của bà cụ giữ đền

    Giời ạ! bà lão coi đền một mình hàng chục năm, không sách báo, không tivi, mà nói cứ như “ lãnh đạo” thế thì sao không một đồn mười, mười đồn trăm kia chứ.

Lên đến trại sáng tác Tam Đảo, tôi vẫn giữ thói quen đi bộ 4-6 cây số mỗi ngày. Cũng như trong mọi chuyến đi khác, mỗi buổi đi bộ ở một vùng đất ( mà 15 năm nay Giáo sư Tiến Sỹ Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh, thường bố trí cho luân phiên cho những kỳ họp Ban chấp hành), là một lần tôi tò mò và thú vị khám phá cảnh quan xung quanh. May mắn thì còn được làm quen cả với những người mới nữa. Nhưng điều này ít lắm, vì giờ đi bộ của tôi thường bắt đầu từ 5 giờ sáng.

Thời gian biểu ở Tam Đảo bỗng dưng bị đảo lộn. Bởi là dự trại sáng tác, nên viết lúc nào, viết gì, một mình một phòng, đâu có ai quản lý, tự mình là chính. Mạch sáng tạo đang tuôn trào, viết đến 2-3 giờ sáng cũng không sợ chồng than phiền? Lúc nào trời quang mây tạnh, dạo quanh ngắm những vườn su su xanh rờn, trái lúc lỉu, bám vào các sườn đồi theo kiểu ruộng bậc thang; thích thú với những thùng xốp, chậu cảnh trồng rau cải, su hào.. . Sáng sương mù quá dày thì ba giờ chiều mới tất tưởi xuống chợ, hiu hắt, lèo tèo vài hàng lá thuốc gắn nhãn “ đặc sản Tam Đảo”. Chợ chỉ họp ngày thứ bảy và chủ nhật, bán nhiều nhất là su su, khoai môn và chuối. Mật ong và thuốc thì…bụng bảo dạ “ chẳng biết thực hư thế nào” Hôm nào sau giờ ăn sáng thấy hửng nắng thì 9 giờ lên núi ngắm hoa bìm tím, hoa cúc dại vàng, trắng đung đưa theo gió dọc ven đường ( thế mà chúng tôi cũng vòng vo hết mọi con đường quanh co của khu du lịch cao tới hươn 3.000m này đấy. Đêm đến, trùm kín hai lớp chăn bởi nhiệt độ xuống tới dưới 10 độ ( nghe nói đã có những ngày ở Tam Đảocao nhất là 30 độ và thấp nhất 4 độ, nước đã đóng băng) …Ngán nhất là ở trại sáng tác không truy cập được mạng Interrnet, thậm chí trạm Bưu điện cũng đóng cửa im ỉm vắng như chùa bà Đanh, bởi không có khách, (may mà còn có truyền hình cáp để cùng “ nóng” với nghị trường Quốc hội lẫn thắt lòng lo lắng ngập lụt ở khúc ruột miền Trung )

Mấy ngày ở Tam Đảo, tôi đã kịp nhìn thấy hàng chục ngôi biệt thự đủ kiểu dáng từ 3 đến 7 tầng lầu đêm đến không ánh đèn, mỗi tuần chỉ hai ngày cuối tuần dập dìu du khách; ngắm nhiều tòa nhà chưa kịp xây xong đã trở thành phế tích ( Vậy mà vẫn có vài biệt thự xanh xanh , hồng hồng, xam xám nữa đang hối hả hoàn thiện đấy). Cũng đã tò mò dạo tìm nơi nào còn dấu vết hơn một trăm ngôi dinh thự của khu nghỉ mát xa xỉ, sở hữu của người Pháp và một số nhà tư sản Hà Nội xây dựng từ năm 1905. Nhưng thật tiếc, chỉ còn độc nhất một ngôi nhà thờ đá với những thềm hành lang mái vòm,đẹp đến nao lòng, nhiều nhất là những bờ đá, bậc đá, mảng tường đen xỉn, dương xỉ mọc đầy. Đã trèo cả hơn 200 bậc thềm đá lên thắp nhang trên đền Bà Chúa Thượng ngàn; để biết thế nào là “ thế giới đại đồng”, khi trong cùng một khuôn viên, ngay đằng sau đền thờ thánh thần, có đại gia bỏ hơn 30 tỷ đồng rước rất nhiều tượng Phật và đang gấp rút cất lên một ngôi chùa nguy nga. Đã thành kính thắp nhang nơi đền thờ Đức Thánh Trần, có bằng công nhận Di tích lịch sử mà chẳng thấy ai công đức để tôn tạo. Chẳngt phải tôi me tín gì, nhưng các cụ ta xưa dạy “ Có thờ có thiêng, có kiên có lành”. Tôi chỉ cầu xin các vi Thánh, Thần, Tiên, Phật phù hộ cho bà con vượt qua được đận lũ quái ác này. Lại đã leo lên leo xuống hơn 300 bậc đá Thác Bạc, để rồi thất vọng với lạch nước nhỏ xíu đổ từ vách đá cao xuống lòng thung lũng đá. Ấy vậy mà phải ba lần qua lại, tôi mới vào được Đền Mẫu Giao Trì, bởi cứ thấy cửa đóng im ỉm. Mãi sau mấy người cùng trại mách bảo, mới biết mà bấm chuông gọi cửa.

Ngôi đền nhỏ xíu, tọa lạc trên một bờ đất chỉ rộng chừng vài chục mét vuông. Bà coi đền tên Khánh, năm nay đã 92 tuổi. Cụ ở một mình nhang khói cho các vị Thánh,Thần tiên đã hơn chục năm.Con cháu ở Hà Nội, ở nước ngoài đều thành đạt cả.Tuổi tác là vậy mà dáng vẫn nhanh nhẹn khi mở tất cả các cửa cho tôi vào thắp nhang. Gương mặt hồng hào, giọng vẫn sang sảng lắm.

Không giống những người giữ đến hay thủ từ trong các chùa chiền tôi đã đến, lặng lẽ làm việc, để du khách tự do cầu khấn hay công đức; Cụ chủ động mời ngồi chơi, hỏi chuyện, tỏ rõ thái độ ứng xử thanh lịch của người gốc Tràng An.( có lẽ cũng còn là tâm lý của người sống một mình,thích có người trò chuyện) Cụ bảo, trước đây cũng đã là Đảng viên tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng hết tuổi sinh hoạt thì thôi. Lấy việc công đức tu bổ, nhang khói đền chùa làm tài sản tinh thần để lại cho con cháu.

Có lẽ bởi gốc tích như thế, nên cụ nói chuyện rành rẽ, đâu ra đấy, chưa hề lẫn. Cái tính tò mò hay hỏi của một nhà báo trong tôi, liên tục bị cụ cắt ngang, vì “ bác đừng hỏi, tôi nói cho mà nghe”. Hết chuyện nhà đến chuyện nước, cụ bảo : Người Việt mình có 4 điều cần phải làm , làm được thì nước mới giàu, dân mới mạnh :

Một là phải giữ lấy chế độ cộng sản. Nó có thế nào cũng là gốc của người nghèo

Hai là phải tu bổ đền chùa cho tâm linh mọi người đều mát mẻ, đất nước mới thoát nạn ngoại xâm.

Ba là phải đẩy mạnh buôn bán thương mại với cả trong và ngoài nước ( theo cụ, chính doanh nhân mới là người làm giàu cho đất nước )

Bốn là, những người đã chạy đi, nay muốn quay về quê hương, hãy cho phép và tạo mọi điều kiện đơn giản nhất để họ nhận thấy quê hương đất nước sau 35 năm giải phóng, đã đổi thay như thế nào.

Không chỉ đưa ra kết luận, cụ còn dẫn chứng rất cụ thể từng thời kỳ biến động của lịch sử Việt Nam nữa chứ. Nào là chiến tranh liên miên, nào là từ Đảng mở cửa đến nay nước giàu, dân mạnh…

Ngẫm cho kỹ những lời cụ cũng thật chí lý. Nhưng mà giời ạ! bà lão coi đền một mình hàng chục năm, không sách báo, không tivi, mà nói cứ như “ lãnh đạo” thế thì sao không một đồn mười, mười đồn trăm kia chứ. Khách du lịch đến đây đều muốn trò chuyện với cụ.

Nghe tôi kể đã đi dạo mấy đền quanh đây, cụ lại thuyết một hồi về tâm linh. Qua hết chuyện thánh thần rồi, cụ đọc cả một bài thơ dài dặn dò, mà tôi chỉ kịp nhớ mỗi một câu “ làm việc tốt không cần người phải biết”.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, các cụ từng dạy thế, ngẫm ra chẳng sai chút nào.

Còn cần gì phải bình luận thêm về câu chuyện này nữa nhỉ.

Linh Nga Niê Kdăm

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s