Về tới Phú Yên, sông Ba chảy song song với quốc lộ 25. Nhưng từ ranh giới tỉnh Gia Lai hai bên còn cách nhau khá xa. Tuy vậy, đi giữa những đồi tranh, giồng đế bát ngát, những rừng mằng lăng đến mùa lột vỏ để lộ lớp da non xanh xám, những đám vừng đến mùa khoe lá đỏ rực…mặc dù không thấy, chúng ta vẫn biết, đâu đó…ở phía nam dòng sông Ba đang hăm hở về xuôi.
Ở đoạn này sông Ba không có đò dọc, chỉ có những bến đò ngang. Lâm sản từ thượng nguồn đưa về kết thành chiếc bè bồng bềnh cùng sóng nước. Những bạn viết, nào ai có dịp xuôi dòng sông Ba để cảm nhận hết cái kỳ vĩ của nó? Người có dịp xuôi dòng thì chỉ vì mối lợi, đâu biết đến cái đẹp. Thảng hoặc cũng có người biết thì trong khoảnh khắc gió bay ấy, đâu có ghi lại được, nói lên được.
Cho đến ngang đỉnh dốc Đá Đề, ta chợt nhìn thấy Mặt Hàn hiện ra. Đá đen và bọt trắng. Đập Đồng Cam một vạch chắn ngang. Qua khỏi chỗ này sông mang tên Đà Rằng, là thủy lộ huynh đệ với quốc lộ 25.
Quá mệt mỏi với thác ghềnh Tây Nguyên mà sông Đà Rằng trầm tĩnh hơn chăng? Đâu phải. Là bởi với sức lực ngàn xưa đào bới vun đắp, lòng sông thành quá rộng, lượng nước lại chia phần cho hai con kênh Nam Bắc đem tưới cho hai mươi ngàn mẫu ruộng Tuy Hòa.
Chắc bạn đã có lần thấy cả một đoàn thuyền trên Đà Giang buồm căng lộng gió? Đã là thuyền, dù thuyền vượt biển hay thuyền xuôi sông, là phải có buồm. Không có buồm, con thuyền dẫu tô vẽ sặc sỡ đến mấy cũng thiếu đi nửa vẻ đẹp, nó như con chim không cánh, con công không đuôi. Phải có buồm, dẫu là cánh buồm rách nát tả tơi trăm mảnh… Cánh buồm trên biển phải nhìn xa, thật xa. Cánh buồm trên sông cho chúng ta nhìn ngắm gần kề. Bao giờ nó cũng mang trong đó đường nét và màu sắc thái bình yên ổn. Bây giờ sông Đà Rằng hình như không chảy nữa. Có chỗ lấn sang bờ bắc, con đường như con đê, sát liền là lòng kênh và chân núi. Có chỗ nghiêng về bờ nam. Cát không trắng, cát hơi vàng, hơi đục. Con nước tự nhiên, êm ả theo nhau, lớp sau tiếp bước lớp trước.
Xuôi dòng Đà Rằng, buổi sáng ta thấy mặt nước có màu xanh lẫn với màu hồng. Ánh nắng đổ xuống, xuyên sâu, tạo thành những lằn sáng chói chang. Vào buổi trưa nước không còn màu sắc. Thật trong, trong vắt, nhìn thấy tận dưới đáy. Vào buổi chiều ánh nắng lại tạo những lằn sáng nhấp nháy nhưng không bằng buổi sáng, nắng có màu vàng, pha với màu nước xanh thẫm hơn. Nhìn thật kỹ, nước sông Đà Rằng hai buổi đều có màu tím thoang thoảng. Ban mai tím nhẹ và tươi, lúc xế tím pha chút sẫm.
Ngày mưa nhỏ có cái thư thái của mưa. Bây giờ tất cả một màu xám đục. Cả trời, cả mây, cả nước, cả gió, cả rừng cây thấp thoáng và nhà cửa ẩn hiện trong đồng.
Trong cơn bão lụt, sông Đà Rằng còn thừa sức chứng tỏ sự cuồng nộ hữu hiệu. Nước đục ngàu phủ kín hết lòng sông, suốt hai mươi mốt nhịp chân cầu, dài hơn cây số, bọt bèo cuồn cuộn. Nước dâng lên đồng ruộng, lên làng xóm. Sông Đà Rằng cười reo: “Ta vẫn còn đây, mãi mãi sự mạnh mẽ trẻ trung”. Nhớ lại chuyện xưa trong dã sử, con ngự tượng của Pô Klong Garai, vị anh hùng của Vương quốc Chăm Pa hồi thế kỉ thứ XIII đã lún sâu ở đây khi hộ tống ông vua này từ đông quận Panduranga ra Vijaya làm lễ đăng quang. Đoàn voi đã mất một nửa số lượng khi vượt qua dòng sông hung hãn này.
Nếu chưa một lần xuôi dòng Đà Rằng xin bạn hãy dừng chân ghé từng chặng bến, nhìn từng đoạn sông, như nhìn những phân cảnh. Từ bến đò Quy Hậu, bến đò Lò Giấy, bến đò Phong Niên…sông Đà Rằng chảy giữa châu thổ nên thoát khỏi cái cảnh lạnh lẽo, đìu hiu của những bến đò ngày mưa Miền Bắc trong thơ Anh Thơ. Những bến bãi của Đà Rằng bao giờ cũng rộng và sáng.
Từ đây về cửa Đà Diễn nơi hội lưu với hai dòng sông đàn em là sông Chùa và sông Bàu Hạ đường đi tuy có tách rời, ta hẹn gặp lại đại giang nơi chiếc cầu dài 1.101m. Trước kia, một người bạn nói với tôi cái ước mơ : Mai sau khi đất nước thanh bình ta sẽ có những đêm ngồi với nhau, với thơ với nhạc, trên các quán nối liền giữa hai chiếc cầu, tương tự như các kapia trong nhịp cầu trên sông Drina.
Mới đây, bạn nói: “Ước mơ đó mãi mãi vẫn là ước mơ. Đối với một con người, ai cũng có một quê hương. Và quê hương bao giờ cũng gắn liền với một dòng sông. Có thể là nơi mình sinh ra, lớn lên, cũng có thể là nơi mình tự nhận. Con sông Đà Rằng, với tôi, đã trở thành quê hương của đời sống, tình yêu, và cũng là nhân chứng của tình yêu, đời sống…”
Trần Huiền Ân