Tác giả: Hoàng Hường
Cơn sốt Cánh đồng bất tận vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điện ảnh Việt có thêm một dấu mốc đáng mừng, và cũng đáng bàn…
Điện ảnh Việt Nam: Cái xấu có nhất thiết phải che?
Đạo diễn Phillip Noyce bắt đúng bệnh điện ảnh Việt Nam
![]() |
Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận |
“Phim ông rẻ tiền, phim tôi cao quý”
Chẳng biết từ lúc nào, câu hỏi của nhà báo, các đề tài hội thảo, bình luận về điện ảnh luôn đặt cùng những cụm từ được mặc định với công thức khá ngược đời và có phần phũ phàng: Phim (được gọi là) thị trường = phim (bị cho là) rẻ tiền (chất lượng, đầu tư, đẳng cấp…) + đắt vé (doanh số lớn, hợp thị hiếu).
Loại thứ 2 được gọi là phim nghệ thuật, có công thức gần ngược lại = phim (được xưng hô) đắt giá (đầu tư, con người, thông điệp ý tưởng) + ế khách, thường rơi vào những phim ‘nhân dịp’ hoặc dòng phim tác giả.
Những cuộc tranh cãi bất tận giữa hai dòng phim này chẳng biết đi đến đâu và bao giờ dừng lại.
Chỉ biết 2 đại diện điển hình, đạo diễn Vương Đức thuộc phe phim ‘nghệ thuật ế khách’ và Lê Hoàng phe phim ‘rẻ tiền đắt vé’ từng đối diện đấu khẩu nhiều trận. Đỉnh điểm trong một hội thảo gần đây tại Liên hoan phim Quốc tế, 2 vị đại diện 2 dòng phim ‘kinh điển’ của điện ảnh Việt Nam chỉ thiếu nước xông vào nhau thượng cẳng chân hạ cẳng tay vì xung đột quan điểm.
Thực ra, 2 vị đạo diễn nên tạm dừng các cuộc công kích, các nhà làm phim, nhà phê bình đáng kính dừng các cuộc tranh cãi và ‘phân loại’ phim vô hồi kỳ trận để bình tĩnh nhìn nhận, thì chả có phim nào là ‘thị trường’, phim nào ‘nghệ thuật’. Chỉ có phim hay và dở, đề tài và cách làm như thế nào mà thôi.
Không phải đợi đến Cánh đồng bất tận làm mưa làm gió ngoài phòng chiếu và trên các diễn đàn, chứng minh việc không phải cứ ‘gái nhảy trai bao’ mới kéo khán giả đến rạp. Trước đó có Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng… cũng làm được những việc tương tự.
Trước đó xa hơn một chút, sau thành công tại LHP Châu Á – Thái Bình Dương 2000 tổ chức tại Hà Nội, bộ phim Đời Cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lập tức trở thành cơn sốt. Các suất chiếu Đời Cát hầu như đều cháy vé. Một hiện tượng cực kỳ hiếm hoi trong khu vực điện ảnh miền Bắc. Như những ngôi sao lóe lên rồi lại im lìm.
Tìm ‘chìa khóa thành công’ cho phim Việt
Nếu Đời Cát nổi lên bất ngờ nhờ thành công ở LHP, thì Cánh đồng bất tận được coi là làm đúng ‘bài bản’ của Hollywood, bước ra từ một cuốn sách ăn khách, đã có sự chú ý nhất định của khán giả. Dàn diễn viên có tên tuổi, đảm bảo thu hút được một lượng fan đến xem, và Liên hoan phim Quốc tế là một dịp ra mắt hoàn hảo.
Nếu các đạo diễn thuộc cả 2 ‘trường phái’ Vương Đức và Lê Hoàng cùng ngồi lại, có lẽ họ sẽ không tranh cãi truyện phim ‘nghệ thuật’ và ‘thị trường’ nữa, vì đơn giản một bộ phim thành công phải cần cả hai yếu tố đó.
Nhìn lại Cánh đồng bất tận, nói một cách công bằng, 80% thành công bộ phim là nhờ ảnh hưởng của cuốn truyện. Nếu tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không nổi tiếng, không biết chọn đúng dịp (LHP Quốc tế) để ra mắt, phim chắc chắn không ồn ào được thế. Về nội dung, kết cấu, giá trị của tác phẩm không phải bàn thêm, không có những giá trị đó, tác phẩm cũng chỉ dừng lại mức ồn ào xì xục như Gái nhảy, Trai nhảy… rồi hết.
Phim Gái nhảy đã lập thành công bất ngờ về doanh thu, nhưng bất ngờ đó sẽ không bao giờ lặp lại. Đã qua rồi thời người dân tò mò háo hức chạy đến rạp để xem mấy cô gái nhảy mặc váy ngắn. Những ‘món’ đó giờ đã quá thừa mứa, nếu không nói là “nhàm” trên đủ loại phương tiện truyền thông và giải trí. Nếu nghĩ khán giả vẫn thích mấy thứ đó thì thật ngây thơ.
Ngược lại, phải thẳng thắn nhìn nhận, giá trị tác phẩm chưa đủ thành xúc tác để kéo khán giả đến rạp. Có thể nói, 2/3 số khán giả đến rạp xem không chỉ vì truyện của Nguyễn Ngọc Tư, mà là vì phim có Dustin Trí Nguyễn, Hải Yến, và Tăng Thanh Hà đóng.
Mặc dù khắt khe mà nói, trong cả dàn diễn viên, 3 ngôi sao đều chưa tròn vai diễn, nếu không nói kém hẳn so với vai của 2 diễn viên mới là Ninh Dương Lan Ngọc và Võ Thanh Hòa.
Có lẽ trong thâm tâm, nhà sản xuất chỉ chờ đợi những lời có cánh, những sự vuốt ve đúng khẩu vị. Nhưng họ quên một điều: Cũng giống như ẩm thực, một món ăn có thể rất ngon với người này, nhưng chưa đạt với người kia. Và người thưởng thức có quyền chia sẻ những cảm xúc của họ.
Điện ảnh Việt, trước nay vẫn giống như cô gái nhan sắc tầm thường, một lời chê bai cũng chẳng ai buồn bình luận, bỗng một ngày trở thành tâm điểm, ngất ngây choáng ngợp với những lời khen tặng. Và sửng cồ khi bị chỉ trích chê bai, không khác gì việc treo trước cửa rạp là tấm pano ‘Xem phim, cấm chê nếu không muốn… ăn đấm’. |
Dustin Trí Nguyễn quá lịch lãm, xa lạ với tạo hình một ông nông dân chăn vịt Nam Bộ. Hải Yến đúng kiểu một ‘thợ diễn’ chuyên nghiệp, những kỹ thuật khóc cười được cô áp dụng thuần thục và quen thuộc. Tăng Thanh Hà thích hợp nhất trong việc mặc váy đẹp đứng trên thảm đỏ và trên các áp phích quảng cáo. Và cô vẫn giữ nguyên nụ cười và dáng điệu showbiz đó vào vai người phụ nữ nông dân 2 con, nghèo khổ tận cùng ở miền sông nước.
Thế nhưng không có họ, khán giả cũng không đến với bộ phim nhiều như thế. Cũng như đạo diễn Quentin Tarantino biết rõ ngôi sao Brad Pitt sẽ làm khán giả chú ý hơn đến bộ phim Inglourious Basterds của ông. Dù vẻ điển trai lãng tử “người đàn ông hấp dẫn nhất thế giới” Pitt không phải thích hợp nhất cho nhân vật đội trưởng biệt kích máu lạnh.
Các nhà phê bình Đức cũng tỏ ý nghi ngờ khi diễn viên Tom Cruise được lựa chọn cho vai đại tá Claus Von Stauffenberg trong Valkyrie, nhưng sau đó người Đức phải nhìn nhận lại cách làm việc của Hollywood khi Valkyrie đoạt doanh thu lớn, tất nhiên một phần là nhờ Tom.
Nguyễn Phan Quang Bình hoàn toàn có thể tìm được một diễn viên Nam bộ xịn vào vai ông Võ, chân thật từ trong ra ngoài; tương tự với Hải Yến và Tăng Thanh Hà. Nhưng rất có thể phim của anh sẽ rơi vào cảnh ‘mình làm mình hưởng’ như tình trạng đã xảy ra rất lâu với điện ảnh miền Bắc, nơi rất nhiều bộ phim có giá trị phải chịu cảnh ‘áo gấm đi đêm’.
![]() |
Cảnh trong phim Áo lụa Hà Đông |
Qua rồi thời làm phim chộp giật, hở dưới lộ trên chỉ để mua lấy vài trận cười dịp Tết. Nhưng cũng qua rồi thời người dân đến rạp để xem những tấm gương người tốt việc tốt, chào mừng sự kiện với cách làm phim bảo thủ cũ kỹ, làm xong để đấy. Hoặc những tác phẩm ăm ắp những tâm huyết, công sức và tài năng của đạo diễn nhưng bị bỏ vạ vật đâu đó, rồi xuất hiện bất ngờ cũng ở đâu đó trong những dịp nào đó, rồi mất tăm đầy oan uổng.
Một bộ phim thành công đúng nghĩa phải có giá trị nghệ thuật và có khán giả, không thể khác; nó cần tất cả những yếu tố đắt/rẻ của cả hai ‘trường phái’.
Đã đến lúc các nhà làm phim ‘nghệ thuật’ và ‘thị trường’ nên thôi tranh cãi dè bỉu nhau để cùng nhìn lại vậy.
Cô gái ở tuổi dậy thì
Bên cạnh đó, điều đáng ghi nhận của những nhà làm phim Việt, tiên phong ở khu vực điện ảnh tư nhân, là sự vươn ra hòa nhập với thế giới. Thông qua các liên hoan phim quốc tế, những dự án hợp tác và trao đổi phim với bên ngoài; điện ảnh Việt đang có những chuyển mình đáng kể.
Nhưng trong quá trình hội nhập đó vẫn còn nhiều điều đáng bàn, đặc biệt ở đây là bản lĩnh và cách hành xử của các nhà làm phim ta.
Ngay sau khi LHP kết thúc, báo chí đưa tin về ‘Một cuộc xô xát có động tay động chân với đồng nghiệp ở nơi công cộng, trước mặt nhiều người, của một đạo diễn trẻ đang đình đám với phim chiếu giới thiệu trong 1sVNIFF’. Lý do được cho là do phía BTC Liên hoan phim có chút sơ xuất trong khâu chuẩn bị, nên vị đạo diễn đã nổi khùng trong buổi ra mắt phim của anh. Tác giả tế nhị không nói chính xác tên vị đạo diễn, nhưng có lẽ dòng thông tin trên cũng quá đủ.
![]() |
Phim Gái nhảy |
Như nói trên, diễn viên HOT là đảm bảo để khán giả đến rạp, nhưng hãy xem cách nhà sản xuất quảng cáo phim. Trước khi xem ai cũng lầm tưởng Tăng Thanh Hà đóng vai chính, cô xuất hiện tại Pusan, tham gia các sự kiện, cười nói ký tên khán giả; ảnh choán hết các poster, trong khi vai diễn của cô nếu người xem lơ đễnh tý chút là bỏ lỡ.
Trong khi hai diễn viên đóng góp nhiều nhất cho thành công của phim là Lan Ngọc và Thanh Hòa gần như được giới thiệu mờ nhạt. Đạo diễn Quang Bình và BHD đã có công lớn trong việc phát hiện ra hai tài năng mới cho điện ảnh Việt, nhưng chính họ cũng không biết trân trọng khuếch trương ‘công’ của mình, quá lệ thuộc vào tên diễn viên.
Chưa hết, sau khi phim Cánh đồng bất tận chính thức được công chiếu và tạo được những tiếng vang nhất định. Trong những khán giả đi xem có cả những nhà báo, nhà văn, nhà phê bình; và các ‘nhà’ sau đó đã viết bài bình luận, đưa ra những quan điểm của họ.
Trong đó, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đưa bài bình luận ‘Phim từ photocopy đến photoshop‘ đăng trên Facebook, đưa ra những nhìn nhận riêng của anh về bộ phim, và về những mặt được/chưa được khi câu chuyện được chuyển từ truyện sang phim. Thiết nghĩ đó là cũng là việc bình thường.
Nhưng những nhà làm phim ta lại không nghĩ vậy, cũng có lẽ duy nhất ở Việt Nam, khi đại diện nhà sản xuất viết bài ‘mắng’ lại người phê bình, với những lập luận kiểu ‘nếu muốn làm theo ý của mình thì anh hãy tự đi làm phim’ và vị đại diện nhà sản xuất cũng không quên mang một đoạn bình luận trên tờ Hollywood Reporter và những phát biểu của Philip Noyce, Christian Juene ra ‘dọa’ lại nhà phê bình.
Có lẽ trong thâm tâm, nhà sản xuất chỉ chờ đợi những lời có cánh, những sự vuốt ve đúng khẩu vị. Nhưng chị quên một điều: Cũng giống như ẩm thực, một món ăn có thể rất ngon với người này, nhưng chưa đạt với người kia. Và người thưởng thức có quyền chia sẻ những cảm xúc của họ.
Ở khía cạnh nào đó, tác phẩm nghệ thuật giống như một cô gái đẹp. Mỗi khi cô xuất hiện, mọi sự chú ý đều dồn vào. Cô luôn là đề tài của mọi người. Người yêu quý ngưỡng mộ, xuýt xoa; kẻ bĩu môi bình phẩm hay dở. Đàn ông thích thú, đàn bà khó chịu, nhưng không ai không biết tên cô, không ai có thể thờ ơ với những câu chuyện về cô… Về tổng thể, đó có thể coi là sự thành công.
Điện ảnh Việt, trước nay vẫn giống như cô gái nhan sắc tầm thường, một lời chê bai cũng chẳng ai buồn bình luận, bỗng một ngày trở thành tâm điểm, ngất ngây choáng ngợp với những lời khen tặng. Và sửng cồ khi bị chỉ trích chê bai, không khác gì việc treo trước cửa rạp là tấm pano ‘Xem phim, cấm chê nếu không muốn… ăn đấm’.
Cánh đồng bất tận nói riêng và điện ảnh Việt đã có những thành công đáng mừng, cô gái không mấy ai chú ý bắt đầu khoe sắc. Nhưng, qua những gì cô hành xử và thể hiện – thì nhan sắc ấy mới đang ở tuổi dậy thì.
Lớn đi cô gái ơi, đừng ‘dậy thì’ mãi!