Mọi con đường đều dẫn tới thành công

Làm gì cũng được nhưng phải là số một !
Trong nhà kho của tôi có rất nhiều các loại dụng cụ tập thể dục, vợt cầu lông, vợt bóng bàn, vợt tennis, tạ, giầy patin, dây kéo, máy tập đa năng, kính bơi, giày thể thao, xe đạp… nhưng chúng chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian rồi lại bị vứt vào xó và lãng quên mãi mãi. Tôi thấy rằng nếu ta tập luyện nghiêm túc, một là quá đủ.

Để rèn luyện sức khỏe, để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, ta chỉ cần tập luyện một môn thể thao là được. Thậm chí chỉ cần đi bộ và chạy bộ trong một thời gian dài cũng có tác dụng lớn đối với sức khỏe và thể hình của ta. Còn trong cuộc sống, hay trong công việc, để bắt đầu một công việc mới, hay bắt đầu thực hiện một ý tưởng mới không quá khó khăn. Nhưng khó nhất là vượt qua được những rắc rối trên chặng đường đi tới thành công.

Có rất nhiều người loay hoay khi tìm kiếm công việc phù hợp để làm giàu, và cũng có rất nhiều người cho rằng chỉ những nghề như kinh doanh, đầu tư, bất động sản, chứng khoán, tài chính, tiền tệ… mới có thể trở nên giàu có. Thậm chí còn có cả một câu thành ngữ nổi tiếng đó là “phi thương bất phú”. Đa phần mọi người đều cho rằng muốn kiếm được số tiền trên 100 triệu mỗi tháng, chỉ có con đường làm kinh doanh, hoặc làm một trong những lĩnh vực kể trên. Chính vì lý do đó mà nhiều bạn trẻ cố gắng làm rất nhiều việc, dấn thân vào nhiều lĩnh vực, thử sức mình với vô vàn công việc khác nhau để tìm ra “con đường làm giàu nhanh nhất”. Nhưng thực tế thì nghề gì cũng có thể giúp chúng ta trở nên giàu có hoặc nổi tiếng, miễn là ta đạt được trình độ xuất sắc, ở trong hàng ngũ những người dẫn đầu của lĩnh vực đấy. Thậm chí nghề nhặt rác cũng có thể thành triệu phú, một trong số đó là câu chuyện về Curt Degerman.

Trong suốt 30 năm, những người dân thành phố biển Skelleftea ở miền bắc Thụy Điển đã quen thuộc với một ông già thường tha thẩn quanh các thùng rác, bới nhặt chai lọ cũ rồi chất vào chiếc túi đeo trên vai. Nhìn ông già Curt Degerman nhặt rác với chiếc áo bò xanh cũ bẩn và quần rách rưới, ngay cả người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể nghĩ đây là một triệu phú. Tuy nhiên, sự thật đúng là như vậy.

Sau khi ông đột ngột qua đời vì đau tim ở độ tuổi 60 hồi 2008, người ta sửng sốt khi biết tài khoản ngân hàng của Curt Degerman có tới hơn 1,4 triệu USD.

Mọi con đường đều dẫn tới thành công…

Theo nhật báo Telegraph, những người họ hàng vừa ngạc nhiên vừa sung sướng khi luật sư thông báo gia sản ông để lại bao gồm khoảng 1,1 triệu USD đang gửi trong ngân hàng Thụy Sĩ, két sắt chứa 124 miếng vàng trị giá 380.000 USD cũng gửi ngân hàng. Ngoài ra, trong một tài khoản khác ở Thụy Điển ông gửi vài nghìn USD. NTP (Tổng hợp từ Telegraph, Wall Street Journal, Sipa Press)

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều triệu phú đi lên từ “bãi rác”. Làng Tề Lỗ, Yên Lạc, Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình. Ngôi làng này vào những năm 1990 nổi tiếng với nghề đồng nát, dân làng chủ yếu là đồng nát. Nơi đây trở thành nơi tập kết của rác thải và phế liệu. Anh Trần Xuân Lộc – Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ nhận xét: “Buôn bán sắt vụn thời điểm đó cho thu nhập cao hơn, trúng một quả có khi sống rủng rỉnh cả năm”. Người này làm có lời, người khác cũng bắt chước làm theo ngay. Chủ một cửa hàng máy công trình ở đây kể: “Theo sự phát triển của nghề thì Tề Lỗ trở thành nơi tập trung rất lớn của các mặt hàng sắt vụn.”. Trong những thời điểm làm ăn, người ta phát hiện ra chi tiết của những xe công trình cho lợi nhuận cao hơn, vậy là bắt đầu quay sang thu mua những phụ tùng đó. Tiến thêm một bước, họ bắt đầu “độ” xe (trung tu, đại tu xe), mua xe cũ rồi ráp lại thành xe mới, bán kiếm chênh lệch gấp vài lần”.
Một lão làng trong nghề chia sẻ, nghề không phụ người song nếu không “nhất nghệ tinh” thì cũng khó trụ vững. Nghề nào cũng có những kẻ lừa đảo, gian manh, gà gà là bị lừa mua phải hàng dởm ngay, dính phải một phát là đủ khuynh gia bại sản. Nên tinh thông nghiệp vụ là yếu tố cơ bản thành công trong nghề này.

Bí thư Đoàn Trần Xuân Lộc tính toán, đến năm 2007 ở Tề Lỗ có khoảng 1.400 hộ dân và 1/3 trong số đó làm nghề thu mua xe công trình. Đa số trong độ tuổi thanh niên và nếu tính theo mức tài sản khoảng 10 tỉ đồng thì Tề Lỗ có khoảng 70 người; có người mới ở độ tuổi 32 mà tổng tài sản đã lên tới hơn 100 tỷ đồng. (Theo vietbao.vn)

Một nghề cho chín, hơn chín nghề cho một.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

-ca dao, tục ngữ-

Nhặt rác mà giỏi cũng có thể thành triệu phú. Chính xác là nghề nào cũng có thể giúp ta trở thành triệu phú, miễn là ta có thể ở trong nhóm đứng đầu của nghề đó, lĩnh vực đó. Anh em nhà Dic, Mac với thương hiệu McDonald, công ty số một thế giới về cung cấp đồ ăn nhanh, tính đến năm 2009 doanh thu mỗi năm đạt khoảng 5 tỷ USD (Theo The bwportal/Times). Chỉ với các món ăn đơn giản và gọn nhẹ như khoai tây rán, gà chiên, thịt băm, salat trộn, rau xà-lách… các công ty chuyên về đồ ăn nhanh như McDonald, KFC, BBQ, Bugger King, có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Thử hỏi ai trong số chúng ta không biết làm món khoai tây rán, ai không biết băm thịt, ai không biết rán gà tẩm bột? Tôi tin là bất cứ ai cũng có thể làm được, nhưng chỉ có những công ty kể trên đạt được thành công, bởi vì họ là những người đứng đầu, đứng đầu về chất lượng tốt, phục vụ chu đáo, giá rẻ… Trên thế giới là vậy, ở Việt Nam cũng không khác biệt. Nếu đi quanh khu phố cổ ở Hà Nội, ta sẽ thấy một loạt các cửa hàng “số 1”, những cửa hàng mà tên tuổi đã ăn sâu vào trong đầu mỗi người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, như trà chanh nhà Thờ, Caramen Hàng Than, nem chua rán Ngõ Trạm… các cửa hàng này mỗi tháng lợi nhuận thu được đạt khoảng 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Dù là thầy giáo, luật sư, bác sĩ, ngân hàng, kinh doanh, kỹ sư, đồ họa, đầu bếp, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên… muốn giầu là phải đứng đầu. Xã hội chỉ nhớ đến và tôn vinh những người đứng đầu, ít ai nhớ tới những người ở vị trí phía sau. Ta thử kể tên những người bạn học cùng với mình hồi cấp 1 và cấp 2 xem. Ai là những người đầu tiên ta nhớ tới? Lớp trưởng, tổ trưởng, trưởng nhóm, cậu bạn nghịch nhất, cô bạn xinh nhất, người học giỏi nhất, hay là những người bình thường? Điều đó đúng với thế giới, và cũng đúng với Việt Nam, cũng như bất kì nơi nào.

Có thể bạn cho rằng đó là đặc trưng công việc của các ngôi sao, đặc trưng của một vài công việc mà tôi “cố tình” đem ra làm ví dụ, với những nghề này hoặc là nổi tiếng, hoặc sẽ chẳng ma nào biết đến; hoặc là giàu sang, hoặc là nghèo rớt. Nhưng sự thật là với nghề nào, lĩnh vực nào cũng vậy. Nếu ta chỉ ở mức độ kha khá, vừa phải, thì ta mãi dừng lại ở việc có một khoản thu nhập kha khá, cuộc sống vừa phải, ổn định, không giàu mà cũng không nghèo. Chưa kể đến trường hợp như bất ổn thị trường, suy thoái kinh tế, hoặc công ty nơi ta làm việc có những trục trặc khác.

Dù làm công việc nào, việc lựa chọn một cuộc sống bình thường hoặc một cuộc sống đầy thử thách và cơ hội, cũng do chính tay ta chọn lựa. Bất cứ nghề gì, dù là nghề được nhiều người ưa chuộng nhất, nghề nổi tiếng nhất, nghề đã từng có nhiều người thành đạt nhất, nhưng nếu ta chỉ ở mức độ trung bình, hoặc mức độ khá, việc có được một khoản thu nhập lớn và cuộc sống dư giả là điều không tưởng. Ngược lại, làm bất cứ công việc gì, dù là nhặt rác đi chăng nữa, nếu ta đạt tới vị trí dẫn đầu, ta cũng có thể trở nên giàu sang, nổi tiếng. Các câu hỏi đại loại như: “Việc nào có thể kiếm nhiều tiền?” hay “Việc nào sẽ đem lại sự giàu sang, nổi tiếng?” không còn ý nghĩa gì nữa. Bởi vì công việc nào cũng có thể đưa ta đến sự giàu sang, vinh quang, nên điều này không còn là vấn đề, mà quan trọng là “Tôi có thể là số một ở công việc nào? Tôi có thể là số một ở lĩnh vực nào?” và “Làm thế nào tôi có thể đứng ở vị trí số một?”. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu điều này thật kỹ lưỡng ở phần B.

Có lẽ không còn câu nói nào hay hơn câu nói trong di chúc của một dòng họ nổi tiếng của Mỹ: “con cháu dòng họ có thể làm bất cứ nghề gì, nhặt rác, luật sư, bác sĩ, bán hàng… nhưng phải là số 1.”.
Làm gì cũng được nhưng phải là số 1!

–Tâm Việt Group–
–Quách Đức Anh–

7 thoughts on “Mọi con đường đều dẫn tới thành công”

  1. Thưa anh, như anh có nói “làm gì cũng được, nhưng phải là số 1”, vậy xin phép anh cho em hỏi, làm thế nào để đến cái “số 1” ấy? Em cảm ơn anh

    ———
    em Lan Phương

    Like

  2. Chà, câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của bạn Lan Phương sẽ là mơ ước của vô số bạn trẻ và không trẻ! Tuy nhiên sẽ đơn giản hơn nếu ta giới hạn khái niệm lại một chút: không phải là số 1 trên thế gian này, mà là số 1 đối với mình. Việc gì mình sẽ làm tốt nhất trong 10 việc mình có thể làm? Như vậy chắc sẽ … khả thi hơn cho một cuộc sống an lành. Còn phần còn lại thì … để trời tính! 😀

    Like

  3. Chào cả nhà,

    Câu hỏi của Lan Phương rất hay, và đưa ra một vấn đề tư duy rất phức tạp, thường làm cho chúng ta bị lẫn lộn. Đó là “Số 1 nghĩa là gì?”

    Thực ra là có hai nghĩa số 1—nghĩa tư duy tích cực và nghĩa kinh tế. Và hai khái niệm này, tuy khác nhau, đôi khi vẫn gắn bó rất mật thiết.

    1. Trong tư duy tích cực ta không bao giờ so sánh ta với người khác, vì mỗi người là một con đường khác nhau, không so sánh được. Nếu có so sánh thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ví dụ: Ta có thể đứng nhất lớp, nhưng nếu trình độ mọi người trong lớp là lớp 5 và trình độ ta cỡ lớp 12, thì số 1 đó chẳng nghĩa lý gì cả.

    Hơn nữa, trong tư duy tích cực, so sánh với người khác lại là việc rất tham lam, ham hố, chỉ muốn hơn thua, giành giật. Đây là tinh thần rất tiêu cực. Ai cũng có thể thấy.

    Nhưng, tư duy tích cực luôn luôn muốn ta phải sống hết mình—khiêm tốn hết mình, thành thật hết mình, yêu người hết mình, làm việc hết mình, siêng năng hết mình, phẩm lượng hết mình… Tức là ta luôn luôn sống kiểu số 1 của ta. Không chấp nhận phẩm lượng số 2 của chính mình. Đây là số 1 mà Quỳnh Linh nói đến.

    2. Trong kinh tế và thương mãi, muốn thành công, ta (công ty của ta) phải là “số 1 trong thị trường của ta.” Đây là số 1 mà Đức Anh nói đến.

    Khái niệm “thị trường” ở đây là một khái niệm chiến lược quan trọng trong kinh tế.

    Tâm lý con người là người ta chỉ nhớ số 1 chứ thường chẳng ai nhớ số 2 trở xuống. Ví dụ: Ai là người đầu tiên bước xuống mặt trăng? Neil Armstrong. Ai là người số 2? Huh? Ai là hãng computer đầu tiên của thế giới? IBM. Ai là hãng số 2? Huh? Người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là Âu Cơ? Ai là người phụ nữ thứ hai? Huh?

    Vì chẳng ai để ‎ý đến số 2 và thấp hơn, muốn mọi người nhớ đến công ty mình để mà kiếm sống, ta phải là số 1 trong thị trường ta hoạt động.

    Nhưng nếu tôi mở tiệm phở, thì đã có hàng chục công ty lớn trong thị trường đó rồi, làm sao tôi có thể thành số 1 được? Cơ hội để vào thị trường và đánh bật cả chục công ty có sẵn gần như là zero.

    Nhưng, nếu ta mở một thị trường phở mới chưa có sẵn, thì ta sẽ là số 1 trong thị trường đó. Thị trường phở mới này, nhỏ xíu, nằm trong thị trường phở vĩ đại có sẵn, được gọi là niche market. Ví dụ: Mở tiệm phở chuyên giao phở tận nhà. Đó có thể là một thị trường mới—phở giao tận nhà–vì chưa ai chuyên về việc đó cả (dù là có vài tiệm phở đôi khi mang phở đến các nhà lân cận). Trong thị trường phở chuyên giao tận nhà, ta đương nhiên là số 1, và có thể là số 1 rất lâu đời, vì lịch sử cho thấy các công ty đầu tiên của thị trường thường giữ ghế số 1 gần như là vĩnh viễn, dù là sau đó sẽ có các công ty khác nhào vô.

    Tức là trong thương mãi kinh tế, muốn thành công ta phải là số 1. Hoặc vượt trội hơn tất cả các công ty có sẵn (nhưng rất khó để làm điều này), hoặc mở một niche market và là người đầu tiên.

    Nguyên tắc số 1 của kinh tế thương mãi là như vậy.

    * Nhưng như vậy nó có nghĩa là tham lam ham hố, chỏi với tư duy tích cực không?

    Thưa, nếu ta quản lý thông minh, thì tìm vị thế số 1 trong thị trường không chỏi với tư duy tích cực. Bởi vì, thực ra ta chẳng cạnh tranh với đối thủ để thắng số 1, mà là ta tìm ra cách mới hơn, cách hiệu quả hơn, để làm sản phẩm tốt hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn, cho nên ta chiếm số 1.

    Số một KHÔNG BAO GIỜ lọt vào tay ta nếu ta chỉ chú tâm vào cạnh tranh với đối thủ. Số một sẽ đến nếu ta chú tâm vào phục vụ khách hàng cách tốt nhất.

    Chú tâm vào cạnh tranh là tiêu cực, năng lượng tiêu cực chỉ mang đến thất bại. Chú tâm vào phục vụ khách hàng, thường đưa đến vị thế số 1 trong kinh doanh. ĐIỀU NÀY CỰC KỲ QUAN TRỌNG TRONG QUẢN LÝ, nhưng đại đa số sách dạy quản lý không hiểu, cứ tập trung tư duy học trò vào “cạnh tranh”, chứ không tập trung vào “phục vụ”. Và rất nhiều công ty chết vì các cấp manager chỉ nghĩ đến cạnh tranh, chứ không tập trung 100% vào phục vụ.

    Và rất rất nhiều thầy dạy tư duy tích cực cũng không hiểu sự khác biệt của số 1 của tư duy tích cực và số 1 của cạnh tranh, cho nên cứ tập trung tư tưởng học trò vào cạnh tranh để thành số 1. Tức là tập cho học trò tư duy rất tiêu cực.

    Người chưa nắm được chắc chắn, sẽ có cảm tường đây chỉ là chữ nghĩa lý luận. Nhưng không phải vậy. Đây là thực hành tư duy tích cực. Tập trung đầu óc vào phục vụ, là tích cực, sẽ đưa đến thành công. Tập trung đầu óc vào cạnh tranh, là tiêu cực, sẽ đưa đến thất bại. Chúng ta không nên mù mờ chỗ này (dù rằng đại đa số “thầy” về tư duy tích cực trên thế giới vẫn mù mờ chỗ này, đừng nói đến học trò).

    Lòng vòng dài dòng, nhưng hy vọng mọi ngươi nắm vững. Đây là một vấn đề tư duy khó khăn, dễ hiểu lầm, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến thành công và thất bại của ta.

    Superb superb question, Lan Phương.

    Like

  4. Chào các bạn,

    Superb question and answer,

    Vậy mình “làm gì thì làm, nhưng nên phấn đấu trở thành người phục vụ tốt nhất – số 1 – cho cuộc đời này!”.

    Thân ái,

    Like

  5. Cảm ơn anh Hoành và Lan Phương về trao đổi về vị trí người số 1.

    Đúng là hai bên sàn sàn như nhau mà cứ cố hơn thua thì sẽ tốn rất nhiều nỗ lực mà chẳng hơn thua được bao nhiêu do tạo ra nhiều dead weight từ chuyện hơn thua với nhau. Nếu đổi lại câu hỏi:

    Khách hàng cần cái gì? Làm thế nào để thuận tiện cho khách hàng nhất?

    Thì sẽ sinh ra các ý tưởng hay để phục vụ khách hàng tốt hơn.

    Một ví dụ nổi tiếng là việc cạnh tranh giữa hãng Pepsi và Cocacola và câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa thời hiện đại:

    “Khi Roberto Goizueta đảm nhận vị trí CEO của Coca Cola vào những năm 1980, ông đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với Pepsi. Nhân viên của ông ta đang tập trung vào cạnh tranh với Pepsi và cố gắng tăng thị phần từng 0.1%. Goizueta quyết định không cạnh tranh với Pepsi mà thay vào đó là tìm cách chiếm thị phần. Ông ta hỏi các nhân viên và biết rằng trung bình mỗi ngày, mỗi người Mỹ uống các loại nước là 14 ounces (đơn vị đo lường của Mỹ), trong đó thì Coke chỉ có 2 ounces/ngày/người. Rõ ràng việc cạnh tranh không chỉ là Pepsi mà còn là nước, trà, cà phê, sữa và các loại nước trái cây.

    Mọi người sẽ dễ dàng tìm thấy Coke bất kể khi nào họ cần uống. Coke quyết định đầu tư các máy bán coca cola tự động ở khắp các góc đường. Doanh thu tăng nhảy vọt và cho đến nay thì Pepsi vẫn không thể nào theo kịp.”

    Chúc cả nhà khỏe và vui,

    Hiển

    Like

  6. Cảm ơn các anh chị đã ủng hộ bài viết của em, bài viết được em biên soạn từ tập tài sản của Tâm Việt Group.
    Phần viết và phân tích của anh Hoành quả là tuyệt vời, đầy kinh nghiệm và sâu sắc. Xin phép anh Hoành cho em được trích 1 phần bài viết của anh trong bài viết sắp tới của em ^^

    Quan điểm của chị Quỳnh Linh cũng rất thú vị, sắp tới em cũng sẽ viết một số bài liên quan đến nội dung “khám phá số 1 của chính mình”

    Trả lời câu hỏi của bạn Lan Phương, Đức Anh rất muốn trả lời ngắn gọn và xúc tích nhất, nhưng như chị Quỳnh Linh nói “câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của bạn Lan Phương sẽ là mơ ước của vô số bạn trẻ và không trẻ!”. Đây là một vấn đề lớn, không thể trả lời trong 1-2 câu được. Đức Anh và các đồng nghiệp ở Tâm Việt đang cùng nhau hoàn thiện một quyển sách nói về nội dung này, Đức Anh sẽ đăng dần các phần của quyển sách lên đây để Lan Phương và các anh chị có thể tham khảo và góp ý.
    Em rất mong muốn nhận được sự bình luận, đánh giá, phân tích của cả nhà, để viết ra được 1 quyển sách chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ.
    Chúc cả nhà vui khỏe, có ích ^^
    Đức Anh.

    Like

Leave a comment