Cảm phục chuyện người khiếm thị nuôi mẹ già

(Dân trí) – Đôi mắt chị vĩnh viễn không còn nhìn thấy sau một cơn sốt co giật lúc lên 3 tuổi. Nhưng với khát vọng làm chủ cuộc sống, chị đã “viết” nên một câu chuyện về đời mình giống như trong cổ tích.

Trồng rau, nuôi gà, nuôi mẹ già…

Từ trụ sở UBND xã Minh Đức (Hớn Quản, Bình Phước) đi thêm khoảng 5 km đường đất là tới nơi ở của chị Trần Thị Tính tại ấp 2, nhưng ngay từ trung tâm xã chúng tôi đã được nghe nhiều người kể về người phụ nữ đặc biệt này.

Ấn tượng đầu tiên là sự gọn gàng, ngăn nắp trong ngôi nhà nhỏ. Mọi đồ vật được xếp đặt quy củ, từ tủ quần áo, bàn ghế, khu bếp và cả nền nhà sạch bóng… Để ngôi nhà thêm trang nhã, chị còn nhờ người mua dây nhựa để kết rèm. Bức rèm được kết rất xinh xắn, công phu: “Ai cũng khen đẹp và nói chị khéo tay đấy”- chị khoe.


Mọi sinh hoạt của mẹ già 84 tuổi đều do chị Tính lo liệu

Chị Tính còn tự đi chợ, giặt giũ, thậm chí trồng rau, nuôi gà… “Hôm nào vào, em mua cho chị ít hạt cà tím nhé, mùa mưa tới trồng rau được rồi. Gà thì năm ngoái nuôi được nhiều nhưng bị trộm riết nên chị không nuôi nữa” – chị đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Không chỉ tự lo cho mình, chị Tính còn nuôi mẹ già 84 tuổi, bị mù nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt của mẹ từ ăn uống, vệ sinh… đều một tay chị lo liệu. “Có anh chị em ở Bình Dương, Sài Gòn, nhưng mình muốn tự tay chăm sóc mẹ, ở với mẹ được ngày nào thấy vui ngày đó” – chị tâm sự.

Không nhìn thấy không có nghĩa là… mù

Chị Tính cho biết, thời gian đầu, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người nhà giúp đỡ. Nhưng lớn lên, chị nghĩ: “Mình cũng có chân tay, sao lại phải cậy nhờ người khác?”. Chị Tính đã trải qua quãng thời gian dài khổ luyện: lắng nghe, cảm nhận, phán đoán, mò mẫm… nên chuyện vấp ngã trầy xước chân tay, u đầu mẻ trán, lạc đường… diễn ra như cơm bữa. Thế rồi, chị đã làm được: trông trẻ mướn, gỡ kẽm gai mướn và xin vào các cơ sở lao động dành cho người khiếm thị làm công ăn lương.


Dù bị khiếm thị nhưng với chị chuyện gì cũng có thể làm được

Chị còn gây sốc khi dám “liều lĩnh” đi xe đò từ TPHCM lên biên giới Tây Ninh đi buôn: “Hồi đó, đi đúng một chuyến nhưng huề vốn nên nghỉ luôn” – chị cười.

14 năm trước, chị một lần nữa gây sốc với mọi người khi quyết định rời gia đình ở TPHCM lên Bình Phước theo chỉ dẫn của một người quen. Số tiền tích góp được sau thời gian làm mướn đủ để chị mua một mảnh đất, dựng túp lều sinh sống. Cũng từ đó, chị biết đến dọn cỏ, trồng rau, nuôi gà… thậm chí còn sửa phích cắm điện, tự tay thưng lại vách nhà.


Với người sáng mắt chưa hẳn đã làm được bức rèm này…

Là một Phật tử, chị phát nguyện ăn chay nhưng bữa cơm của mẹ già vẫn phải có thịt cá vì mẹ đã lớn tuổi, cần đảm bảo dinh dưỡng. Cách đây 3 năm, chị được chính quyền xã cấp căn nhà tình thương, mỗi tháng được nhận trợ cấp 120 ngàn đồng. Số tiền này cùng những cây con trồng và nuôi trong vườn cũng chỉ đảm bảo cho hai mẹ con chị một cuộc sống đạm bạc.

“Còn nhiều người khiếm thị giỏi giang hơn chị, họ cũng phải kiên trì khổ luyện. Quan trọng nhất là phải có nghị lực và niềm tin. Không nhìn thấy không có nghĩa là mù đâu em ạ.” – giọng chị nhỏ nhẹ nhưng cương nghị.

Quang Trung  – Hoài Lương

Một bình luận về “Cảm phục chuyện người khiếm thị nuôi mẹ già”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s