Thiền hít thở

Chào các bạn.

“Thiền” là sống “ở đây lúc này” không vướng mắc. Thiền không phải chỉ là một hai phương pháp làm cái này hay cái kia.

Tuy nhiên, người ta hay nói ngồi thiền, hành thiền, thiền ăn, v.v… Tức là, dùng từ “thiền” để chỉ một phương pháp làm gì đó.

Hai cách dùng từ này hơi khác nhau, chúng ta nên nắm vững. Trong nghĩa rộng và đúng nhất—thiền là sống ở đây lúc này không vướng mắc—các bạn có thể đọc và suy niệm 101 Truyện Thiền (với phần bình giải). Download Ebook ở đây.

Trong nghĩa thứ hai, dùng từ thiền để chỉ các phương pháp, hôm nay chúng ta nói về “thiền hít thở” là phương pháp ngồi thiền nhập môn hầu như ai cũng biết. Nhưng trước đó hãy nói về vài từ thiền để ta bớt lẫn lộn trong đầu.

1. Vài từ ngữ về thiền

Thiền hay thiền na là do từ Djàna trong tiếng Phạn.

Thiền định (Djàna-samàdhi) thường được dùng có cùng nghĩa như “thiền” hay “thiền na”. Thiền là meditation trong tiếng Anh, định là giữ lại, đứng lại, tập trung, tiếng Anh là concentration. Định đi với thiền là để nhấn mạnh thêm chữ “thiền”.

Nói chung thì có hai cách thiền:

a. Thiền chỉ (sathama). Chỉ là “dừng lại”. Thiền chỉ là thiền để giúp tâm dừng lại đừng chạy lung tung. Thiền chỉ có thể là ngồi thiền hít thở tập trung tư tưởng, hay thiền hành (thiền đi) và tập trung tư tưởng vào một chuyện trong khi đi, hay thiền trong công việc gì đó trong ngày, tức là làm việc đó và chỉ tập trung tư tưởng vào đó.

b. Thiền quán (vipassana). Quán là nhìn, tức là dùng tâm trí để “nhìn” một cái gì đó hay một vấn đề nào đó để có thể thấy nó và hiểu nó rất sâu. “Quán” thì ta có thể quán về bất kì điều gì trên đời.

Phật giáo Nguyên thủy có quán “tứ niệm xứ” (quán 4 điều: quán thân thể, quán cảm giác, quán tư tưởng, quán giáo pháp). Đây là pháp thiền quán chính Phật Thích Ca dạy nên còn gọi là Thiền Như Lai.

Ngoài ra còn có thể quán từ bi, quán nhân duyên, quán tứ diệu đế và bát chánh đạo, quán Không, v.v.. Rất nhiều các cách quán này là do các tổ sư sau này của các dòng thiền Đại thừa sáng tạo nên gọi là Thiền Tổ Sư.

2. Tinh yếu của thiền

Thiền là tâm tĩnh lặng, không vướng mắc vào bất kì điều gì.

Đây là điều rất quan trọng để nhớ, vì nó là đặc điểm của thiền, để phân biệt thiền với những môn khác như khí công mà nhiều người hay lẫn lộn với nhau.

Ví dụ : Thái cực khí công của Đạo gia (phái Võ Đang) là “dùng ý dẫn khí”, tức là dùng ‎ý của mình để hướng dẫn khí lực trong người và luyện khí cho cường thịnh. Như vậy tâm ‎ý của mình luôn luôn bận rộn với luyện khí chứ không thể tĩnh lặng hoàn toàn như Thiền.

3. Thiền hít thở

Thiền hít thở còn gọi là thiền sổ tức. Đây chỉ là ngồi hít thở để tâm tĩnh lặng.

Thiền hít thở thuộc về thiền chỉ (sathama).

Mỗi vị thầy sẽ chỉ bạn khác với vị thầy khác một tí. Điều này chẳng hề gì. Chỉ cần biết là “ta ngồi yên hít thở để giúp tâm định lại, không chạy lung tung.”

Nguyên tắc chính là THOẢI MÁI. Làm gì mà bạn thoải mái là tốt nhất, vì thoải mái thì tâm dễ tĩnh lặng, không thoải mái thì tâm chạy lung tung.

a. Ngồi:

Ngồi xếp bằng, hai tay để như hình trên đây là tiện và phổ thông nhất.

Dĩ nhiên, bạn có thể ngồi kiểu bán kiết, hay ngồi kiết già (ngồi hoa sen) nếu muốn. Hay ngồi tựa ghế nếu người đau lưng, hoặc ngồi trên ghế nhưng không tựa, hai bàn chân trên sàn nhà, nếu là ở văn phòng.

Nếu có một chiếc gối dưới mông (nhưng không dưới chân) thì ta sẽ thoải mái hơn.

Hai tay để ngữa trên hai đầu gối (như trong hình), đầu ngón cái và đầu ngón trỏ chạm nhau thành vòng tròn. Hoặc không cần chạm. Hoặc để úp hai tay xuống cũng chẳng sao. Hoặc 2 bàn tay để ngữa chồng lên nhau và đầu 2 ngón tay cái chạm nhau. (Nhắc lại: Làm gì mà bạn thấy thoải mái là được).

Thẳng lưng, để không hại xương sống và giúp các cơ lưng mạnh dần theo thời gian.

Đầu thẳng tự nhiên một cách THOẢI MÁI (thường là ở vị thế giống như ta đang nhìn xuống đầu mũi của ta).

Mắt nhắm là tốt nhất vì ít bị chia trí. Tuy nhiên nhắm mắt có thể làm ta buồn ngủ và ngủ gật. Nhưng chính Đạt Lai Lạt Ma nói ngủ là cách thiền hay nhất, nên ngủ cũng chẳng sao.

b. Hít thở

Khi hít vào thì nên hít sâu xuống bụng (tức là phình bụng ra), để hơi vào được nhiều hơn và sâu hơn, tốt hơn cho sức khỏe và thư giãn hơn cho hệ thần kinh.

Khi thở ra thì thì thóp bụng lại.

Thở đều

Và khi quen rồi thì thở càng chậm thì càng tốt

c. Theo dõi hơi thở:

Theo dõi hơi thở là để giúp tâm chỉ làm một việc và gạt mọi việc khác ra ngoài.

Hít vào thì tâm ta “theo dõi” hơi thở từ mũi theo khí quản dồn xuống phổi, rôi cuối phổi (bụng phình ra). Thở ra thì “theo dõi” hơi thở từ bụng (đáy phổi) lên phổi, khí quản, lên mũi, ra ngoài.

Chú tâm vào hơi thở và không để tư tưởng nào khác tới. Nếu có ý niệm nào tới thì gạt nó ra ngoài chỉ để tâm tập trung vào việc theo dõi hơi thở.

d. Thời gian:

Lúc nào trong ngày cũng được, nhưng không nên lúc mới ăn no hoặc lúc đang đói quá (bụng đói thì khó tĩnh lặng).

Sau lúc tập thể dục hay chơi thể thao là rất tốt. Trước khi đi ngủ cũng rất tốt.

Mỗi lần 15 phút, hay 30 phút, hay lâu hơn tùy mình.

Thường xuyên (mỗi ngày) là yếu tố quan trọng nhất cho việc luyện tập.

Mỗi khi có chuyện nhiều stress, cách tốt nhất là phối hợp thể thao và thiền–tập thể dục thể thao một lúc rồi ngồi thiền, để giảm stress.

e. Nơi chốn:

Nơi càng tĩnh lặng, càng ít tiếng ồn càng tốt.

* Cách tập hít thở này chẳng khác bao nhiêu so với khí công nhập môn của võ gia, chính vì thế mà người ta hay lẫn lộn thiền và khí công. Nhưng đến mức thiền cao hơn thì thiền rất khác khí công.

Chỉ cần bài tập giản dị này, nếu tập thường xuyên mỗi ngày, ta sẽ luyện tâm biết tĩnh lặng từ từ, không bị bận bịu với quá nhiều thứ, và cũng không dễ bị xung động bởi nhiều loại stress.

Ngay cả khi ngồi trên xe bus ta cũng có thể nhắm mắt hít thở cách này. Rất tiện nghi. Các hình thức bên ngoài hoàn toàn không bắt buộc. Ở nhà, nếu muốn, bạn có thể nằm ngữa thoải mái để hít thở. Điều chính là theo dõi hơi thở để tâm trí tập trung vào một việc và không bị xung động. Rất tốt cho tâm tĩnh lặng và sức khỏe.

Chúc các bạn thăng tiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

17 thoughts on “Thiền hít thở”

  1. Em nghe nói về thiền nhiều nhưng không dám tập vì mọi người nói nếu tập không đúng sẽ có hại. Cảm ơn anh rất nhiều vì bài viết. Em sẽ gắng thực hành thường xuyên theo chỉ dẫn của anh.

    Chúc anh một ngày vui vẻ!

    Like

  2. That tuyet voi. Cam on anh Hoanh rat nhieu. Minh mong muon nhieu nguoi cung lam theo. Minh da thien duoc nhieu nam, mac du khong duoc lau cho moi lan thien, nhung luc nao co dieu kien la thien, du chi may phut, va co khi ngay o van phong.

    Minh co the noi chac chan, la doi voi minh thien da co tac dung vo cung tot, cho ca suc khoe, va tinh than.

    Tiep

    Like

  3. Anh Hoành có biết nơi nào tập thiền hay tập Thái cực khí công không ạ? Em cảm ơn anh nhiều ạ.

    Like

  4. Hi Hoàng Nam,

    Anh chẳng biết ở đâu dạy các môn này ở Vn để chỉ em. Thiền thì đa số các chùa đều có. Học thiền trong Chùa thì luôn luôn là có học Phật pháp kềm theo. Ở mức độ thấp thì thầy nào cũng gần như nhau. Nhưng theo anh thấy thì các thầy/cô Tiểu Thừa (Phật giáo Nguyên Thủy) có phương pháp dễ hiểu và quy tắc hơn đa số các vị Đại Thừa.

    Về Thái Cực Khí Công thì thực sự là chỉ có các sư phụ Thái Cực Quyền như một môn võ học (tức là dùng để chiến đấu với vận tốc như điện chớp, chứ không phải các vị chỉ biết “Thái Cực Quyền” chầm chậm cho các vị người lớn tập trong công viên mối sáng) thì mới học đúng đường.

    Em phải con chừng. Rất nhiều người, kể cả “thầy”, đâu óc mơ hồ, lẫn lộn khí công và Thiền. Hai môn này khác nhau 180 độ, dù là ngồi hít thở có vẻ rất giống nhau.

    Em khỏe nhé.

    Liked by 1 person

  5. Hi anh,

    Anh cho em hỏi một chút, việc hít thở em có thắc mắc là theo cách thiền anh chỉ lại ngược với cách thông thường là khi hít vào căng lồng ngực ra (tăng lưu lượng khí cho phổi), và ngược lại, còn hít thở sử dụng bụng thì khi hít vào phình bụng ra, khi đó lồng ngực thóp lại, khí vào phổi ít hơn.

    Anh có thể nói rõ hơn chút để em hiểu thêm về cách hít thở này được không a?

    Cám ơn anh nhiều!

    Like

  6. Hi Tuan Linh!
    Cách anh Hoành chỉ là cách mà nhiều người đã tập và đạt được kết quả tốt đấy, bạn thực hành đi đã ,xem có thấy cơ thể mình có gì khác so với thở mà bạn đang thấy thông thường,thì bạn sẽ hiểu rất nhanh và cảm nhận trực tiếp từ cơ thể mình, theo mình, anh Hoành có giải thích cho bạn thì vẫn không bằng bạn tự cảm nhận lấy, điều này mình rút ra từ bản thân mình bạn ạ,nếu mình muốn học cái gì,đầu tiên mình nge hướng dẫn làm việc đó,rồi mình thực hành ngay,sau đó mình mới tìm đọc những cảm nhận của những người đã thành công về môn học đó,để kiểm tra xem có đúng như với mình không,cách đó khiến mình học rất nhanh các bài học và khi đọc bài nào của người chỉ viết mà không thực hành,mình biết ngay.Nên mình xin chia sẻ với bạn điều đó, nếu bạn tin thầy, thì nên thực hành, phải thực hành mới có kinh nghiệm của riêng mình,và đấy là việc quan trọng.
    Chúc bạn thực hành tinh tấn nhé.

    Like

  7. Hi Tuấn Linh.

    Thở bằng bụng thì khi ta hít vào, bụng phìng ra từ từ, hoành cách mạc (màng chắn giữa phổi và bụng) sẽ được đẩy xuống, và “massage” ruột và các cơ quan của ta trong bụng, rất tốt gể làm các cơ quan đó khỏe mạnh.

    Nhưng nếu em muốn thở bằng ngực thi cũng chẳng sao.

    Vì (ĐÂY LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG): Mục đích tập trung vào hơi thở là để ta tĩnh lặng, không nghĩ gì cả. Nếu hít thở mà lại nghĩ đến bụng, phổi, hoàng cách mạc và các cơ quan nội tạng, hay nhiều hơi it hơi, thì tĩnh lặng thế nào được?

    Like

  8. Hi anh chị,

    Cám ơn anh chị đã hướng dẫn thêm cho em, em muốn được giải đáp thắc mắc để thực hành cho hiệu quả và hiểu hơn về chi tiết của phương pháp, khi hiểu thì sẽ thấy thú vị hơn, và lại càng hứng thú để thu được kết quả cao nhất có thể.

    Em đã tập và đang dần quen, quả thực cách hít thở này khiến bản thân em tập trung vào hơi thở hơn, em tin các kết quả sẽ dần tới với em và những người sẽ thực hành phương pháp này!

    Cám ơn anh chị nhé!

    Like

  9. Chào Anh Hoành
    Cám ơn bài chia sẽ ,
    Nhưng khi Em thực tập thì suy nghĩ lung tung nhiều quá không tập trung
    Khi tập trung được thì lại buồn ngủ
    Có phải gì em không có ăn chay trường nên không ngồi thiền được phải không Anh , rất muốn Anh chia sẻ giúp
    Chúc Anh mỗi ngày được bình an

    Like

  10. Hi Huy Hoàng,

    Lúc mới ngồi Thiền đầu óc mình chưa quen tập trung nên tư tưởng mình hay chạy lung tung như thế (kể cả nhiều sư phụ đã thuân thục đôi khi tư tưởng cũng có thể đi lung tung).

    Vi vậy em chỉ cần làm 2 việc:

    1. Tư tưởng nào đến thì “nhìn’ nó để nhận ra nó, nhưng đừng cố đuổi nó ra khỏi đầu (vì càng cố đuổi nó càng nằm ì ra đó. Cứ để nó tự nhiên).

    2. Em cứ chuyên tâm tập trung vào hơi thở đi ra đi vào.

    Về việc ngủ gục, Đức Đại La Lạt Ma nói là “ngủ là cách Thiền hay nhất” nên anh nghĩ là em không phải quá quan tâm đến việc ngủ gục. Thực sự là Thiền một lúc thì ta đi vào trạng thái Gammma Wave là tần số não bộ của người bắt đầu ngủ (nửa ngủ nủa tỉnh)

    Like

  11. THỞ THIỀN

    Thở thiền không phải là tập luyện hơi thở. Mà phải là quan sát, là cảm nhận, là biết rõ sự chuyển động phồng lên, xẹp xuống của bụng thông qua hơi thở.

    Thở thiền là thở tự nhiên, tức là không quá cố gắng thở mạnh, thở sâu, không cố gắng phình bụng ra thóp bụng lại. Tất cả động tác thở đều diễn ra bình thường theo nhịp điệu tự nhiên của cơ thể.

    Quan trọng nhất là phải “QUAN SÁT THEO DÕI SỰ PHỒNG XẸP CỦA BỤNG.” Trong lúc quan sát hơi thở, sẽ có lúc TÂM BỊ PHÂN TÁN, CÁC TẠP NIỆM XEN VÀO. Điều này rất thường xảy ra trong lúc thiền. Đừng theo đuổi bất cứ điều gì xảy ra trong tâm, mà hãy tiếp tục quan sát, cảm nhận, chú ý vào vùng bụng dưới.

    QUY TẮC THIỀN

    1/ CHÚ TÂM VÀO ĐỀ MỤC
    2/ PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG
    3/ DỪNG VỌNG TƯỞNG
    4/ QUAY VỀ ĐỀ MỤC

    CHÚ TÂM VÀO ĐỀ MỤC

    Ta có thể chú tâm bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chú tâm vào VÙNG BỤNG DƯỚI sẽ đem lại hiệu quả nhất. Vì sao đem lại hiệu quả? Bởi vì khi chú tâm vào vùng bụng dưới ta sẽ thu hút tòan bộ tâm trí xuống phía dưới, sẽ giúp cho trí não êm dịu hơn. Không phải vô cớ khi ta nhìn vào các bức tượng PHẬT sẽ thấy hai bàn tay của ngài đặt chồng lên nhau và để ở dưới bụng.

    PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG

    Khi vào thiền, trở ngại đầu tiên lớn nhất đó là VỌNG TƯỞNG. Rất nhiều sự việc, ý nghĩ, cảm giác xuất hiện trong tâm như là: chuyện quá khứ, chuyện tương lai, chuyện chưa xảy ra, chuyện mới vừa xảy ra, những hình ảnh, âm thanh v.v… Tất cả những tạp niệm này xuất hiện liên tục khiến cho ta khó ổn định trí não. Khi vọng tưởng nổi dậy, điều ta cần phải làm là PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG.

    DỪNG VỌNG TƯỞNG

    Khi phát hiện ra vọng tưởng, ta phải DỪNG LẠI ngay. Nếu không kịp dừng lại nó sẽ dẫn dắt tâm trí ta từ chuyện này sang chuyện khác, khiến cho ta sẽ quên đi chuyện của ta đang làm.

    QUAY VỀ ĐỀ MỤC

    Khi phát hiện ra những vọng tưởng vừa KHỞI LÊN, ta kịp DỪNG LẠI và QUAY VỀ đề mục. Việc này thường xuyên xảy ra trong suốt quá trình hành thiền.

    HIỆN TƯỢNG THƯỜNG XẢY RA TRONG LÚC HÀNH THIỀN.

    HÔN TRẦM: Hiện tượng buồn ngủ trong lúc ngồi thiền, nó làm cho ta có những giác niệm rời rạc, yếu ớt. Và từ đó đưa đến sự ngủ gục mà ta không biết. Nếu việc này thường xảy ra trong lúc ngồi thiền, tôi chia sẻ với các bạn một phương pháp THỞ sau đây. Trước khi vào thiền, bạn hít vào đầy bụng…ngưng thở… thở ra…[ 3 thời dương] từ 10 đến 20 hơi thở. Bài thở này sẽ tác động rất sâu vào hệ GIAO CẢM, giúp cho ta hưng phấn hơn và loại trừ cảm giác trì trệ trong lúc ngồi thiền.

    THẤY NHỮNG CẢNH GIỚI: Thấy mình gặp gỡ tiếp xúc thần, thánh, tiên, phật, bồ tát v.v… Thấy những cảnh vật lạ lùng, huyền bí, nghe giảng đạo v.v… thấy nhiều loại ánh sáng đủ màu sắc xuất hiện chung quanh thân hoặc ở giữa 2 đầu chân mày…Nghe đủ loại âm thanh như là tiếng gió, tiếng ve kêu, tiếng nước chảy, tiếng sáo, tiếng sấm rền, tiếng nhạc v.v…Người tập thiền cần phải nhận ra rằng. Mọi sự trên thế gian như thiên đường, địa ngục, thần, thánh, tiên, phật, ánh sáng, âm thanh v.v… đều “KHÔNG CÓ THẬT”, đó là những ảo tưởng do tâm tạo ra. Chúng xuất phát từ tâm và cũng tan biến vào tâm. Ngồi thiền mà cứ say mê những ảo cảnh như thế dần dần sẽ trở thành người bất thường, và tẩu hỏa, nhập ma là điều khó tránh khỏi.

    MONG CẦU: Đừng kỳ vọng hay mơ ước điều gì. Đừng mong cầu được chứng đắc hay đạt được những gì thật kỳ diệu hoặc lạ lùng. Mong cầu là một hình thức vi tế của ham muốn và dính mắc, đó là những chướng ngại rất lớn trên đường tu tập. Điều nầy ta cần phải loại trừ ngay lúc vừa khởi phát trong tâm.

    LỢI ÍCH THỞ THIỀN.

    1/ GIẢI TỎA CĂNG THẲNG, MỆT MỎI.
    2/ KIỂM SOÁT CẢM XÚC.
    3/ DỄ DÀNG TẬP TRUNG.
    4/ CÓ KHẢ NĂNG TẠO RA Ý NGHĨ , Ý TƯỞNG MỚI.

    Mời các bạn có quan tâm về vấn đề “thở” hoặc “thiền. Các bạn hãy vào google, gõ chữ “mai văn như” yoga.

    Like

  12. THỞ BỤNG 4 THỜI YOGA [THỞ CƠ HOÀNH]

    Hít thở là phản xạ tự nhiên vô điều kiện của con người, nhưng không phải ai cũng biết cách thở để phát huy tối đa khả năng của cơ quan hô hấp. Đa số chúng ta thở sai, ta thường thở nông và cạn, nên không làm đầy hai lá phổi. Bác sĩ nói rằng phần nhiều chúng ta chỉ dùng 1/3 hay một nửa thể tích của phổi, một phần lớn phổi của ta chưa được sử dụng và chứa đầy không khí cũ tồn đọng, đó là nguyên nhân phát sinh cảm lạnh và các bệnh hô hấp.

    Quá trình trao đổi khí cần một thời gian nhất định, các nhà sinh lý học cho rằng một hơi thở tốt nên kéo dài khoảng 20 giây cho một lần hít vào, thở ra. Nếu ta thở nhanh quá hoặc cạn quá thì thời gian trao đổi khí quá ngắn, không tận dụng được lượng dưỡng khí ở trong máu đưa vào tế bào, cũng như không thải được thán khí ra khỏi cơ thể.

    Trong tất cả các họat động nội tạng, chỉ có thở là vừa tự phát vừa có thể tùy ý. Động tác thở bụng được thực hiện chủ yếu bởi cơ hoành, một cơ chắn ngang giữa ngực và bụng. Mặt trên tiếp giáp tim và phổi, mặt dưới với gan và khoang bụng. Khi chúng ta hô hấp,cơ này cử động lên xuống, đồng thời dồn ép hoặc kéo giãn các cơ quan nội tạng.

    Theo cách thông thường, người ta thường hay thở cạn, nhanh và không có sử dụng cơ này. Chỉ có cách thở bụng mới tận dụng được nó, theo cách thở nầy khi ta hít vào thật chậm, sâu thì không khí đi vào phần dưới đáy phổi, cơ hoành đẩy xuống làm cho thận, gan, dạ dày bị ép liên tục. Khi thở ra nó lại co lên kéo giãn các tạng phủ. Như vậy toàn bộ các cơ quan trong người được mátxa liên tục. Nói theo lời của B/S Đỗ hồng Ngọc thì sự hô hấp sâu sẽ tác động trên từng tế bào của cơ thể chứ không phải chỉ là ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần phải biết một chút về cơ chế của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh [cylindre], còn pít-tông [piston] chính là cơ hoành, một cơ trơn nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống [như cái bể lò rèn] thì không khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành hoạt động càng mạnh thì trái tim càng khỏe, có người ví von rằng cơ hoành là “TRÁI TIM THỨ HAI”, là một thành phần tưởng không giữ vai trò nào nổi bật trong cơ thể, ấy vậy mà lại có thể trở thành đòn bẩy cho trái tim khỏe mạnh. Và nói theo lời của các đạo sư Yoga ” KHÔNG PHẢI SỰ HÔ HẤP SINH RA VẬN ĐỘNG CỦA PHỔI, MÀ NGƯỢC LẠI CHÍNH SỰ VẬN ĐỘNG CỦA PHỔI VÀ CƠ HOÀNH MỚI TẠO RA SỰ HÔ HẤP”. Điều này ta có thể chứng minh bằng cách là “dùng hai ngón tay bóp vào hai lỗ mũi một người đang ngủ” ta sẽ thấy phần ngực và cơ hoành chuyển động rất mạnh.

    Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Program for Reversing Heart Disease” (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng rất đơn giản, dễ làm. Đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống là được.

    Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy Thiền, Yoga, Khí công… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy phương pháp thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an lạc, giảm stress trong cuộc sống hiện tại.

    PHƯƠNG PHÁP TẬP THỞ BỤNG 4 THỜI YOGA: THỞ VÀO, NGƯNG THỞ, THỞ RA, NGƯNG THỞ. BẮT ĐẦU BẰNG THỞ RA. Việc thở bụng phải tuân thủ 4 nguyên tắc sau: CHẬM , ÊM, DÀI, SÂU. Cách thở nầy không những tăng cường nội lực mà còn giúp điều hòa các rối lọan tạng phủ.

    THỜI 1: THỞ VÀO từ từ phình bụng ra, cơ hoành hạ xuống, có tác dụng đẩy các tạng phủ xuống thấp, làm áp lực ổ bụng tăng lên, máu ở bụng được đẩy về tim dễ dàng. Dạ dày, gan thận được mátxa liên tục. Khi thở vào SÂU, sẽ giúp cho oxy đến đầy đủ tận cùng toàn bộ tế bào trong cơ thể, do đó sẽ có sự chuyển hóa hoàn toàn nhất, tránh được khả năng đào thải những chất có gốc tự do gây bệnh và các chất oxy hóa từ tế bào tự hủy vì thiếu oxy, đó là mầm mống của bệnh tật. Thở vào SÂU, sẽ làm cho lượng bọt khí NITRIC OXIDE li ti xuất hiện nhiều trong máu, chất nầy tác động lên đầu các nơron thần kinh, làm tăng trao đổi điện hóa giữa các dây thần kinh, tăng chất DOPAMINE và ENDORPHIN trong máu.

    THỜI 2: NGƯNG THỞ có tác dụng giữ lượng không khí trong phế nang một thời gian để tăng sự khuếch tán oxy vào máu, máu sẽ tràn đầy các tế bào và các mô, làm giãn nở các mạch máu và bắp thịt, giúp tăng cường hệ miễn dịch. THỞ VÀO, NGƯNG THỞ [thời dương] thường áp dụng cho những người trì trệ, kém năng động, hay buồn rầu, chán nản…

    THỜI 3: THỞ RA bụng từ từ xẹp xuống, đẩy cơ hòanh lên cao hơn, các tạng phủ dồn lên,
    các khoang liên sườn thu hẹp lại, thể tích lồng ngực giảm tối đa nhằm tống khí độc ô nhiễm CARBON DIOXIDE ra khỏi đáy phổi. Giúp cho tim và phổi họat động tốt hơn. Thở ra nếu có cố gắng thêm một chút, sẽ làm hưng phấn đối giao cảm, giúp tăng tiết INSULIN rất có lợi để chữa bệnh tiểu đường và có thể thay thế thuốc chích INSULIN từ ngoài vào cơ thể.

    THỜI 4: NGƯNG THỞ tạo ra sự thay đổi ngược lại phản xạ sinh lý bình thường. Ngưng thở còn làm cho lượng CO2 trong máu tăng lên, có tác dụng kích thích trung tâm hô hấp ở hành tủy, điều khiển hít vào sâu hơn. Khi thở ra, ngưng thở kết hợp với nhíu hậu môn sẽ giúp cho lưu thông máu ở vùng tầng sinh môn được dễ dàng, vì vậy sẽ phòng và tránh được bệnh trĩ rất hiệu quả, hổ trợ cho việc hấp thu năng lượng âm và làm dễ dàng cho việc nâng khí nhằm bổ trợ cho thận thủy khí sung mãn. THỞ RA, NGƯNG THỞ [thời âm] thường áp dụng cho những người luôn nóng nảy, căng thẳng hoặc quá hưng phấn.

    ÍCH LỢI THỞ 4 THỜI
    1/ Cung cấp thêm nhiều oxy cho các tế bào, và tăng cường tuần hoàn não.
    2/ Tăng cường hệ miễn dịch.
    3/ Xoa bóp nội tạng.
    4/ Nâng cao hiệu quả trong quá trình hô hấp.
    5/ Tác động đến hệ thống tuần hoàn máu và bạch huyết, khiến những hệ thống nầy tạo ra những kháng thể để tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn và những sinh vật khác trong cơ thể. Giúp cho ta tiêu trừ được một số bệnh kinh niên hay nhất thời.

    PHƯƠNG PHÁP THỞ

    TƯ THẾ CHUẨN BỊ: Nằm ngửa, hai chân thẳng, thả lỏng tự nhiên, tay trái xuôi theo thân, lòng bàn tay mở ngữa. Bàn tay phải đặt ở vùng bụng dưới. Ngón giữa tay phải đặt ở luân xa 3 [dưới rốn 3 phân]. Miệng khép nhẹ, lưỡi để tự nhiên. THỞ VÀO, THỞ RA BẰNG MŨI.

    TRƯỚC KHI VÀO BÀI TẬP THỞ, HÃY TẬP BÀI ỔN ĐỊNH THÂN, TÂM.

    NIỆM THẦM : Tôi đang theo dõi hơi thở…Tôi đang theo dõi hơi thở… Niệm liên tục.

    TẬP TRUNG : Chú tâm vào vùng bụng dưới. Thời gian từ 3 đến 5 phút.
    Bắt đầu bài tập thở bằng thở ra.

    THỞ 2 THỜI : Thở vào , thở ra đếm 1…Thở vào, thở ra đếm 2…Thở 10 lần.

    THỞ 3 THỜI : Thở vào, ngưng thở, thở ra đếm 1…Thở vào, ngưng thở, thở ra đếm 2…Thở 10 lần.

    THỞ 4 THỜI : Thở vào, ngưng thở, thở ra, ngưng thở đếm 1…Thở vào, ngưng thở, thở ra, ngưng thở đếm 2…Thở 10 lần.

    Kết thúc bài tập thở là bài tập THƯ GIÃN từ 3 đến 5 phút.

    CHÚ Ý : KHÔNG NÊN THỞ 4 THỜI NGAY TỪ ĐẦU, VÌ THỞ NHƯ THẾ RẤT MỆT MÀ LẠI KHÔNG CÓ HIỆU QUẢ.
    Posted by Mai Văn Như at 8:48 PM
    Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to Facebook

    Like

  13. mình đọc thấy lợi ích rất nhiều của việc ngồi thiền.mình bi suy nhươc thần kinh,mình rất mệt mỏi với căn bệnh đó,đã có luc chán trường muốn buông xuôi tất cả,minh đã đi khám nhiều nơi rồi,uống thuốc cũng chỉ được một thời gian,minh rất sợ nó sẽ theo minh cả đơi,giờ mình đang học năm thứ nhất,mình không thể thua căn bênh đó được.Không biết ngồi thiền có thể giúp mình được không nhỉ? ai co kinh nghiệm gì không nói cho minh biet với ?

    Like

  14. Hi Ngok.

    Em đến https://dotchuoinon.com/ebooks/ và download bài tập “Thể dục khí công” về tập hàng ngày. Đó là môn khí công, gốc chính là phái Võ Đang, nhưng anh có nghiên cứu các võ phái khác và thay đổi một chút để tăng công hiệu.

    Môn này ảnh hưởng tốt từ cơ thể đến hệ thần kinh của con người. Anh viết tiếng Anh cho học trò người Mỹ. Em chịu khó nhờ người giỏi tiếng Anh giải thích dùm, vì anh chưa có thời giờ dịch sang tiếng việt.

    Rất tốt để chửa bệnh của em.

    Like

  15. Anh ơi bài viết cho người mới bắt đầu mà nhắm mắt thì không ổn, ngủ luôn cũng được thì toi thiền.

    Like

  16. Cảm ơn Bác Trần Đinh Hoành ạ! Bài viết rất hữu ích đối với người mới biết đến môn Thiền.

    Like

Leave a comment