– Sáng nay, 23/05, hàng nghìn bạn trẻ đã đến với ngày hội đổi đồ cũ (Ngày hội Mottainai) được tổ chức tại sân trường THCS Trưng Vương (Hà Nội).
Ngày hội đổi đồ cũ hay còn gọi là ngày hội Mottainai kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2008 đến nay đã trở thành một hoạt động quen thuộc với các bạn học sinh, sinh viên và người dân thủ đô. “Mottainai” là một thán từ tiếng Nhật có ý nghĩa là : “Ôi, lãng phí quá” thường được thốt lên khi một vật hữu dụng bị lãng phí một cách đáng tiếc trong khi giá trị sử dụng vẫn còn.
Chính vì lý do đó mà Mottaina được lấy để đặt tên cho hội chợ đổi đồ cũ được tổ chức thường niên tại Nhật Bản và ngày càng lan rộng ra các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
![]() |
Ngay từ rất sớm đã có rất đông người tập trung tại sân trường THCS Trưng Vương để tham gia ngày hội đổi đồ cũ Mottainai lần thứ 5. |
Tại hội chợ đặc biệt này, những người đến tham dự không cần mang theo tiền, chỉ cần mang theo đồ dùng đã cũ và vẫn còn giá trị sử dụng đến để đổi lấy vật phẩm hữu ích khác thông qua hình thức đổi đồ lấy phiếu và dùng chính phiếu đó đổi lấy những món đồ mình ưa thích.
Chủ đề của ngày hôi Mottainai lần này là “Chợ Phiên 3R”, nhằm tái hiện lại những nét cổ của chợ phiên Thăng Long xưa với những gian hàng, những món ăn và trò chơi dân gian quen thuộc. Đây là một hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngay từ lúc 8h sáng, rất đông các bạn học sinh, sinh viên đã đến để tham dự. Các gian hàng được trưng bày đa dạng từ những đồ dùng thường ngày như quần áo, túi, giày dép, đến những gian hàng mang vẻ cổ kính của Thăng Long như: gian nặn tò he, những chiếc xe bán kẹo bông, hay một góc nhỏ của những ông đồ đang thể hiện tài năng viết chữ.
Các bạn trẻ tỏ ra rất thích thú khi đổi được những món đồ mình ưng ý. Bạn Diệu Hương (trường Đại Học Sư phạm Hà Nội) vui vẻ cho biết: “Đây là lần thứ 3 mình tham gia ngày hội đổi đồ. Mình đã đổi được rất nhiều những đồ dùng cần thiết. Mình nghĩ đây thực sự là một ngày hội có ý nghĩa vì nó không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm mà còn giúp nhắc nhở mọi người về bảo vệ môi trường”.
Còn Vũ Thùy Anh một thành viên trong gian hàng của trường Hà Nội Amsterdam lại coi đây là một cơ hội để có thể giao lưu và thể hiện khả năng của bản thân: “Đây là lần đầu tiên em tham gia ngày hội đổi đồ. Ngày hội ngày không chỉ mang ý nghĩa thiết thực mà nó còn là sân chơi để cho chúng em thể hiện được khả năng tổ chức và sự sáng tạo của mình”.
Không chỉ thu hút các bạn trẻ, rất nhiều người dân thủ đô với nhiều lứa tuổi khác nhau đã đến để cùng tham gia ngày hội. Bác Tuấn, 65 tuổi ở Khâm Thiên tỏ ra rất vui: “Tôi rất vui vì các bạn trẻ đã tổ chức những ngày hội như thế này. Đây là một cách để giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của mình. Tôi mong muốn ngày hội này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa”.
Chùm ảnh ngày hội đổi đồ:
![]() |
Người tham dự mang đồ cũ đến bàn phân loại và nhận lấy những tấm phiếu các hạng A,B,C rồi lại đem chúng đi đổi lấy các món đồ có giá trị tương đương. |
![]() |
Các món đồ cũ trưng bày khá đa dạng, từ những vật bé xíu như chiếc móc chìa khoá, cặp tóc, vòng tay… |
![]() |
… quần áo, túi xách… nhưng đều vẫn còn giá trị sử dụng. Không ít vị phụ huynh cũng tham dự ngày hội của giới trẻ. |
![]() |
Góc thư pháp của một “ông đồ” trẻ tuổi trong trang phục khăn xếp áo the mang đến một nét duyên của văn hoá Việt Nam trong ngày hội có xuất xứ từ Nhật Bản này |
![]() |
Các bạn nam cũng hào hứng tham gia ngày hội, từ vai trò khuân vác cho các bạn nữ hay đến bán hàng, đổi đồ cũng sôi nổi không kém |
![]() |
Những tình nguyện viên của các câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường của thành phố Hà Nội mang đến món quà âm nhạc có lẽ đang mơ đổi được trái tim một người đẹp nào chăng? |