Chào mừng Lễ Phục Sinh 2010

easteraroundtheworld
Chào các bạn,

Chúa nhật này,4.4.2009, là lễ Phục Sinh (Easter), ngày lễ quan trọng nhất trong Thiên Chúa Giáo (Công giáo—Catholicism, Chính thống giáo–Orthodox, và các giáo phái Tin lành—Protestantism).

Dù là người ta không mừng lễ Phục Sinh lớn và vui như Lễ Giáng Sinh (Christmas, 25 tháng 12), trên phương diện thần học, lễ Phục Sinh quan trọng hơn lễ Giáng Sinh, vì Thiên Chúa Giáo được xây dựng nên một điểm cực kỳ quan trọng—Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá và chết, và ba ngày sau người sống lại. Phục sinh là sống lại. Lễ Phục sinh là lễ kỷ niệm sự sống lại của chúa Giêsu. Nếu không có sự sống lại, không có lễ Phục Sinh, không có Thiên Chúa Giáo.

Lễ Phục Sinh không có ngày nhất định trên lịch hàng năm. Nó là ngày chúa nhật thứ nhất từ 14 ngày sau ngày xuân phân, tức là ngày chính thức của mùa xuân ở Âu Mỹ. Ngày xuân phân năm nay là thứ bảy, 20 tháng 3, 2010. “Chúa nhật đầu tiên sau 14 ngày kể từ thứ bảy 20/3” là 4 tháng 4, 2010. Xem ra có sự cố tình định ngày lễ Phục Sinh cùng lúc với sự sống lại của mùa xuân.

eastereggs

Trước lễ Phục Sinh 40 ngày là Mùa Chay hay Mùa Thương Khó (Lent), bắt đầu bằng thứ tư lễ Tro (Ash Wednesday); ngày đó các linh mục (thầy tế lễ) rắc một tí tro trên đầu, hay bôi một tí tro lên trán, giáo dân, như là nhắc nhở đến sự chết—Ta là bụi đất và sẽ trở về cùng bụi đất. Mùa chay là mùa của ăn chay, cầu nguyện, sám hối, bố thí và hãm mình.

Tuần trước Phục Sinh là Tuần Thánh (Holy Week), bắt đầu bằng chúa nhật lễ Lá (Palm Sunday, 28 tháng 3), kỷ niệm ngày chúa Giêsu đi vào thành Jerusalem và được hàng nghìn dân Do thái tiếp đón bằng cách lót lá trên đường chúa đi và phất lá trên tay.

Ngày thứ năm trước Phục Sinh (1 tháng 4), là lễ Vượt Qua (Passover), tức là lễ kỷ niêm ngày dân Do thái được thoát ách nô lệ ở Ai Cập, có lẽ ngày nay là biểu tượng của dân chúa thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi nhờ sự chết của chúa Giêsu.

Ngày thứ sáu (2 tháng 4, 2010) là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), tức là ngày chúa chết.

Và chúa nhật (4 tháng 4, 2010) là Phục Sinh.

easterbunnies

Sau lễ Phục Sinh 40 ngày là mùa Phục Sinh (Easter Season). Ngày xưa, mùa Phục Sinh chỉ có 40 ngày, từ Phục Sinh đến ngày Lễ Thăng Thiên, tức là ngày chúa Giêsu về trời.

Nhưng ngày nay Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, chấm dứt bằng ngày Pentacost (ngày thứ 50), tức là ngày Chúa Thánh Thần (Thánh Linh) đến với các đệ tử của chúa Giêsu. Ngày Pentacost (ngày lễ Chúa Thánh Thần, hay lễ Ngũ Tuần) là ngày chúa nhật 7 tuần sau Phục Sinh (7 X 7 =49, xem như 50).

Ở Âu Mỹ, người ta có truyền thống tô điểm trứng (gà, vịt, v.v..) với nhiều màu sắc sặc sở rất đẹp để trang trí cho lễ Phục Sinh, gọi là trứng Phục sinh (Easter eggs). Trò chơi Easter Egg Hunt (săn tìm trứng Phục sinh) thường được các nhà thờ tổ chức trong ngày Phục Sinh, trong đó người tổ chức đem trứng Phục sinh dấu quanh sân để mọi người săn tìm. Chúng ta có thể nhận thấy trứng là biểu tượng của tái sinh.

Thỏ Phục sinh (Easter Bunny) là thỏ với đủ mầu sắc sặc sở cũng là một biểu tượng của Phục Sinh. Có lẽ vì thỏ nổi tiếng là đẻ nhiều.

Nếu các bạn quá nhức đầu vì đủ thứ ngày nói trên, hãy đánh một giấc ngủ dài, rồi sẽ phục sinh hôm sau 🙂 Biểu tượng của Phục sinh là sự tái sinh thường xuyên trong ta, con người cũ chết đi và con người mới ra đời, ta luôn luôn trưởng thành, đổi mới, hay hơn, và tốt hơn. Đó cũng là sát-na vô thường, thay đổi không ngừng, của nhà Phật.

Chúc các bạn một mùa Phục Sinh an bình.

Hoành

(Viết lại từ bài đã đăng vào Lễ Phục Sinh 2009).

Sau đây mời các bạn nghe vài bản thánh ca Phục Sinh truyền thống.

Byzantine music The Christ is risen – “Chúa Đã Sống Lại” do ca đoàn của chủng viện Vatopaidi, Hy Lạp, Chính Thống Giáo Hy Lạp


.

He Is Risen! – Easter Sunday – Pipe Organ


.

Christ the Lord is Risen Today by Mormon Tabernacle Choir


.

3 thoughts on “Chào mừng Lễ Phục Sinh 2010”

  1. Chào chú Hoành,

    Cháu cám ơn chú đã giới thiệu về Easter day trên ĐCN. Easter thật sự là ngày lễ lớn nhất trong Thiên Chúa Giáo. Gia đình cháu cũng theo Đạo Thiên Chúa, vì thế mỗi lần đến mùa Phục Sinh, cả nhà lại tổ chức đi chơi xa hoặc mở một bữa tiệc nhỏ gồm mọi người trong gia đình. Vì ở Việt Nam, nên cách tổ chức rất bữa tiệc rất đơn giản, không giống bên phương Tây là ăn gà tây, chocolate eggs,… Vào dịp này, các thành viên trong nhà được nghỉ ngơi, “ăn mừng” Chúa sống lại nên cháu cảm thấy rất vui và có ý nghĩa. ^^

    Like

  2. Chào chú Hoành!!

    Cháu cảm ơn chú rất nhiều về bài viết nói về ngày lễ phục sinh. Cháu không theo Đạo Thiên Chúa nhưng người cháu yêu theo đạo này. Vào ngày đó khi được nghe anh nói cháu đã cảm thấy thật sự hạnh phúc vì cháu cảm nhận được rằng cháu đang có nhiều niềm vui hơn khi có anh ở bên. Cảm ơn Chúa đã cho con được gặp và yêu anh. CHÚC A, GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI THÂN MÙA PHỤC SINH AN LÀNH, HẠNH PHÚC

    Like

Leave a comment