Tĩnh lặng vô điều kiện

Chào các bạn,

Một trong những lầm lỗi mà một số các vị thầy về tư duy tích cực hay thầy về tĩnh lặng (ngay cả một vài thiền sư) gặp thường nhất là tĩnh lặng đúng, buồn đúng, nổi nóng đúng… Nói chung là làm gì đúng thì không sao, sai mới là vấn đề. Ví du, mình ăn nói hồ đồ, có người phê phán đúng, vậy mình không nên nổi giận với người phê phán đúng. Nhưng mình không ăn trộm, tự nhiên có người nói là mình dùng tiền của chùa đi mua xe hơi riêng, nếu mình nổi giận với người này và đưa họ ra tòa, thì đó là chuyện tự nhiên hợp lý.

Đúng là bạn có quyền nổi giận và đưa người đó ra tòa trong trường hợp đó, và đa số mọi người trên thế giới đều sẽ làm thế, và đồng ý ‎ rằng làm thế là đúng.

Dĩ nhiên là đúng.

Nhưng, đó không phải là công phu tu duy tích cực, đó không phải là nội lực tĩnh lặng.

Nếu đa số mọi người trên thế giới làm thế, và bạn cũng làm thế, thì quá dễ. Việc gì bạn phải đọc và thực tập tĩnh lặng hàng ngày để làm gì? Nếu ta “học” lâu năm mà vẫn làm việc như đa số người trên thế giới chẳng học tí nào, thì tại sao phải tốn công học làm gì?

“Công phu” là làm điều mà đa số không làm được, không làm nổi. Sư phụ là vậy đó.

Công phu tĩnh lặng là tĩnh lặng vô điều kiện.

Hắn chửi mình có lý, mình tĩnh lặng. Hắn chửi mình vô lý, mình tĩnh lặng. Hắn chửi mình công bình, mình tĩnh lặng. Hắn chửi mình bất công, mình tĩnh lặng.

Luôn luôn tĩnh lặng trong tất cả mọi trường hợp, mọi tình huống, đó mới là công phu tĩnh lặng.

Tĩnh lặng vô điều kiện.

Điều này chúng ta cần nắm thật vững, vì chỉ cần quan sát các vị thầy một tí–từ các vị thầy chuyên về tư duy tích cực đến các thầy tu của các tôn giáo—là ta có thể thấy ngay là nhiều vị thầy tập luyện nhiều năm vẫn có thể hiểu sai điểm này. Xin đọc lại Vậy À của Hakuin để ta hiểu tĩnh lặng vô điều kiện là gì.

Cho nên khi bạn có một người mạ lỵ bạn bất công, chẳng hạn, đừng nổi nóng và nghĩ cách đối phó ngay. Việc đầu tiên là nói với chính mình câu này: “Mạ lỵ đúng hay sai là việc của hắn. Việc của tôi là tĩnh lặng dù hắn mạ lỵ đúng hay sai.”

Sau khi bạn đã thật sự tĩnh lặng, tức là thấy trong lòng mình không buồn, không giận, không tức tối, và lại thấy thương anh chàng mạ lỵ mình vì “tội nghiệp, hắn còn ngập lặn trong bể u minh”, thì lúc đó bạn mới nên nghĩ đến việc phải làm gì với anh chàng. Có thể là chẳng phải làm gì cả, cứ lặng yên như chẳng gì xảy ra; nhưng cũng có thể vì công ích xã hội nên đưa hắn ra tòa, để mai mốt hắn không làm hại xã hội nữa.

Cứ làm điều gi mình nghĩ là cần làm. Nhưng trước đó, phải biết chắc là tâm mình tĩnh lặng.

Nhưng làm sao ta biết tâm ta tĩnh lặng?

Thưa rất dễ. Nếu có người mạ lỵ mình, chẳng hạn, mà (1) mình không giận, không ghét… ngược lại (2) cảm thấy rất thương và tội nghiệp người đó đang đắm chìm trong u minh như vậy, hai điều này chính là dấu hiệu rõ ràng của một con tim tĩnh lặng.

Sự vắng bóng của hởn giận và sự có mặt của lòng nhân ái là bằng chứng duy nhất của tâm tĩnh lặng. Chưa cảm được lòng nhân ái đó trong tâm bạn (không phải trong miệng bạn) thì tâm bạn vẫn chưa tĩnh lặng.

Nhịn nhưng trong lòng ấm ức, giận dỗi, là im lặng, nhưng chưa tĩnh lặng. Nhịn mà ấm ức có thể có hại cho sức khỏe của bạn vì stress và trầm cảm. Nhưng tĩnh lặng là chẳng có xung động, tức tối, ấm ức gì cả. Con tim vẫn tỉnh thức, an lạc.

Kiêu căng, hờn giận, ghen ghét, dối trá, nghi kỵ… tất cả đều là xung động, không tĩnh lặng.

(Một lúc nào đó ta có thể mất tĩnh lặng, và phạm chính điều cấm kỵ của riêng mình. Đó là vì con người yếu đuối. Lâu lâu trượt chân. Nhưng ít ra là trong tiêu chuẩn sống, ta phải hiểu rõ chuẩn của ta là gì).

Tĩnh lặng vô điều kiện.

Từ đó ta có tình yêu vô điều kiện.

Nhưng tĩnh lặng vô điều kiện để làm gì? Yêu vô điều kiện để làm gì? Sao không sống như mọi người khác?

Ờ, vậy sao? Thế học võ để làm gì, sao không sống như mọi người khác?

Nếu bạn đọc ĐCN mà không thực tập, như người đọc sách võ mà không tập võ, thì sao lại phải tốn thì giờ đọc làm gì?

Vấn đề lớn của rất nhiều người trên thế giới là đọc rất nhiều, “kiến thức” một đầu, nhưng không thực tập gì cả. Như người đọc sách đánh tennis, rồi bàn chuyện tennis, mà chẳng tập tennis bao giờ!

Tại sao?

Đọt Chuối Non không phải là phòng đọc, mà là phòng tập đó. 🙂

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

22 thoughts on “Tĩnh lặng vô điều kiện”

  1. “Cứ làm điều gi mình nghĩ là cần làm. Nhưng trước đó, phải biết chắc là tâm mình tĩnh lặng.”

    Sau sáu tháng cố gắng tĩnh lặng, trong giấc mơ đêm qua em đập 3 cái máy điện thoại và nhảy từ trên lầu xuống. Vậy cái gì là hư, cái gì là thực nhỉ ? 😀

    Like

  2. Hi Quỳnh Linh,

    Anh có cảm tưởng đôi khi các giấc mơ có giá tri giảm áp cho mình, xả xú-bắp như là mình tâm sự với một người bạn để giải tỏa một tí.

    Thực ra tĩnh lặng trong những trường hợp khó khăn đòi hỏi một nền tảng tâm linh rất mạnh. Các ve vuốt tâm lý bên ngoài hay ngồi thiền hít thở chỉ hiệu lực trong các việc nhẹ. Trong các bức xúc quá mạnh, muốn tĩnh lặng ta phải có một lòng tin tâm linh nào đó:

    – Tin vào Chúa, Phật, Allah và lời dạy của các vị, hay
    – Tin vào nhân quả, hay
    – Tin vào tính Không của moi sự…

    Nếu không có nền tảng tâm linh mạnh, vô cùng khó để tĩnh lặng trong các trường hợp khó khăn được.

    Và đó cũng là lý‎ do tại sao chúng ta phải đề cập thường xuyên đến các môn như thiền, phật học, thánh kinh trong ĐCN. Nếu không thì tư duy tích cực của ta cũng chỉ hời hợt như hàng nghìn websites và lớp học tư duy tích cực không-tâm-linh khác trên thế giới. Không sâu, không mạnh được.

    Anh đã thực tập tư duy tích cực không-tâm-linh nhiều năm, các môn này chỉ lên được mức trung bình và nằm chết đó, không lên thêm được. Và anh cũng chưa được hân hạnh gặp ai tư duy tích cực mạnh mà không có nền tảng tâm linh cả.

    Cho nên chúng ta phải biết điều gì hiệu quả được đến mức nào. Tư duy không tích cực mà không có nền tảng tâm linh chỉ lên được mức trung bình. Muốn tăng hơn, bắt buộc ta phải có nền tảng tâm linh trong mình. Chẳng còn cách nào hơn mà anh biết.

    Em khỏe nhé 🙂

    Like

  3. Cám ơn anh Hoành,

    Có một điều nho nhỏ em cứ băn khoăn khi tập cho mình tĩnh lặng. Đúng như anh nói, em cần đến một niềm tin tâm linh. Em từ lúc sinh ra đã theo đạo Thiên Chúa giáo, cứ thế mà được rèn luyện giáo lý và lớn lên, vẫn xác định là mình tin Chúa.
    Nhưng gần đây, khi bắt đầu có ý định tập thiền, để tâm tĩnh lặng, em đã đọc và học nhiều điều hay từ đạo Phật, và em cũng …tin. Vẫn biết là đạo nào cũng có cái đích sau cùng là hướng con người đến cái thiện. Nhưng ví dụ mà khi thiền em cứ niệm Nam mô a di đà phật thì có ổn không nhỉ! (tại vì em tập thiền theo sách của các thầy viết, thì ít nhiều gì cũng có ảnh hưởng của Phật Giáo.
    Sao đây cho ổn nhỉ, mà em không phải áy náy là mình xa rời Chúa. Anh có lời khuyên nào cho em giải tỏa chỗ này không?
    Cám ơn anh.

    Like

  4. Hi Peomemory,

    Cái đó là tùy theo thói quen của mình là hay nhất. Anh thì chỗ nào cũng cảm thấy là nhà, nên anh đọc kinh nào cũng thấy quen.

    Nếu em chưa quen thì việc gì phải niệm phật. Em đổi câu đó thành niệm Chúa thì ai cấm.

    Vi dụ: Hai cầu đầu của Psalm 23: Hít vào, đọc “Chúa là kẻ chăn dắt con,” thở ra đọc “Con chẳng còn thiếu thốn chi.”

    (Các câu ảnh hưởng sâu vào quả tim nhất thường là trong các Psalm — Thánh thi, hay thiên thi).

    Hít thở là một hiện tượng sinh học. Em muốn thêm các câu cầu nguyện tâm linh thì em cứ tự nghĩ ra câu cầu nguyện em cảm thấy thoải mái nhất, chứ đâu cần phải dính cứng với công thức của thầy nào.

    Nếu em chưa hiểu hết, thì hỏi anh thêm nhé 🙂

    Like

  5. Hi, anh Hoành,

    rất cảm ơn anh, em sẽ tìm vài cuốn sách dạy thiền và tìm hiểu thêm, trước khi em hỏi thêm anh.

    Chúc anh vui khỏe.

    Like

  6. Tĩnh lặng có đồng nghĩa với tĩnh tâm hay không?
    Theo suy nghĩ của mình thì tĩnh lặng là tâm trống không vắng lặng , còn tĩnh tâm là nhịp độ sống chậm lại.
    Xin bạn cho mình hiểu rộng nghĩa hơn .
    Chào bạn ,chúc hạnh phúc.

    Like

  7. Hi Thuque,

    Mình dùng từ “tĩnh tâm” đồng nghĩa với “tĩnh lặng”. Tĩnh tâm là tâm tĩnh lặng.

    Các người khác thì, ai dùng từ nào ta phải hỏi người đó từ họ dùng có nghĩa là gì. Chữ nghĩa thường có một phần chủ quan trong đó.

    Chúc Thuque khỏe.

    Like

  8. Hi Quỳnh Linh,

    Nghe nói QL đập 3 cái điện thoại rồi nhảy lầu trong.. mơ hả ? Nghe như phim chưởng vậy…

    Hi anh Hoành, không biết em lý giải giấc mơ của Quỳnh Linh thế này có đúng không .. anh góp ý nhé !

    Trong mơ, nhiều ác mộng xảy ra mà đời thường nghĩ cũng không dám nghĩ tới chứ đừng nói gì tới làm – đó sự ám ảnh bởi hình ảnh mắt tiếp xúc – đó là phim ảnh, là sự việc diễn ra xung quanh, hoặc chỉ là do thiếu tuần hoàn máu tạm thời (như gối, tay đè lên ngực chẳng hạn)

    Còn về tĩnh tâm hay tĩnh lặng của anh Hoành cứ phải chăm sóc sức khỏe của mình là đầu tiên – ăn khỏe, ngủ sâu, bớt u sầu, vui xả giàn – tránh cho tâm trạng rơi vào stress bằng cách tĩnh lặng hay tĩnh tâm (liệu pháp mát xa tâm lý, cho dây thần kinh bớt căng thẳng) để mai lại chiến tiếp cống hiến đất nước và bàn luận ĐCN.

    Có đúng không ạ, chúc cả nhà vui vẻ !

    Like

  9. Hi Long,

    Em chẳng hiểu gì cả. Em chẳng hiểu một tí gì về ngủ mơ, và một tí gì vể tĩnh lặng.

    Nếu em đọc lại các bài kỹ càng một tí, tập thiền một tí… Một thời gian sau nữa rồi mới nên hỏi thêm để học thêm.

    Like

  10. Cám ơn comments của Long vì đã làm mình … bật cười! 😀

    Để mình kể kỹ hơn về câu chuyện và giấc mơ của mình cho Long hiểu tại sao mình lại nói chuyện mộng mị trên Đọt Chuối Non nhé, nghe chẳng … “tích cực” chút nào.

    Mình đang có một chuyện gây bực mình, và mình cố gắng giữ cho mình không bực trong sáu tháng qua. Thật sự phần lớn thời gian, mình không bực. Tuy nhiên sắp tới, mình sẽ đổi diện với nguồn bực tức của mình để “giải quyết” nó, nên một vài hôm gần đây, mình nghĩ về nó nhiều hơn và thấy bực hơn. Thế rồi tối hôm kia, trong giấc mơ, mình hoàn toàn bộc lộ và hành xử theo mức độ bực tức cao nhất của mình. Vốn dĩ mình không có thói quen quát tháo hay đập đồ đạc. Còn chuyện nhảy lầu trong mơ không phải là tự tử mà chỉ là … đi đường tắt (có phần giống phim chưởng thật!!!).

    Thế nên nhìn lại mình, mình tự hỏi, vậy thật sự là (i) mình không bực, chỉ bực một chút những hôm gần đây, hay là (ii) rất bực mà mình chỉ không bộc lộ ra ngoài mà thôi.

    Like

  11. Hi Quỳnh Linh,

    Hy vọng mọi sự buồn bực và có hướng giải quyết tốt nhất lúc ngủ ngon./

    Gửi anh Hoành,

    Đúng là em không thiền đúng cách, dạo này em có 1 chuyện rất buồn và càng tĩnh tâm càng buồn ghê gớm, nó như khi uống chén rượu xộc thẳng vào óc và phổi vậy (em không uống được rượu) – Đúng là giong văn của em có nhiều xu hướng phim trưởng hành động, và chính em cũng dùng cách hành động trong mơ đi vào cánh đồng cõi chết để vùng vẫy… ngủ dậy thì hết buồn luôn.

    Em rất mong được anh góp ý cho em vào mail longvinr@gmail.com cũng như cách mà Hiển trao đổi với em để em hiểu anh hơn !

    Chúc anh Hoành và Quỳnh Linh vui vẻ !

    Like

  12. Hi Long,

    Em không lo hiểu em đi, hiểu anh thì được gì cho em?

    Nếu em đọc mọi thứ kỹ một tí, và luyện tập một tí, thì em mới có thể hiểu em, và hiểu mọi thứ khác trên đời, bằng không thì em sẽ tiếp tục lớ ngớ lạc đường vài chục năm nữa.

    (Em mang tiểu thuyết Kim Dung vào để bàn chuyện nghiêm chỉnh, là không biết cái gì là tiểu thuyết tưởng tượng của nhà văn, cái gì là thực. Một ví dụ nhỏ để em biết em đang đi lạc xa đến cở nào).

    Chỉ cần nghiêm chỉnh học cái mình chưa biết. “Biết” là chính mình trực nghiệm, chính mình luyện tập. Đọc ở đâu đó không phải là biết. Ngay cả đọc lời Phật nói, Chúa nói, mà chưa luyện tập chăm chỉ để trực nghiệm thì chưa là biết, huống chi là tiểu thuyết gia. My God! You are amazing!

    Chưa biết thì hỏi cho biết, nhưng đừng bàn lăng nhăng. Nếu em không tự kỹ luật với chình mình để thực sự học hỏi và cầu tiến thì không bao giờ tiến được.

    A. Hoành

    Like

  13. Em cám ơn anh Hoành, mong anh xóa giùm em các comments đã hướng bài viết sang chiều hướng khác của bài viết này và các bài viết khác mang tính chất lệch đường ray.

    Like

  14. Anh Hoành và các bạn mến,

    Sài gòn nóng như hơ mấy hôm nay. SG cũng có lúc lãng mạn với những cơn mưa êm ả gỏ nhịp đều đều trong đêm. Tâm hồn ta cũng có 4 mùa nên cũng nóng cũng mát và cũng lạnh như đại vũ trụ chung quanh.

    Vậy thì có thể tĩnh trong cái nóng, tĩnh trong cái lạnh cái mát được không? Có lúc ta nổi nóng và kịp nhận ra rằng mình đang nóng với ai đó, vì ai đó hay vì cái gì đó. Hãy tĩnh lặng để thưởng thức cơn sôi máu này. Hãy tĩnh lặng để thưởng thức nổi đau, cơn buồn bả đang tràn ngập trong lòng như khi ta thưởng thức hạnh phúc hoặc niềm vui chiến thắng. Khi ấy, ta đang biến nổi đau thành hạnh phúc và đang chiến
    thắng nổi buồn của thất bại.

    Ớt cay, mắm nặng mùi. Nhưng thiếu nó thì bửa cơm mất thú vị. Nhiều quá cũng mất thú vị. Đừng để các trạng thái tâm lý hưng phấn quá mức làm chủ đời ta mà nên làm chủ nó. Vì sao lại bỏ khỏi lòng ta các trạng thái hưng phấn này?

    Mến

    Like

  15. Cám ơn anh Thiện,

    Có thể vì lý do ngôn ngữ bất đồng, mình không chắc là nắm bắt được ý anh 100%. Nhưng câu này của anh “hãy tĩnh lặng để thưởng thức nổi đau, cơn buồn bả đang tràn ngập trong lòng” mình nghĩ là nếu đổi chữ “thưởng thức” thành “nhìn” thì sẽ đúng phương pháp của mình: “Hãy tĩnh lặng để nhìn nỗi đau, cơn buồn bả đang tràn ngập trong lòng.” Mình không nghĩ là mình có thể “thưởng thức” mũi dao đang cứa vào tim :-), nhưng nếu nó cứ cứa dù mình không muốn, thì ít ra mình có đủ can đảm để nhà “nhìn” nó.

    Thường thường khi gặp đau thì người ta có hai cách khác nhau để đối phó: Một là chạy trốn, hai là đối diện. Chạy trốn như là đi shopping and xem xinê cho quên đi. Đôi khi cũng hiệu lực. Đôi khi chẳng hiệu lực, và nỗi đau cứ nằm đó hoài năm này qua tháng nọ.

    Đối diện thì thường là hiệu lực hơn. Đây là phương pháp chính của phân tâm học (lôi được regression ra ý thức), và của Phật gia–Quán tâm mình.

    Thiền Như Lai do chính Phật Thích Ca dạy, vẫn dùng trong Phật Giáo Nguyên Thủy, tức Phật giáo Tiểu Thừa hay Nam Tông — khác với thiền tổ sư của Bồ Đề Đạt Ma truyền qua Trung quốc, tức là Thiền trong Phật giáo Đại Thừa hay Bắc Tông–là Tứ Niệm Xứ: quán thân, quán thọ, quán thức, quán pháp. Ngồi nhìn cơn đau của mình là quán thọ (quán cảm xúc), và quán thức (quán các ý tưởng đang chạy trong đầu mình). Tĩnh lặng nhìn cơn đau của mình một cách dịu đàng như thế thì thường thường là cơn đau sẽ tan biến từ từ đi. Như phân tâm học, khi bệnh nhân lôi được đều ẩn ức gì đó trong tiềm thức (regression) ra ngoài ánh sáng của ý thức, thì thường là hết bệnh.

    Trong các truyền thông tâm linh (như là Thánh Kinh) người ta nói là “Gọi đích danh con quỷ” (call the devil by the name), thì tự nhiên quỷ mất hết quyền năng để ám mình.

    Tâm lý con người là như thế.

    Anh Thiện khỏe 🙂

    Like

  16. …Cháu vẫn thường nhìn nỗi đau,nỗi buồn phiền như là một người bạn thân thiết-một người bạn không thể thiếu bên cạnh những người bạn mang tên niềm vui,tư duy tích cực…Nhờ thế,cháu đã nhận ra cuộc đời thi vị hơn rất nhiều.Một áng cầu vồng sẽ không tuyệt vời như nó vốn là-nếu như chính nó chỉ có 2 hoặc 3 sắc màu thay vì 7 sắc cầu vồng…

    Like

  17. Phúc đáp cho comments của anh Thiện và Thiên Di,

    Đời như một bàn cờ. Một cách tự nhiên, sinh ra bạn là một quân cờ trên đó. Như một người chiến sĩ ở tiền tuyến, bạn sẽ đón nhận (gánh chịu hay thưởng thức) mọi khói lửa của cuộc sống một cách rất sống động, trực tiếp: vui – buồn, hạnh phúc – thương đau.

    Tập thiền, vô chấp, từ bỏ ngã, bạn sẽ có cảm giác được thoát ra khỏi bàn cờ và nhìn ở vị trí một người xem cờ. Mặc dù là một nhân vật của đời, bạn vẫn là một quân cờ trên bàn cờ ấy, nhưng bạn sẽ nhìn chính mình cũng như một quân cờ trong bao quân cờ khác trong tổng thể bàn cờ. Bạn sẽ không còn phải gánh chịu “trực diện” các thương đau của cuộc sống nữa vì tâm bạn không đặt trên bàn cờ, mà chỉ của người xem cờ mà thôi.

    Đứng trong bàn cờ hay thoát ra? Chẳng thể nói cái nào hơn hẳn cái nào. Tuy nhiên sẽ rất thú vị nếu mình có thể chủ động lựa chọn phải không? Tập thiền, tập tĩnh tâm sẽ cho bạn sự lựa chọn ấy.

    Like

  18. Gửi Long,

    Mình hoàn toàn đồng ý với Long rằng giấc ngủ rất quan trọng. Nó giúp cho não bộ, cơ sở vật chất của tư duy, hồi phục. Thật sự khó khăn cho những ai bị chứng mất ngủ và thật may mắn cho những ai có thể ngủ được trong những lúc lo lắng, buồn thương nhất. “Ngày mai trời lại sáng” mà!

    Tuy nhiên đó mới chỉ là một nền móng cho tư duy tích cực thôi. Từ một bộ não khỏe mạnh đến vượt qua khó khăn còn cần có cách nhìn nhận, tư duy, phản ứng … một cách đúng hướng – hay tích cực.

    Mình thích tứ cuối cùng trong bài “Sợ thành công – Bạn có đang thực sự nói Ừ”. Đó là “shift from a victim of circumstances to the hero of your own life story” (“chuyển từ nạn nhân của hoàn cảnh thành người hùng trong câu chuyện cuộc đời của chính bạn”). Đó không phải là vinh quang cho việc mình dũng cảm vượt qua một cách “thật ngoạn mục” những khó khăn của cuộc sống sao? Mình sẽ ngồi buồn với sự “kém may mắn” vì đời đặt mình vào một tình huống khó hay sẽ tự hào là đã hay sẽ “giải được một bài toán khó”?

    Chia sẻ với Long những điều này vì nghe nói Long đang buồn (ko biết còn không :D) và mình thì vừa “giải được một bài toán khó”! 😉

    Like

  19. Hi anh Hoành,

    Em tập Yoga, ban đầu vì thích những động tác mềm dẻo mà em có khả năng làm được, sau vì thích cảm giác khoai khoái của một tâm hồn tươi mát sau khi tập xong. Nhưng chỉ dừng lại ở đó.

    Khi được biết tư duy tích cực và dotchuoinon, em mới ngộ ra nhiều thứ và bắt đầu tập Yoga thiền. Càng tập càng ngộ nhiều thứ.

    Em cảm ơn anh.

    Cảm ơn một người phỏng vấn đã tặng em cuốn sách này (Đi phỏng vấn mà được tặng sách, ban đầu em tưởng người này có ý gì, khi không lại tặng cuốn Tư duy tích cực! nhưng bây giờ đó lại là điều có ý nghĩa nhất đối với em)

    Like

Leave a comment