Cảm ơn thất bại của bạn….

Một bài tập đọc thủa nhỏ kể về một anh ngốc. Anh đói bụng bèn mua một ổ bánh mì. Ăn hết ổ bánh anh vẫn chưa no. Anh mua thêm cái bánh tráng nướng. Ăn xong vẫn chưa no, anh lại mua 1 cái bánh quy nhỏ. Lần này thì anh no căng bụng. Anh bèn kết luận: lần sau ăn bánh quy vừa ít tốn tiền lại vừa no…

Tôi không nhớ rõ 3 loại bánh được kể trong câu chuyện vì thực ra điều ấy chẳng quan trọng gì. Cái chính mà bài tập đọc muốn nói là sự ngớ ngẩn của nhân vật. Nếu không có 2 cái bánh trước thì cái bánh thứ ba có thấm thía gì với anh?

Càng lớn, ta càng nhận ra mình cũng chỉ là anh ngốc. Ta không hề biết cảm ơn lỗi lầm của người khác. Một lần, chúng tôi dự định làm một việc. Nhóm đưa ra nhiều ý kiến khác nhau và không ai chịu ai cả. Thế rồi mỗi người tự quyết định làm theo cách mà mình nghĩ đến.

Người thứ nhất xung phong thực hiện ngay ý của anh ta. Và anh thất bại. Những người còn lại cười chê rằng anh vội vàng, hấp tấp và nông cạn.

Người thứ hai phát họa kế hoạch của mình cho bạn bè. Anh lại nhấn mạnh vào các điểm yếu của kế hoạch thứ nhất. Anh cho biết kế hoạch của anh tốt hơn vì đi theo con đường thứ nhất là sai lầm và có nhiều rủi ro. Sau đó, kế hoạch này cũng thất bại. Anh thứ hai đau đớn và hậm hực vì đã lỡ phóng đại quá nhiều với bạn bè.

Người thứ ba tình nguyện thực hiện kế hoạch riêng của anh. Anh cũng lập lại lời chỉ trích các điểm yếu trong 2 kế hoạch trước. May thay anh thành công. Mọi người khen anh khôn ngoan, điềm tĩnh, sáng suốt và… Thế là cả bọn trở thành những anh ngốc đói bụng ở câu truyện trên.

Ta hãy thử là một trong 2 người thất bại. Cảm giác của ta thế nào khi xung phong tiến hành kế hoạch của mình. Tôi xin đặt trong giả định rằng tất cả đều làm vì nhóm không làm vì cái tôi riêng tư. Có phải, khi mọi người còn trù trừ, chưa quyết định, việc xung phong của ta là một nỗ lực đáng khen. Ta tin rằng mình sẽ thành công và mọi người sẽ được hưởng lợi. Thế nên ta bắt tay vào kế hoạch của mình trong một tình huống hết sức mù mờ. Chẳng ai trong nhóm biết được nên chọn con đường nào để đi đến mục tiêu.

Người xung phong đầu tiên đã giúp cả nhóm làm 1 phép khử. Trong các giả thuyết đưa ra, giả thuyết nào cũng có giá trị ngang nhau vì không ai biết được giả thuyết nào đúng.

Việc xung phong thực hiện đầu hoặc dùng nỗ lực cá nhân để đi thử vào một con đường, ta đang giúp mọi người loại trừ các giả thuyết còn lại. Có lẽ, khi người thứ nhất ra đi, các bạn của anh ta nên tri ân sự hy sinh này. Anh có thể thành công hoặc thất bại. Cho dù thành hay bại thì mọi người nên tri ân nỗ lực này. Chính nỗ lực ấy đã giúp thu hẹp các giả thuyết, đồng thời tăng kinh nghiệm, tăng cơ hội thành công cho thế hệ sau…

Về sau, tôi quyết định mình không làm anh ngốc đói bụng nữa. Nếu tôi chưa đủ điều kiện để xung phong đi trước, tôi sẽ ủng hộ bạn mình. Nếu bạn mình thất bại, tôi sẽ đến bắt tay bạn và ngỏ lời cảm ơn. Bạn đã hết lòng vì chúng ta khi dấn thân theo đuổi mục tiêu chung.

Xa hơn, mỗi khi bạn được thăng chức, hoặc thành công trong công việc, bạn sẽ nghĩ gì? Nếu là tôi thì trước hết tôi sẽ ngốc nghếch hoan hô cái thằng tôi này tài giỏi thật, may mắn quá, khôn ngoan vô cùng… Ta phải tự thưởng cho ta vài phút giây sung sướng với thắng lợi.

Nhưng vài hôm sau, ta phải xem lại điều gì khiến ta đạt được các thắng lợi ấy. Phải chăng chính vì người tiền nhiệm của ta già rồi, hoặc đã phạm sai sót gì đó trong công việc, trong quan hệ… Nói chung, người tiền nhiệm phải có lỗi lầm nên họ mới bị thay thế. Nếu họ không có lỗi lầm thì ta không có cửa để tranh phần của họ. Tương tự, doanh nghiệp bạn đã phạm sai lầm gì đó nên chất lượng dịch vụ của họ xuống cấp, khách hàng của họ bỏ đi v.v.. Nhờ thế doanh nghiệp của ta mới chiếm được thị phần này. Ta sẽ mãi mãi chỉ là cò con nếu các đại gia kia không phạm lỗi.

Nói cách khác, bên cạnh các nỗ lực, phấn đấu, con đường đi đến thành công của ta đã được lót bởi thất bại và lỗi lầm của đồng nghiệp, của bạn hàng v.v… Ta có nên nhạo báng họ không? Dù khờ dại cách mấy bạn cũng hiểu thành công của ta có tuổi thọ nhất định. Sẽ đến một ngày nào đó, sự nghiệp của ta sẽ đứng lại và tụt lùi. Và ngày ấy, bạn đã chuẩn bị nghe lời nhạo báng của thế hệ sau chưa?

Quả thực, sống chỉ để vạch lá tìm sâu, nhạo báng lỗi lầm của nhau… sống như thế có gì vui, có chi là bình an? Ta sẽ thay đổi cái tâm sân hận ganh tức với thành công, thất bại của mọi người bằng tâm tri ân. Hãy cố học hỏi ở đồng nghiệp cả cái hay và cái dỡ của họ. Hãy cảm ơn họ vì nhờ những lỗi lầm ấy ta đã đi lên. Hãy cảm ơn chính ta vì ta đã thay trái tim sân hận của mình bằng tấm lòng bao dung, tri ân và rộng mở. Cỗ nhân nói, không thành công thì thành nhân. Ta sẽ là 1 con người với trái tim bình an để mang lại bình an cho mọi người, cho công việc mình đang làm và cho thế hệ đi trước và thế hệ đi sau…

Tuesday, January 26, 2010
Trần Bá Thiện

21 thoughts on “Cảm ơn thất bại của bạn….”

  1. Hi anh Bá Thiện,

    Bài viết của anh thật sâu sắc, thường chúng ta hay thích nhìn vào hào quang rồi cho là con người kia tài giỏi chỉ vì họ đã đang đứng trên đỉnh núi, còn bao nhiêu thất bại họ đã trải qua, và bao nhiêu thất bại của người khác trước họ nữa…thì không mấy ai tìm hiểu và hiểu được.

    Em nghĩ là mình không chỉ học từ thất bại của người khác, mà còn nên giúp người khác khi họ đã thất bại, và tất nhiên là mình cũng học từ những lỗi lầm của minh nữa – không thể bỏ qua hii

    Chúc anh khỏe và luôn nhiều năng lượng để chia sẻ với vườn chuối nữa nha anh ^^

    🙂 🙂

    E Hòa

    Like

  2. Chào anh Thiện,
    Cảm ơn anh Thiện về bài viết hay đã giúp em có được cái nhìn sâu sắc hơn để có thể hiểu biết và có được cách ứng xử một cách sáng suốt hơn từ đây về sau, khi gặp trường hợp thất bại của người khác, của đồng nghiệp..và khi thấy mình thành công. Để biết giữ cái Tâm khiêm tốn và tôn trọng người khác. Đúng là thành nhân còn quan trọng hơn thành danh.

    Chú chú Thiện nhiều sức khỏe và bình an!
    Chào thân ái,
    Q.D

    P.s: Ở nơi công cộng thế này thì tạm xưng hô với chú là Anh, Em cho hợp với cách xưng hô của mọi người 1 ít, if email riêng cho chú thì cháu vần xưng là Chú, cháu cho đủ lễ nghĩa ^!^ )

    Like

  3. Hi anh Thiện,

    Cảm ơn về bài viết rất ý nghỉa của anh. Quả thật là con người ta hay nhìn thất bại của người khác với mắt nhìn thật chủ quan, thậm chí là soi mói như anh nói vậy, đổ lỗi tại thế này, tại thế kia… mà không nghĩ ngay rằng nếu mình là người ta, chắc gì mình đã thành công, hay là lại thất bại ê chề hơn nữa. Bao nhiêu người thành công chưa chắc đã thành công ngay bước đầu, mà cũng phải trải qua kinh nghiệm thất bại ít nhất một lần, không phải của chính mình thì cũng là của chính người khác. Chính thất bại của người đi trước đã giúp người đi sau tránh vết xe đỗ vậy.

    Vạch lá tìm sâu, moi móc những lỗi lầm thiếu sót của người khác ra để cười đùa chế riễu , hay để coi thường, chính là thái độ đáng trách – vô tình hay cố ý đều làm hạ phẩm cách của chính mình, có khi nhìn thấy cái dằm trong mắt người mà không thấy cả cái xà trong mắt mình.

    Đọc bài viết của anh, ngẫm lại mình thấy còn nhiều sân hận quá, còn quá nhiều khiếm khuyết để có thể tìm được sự bình an trong tâm hồn. Đôi khi thấy tâm hồn nhẹ như bông mà nhiều lúc lại nặng như chì, chắc là tâm còn vọng động nhiều quá!

    Thôi thì cũng ráng sửa đổi mình, được tý nào hay tý nấy, được ngày nào hay ngày nấy vậy.

    Chúc anh ngày vui 😀

    Like

  4. Chào anh Thiện,

    Trước hết là rất cám ơn anh và bài viết này mặc dù bài viết này không phải là một thất bại :).

    Hơn 16 năm đi làm, Thảo đã cảm nhận đầy đủ những bài học từ sự thất bại của chính mình và của những người khác. Môi trường làm việc không phải ở đâu cũng tốt, nhưng Thảo đã khuyến khích các bạn trẻ đừng vội “nhảy cóc” mà cứ tận dụng thời gian học cho hết từ cái hay đến cái dở của con người, quy trình, sản phẩm nơi đó để chính mình không gây ra thêm những cái dở như thế.

    Em đã vài lần cảm nhận sự mỏi mệt như có độc tố trong người vì đang âm thầm ganh ghét, hờn trách. Em cũng đã nhiều lần thấm thía sự hối tiếc vì đã kìm hãm niềm yêu thương, chưa vui lòng tha thứ; nếu không, chắc chắn mình đã hạnh phúc hơn nhiều vì cuộc sống tràn ngập tình yêu thương và bình an. Dù vậy, cuộc sống em không tránh khỏi nhiều lần bị làm thân sâu cho người ta vạch lá mà tìm, mà bắt, mà bẻ; không tránh khỏi bị nhạo báng ê chề vì cái dở của mình. Nhưng em tin rằng sẽ có một ngày những người đã “tấn công” mình sẽ nghiệm ra, như chính em đã nghiệm ra sau gần 10 năm.

    Cũng cần cám ơn thêm sự ngẫu nhiên hay duyên lành mà tình cờ Thảo đọc được bài viết này.

    Thảo đã chuyển tiếp mài này đến một số người với cùng một thông điệp như anh đã muốn gửi.

    Xin cám ơn anh.

    Phương Thảo.

    Like

  5. Cảm ơn anh Thiện vì bài viết này!
    Hôm nay em đã có thêm một thất bại sau nhiều thất bại. Như mọi khi em vội trách mình và cho rằng mình dở tệ, vô cùng thất vọng về bản thân. Đọc bài của anh em cảm thấy khá hơn vì thất bại của mình là vật liệu lót đường cho thành công của một ai đó, hay là vật liệu cho chính thành công của mình sau này, ít ra sau này em sẽ hiếm khi hoặc không lặp lại thất bại đó. Em sẽ cố gắng luyện tập để có thể vui vẻ và yêu mến những thất bại của mình.
    Em Hợp

    Like

  6. Hôm qua em cảm thấy thất vọng bản thân vì bài báo cáo mình hơi dài và nội dung bài báo cũng chưa hay, em cũng hy vọng mình sẽ được giải nhưng không được vì lý do trên. Thật may được đọc bài này của Anh nên thấy an ủi và hiểu rằng thất bại cũng có mặt tích cực của nó giúp cho ai đó thành công hay chính bản thân em biết rút kinh nghiệm để sau này thành công và không thành công cũng thành nhân.

    Hãy biết chế ngự bản thân, biến lòng ham muốn, sân hận, hung hăng , hơn thua thành rộng mở, bao dung, yêu thương…thì tâm mới bình an được

    Biết đến bao giờ cái tâm ác mới thay đổi!

    Cảm ơn bài viết thật hay của Anh Thiện.

    Em Tâm

    Like

  7. Cám ơn bạn Hợp và Tâm… các phản hồi mới của bạn đã làm bài viết từ 2010 của mình đang hồi sinh. Chúc các bạn sớm tìm lại hy vọng sau các thất bại vừa qua. Hy vọng là cái phao cứu sinh giúp ta kịp thời nổi lên trên bể khổ đau….
    Hồi 2010, mình không biết cuốn Dare to fail-Dám thất bại. Mình mới đọc nó cách đây vài tuần. Nó là một tài liệu bổ ích cho những ai đang đối diện với thất bại. Chúng ta có thể vượt qua tâm trạng u sầu bằng cách nhìn thẳng vào các thất bại với lời tri ân.
    Xin giới thiệu với các bạn tác phẩm Dám thất bại của Billi P. S. Lim do Trần Hạo Nhiên dịch. Sách có bán tại các nhà sách hoặc tải về tại:
    https://www.dropbox.com/s/zatqs8gqzcpd4rr/Dam-that-bai.epub?dl=0
    Ngoài ra, vì những năm trước mình ủng hộ ý tưởng kiểm soát các cảm xúc tiêu cực khi gặp chuyện không vừa ý, nay mình lại nghĩ thêm liệu con người có nên kiểm soát cả những cơn hưng phấn khi vui hay không? Tôi hiện chưa có câu trả lời cho đề tài này. Xin viết vào đây để được lắng nghe ý kiến của các bạn.

    Like

  8. Hi Thiện,

    Lâu quá im hơi lặng tiếng. Anh nghĩ là Thiện phải học tối tăm mày mặt nên cũng ngại hỏi thăm. Chúc thầy Thiện Ngày Thầy Cô có nhiều niềm vui.

    Thiện hỏi: Nay mình lại nghĩ thêm liệu con người có nên kiểm soát cả những cơn hưng phấn khi vui hay không?

    Đương nhiên là phải kiểm soát cả những cơn hung phấn khi vui, vì nếu tâm ta xung động khu vui thì cũng xung động khi buồn, khi giận, khi sợ, khi nóng giận…

    Chính vì vậy mà Thiền tông tập tĩnh lặng, vượt trên tất cả mọi sự — buồn vui, nóng lạnh, giận, ghét…

    Like

  9. Hi anh Thiện,

    Câu hỏi của anh làm em nhớ tới câu này của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà em rất tâm đắc. “Many people think excitement is happiness…. But when you are excited you are not peaceful. True happiness is based on peace.”
    (The Art of Power)

    Em hi vọng là anh Thiện tìm được câu trả lời cho mình ạ.

    À, mà em quên, em muốn nói là bài của anh Thiện hay quá, rất đúng với tâm trạng khi ta ngồi nhìn lại những gì đã xảy ra với mình.

    Em cám ơn anh.

    E.Thuận

    Like

  10. Em xin góp một câu trả lời cho câu hỏi của anh Thiện từ góc độ của thiền Vipassana ạ: “liệu con người có nên kiểm soát cả những cơn hưng phấn khi vui hay không?”.

    Dưới góc độ của thiền Vipassana thì ta không dùng từ “kiểm soát” mà là luôn có sự tỉnh thức để nhận biết. Ta đang hưng phấn thì biết ta đang hưng phấn. Không để cuốn theo mất mình trong đó. Giữ sự quan sát liên tục trong sự thả lỏng đối với mọi tâm sinh – diệt. Rồi ta sẽ thấy cơn hưng phấn qua đi mà ta cũng không (quá) lưu luyến hay níu kéo. (Cái này gọi là chánh niệm). Cũng không nên đè nén, vùi lấp các cảm xúc vì đè nén sẽ khiến tâm ta bị đè nén, sự tham và/hoặc sân dễ sinh khởi thêm, hoặc ẩn sâu thêm vào tầng tiềm thức. Nơi nào có tham có sân thì có si – sự vô minh hiện diện.

    Like

  11. Anh Hoành mến,
    Anh khỏe không, cám ơn lời thăm hỏi của anh.
    Trước hết Thiện học xong từ 2012 nên bây giờ cũng bớt căng thẳng hơn. Kết quả của những năm học không phải là có thêm câu trả lời mà là có thêm câu hỏi cho cõi đời này hihihi Vì sao có thêm câu hỏi thì T sẽ giải thích sau. Giờ thì với T, tri thức là cái mình hiểu chứ tri thức không chỉ là thành tích đoán đúng, làm đúng những câu hỏi của giáo sư nữa hihihi
    Điều thứ 2 là…. anh Hoành gợi ý 1) thiền là đúng, 2) lời các thiền sư là chân lý…. Thiện thì đang đặt ra câu hỏi có chắc thiền và lời thiền sư là chân lý hay không? Ít nhất 2 điều ấy có phù hợp với đời mình hay không. Đâu phải chiếc áo họ mặc đẹp thì mình mặc cũng sẽ đẹp và đâu phải chỉ có cái áo ấy là đẹp. Bước vào shop thời trang thì ta cứ tha hồ lựa và thử để tìm xem cái nào là phù hợp chứ tội gì phải tìm hàng hiệu….
    Cũng xin nói thêm là nhiều lần mình phê phán 1 câu chuyện thiền nào đó hay tỏ ý nghi ngờ về giá trị của những sản phẩm từ thiền thì sẽ có người cho rằng T chưa hiểu hết thiền hic Đấy là cách ngụy biện bởi thiền là gì mà họ cho rằng chuẩn không cần chỉnh và ta chỉ được phép khen, cấm chê bai, cấm nghi ngờ. Xin lưu ý với các bạn khác chứ không phải anh Hoành vì anh Hoành rất chuyên nghiệp về logic. Mình cho rằng nghi ngờ không phải là phủ nhận mà nghi ngờ là tiến trình tìm cách áp dụng 1 quy tắc có trước vào hoàn cảnh riêng nào đó, vd áp dụng quy tắc cần kiểm soát cả niềm vui để tâm hồn được thanh tịnh. Cho dù điều ấy đúng với 1000 người nhưng ta vẫn có thể nói chưa chắc nó đúng với ta vì thanh tịnh là cảm giác chứ không phải một điều có thể đo lường được. Cảm giác thì mỗi người mỗi khác, bởi cảm giác dựa vào kinh nghiệm. Mỗi người có cuộc đời riêng và trải nghiệm riêng nên không thể có cảm giác tuyệt đối giống nhau được. Chính tính cách bất ổn của cảm giác nên khó mà nói rằng vì nó đúng với 1000 nên nó sẽ đúng với bạn.
    Mình nhớ dụ ngôn của Đức Thích ca về chúng sinh. Ngài ngắm ao sen và so sánh có người khôn ngoan sáng suốt như hoa sen đang nở. Có người vẫn còn là búp hoa. Kẻ khác còn ở giai đoạn lá và cũng còn nhiều người vẫn ở giai đoạn rễ, chìm đắm dưới bùn lầy. Có thể bình an là điều mọi người cần nhưng bình an của hoa sẽ khác bình an của lá hay của rễ. Không có một chân lý bất biến với không gian, thời gian và nhiều tác nhân khac. Mình tin rằng nếu tìm đúng hướng rễ có thể rùng mình một cái để biến thành hoa và búp cũng có thể quay trở về thành lá sau 1 cú rùng mình. Những chuyển biến ấy có được là do mỗi cá nhân tự tìm ra chân lý cho mình chứ không hẳn bắt chước hoặc ngoan ngoãn cúi đầu đón nhận một chân lý từ người khác để cá nhân được tiến bộ.

    Mình hiểu trong ngôn ngữ thiền có nhiều từ ngữ không đo lường được và người ta đã dùng cái không đo được mà so sánh với nhau. Ví như thú vị không phải là hạnh phúc và bình an mới là hạnh phúc. Vậy thì bình an có thú vị không? Hay hạnh phúc có thú vị không? Mình thử thêm 1 từ nhẹ nhàng khác như khôn ngoan vào cái mớ bòng bong của thú vị, hạnh phúc và bình an để nhóm này có 4 từ. Và mình sẽ lại hỏi khôn ngoan có thú vị không, bình an có khôn ngoan không? Hạnh phúc có khôn ngoan không? Kết quả chỉ là 1 phép ngụy biện khác vì khi đã không đo lường được thì sao lại so sánh?
    Chính cái đặc điểm của thiền là dựa vào cảm giác và cảm giác thì không đo được. Thế rồi ta lại dùng logic để giải thích các cảm giác ấy trong một phương thức khá ngụy biện ấy là dùng phép so sánh … Thật là vẻ rắn thêm chân.
    Dù những câu trả lời không trọn vẹn nhưng nếu có thêm nhiều câu hỏi khác, ta sẽ hình thành một quan niệm mới. Ấy là không phải cái việc cứu khổ, cầu phúc đem lại tiến bộ trong tâm hồn, (lưu ý là khi không đo được thì chẳng có gì tiến hay lùi cả) Nhưng từ những câu gợi ý của anh Hoành và bạn Thuận, mình nghĩ rằng điều cần biết là đừng dựa vào cái gì cả cho dù đó là khổ hay sướng, phúc hay họa, bình an hay bất an. Thế nên muốn kiểm soát niềm vui cũng được và muốn để niềm vui trào dâng tự nhiên cũng tốt. Miễn là lòng ta không bám dựa vào vui hay buồn thì mọi thứ vui buồn đều bị mất giá.
    Viết tới đây mình nhận được phản hồi của QL. , Suy nghĩ của mình giống với Quỳnh Linh. Cám ơn các bạn đã soi sáng

    Like

  12. Hi Thiện,

    Lý luận rất vui. Nhưng anh chẳng nói thiền là chân lý và thiền sư là đúng. Nếu nói đến chân lý đúng sai thi mỗi người có quyền có chân lý của mình đúng sai của mình.

    Anh chỉ nói nếu trái tim mình còn nhảy choi choi với niềm vui, thì nó sẽ nhày choi choi với mọi thứ khác như là sợ hãi, nóng giận, tham lam… Đó là hiện tượng tự nhiên của trái tim của con người.

    Cho nên ta không thể ôm ấp mọi điều gọi là vui sướng, mà mong có thể tĩnh lặng trước nóng giận, sợ hãi, lo âu…

    Một là trái tim tĩnh lặng trước mọi điều, hai là trái tim nhảy choi choi trước mọi điều. Không có chuyện tĩnh lặng chuyện này mà nhảy choi choi chuyện kia.

    Và đây chẳng là lý luận, chân lý gì cả, hay lý luận gì cả. Ai đã tập tĩnh lặng thì đều biết — trái tim tĩnh lặng thì tĩnh lặng với tất cả.

    Liked by 1 person

  13. Câu trả lời của chị Quỳnh Linh hay quá, cám ơn chị.

    Phần giải thích của anh Thiện rất chi tiết và em tự hỏi có phải sự suy nghĩ và cách nhìn vấn đề khác nhau như cách anh Thiện nói là bởi “căn cơ” ” nghiệp duyên” của mỗi người khác nhau?

    Anyway, bài viết của anh giúp em nhìn ra một điều “Đôi khi thành công của mình là nhờ…thất bại của người khác !” khi biết vậy, mình không còn “tự mãn” với thành công ấy nữa, mà mình khiêm tốn hơn và tĩnh lặng hơn. Nhìn thấy cái có trong cái không, và cái không trong cái có.

    Sau ánh sáng lấp lánh của thành công là có những phần của đau đớn của thất bài và của hi sinh, đúng không anh Thiện?

    Like

  14. Anh Hoành mến,

    Thiện không phản biện nhưng chỉ xin đưa ra kinh nghiệm riêng về vụ nhảy choi choinhé…. Trước Thiện vẫn tin rằng nếu mình không chao đảo thì phải là không chaođảo cả khi vui lẩn khi buồn chứ làm sao lúc buồn thì chao mà lúc vui thì lặng được….
    Nhưng rồi lại nhận ra có 4 loại cá tính là đầm, dịu nhanh và sôi nỗi. Nếu rủi 1 người có cá tính nóng nảy, sôi nỗi thì làm sao mà họ tĩnh như người thuộc cá tính đầm được và tương tự, người đầm thắm thì làm sao cuồng nhiệt như người sôi nỗi được. Dường như T thuộc loại người nóng tính và sôi nỗi….
    Vậy nên giải pháp mà mình chọn cho mình là hôm nào mưa cứ mưa, và hôm nào mát cứ mát. Ngoài mặt mình là mặt hồ có đủ sóng, gió nắng mưa và ráng giữ cho tâm mình như cái hồ vẫn cứ tĩnh lặng. Tĩnh vì biết tâm mình chứa sóng gió nhưng tâm không phải là sóng gió. Người ngồi yên trên xe đang chạy khác với người ngồi yên trên mặt đất. Mình có thể bước xuống xe để thưởng thức sự tĩnh lặng trên mặt đất nhưng chỉ bước xuống trong giai đoạn. Vì sứ mạng của mình là phải ngồi trên xe.

    Like

  15. Hi Thiện,

    Anh hiểu điều Thiện nói. Nhưng trong cương vị một người thầy, ví dụ như dạy nhu thuật, anh có 4 người học trò: cậu lực lưỡng 65 ký, một cậu 40 ký, cô học trò mảnh mai 35 ký, một cậu bị tật một chân đi không thẳng 40 ký. Anh sẽ chẳng nói ai không học được, anh sẽ nói mọi người nên học và sẽ thành võ sư nếu muốn. Và anh biết mọi người sẽ học nhanh chậm khác sau, nhưng tất cả sẽ thành võ sư một lúc nào đó. Kể cả người có tật.

    Theo anh thấy trời, sinh ra mọi người khác nhau, và tâm tính khác nhau. Nhưng muốn chiến đấu giỏi thì đều phải kiên trì học tập các kỷ luật đòn pháp để thành võ sư. Và dù là học cùng thầy và cùng phương pháp, mỗi võ sinh khi thành võ sư vẫn luôn luôn có cá tính và công phu riêng của mình.

    Trời sinh là một chuyện, học chiến đấu để chiến thắng lại là một chuyện khác.

    Và kinh nghiệm chiến đấu của anh — trên đường phố, trên vũ đài, trong tòa án, trên chính trường và thương trường — là: Điều quan trọng đầu tiên để chiến thắng là tĩnh lặng.

    Like

  16. Anh Hoành mến,

    Sau vài hôm suy nghĩ về các đề nghị của anh, Thiện nhận ra chúng ta đang sử dụng 2 phương pháp khác nhau để rèn luyện kỹ năng tĩnh lặng. Thiện xin bàn tiếp câu chuyện trong tinh thần mọi con đường đều đến Roma, tùy duyên, tùy năng lực của mỗi người mà chọn cách phù hợp. Cách phù hợp là cách đúng chứ ta không có công cụ nào để đo lường mà tìm ra cách nào ngắn nhất hay nhanh nhất,…
    Phương pháp mà anh đề nghị là kiểm soát cảm xúc để tĩnh lặng trong suy xét, phán đoán. Thiện đề nghị là hiểu về tĩnh lặng để chấp nhận mọi loại cảm xúc. Cách của anh đã giới thiệu nhiều lần, và T nghĩ mình không nên tóm tắt cách của anh. Chính anh tự tóm tắt nó. Thiện chỉ xin mô tả cách mà Thiện làm lâu nay để có thêm 1 giải pháp khác cho mọi người tham khảo. biết đâu, cái mà Thiện sắp kể ra đã có 1 vị thiền sư đời trước tìm ra trước rồi Thiện tin là mình chưa có phát minh nào mới mà vô tình tìm được cái đã từng được khám phá.
    Như bài viết về thất bại này, chúng ta hiểu rằng trong thất bại có mầm móng của thành công. Tương tự ta cũng hiểu rằng trong nhiễu động có dấu vết của tĩnh lặng. Có lần, mình trao đổi với một bạn thiền về các trở ngại của người ấy. Người ấy than rằng lúc này có nhiều biến động, nào là con bệnh, xe hư, đổi công tác…. Mỗi tối khi anh ngồi, anh không còn tập trung được nữa. Nếu anh chờ đợi cảm giác thanh tĩnh như những ngày trước thì hóa ra anh đang bị cái gọi là ma tĩnh lặng ám ảnh. Nhưng anh biết làm sao đây vì ngồi xuống là đầu óc cứ nhảy loi choi.
    Mình mất vài hôm để suy nghĩ giúp anh rồi cuối cùng khám phá ra 1 giải pháp chẳng những cho anh ấy mà cho cả chính mình. Hãy quan sát bầu trời, có hôm nắng, hôm mưa, hôm gió. Có hôm trời trong xanh như mắt mèo, có hôm mây đen vần vũ…. Cho dù mọi nhiễu động, bầu trời vẫn là bầu trời. Khi thấy trời trong ta gọi đấy là bầu trời. Trời mưa hay bão thì ta cũng gọi đấy là bầu trời….
    Có nhiều người phải dầm mưa dãi nắng khi làm việc nên trong họ rất lem luốc. Cũng có người làm hành chánh nên trông tươm tất hơn. Khi bước vào tiệc cưới, ta thấy tất cả đều tươm tất, chải chuốt. Nhưng có chắc gì trong tiệc cưới họ thực sự vui vẻ, thoải mái. Có khi sự thoải mái chỉ đến vào cái lúc họ đang lem luốc dầm mưa dãi nắng, có khi họ chỉ thực sự đẹp khi được sống với nghề họ chọn.
    Trở lại với tĩnh lặng, nếu ta chấp nhận hồn ta như bầu trời, như số mạng của mỗi người. Ta sẽ chấp nhận hôm nay có việc nên đầu mình không trong sáng như những hôm không có việc. Cho dù hôm nay khi tĩnh tâm, bạn thấy đủ thứ tạp niệm nhảy loi choi trong óc, nhưng nếu bạn hiểu nhảy loi choi là việc của cảm giác hiện tại, hồn bạn vẫn là bình an. Gió mưa chỉ là hiện tượng thời tiết, bầu trời vẫn là bầu trời….
    Đại khái như thế đấy anh Hoành, hồn Thiện thảnh thơi đón nhận cái loi choi của tâm trí. Hôm nào tĩnh tâm mà óc mình trong veo cũng tốt, hôm nào óc mình lung tung cũng thấy tốt. Cái tốt do mình chấp nhận, do mình hiểu và bất chấp tình trạng thần kinh lúc ngồi là động hay tĩnh thì ý thức của mình vẫn là bình an.
    Có lẽ nên sử dụng nhiều giải pháp khác nhau giống như 1 võ sư giỏi sẽ học nhiều môn phái khác nhau, thiếu lâm, hay Thái cực đạo, Nhu đạo… Thỉnh thoảng Thiện cũng áp dụng cách anh nói là kiểm soát cảm xúc và thỉnh thoảng cứ để nó tự nhiên theo bản chất của nó (cũng có lẽ bản chất của mình luôn). Vì mình được sinh ra với cái tâm loi choi thì cứ để nó loi choi, hồn mình tĩnh là ok rồi.
    Mến

    Like

  17. THiện cứ theo cách nào Thiện muốn. Cho nó ít nhất là 10 năm để nắm hơi vững bí quyết của môn mình tập, rồi dạy lại cho mọi người.

    Anh học đủ thứ, và thấy trước 10 năm thì thường là ta chưa nắm vững được điều ta biết.

    Nhưng nếu người có căn cơ nắm được mọi sự chỉ trong một năm thì anh cũng không nhạc nhiên.

    Anyway, thích sao thì cứ làm vậy. Mỗi con đường đều là đường tìm chân lý.

    Like

  18. Thật thú vị khi xem tranh luận của Anh Hoành và Anh Thiện, em nghĩ có nhiều cách thức để giúp tĩnh lặng cho tới nay mà em được biết: Kiểm soát (đúng hơn là quan sát mọi ý nghĩ trong đầu) – Phương pháp duy tuệ -duytue.org. Kiểm soát và quan sát hơi thở (Thầy Thích Nhất Hạnh) Phương pháp anh Hoành đề nghị là kiểm soát cảm xúc để tĩnh lặng trong suy xét, phán đoán. Anh Thiện đề nghị là hiểu về tĩnh lặng để chấp nhận mọi loại cảm xúc.

    Em thì không nói rằng phương pháp nào là chân lý, là đúng, là sai. Em nghĩ có thể áp dụng đa mô thức nhưng cũng tùy theo cá nhân, có người phù hợp cách quan sát hơi thở, quan sát ý nghĩ, quan sát kiểm soát cảm xúc…

    Như Anh Thiện cho rằng “tâm như bầu trời” thì em liên tưởng bài “cái tôi của nước” của Anh Hoành: dù hôm nay nước có lên cao, tạo sóng nhưng mình muốn rằng (muốn khác hiểu) mình là nước, là diu hiền, là yêu thương…Nghĩa là khi xung động cố gắng đưa mình về gốc rễ là tâm là nước, là bầu trời rồi hướng tâm mình đến điều tích cực, yêu thương chia sẽ mọi người. Khác biệt ở chỗ người nào vẫn giữ được bình tĩnh, vui vẻ trước biến cố.

    Mọi người có quyền chọn con đường để đi, riêng em rất yêu thích cách thức của Anh Hoành, với cách nhìn rộng mở, đa chiều, thực hành cũng không quá khó nếu tin và kiên trì thực hiên.

    Trước đây khi bản thân em hay bị chao đảo, chạy theo những cái bề ngoài, lúc đó không hiểu tĩnh lặng là gì? làm sao tập được tĩnh lặng? Qua thời gian em hiểu dần nền tảng của tư duy tích cực là tâm linh vững vàng, và thực hành yêu thương là điều cốt lõi.

    Cảm ơn hai Anh đã soi sáng.

    Em Tâm

    Like

  19. Hi Tâm và Thiện

    Anh chỉ nói tĩnh lặng, và không nói từ gì, như là “kiểm soát” như là phương pháp. (Đó là từ của Thiện. Anh dùng từ của Thiện để nói chuyện với Thiện cho đỡ hiểu lầm. Nhưng các bạn đều tức thì vướng vào từ và lạc ngay ).

    Anh có nhiều phương pháp, nhưng không tập trung vào phương pháp, vì đó là “công thức.”

    ANh nói “Khiêm tốn, thành thật và yêu người để tĩnh lặng”. Nếu là phương pháp thì đây là phương pháp.

    Và anh không tranh luận.

    Nhưng đọc comment của Tâm anh chới với vì thấy Tâm chẳng hiều gì anh cả.

    Anh nói “Khiêm tốn, thành thật và yêu người để tĩnh lặng”. Các em làm anh sửng sốt về trình độ hiểu anh.

    Anh đóng đối thoại này vì càng nói các em càng lạc. Tâm mà lạc như thế thì sẽ có cả hàng nghìn người lạc.

    Mọi người cứ đi đường nào mình muốn. Nhưng hãy chăm chú đi đường đó khoảng 10 năm rồi hãy nói, đừng lý luận trước khi thực hành.

    Vấn đề luyện tâm là thực hành, chẳng là nói–Hại cho mình và cho người khác.

    A. Hoành

    Like

Comments are closed.