Đề Kim Lăng độ – Trương Hỗ

題金陵渡
張祜

金陵津渡小山樓
一宿行人自可愁
潮落夜江斜月裡
兩三星火是瓜州

Ðề Kim Lăng độ

Kim Lăng tân độ tiểu sơn lâu
Nhất túc hành nhân tự khả sầu
Triều lạc dạ giang tà nguyệt lý
Lưỡng tam tinh hỏa thị Qua Châu

Trương Hỗ

Dịch nghĩa

Ðề thơ bên bến Kim Lăng

Ngồi trong gác nhỏ bên bến đò giữa cảnh núi sông
Khách trọ cảm thấy âu sầu
Dưới cảnh trăng tà đêm khuya nghe tiếng sóng thuỷ triều dào dạt
Ngẩn nhìn lên xa xa, nơi lốm đốm sao mờ kia là Qua Châu

Dịch thơ:

Ðề thơ bên bến Kim Lăng

Kim Lăng quán nhỏ bến giang đầu
Ðêm trọ khách xa chớm mối sầu
Ngóng nước triều dâng trăng chếch bóng
Sao mờ lấm tấm ấy Qua Châu

Chú Thích

Kim Lăng: Tên đất
Qua châu: Tên đất

Trên bước đường lưu lạc, đêm ngủ trọ bên bến đò Kim Lăng, ngồi giữa cảnh đất trời buồn tẻ này, một nỗi buồn xa quê từ từ, nhẹ nhẹ dấy lên trong lòng. Trong tiếng rì rào của nước thủy triều và trong bóng mờ của bóng trăng tàn giữa đêm khuya khoắt, bên lưng trời xa kia, A…nơi lấm tấm đốm sao trời … đó là Qua châu, quê ta!

Nguyễn Hữu Vinh dịch và bình

7 thoughts on “Đề Kim Lăng độ – Trương Hỗ”

  1. Cảnh thật là u tịch. Người xa quê mà ở trong cảnh này thì buồn kinh khủng. Minh cũng đã qua vài nơi một mình khi xa quê hương, nhưng chưa có nơi nào u tịch như vậy.

    Vinh à, mình có cảm tưởng câu đầu hy sinh chữ “nhỏ” giữ lại chữ “núi” thành “quán núi” thì hình ảnh và cảm xúc mạnh hơn là hy sinh chứ “núi” giữ chữ “nhỏ”, dù là âm thì dở đi một tí.

    Vinh khỏe nha 🙂

    Like

  2. Theo em thì ý mỗi anh đều hay!
    Vấn đề là cái cảm của mình chạm đén chỗ nào.
    Mà giả hoặc không chạm hai chữ đó ( “tiểu” hay “sơn”) thì là do vận tốc, có khi chạm chỗ khác thì sao!
    Ví dụ, chạm chữ “tự” thì sẽ là:
    Kim Lăng quán,( – ) bến giang đầu
    Khách cô đơn gặm mối sầu mà thương!
    Ấy là thấy hai anh nói chuyện, em góp ý của mình thôi , anh Hoành chắc bỏ lỗi, anh Vinh cũng cười xòa nhé! Chuyện thơ vốn đã khó, nói gì thơ Đường! Mà em thì ham vui cùng hai anh vậy!

    Like

  3. cám ơn anh Hoành nhiều, để em xem lại coi nhé.

    Bài này đúng là sầu thiệt, đi xa ở quán trọ mà nhớ quê thì…khỏi nói nữa

    Kính

    Vinh

    Like

  4. Anh Hoành và anh Ái mến

    Coi lại “tự khả sầu” thì thấy trong câu “Ðêm trọ khách xa chớm mối sầu”, chữ “chớm” không chỉnh lắm mà phải đổi lại thành “gặm” hoặc “chạnh” thì câu thơ càng thấm hơn và đúng với nguyên tác hơn. Cám ơn anh Ái nhiều nhé.
    Còn chữ “quán núi” thì dù rất chính xác với nguyên tác song thiết nghĩ hơi khó hiểu. Thế nên, chờ quý độc giả tìm giùm chữ hợp hơn! Tìm được chữ nào để làm sao khi đọc lên là độc giả có thể nhận ra được cái buồn tẻ, đơn sơ, hoang vắng của quán trọ giữa cảnh trời có non, có nước!

    Like

  5. Hi Vinh,

    Nếu Vinh chỉ lo là “quán núi” khó hiểu thì mình nghĩ là Vinh không phải lo. Văn chương Tây Nguyên những năm gần đây đã làm chữ “núi” trở thành một tĩnh từ rất phổ thông, gọn mà mang được tất cả nhũng gì mà danh từ “núi” mang lại. (Núi là danh từ dùng như tĩnh từ thì chính xác hơn). Từ phổ thông nhất là “phố núi.”

    Mình chắc chắn là ở trong nước, từ “quán núi” ai cũng có thể cảm nhận được, mặc dù người đi đã lâu mà không đọc báo chí thi ca viết trong nước thường thì sẽ cảm thấy chưa mấy quen thuộc với “núi” như là môt tĩnh tự. Thực ra, cách dùng từ thế này, mình nhớ mang máng là có lâu lắm rồi, nhưng những năm gần đây, phát triển kinh tế ở Tây Nguyên làm cho văn hóa và văn chương Tây Nguyên trở thành national hơn, và bây giờ, với Internt, bắt đầu trở thành international, ít ra là trong mạng lưới người Việt khắp nơi.

    Search “phố núi” trên Internet sẽ thấy. Ngay cả “Quán núi” cũng đã có người dùng, dù là rất ít ỏi. Chính vì vậy mà nó sáng tạo hơn.

    Vinh khỏe nha 🙂

    Like

  6. Anh Hoành mến

    Cám ơn anh nhiều nhé.

    Thế thì mình đổi bài dịch lại như sau, quý vị xem lại cho nhé:

    Kim Lăng quán NÚI bến giang đầu
    Ðêm trọ khách xa CHẠNH mối sầu
    Ngóng nước triều dâng trăng chếch bóng
    Sao mờ lấm tấm ấy Qua Châu

    ..chà .chà, nếu giờ đổi Qua Châu thành ra Ô Châu…thì e ai người miền Huế ta cũng phải …chạnh lòng!

    Like

Leave a comment