Cho hay là giống hữu tình

Ca dao là bằng chứng thuyết phục về đời sống tình cảm phong phú của người bình dân. Có thể điểm danh điểm diện một số phương diện tình cảm đó.
Là nhân hậu ân tình.
Là thương cảm sẻ chia
Là nặng tình nặng nghĩa.
Và được xem như là thống soái trong ứng xử tình cảm bình dân là rất mực thủy chung.

Như cây đa chờ mãi khách bộ hành.
Như bến vắng chờ con thuyền rong ruổi

Và trong ta dậy lên một cảm thương trân quí cho những vẻ đẹp truyền thống.

Và như một phản xạ có điều kiện, người ta thường khước từ những vỉa tình cảm trái
ngược. Người ta thế, và tôi cũng thế.

Ấy vậy mà có một ngày tâm trí tôi cứ tưng tửng, tưng tửng, ấy là khi tư tưởng mô phạm vững chãi trong tôi chạm nảy lửa vào một câu ca dao dị dạng:

Đa tình thì vướng nợ tình
Trách người đã vậy, trách mình sao đang

Ô hay! Cái môi trường đã giáo dục chọn lọc cái tình thủy chung, đã tỉa sửa bằng hết những gì tà vạy lại ngang nhiên nảy nòi ông ổng một câu hát đa tình. Mà hấp dẫn và cám dỗ đáo để. Mà cam đoan rằng bất cứ cái người hiện đại nào cũng gặp mình trong cái tình ca dao ngót chừng vài trăm niên kỉ ấy.

Tôi cũng nghênh ngang nhận mình là giống đa tình (!) nên lại càng đồng cảm mà trân trọng lắm. Rồi băn khoăn dò tìm xem cái giống tình đi lạc đi loài ấy có kịp mọc lên thành vườn thành vỉa trong vườn ca dao xưa không.

Thật bất ngờ, cái mà tôi gặp được nếu không là phổ biến thì cũng đã không chịu dấu mình đơn lẻ.

Này là lời trách cứ người bắt cá hai tay:

Đa tình chi rứa hở trăng
Nửa treo núi nọ, nửa giằng sông kia.

Đích thị là mày đa tình rồi nhé!

Rồi sau hai đơn vị đại diện chính danh đầy can đảm ấy là đôi nét đồng dạng, tuy chưa kịp chính danh, tuy còn núp bóng dấu mình.

Là cái đèo bòng:

Anh đà có vợ thời thôi
Đèo bòng chi lắm tội trời ai mang!

Lời trách không khỏi giấu một chút nao nao. Và lời đáp cũng táo tợn nghệ sĩ:
Vì cam cho quýt đèo bòng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.
Đáng chú ý là đôi ba lời hát ghẹo, khó có thể khen ở cái tình chung thủy, vậy mà đâu chỉ một hai lần đôi ba người ngâm nga thích thú.

Chanh chua quýt ngọt bòng the
Thấy em còn nhỏ anh ve để dành.

*
Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc anh ngồi anh ru.

Có lẽ cái chuyện những câu hát đa tình này manh nha từ hồi người viết phải trao đổi với học trò về một ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân
Đất nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Biết quí công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre mà đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

( Trích trường ca “ Mặt đường khát vọng”)

Và kết luận bắt buộc cho các lời giảng của các nhà giáo rằng đó là nhân dân thủy chung ( Yêu em từ thuở trong nôi ), quí trọng tình nghĩa ( quí công cầm vàng ), và quyết liệt dữ dội với kẻ thù ( đi trả thù mà không sợ dài lâu ).

Tôi băn khoăn mãi. Chao ôi, yêu em từ thuở trong nôi là thủy chung ư? Một thủy chung thật tội lỗi, đáng bỏ tù từ sáu tháng đến ba năm! Có chăng là cái đa mang được nói quá lên một chút. Vậy sao lại cứ cố tình gán ghép cái đa tình thành cái chung tình?

Phải chăng vì trong thẩm định đạo đức thì cái đa tình là cái phi chuẩn mực cần phê phán mà cái chung tình là phẩm chất đáng tuyên dương? Và vì vậy nên lộng giả thành chơn, và cái câu ca kia nghiễm nhiên được phong tặng cho cái phẩm chất mình không có, và bù lại bị tước đi cái mình vốn có.

Đành rằng thủy chung là phẩm chất , nhưng sự lên án thái quá với những đa mang là có nên chăng?

Hãy xem thái độ của người bình dân, với cái đa tình, họ ít nhiều trách móc, mà chưa có lời kết tội! Thì trách người đã vậy trách mình sao đang ( sao đành ) mà!

Nghe cứ như một khoan dung tòng phạm!

Và tôi âm thầm xem cái ý táo bạo kia cũng là phẩm chất của những người làm ra ca dao.
Chung tình là phẩm chất của nhân dân.
Mà đa tình là phẩm chất của nhân dân nghệ sĩ!
Nói thế tôi đâm lo quá! Khéo không khách quan, khéo lại bào hao bào chữa cho mình!
Mà may thay, lúc bí đàng bí lối, sắp đánh nước bài liều, lại vớ đâu được một tứ khá hay của một nhà thơ có tên tuổi:

Xem qua truyện cổ nước mình
Rất nhân hậu, lại đa tình đa mang.

Đó là kết luận của Phan Thị Thanh Nhàn. Thôi thì mời chị Nhàn đi trước gánh búa rìu dư luận, ai bảo chị liều lĩnh dám bảo dân ta đa tình đa mang trước!

Lại còn có một nhà thơ nữa, còn liều hơn cả chị Nhàn, khi dám tự nhận mình đích thị đa tình:

Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
Xấu hổ gì đâu mà anh dấu diếm
Em muốn làm dâu thì em ở lại…

Phạm Ngọc Cảnh

Yên chí về quan điểm rồi tôi nhé!
Quả là người không biết điều khi thân mình còn chạy tội chưa xong lại lăm le đi nài nỉ gỡ tội cho người khác. Song quả thật tôi có ý đó.Rằng:

Những người làm ra những câu ca dao mộc mạc ấy họ thật nhiều phẩm chất.
Bậy một cái là họ cũng rất đa tình.

Thôi thì vì những cái được kia mà thể tất cho họ cái phần còn khuất tất!


NGUYỄN TẤN ÁI

10 thoughts on “Cho hay là giống hữu tình”

  1. Phải chăng chính cái “phần còn khuất tất” ấy làm nên cái hồn văn hóa Việt Nam mình không anh? Mến văn anh Ái bài nào cũng …. lai thơ! 😀

    Like

  2. Hi Tấn Ái,

    Interesting là Ái trích mấy câu thơ của anh Nguyễn Khoa Điềm, trong đó có câu: “Đi trả thù mà không sợ dài lâu.”

    Đây là ý niệm “Quân tử trả thù 10 năm cũng chưa muộn” mà anh cho là ý niệm “quân tử” của thời suy đồi của Đạo Khổng, vì anh không tưởng tượng được là Khổng Tử, hay các Khổng học gia lớn như Mạnh Tử, Tuân Tử… có thể nói câu lớ ngớ như vậy.

    Câu này dạy người ta nắm giữ thù hận, và hoàn toàn phản lại tinh thần từ bi hỉ xả của Phật gia, và cũng phản lại ngay cả chữ Nhân của Khổng gia.

    Anh Điềm cũng là người hiền khô. Anh chẳng tin là anh Điềm có thể giữ thù trong lòng được lâu. Có lẽ đây là viết vậy vì văn hóa nó dạy mình vậy mà thôi. 🙂

    Like

  3. Hi Ái,

    Thêm một điểm quan trọng về văn hóa. Ở đây ta chỉ nói đến đàn ông đa tình, vì đa thê là truyền thống lâu đời, mới chỉ chấm dứt mấy chục năm nay thôi. 🙂

    Chắc là ca dao không có mấy câu cho phụ nữ đa tình 🙂

    Like

  4. Quynh Linh !
    Cái làm nên là cái đã được công nhận rồi,mình chỉ khiếu kiện về cái bổ sung thôi.
    Về giọng thì đúng là mình muốn thế, vì không đủ khả năng khác. Giá có thể thoát khỏi câu chữ để cọ xát thật sự với đời sống như văn của chị Đàm Lan sáng nay trong “Xưa ơi” , nhất là đoạn đầu , thì thích biết mấy.
    Quynh Linh khỏe nhé!

    Like

  5. Anh Kính mến!
    Về ý thứ nhất chắc là do NKĐ vận dụng câu ca dao
    Thù này càng lớn càng sâu
    Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què.
    Chắc không chịu ảnh hưởng gì của mấy ông quân tử tàu đâu anh. Bản chất nông dân rắn cứng thô mộc là thế mà!
    Còn ý hthứ hai thì anh đã giải tỏa cho băn khoăn của em nhiều lắm đó, ngờ ngợ nhận ra rằng ca dao không có cái da tình của nữ giới, mà lười chẳng chịu suy nghĩ tiếp. Nay anh giải trình rồi, hay quá đi thôi!

    Like

  6. Bài viết của anh Ái rất hay, một bài văn rất thơ mộng và vui vẻ.
    Mong được đọc nhiều bài viết hay nữa của anh.
    Mến

    Like

  7. Quên tặng Ái câu ca dao mà ngày xưa mình đọc xong là cười mãi:

    ” Người xinh cái nết cũng xinh
    người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn ”

    Câu này mới đúng giống đa tình nhỉ?

    Like

  8. À, nhân thể anh Ái là thầy giáo dạy văn, nhờ anh xem lại hộ em cách em hiểu “đa tình” trong văn học như dưới đây có … “mất căn bản” không nhé (vì quả thật em vốn dĩ và đến giờ vẫn là đứa dốt văn và ít … cảm xúc văn chương).
    Đa tình dịch nghĩa là “nhiều tình cảm”, còn “hữu tình” thì là có tình cảm thôi, chưa nói là nhiều hay ít. Mà nhiều tình cảm thì dễ rung động, dễ yêu. Có thể dồn lên một đối tượng, thì được gọi là chung tình như Kim Trọng, Thúy Kiều. Có thể rải ra dăm ba đối tượng – dễ yêu mà, thấy ai cũng đáng yêu và yêu thì thành yêu nhiều người thôi. 😀
    Hiểu theo cách này thì đa tình đâu phải là xấu? Tình chỉ là tình thôi mà. Yêu cũng là một cảm xúc yêu thương. Các tôn giáo đều dạy yêu thương mọi người cả đấy thôi. Mọi người tức là … càng rộng càng tốt, không giới hạn vào một đối tượng, một nhóm, một cộng đồng nào…
    Rồi từ cái đa tình thành cái hành xử sao cho hợp đạo lý ở đời lại là cái khác nữa. Cái đáng bị gọi là “khuất tất” có lẽ chỉ là hành xử thôi, còn … “yêu không phải là tội”!
    Nói vậy không biết có bị gọi là “bào chữa tòng phạm” không nhỉ? 😀

    Like

  9. Quynh Linh!
    Lí giải hay, có lí lắm, vậy mà tự nhận là ” mất căn bản” và “ít cảm xúc văn chương” thì ngộ thật!
    Có lẽ cái tội là “đa tình” cứ đối lập với ” chung tình” thành nên tội! Về gia quy hay phép nước đều đáng bị đánh đòn.
    Đến hành xử thì nhiều người đòi bỏ tù đó Linh à!
    Bản thân mình hơi phân vân, vì thấy đáng tội mà cũng đáng yêu!

    Like

Leave a comment