Quá tửu gia – Vương Tích

Các bạn thân mến!

Các bạn của Đọt Chuối Non vốn đã quen biết anh Đinh Đức Dược với giọng lục bát trẻ quá đôi mươi. Anh cũng là người tinh thông Hán tự và thường lặn lội đi về với thơ văn cổ.
Hiện anh đã có một tập dich Thiên gia thi khá đầy đặn. Quí cái công phu và cái sở học của anh nên Tấn Ái xin lần lượt giới thiệu với bạn đọc, và chờ góp ý của người đọc tri âm để tập dịch thêm phần hoàn thiện.

QUÁ TỬU GIA
Vương Tích

Thử nhựt trường hôn ẩm
Phi quan dưỡng tánh linh
Nhãn khan nhân tận túy
Hà nhẫn độc vi tinh

Dich thơ:

QUA QUÁN RƯỢU

Thôi thì cứ uống cho say
Đã đành dưỡng tính cũng hay ở đời
Thế nhân say hết cả rồi
Lẽ nào ta vẫn đơn côi tỉnh hoài.

Đinh Đức Dược

13 thoughts on “Quá tửu gia – Vương Tích”

  1. Chào anh 3D và Tấn Ái,

    Cám ơn anh Dược và Tấn Ái mang các bài Đường Thi này vào đây. Mỗi lần có dịp đọc lại một bài Đường Thi thật kỹ, mình lại khám phá ra thêm một hay điểm hay của nó. Đúng là tuyệt tác có khác.

    Mình có tìm được bài Quá Tửu Gia này bằng tiếng Hán, post thêm vào đây để làm tài liệu. Đọc chữ Hán Việt mà không có Hán Văn đi kèm, nhiều khi mình chẳng biết chắc nó nghĩa là gì.

    過酒家

    此日長昏飲,
    非關養性靈,
    眼看人盡醉,
    何忍獨為醒。

    Qúa tửu gia

    Thử nhựt trường hôn ẩm
    Phi quan dưỡng tánh linh
    Nhãn khan nhân tận túy
    Hà nhẫn độc vi tinh

    Để minh chia sẻ với anh Dược, Tấn Ái và các bạn, một tí nhận xét về bài thơ.

    1. Mình nghĩ là chữ “nhật” (nhựt, ngày) và chữ “hôn” (tối, mờ, không tỉnh) trong câu đầu rất quan trọng. Tác giả muốn nói đến người ta say, người ta u tối, giữa ban ngày. Tức là, cuộc đời đã xuống dốc hết sức.

    Về kỹ thuật thì dĩ nhiên chữ “nhật” (là sáng còn đảo nghĩa với chữ “hôn” là tối.

    Và “nhật” và “hôn” nói đến một ý rất rộng, hơn là chỉ uống rượu.

    2. Câu số hai có nghĩa “Không phải đường (cách) dưỡng tánh”. Mình nghĩ tác giả xác nhận là mình làm sai. Tỏ một sự áy náy, ân hận của tác giả về làm điều mà tác giả biết là xấu (hay ít ra là không tốt). Nghĩa này, ta sẽ thấy, quan trọng cho câu cuối.

    3. Câu số ba: “Lúc này mọi người đều say.” Tức là, cả thiên hạ làm bậy giữa ban ngày.

    4. Trong cấu cuối, chữ “nhẫn” rất quan trọng. Cả ba câu trên, chuẩn bị cho chữ “nhẫn.”

    Mình dịch là “Lẽ nào mình cố tỉnh”. Chữ “cố” là mình dịch chữ “nhẫn”.

    Nhẫn là kiên nhẫn, nhẫn nhục, nhẫn nhịn…

    Câu này ý nói tác giả đã kiên nhẫn lâu rồi sống tỉnh táo lâu rồi, nhưng nay phải bỏ cuộc thôi, vì chẳng ai lo sống tỉnh táo cả…

    Nó nói đến một sự bỏ cuộc của người đã cố gắng sống tốt lâu rồi.

    Mình nghĩ là bài dịch có thể mang ra được cuộc chiến đấu nội tam dữ dội của tác giả thì mới đem lại được công lý cho tác giả.

    Chia sẻ chút xíu 🙂

    Anh Dược và Tấn Ái vui khỏe. 🙂

    Like

  2. Chào anh Đức Dược và anh Tấn Ái!
    Nhỏ này ko biết một chút chi về “Hán tự” với “Thiên gia thi” nì! Nhưng nhỏ này đọc bài dịch “Quá tửu gia’ mà tưởng tượng ra cái cảnh mọi người say còn mình ên mình tỉnh thì thấy vui lắm thay và cười cũng mình ên 😛

    Vui say, ca hát ngạo nghể cười
    Cải nhau tui tỉnh đến mười mươi
    Có bạn mới say vì nói nhớ
    Nhớ ai, ai nhớ mà kể hoài

    Tội nghiệp nhỏ tui hỏng biết uống
    Mà vờ cũng nói đã ngà say
    Kiếm cớ dọn ly rồi dọn chén
    Hỏng thì cũng vỡ chớ chẳng chơi

    Tửu ngâm dạ lỏng, chân tay rơi…
    😀 😛 😛
    Chúc một ngày cười vui nha hai anh!!!

    Like

  3. Chào anh Dược và Ái
    Khổ tứ tuyệt này nếu dịch cho đúng thì lại khó đưa vào khuông phép của
    thể thơ 5 chữ 4 câu bằng tiếng Việt bây giờ. Em xin đành phóng tác
    theo ý thơ hầu giữ được ý chính mà cũng giữ luôn thể thơ 5 x 4 này.
    Hy vọng được học nhiều ở nơi anh và Ái
    Mến

    Mãi mê uống ngày dài
    Vuông tròn chắng lợi ai
    Thế gian đà say tất
    Mình ta tỉnh đúng sai
    Phạm Lưu Đạt

    Like

  4. Anh Hoành kính mến!
    May quá, anh đã làm phần việc Ái không làm được.
    Thiên gia thi có cả phần thủ bút của anh Dược, có lẽ em sẽ pho to để minh họa, bởi em không biết đánh văn bản chữ Hán.
    Anh Hoành chịu giúp cho phần này thì hay lắm!

    Like

  5. @ Hi Tấn Ái,
    Cám ơn Tấn Ái đã giới thiệu bài dịch Qua quán rượu của anh Dược..

    @ Hi anh Đạt,
    Mình cũng nghĩ như anh Đạt. Dịch bài thơ này theo đúng thi luật mà vẫn chuyển tải đầy đủ ý là việc bất khả thi. Nên đành chấp nhận giữ một chút nêm luật cho êm tai, giữ được một số ý quan trọng, dù biết rằng không trọn vẹn là đã mất đi cái hồn, cái gọi là tuyệt tác của bài thơ rồi… Bài dịch của anh Đạt hay lắm. Anh vui nhiều nha 😛

    @ Hi anh Hoành,
    Em thích phân tích của anh, trừ câu đầu. Tác giả muốn nói đến người ta say, người ta u tối, giữa ban ngày. Tức là, cuộc đời đã xuống dốc hết sức.. Em đồng ý câu diễn giải, nhưng không đồng ý kết luận. Cùng một sự việc, hai người có hai cách nhìn khác nhau cũng là lẽ thường, nên anh đừng bắt em giải thích hen 😆

    @ Chào anh Dược,
    Em chẳng biết gì về Hán tự, Hán văn… Nhưng cảm thấy thích bài thơ này nên mạo muội dịch vui cùng anh. Anh đừng cho là múa rìu qua mắt thợ nha.
    Qua quán rượu, thấy thiên hạ say sưa bù khú, dẫu biết sai mà vẫn cố tìm cho mình một lý do chính đáng để ghé vào, thế cũng thường tình, anh nhỉ? Đó là em nói chuyện thường tình, chứ không dám nói thay cho bậc quân tử đâu nha. Họ còn đắn đo có đáng Thử nhật trường hôn ẩm hay không đấy!


    Thử say mê mãi giữa ngày
    Nào đâu phải cách người tài tu thân
    Đã say khướt, cả nhân gian
    Riêng ta hà cớ gian nan tỉnh hoài…

    Chúc anh vui nhiều và say vừa vừa thôi, để ĐCN có thêm chùm thơ ngâm rượu đế đãi bạn rượu của anh 😛 😆

    Like

  6. Mình quên nói một điểm nữa là chữ “nhẫn” là chữ rất quen thuộc và rất lớn trong văn hóa Phật giáo (Trung quốc). Cho nên câu cuối, Vương Tích nói là bỏ chữ “nhẫn”, nó có một sức mạnh rất lớn, như là bỏ hết cả đạo học, đạo đức, tu tập…

    Like

  7. Chào anh 3D, Tấn Ái, Kiêm Yến, Minh Tâm, và Đạt,

    Mọi người dịch bài này thật là vui 🙂

    Mình cố gắng dịch bài này rất sát với các từ Hán Văn nguyên thủy, để lấy ý càng chính xác càng tốt (như đã phân tích). Nhưng phải dùng lục bát mới đủ chỗ để dùng từ Việt (dù là luc bát thì lại hơi nhiều chỗ hơn mình cần, cho nên lại phải thêm chữ để điền vào chỗ trống 🙂 ).

    Bài địch này là mới nhắm cho sát nghĩa, để cụ thể hóa các giải thích của mình thôi. Chưa có thời gian trau chuốt ngôn ngữ. Chia sẻ với các bạn.

    Qua quán rượu

    Ngày nay mãi uống tối tăm
    Chẳng là cửa để dưỡng tâm tinh tuyền
    Mọi người say ngã say nghiêng
    Lẽ nào nhẫn nhục tỉnh riêng một mình

    Chúc mọi người một ngày vui 🙂

    Like

  8. Xin chào Anh Hoành và các bạn. Xin cảm ơn các bạn đã chú tâm và trăn trở đến bài dịch. Mình thực sự không phải là thợ “đẻo” mà chỉ là người khi đọc thơ Vương Tích thấy chùm thơ say, lạ và đi liền một e, nên khoái mà dịch thế thôi. Có gì sơ xuất xin quí vị lượng thứ.
    Xin giới thiệu một bài nữa trong e đó.

    TÚY HẬU
    (Vương Tích)
    Nguyễn Tịch tỉnh thì thiểu
    Đào Tiềm túy nhựt đa
    Bá niên hà túc độ
    Thừa hứng thả trường ca.

    Dịch ngũ ngôn:
    SAU SAY
    Nguyễn Tịch ít giờ tỉnh
    Đào Tiềm nhiều ngày say
    Trăm năm có là mấy
    Khi hứng cứ hát dài

    Dịch lục bát:
    Nguyễn Tịch lúc tỉnh hiếm thay
    Đào Tiềm ngày lại ngày say bí tì
    Trăm năm phỏng có lâu gì?
    Khi nào ngẩu hứng nâng ly hát tràn.

    Like

  9. Anh Hoành ạ!
    Tứ anh Hoành và anh Dược cùng hệ thống, mà ý có khác nhau nhiều.
    Ý anh Hoành sát phạt quá, ra roi nhiều, chẳng đúng đạo ” hành bất năng giáo”.
    Dịch của anh Dược tỉnh hơn, và có lẽ đúng quan niệm tác giả.
    Xin gửi thêm một bài cùng chủ đề của cùng một tác giả để tiện đối chiếu:
    TÚY HẬU
    Nguyễn Tịch tỉnh thì thiểu
    Đào tiềm túy nhựt đa
    Bá niên hà túc độ
    Thừa hứng thả trường ca.

    Dịch thơ:
    Nguyễn Tịch lúc tỉnh hiếm thay
    Đào Tiềm ngày lại ngày say bí tì
    Trăm năm phỏng có lâu gì
    Chừ đây ngẫu hứng nâng li hát tràn.

    Thật khó tìm ý tứ thiền trong bài thơ cùng chủ đề ( chứ không chỉ đề tài) này.

    Like

  10. Riêng cá nhân Huệ đọc thơ anh Dược dịch thấy đạt lắm. Và vì thích nên nghĩ và lục lọi trong 5 phút ra 3 cái hình, chọn cái hình say với 1 câu thư pháp đó không biết có đạt ý người dịch chưa?
    Bài về Túy Hậu trên đây, bản dịch lục bát của anh cũng hay ghê, nhất là câu cuối.

    😛

    Like

  11. Chị Yến ơi!
    Lối cảm dịch của chị thông đạt lắm, vậy là ” ngôn chi” đó nhé!
    Mà dịch thơ thật khó, Ái vốn không quen dịch, đọc cũng hiểu được nhiều!
    Chị Yến nhớ thường lên mạng đó!

    Like

  12. Chào anh Dược và Tấn Ái,

    Cám ơn anh Dược và Tấn Ái đã post thêm.

    Bài Túy Hậu này thì anh Dược dich cả hai cách đểu rất sát nghĩa nguyên thủy. Câu cuối cùng của bài lục bát “nâng ly hát tràn” rât sáng tạo, hay hơn cả “thả trường ca” của nguyên bản mà lại không xa ý tác giả. Mình chẳng thể thêm thắt gì được. 🙂

    Bài này cách dùng từ khác với bài Quá Tửu Gia rất nhiều. Trong Quá Tửu Gia rõ ràng là có sự cố tình dùng tư tưởng Phật gia trong mỗi câu thơ. Câu đầu có chữ “hôn”, quen thuộc trong Phật học, là quan niệm “si”, một quan niệm lớn trong Phật học. Câu thứ hai có chữ “tánh” là một chữ lớn trong Phật học, và chữ “quan”, không siêu lớn nhưng cũng khá lớn Phật học, ví dụ như Thiền “Vô Môn Quan.” Câu thứ tư có chữ “Nhẫn” là từ đại gia trong Phật học. Đây là cố tình sử dụng ngôn ngữ Phật gia, 4 từ lớn trong bài thơ chỉ 4 câu thơ.

    Mình chỉ muốn giải thích vài ý mình cho là quan trọng trong bài nguyên thủy để các bạn không biết Hán Văn hiểu được các từ Hán thôi. Còn dich thế nào là tùy người dịch lấy ý gì và biến thành ý mình phần nào nữa trong việc lựa chon ngôn từ. Tấn Ái nói đúng. Có thể là cái nhìn của anh Dược phóng túng và hạp với Vương Tích hơn, nhất là khi so bài Quá Tửu Gia với bài Túy Hậu.

    Chúc anh Dược và Tấn Ái vui 🙂

    Like

  13. Chào anh Dược, Tấn Ái và cả nhà,

    Minh mới khám phá ra điều này trong bài Quá Tửu Gia nữa.

    Nếu lấy bốn chữ Phật gia trong bài theo thứ tự xuất hiện của chúng, thì ta có: Hôn quan tánh nhẫn.

    Hôn quan là cửa tối.
    Tánh nhẫn là nhẫn nhục tâm tánh.

    Tức là khi gặp cửa tối, phải nhẫn nhục tâm tánh của mình.

    Xem ra bài thơ chút xíu này có rất nhiều ẩn tự. 🙂

    Like

Leave a comment