Đạo khả đạo phi thường đạo

Chào các bạn,

Ai đó đã nói “Một phương pháp bất di bất dịch thì không phải là một phương pháp.” Bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng hiểu được câu này, dù đó là ca sĩ, văn sĩ, họa sĩ, thi sĩ hay chi chi sĩ… Đó nghĩa là, tất cả mọi định nghĩa, mọi công thức, mọi phương pháp, mọi lề luật, cứng ngắc, về bất cứ điều gì trên đời, đều không dùng được cho người bậc thầy, bậc “sĩ”. Chúng chỉ có thể dùng cho môn sinh nhập môn, hàng “sinh” mà thôi.

Lão tử gói ghém đời sống và nghệ thuật sống như thế trong hai câu đầu tiên của Đạo Đức Kinh, vang vọng qua hơn 25 thế kỷ của triết lý‎ Đông phương:

Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh

Tạm dịch:

Đạo có thể coi là đạo thì không là đạo vĩnh viễn
Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn

“Đạo” của Lão tử là nguyên lý tối hậu, Sự Thật tối hậu, của vũ trụ–tương tự như “Không” của nhà Phật, hay Thượng đế của Thiên chúa giáo.

Đạo mà có thể nói rõ ra được Đạo là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa. Cũng như nếu ta có tả rõ được Thượng đế thế nào thì không còn là Thượng đế nữa, hoặc nói được Không là gì thì Không không là Không nữa.

Nguyên lý vận hành vũ trụ là thế, cho nên mọi sự trên đời cũng đều là thế. Ví dụ “tên” Hằng. Hằng là một cô gái ai cũng biết. Nhưng hỏi mọi người biết Hằng, ghi xuống giấy Hằng thế nào, thì mỗi người sẽ có một danh sách các đặc tính của Hằng, và chẳng danh sách nào giống danh sách nào. Có những danh sách còn chỏi nhau dữ dội nữa là khác—như là thiên thần một bên và bên kia là phù thủy.

Tức là cùng người tên Hằng, nhưng ý ‎ nghĩa đối với mỗi người thì khác nhau. Cho nên nếu ta dùng một danh sách “chuẩn” kể ra mọi thứ về Hằng và nói “đây là Hằng”, thì tất nhiên sẽ có người đọc và nói “Đây không phải là cô Hằng tôi biết.” Tức là, “Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn.”

Tên Hằng có thể tạm dùng được với mọi người mà không gây tranh cãi nếu ta cứ để chữ Hằng mù mờ như thế, đừng định nghĩa nó quá rõ, và hiểu nó theo nghĩa tương đối thôi—tức là mỗi người hiểu khác một tí, chẳng ai đúng chẳng ai sai.

Đó là: Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh.

Nhưng, mấy câu tiếng Hán rắc rối hai ngàn năm trăm tuổi này có liên hệ gì đến tư duy tích cực của chúng ta?

Thưa, có rất nhiều: Chúng muốn nói, Đừng lệ thuộc vào ngôn từ, công thức, luật lệ cứng ngắc để phán đoán và chia cách nhau.

Tất cả các thứ đó đều không chính xác, và dùng chúng cứng ngắc là phản lại nguyên lý sống, phản lại “Đạo” sống.

Ví dụ: Thằng này Đảng viên đừng chơi vói nó. Anh kia Công giáo, nguy hiểm. Ông này là thiền sư, tin được. Tên này chống cộng, phản động nguy hiểm. Tên nầy thân Mỹ, không tin được. Tên này theo Tàu, đáng nghi.

Hay là: Chuyện này để nhà nước lo. Dân không nên bàn chuyện này. Vấn đề này nhậy cảm không bao giờ nên nói.

Nếu chúng ta sống với các nhãn hiệu và công thức như thế, dòng sông sáng tạo của chúng ta sẽ tuôn chảy tươi mát như sa mạc Sahara. Và chúng ta sẽ chia năm xẻ bảy về những vấn đề lớn của xã hội, cũng như trong liên hệ giữa các cá nhân chúng ta.

Sống lệ thuộc vào “danh”, lệ thuộc vào nhãn hiệu như thế , nhà Phật gọi là “chấp vào danh sắc”, tức là ôm cứng vào tên và hình bên ngoài.

Và trong Thánh Kinh Thiên chúa giáo có chuyện này. Bà nọ bị bắt về tội ngoại tình, theo luật Do Thái thời đó, bà ta phải bị tử hình bằng ném đá (Ngày nay vài nơi theo Hồi giáo trên thế giới vẫn còn luật ném đá này. Somali mới tử hình bằng ném đá một phụ nữ bị tố cáo ngoại tình, tháng 11/2009 vừa rồi). Các giáo sĩ Do Thái, có lẽ muốn gài Chúa Giêsu vào tội phá luật, bèn hỏi, “Ngài nghĩ nên làm gì với bà này?” Sau một lúc yên lặng, Giêsu nói, “Ai là người không có tội trong số các vị, xin hãy ném viên đá đầu tiên.” Mọi người lần lượt bỏ đá ra về.

Chúng ta thấy mọi người hành xử dã man theo nhãn hiệu và công thức: Có tội, bị ném đá, ta vô tội ta ném đá. Nhưng nếu suy nghĩ sâu một tí vào tâm ta, thì ta biết ta cũng có khối tội chẳng hơn gì ai cả, đâu có tốt lành gì hơn đâu mà kiêu căng hợm hĩnh, đáng để ném đá ai.

Nhãn hiệu, công thức, tự cao tự đại, cái tôi lớn… là những bức màn vô minh che tối tâm thức con người. Chúng ta phải vượt qua chúng.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ hết ngôn từ, tên và công thức. Ngôn từ, tên và công thức làm nên cuộc đời. Chỉ là, ta cần uyển chuyển dùng chúng với một con tim khiêm tốn yêu ái và một tâm thức sáng láng. Chạy xe thì phải biết thắng, biết rồ ga. Nhưng khi nào thắng khi nào rồ ga, đó là nghệ thuật. Người lái giỏi, người lái dở, là ở đó.

Và đừng nên dùng suy tư của ta mà kết án người khác. Dùng lòng mình mà đo lòng người khác, hầu như là 100 lần thì sai hết 99 lần. Nếu có hai cách kết luận khác nhau về một người nào đó—một tốt một xấu– kết luận tốt về người đó thường là đúng hơn là kết luận xấu, vì kết luận tốt thường phù hợp với suy nghĩ sâu sắc trong lòng người đó hơn.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

23 thoughts on “Đạo khả đạo phi thường đạo”

  1. anh Hoành mến,

    Thiện có vài ý thế này…

    Nhân loại từ lâu vẫn khao khát và nhắc đến một kiểu chân lý vĩnh cữu và tuyệt đối đúng… Thế nhưng đó là gì thì không ai biết. Nhiều ngàn năm trôi qua, người ta vẫn không biết chân lý tuyệt đối ấy ra sao.

    Người ta lãng quên hoặc không hiểu đúng được câu mở đầu của Đạo Đức Kinh: Đạo khả đạo, phi thường đạo… Có người cho rằng đó chỉ là 1 quan niệm và không thực sự chú ý.

    Đến thế kỷ 20, một triết gia, nhà xã hội học người Hungary gốc Do Thái là Karl Manheim đã sử dụng các phương pháp khoa học để chứng minh ngược lại. Ông cho rằng chân lý tuyệt đối là thứ nhân loại tìm hoài không ra vậy có thể chứng minh ngược lại không có loại chân lý ấy. Để bù vào sự thiếu hụt chân lý này, Karl Manheim đưa ra một kiểu nhận định theo trường phái thuyết tương đối:
    certain things are true only in certain times and places

    Tạm dịch: Những điều gì đó chỉ đúng trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Nghĩa là mọi chân lý đều lệ thuộc vào các yếu tố xã hội chung quanh nó như không gian, địa lý, thời gian, thời đại, nền văn hóa, luật pháp, truyền thống…

    Lý luận này của Manheim được giới khoa học nhìn nhận. Do vậy ta có thể xem Đạo khả đạo, phi thường đạo của Lão Tử như một kết luận khoa học không còn là 1 luận đề triết học mà 2500 năm nay nhân loại vẫn nghĩ vậy.

    Mến
    Tran Ba Thien
    tranbathien@gmail.com

    Like

  2. Hi anh Thiện,

    Cám ơn anh đã phản hồi. Mình triết lý một tí nhé.

    Bao nhiêu triết gia Đông Tây trong mấy ngàn năm dùng đủ mọi ngôn ngữ phức tap và nhức đầu để nói đủ kiểu, về một điều thực ra là rất giản dị trong luận lý của con người—đó là, cái tuyệt đối nằm bên sau thế giới tương đối này.

    Dùng 2 lý luận đơn giản quen thuộc này để thấy:

    A. Lý‎ luận nhân quả

    1. Cái gì cũng phải có người làm ra, hay do một cái gì đó sinh ra. Ví dụ: Thấy cái bàn, biết là có anh thợ mộc. Thấy cái trứng, biết là có con gà mẹ.
    2. Thấy vũ trụ biết là có người làm ra nó. Gọi là thượng đế.
    3. Nhưng ai làm ra thượng đế? Bố thượng đế. Đi ngược lên ông nội, ông cố thượng đế v.v… Nhưng nếu đi đường này thì ta lại lâm vào bế tắc cũ là đi ngược về nguồn hoài, nhưng không bao giờ ngưng.
    4. Chuỗi đi ngược này bắt buộc phải có một nơi ngưng nào đó cuối cùng. Nơi đó ta gọi là Thượng đế: Không ai sinh ra thượng đế cả. Thượng đế tự có.

    Thượng đế không có bắt đầu và không có kết thúc, tức là không nằm trong giới hạn tương đối của thời gian. Thượng đế có đời đời, từ trước vô cùng và từ sau vô cùng.

    Thượng đế không nằm trong giới hạn tương đối của không gian: Thượng đế ở mọi nơi, vô tận.

    Đó là khái niệm về tuyệt đối , để làm nền cho thế giới tương đối ta thấy quanh ta.

    • Nếu đổi ý‎ niệm Thượng đế một tí, và hiểu Thượng đế như là một cái gì đó tuyệt đối, nhưng không có nhân cách nói chuyện với con người như là Chúa, thì cái tuyệt đối vô nhân cách đó chính là “Không” của Phật gia, hay Đạo, của Đạo gia.

    Nói chung là, luận lý con người đòi hỏi là vũ trụ tương đối này phải có một cái nền tuyệt đối cho nó.

    B. L‎ý luận giới hạn không gian

    1. Ngoài vũ trụ này là gì? Dĩ nhiên cũng là vũ trụ khác lớn hơn.
    Ngoài vũ trụ lớn hơn đó là gì? Vẫn là vũ trụ tiếp.
    Ngoài nữa là gì? Vẫn là vũ trụ.

    2. Nếu tiếp tục lý‎ luận thế, thì ta phải kết luận là vũ trụ không có giới hạn.
    Nhưng vũ trụ là một mớ các thiên hà, điện năng, từ năng … Làm sao mà vô giới hạn được, phải là có giới hạn chứ?

    Vậy thì, cái vô giới hạn đó ta không gọi là vũ trụ được, mà là một cái khác, hoàn toàn khác với vũ trụ hoặc tất cả những gì có giới hạn mà ta có thể tưởng tượng được. Đó là “Không”—cái tuyệt đối vô cùng, tự có, vô giới hạn—bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm (Bát Nhã Tâm Kinh).

    • Nếu ta nhân cách hóa “Không” tuyệt đối này một tí, thì nhân cách tuyệt đối đó trở thành ý niệm Thượng đế.

    Mọi lý‎ luận lăng nhăng đủ kiểu, thực ra cũng chỉ là liên hệ giữa vũ trụ tương đối và một cái nền tuyệt đối.

    Mọi khác biệt của các trường phái triết lý, thường ở nơi “liên hệ giữa nền tuyệt đối đó và thế giới tương đối của ta”—hoặc là trung tính như là Không (Phật gia) hay Đạo (của Đạo gia), hoặc là tích cực ảnh hường vào thế giới tương đối (như Thượng đế của các tôn giáo dòng Moses chẳng hạn).

    Còn một vài trường phái hoàn toàn bỏ ngang đoạn tuyệt đối đó đi, mà chỉ chú tâm đến thế giới tương đối này mà thôi – như là “triết l‎‎ý” của Karl Marx hay một số utilitarianism (chủ nghĩa lợi ích thực dụng) chẳng hạn–thì đó không thể gọi là triết lý được. Đó là xã hội học, mà chỉ là một loại xã hội học đặt trên nền tảng rất hời hợt của tâm thức con người. Triết lý thì phải đi đến tận cùng mức độ l‎ý luận và suy tư mà tư tưởng con người có thể đến.

    Liked by 4 people

  3. Trao đổi của anh Hoành, anh Thiện hay quá! Ái rất thích! Những điều Ái đọc rồi, mà biết chẳng tới đâu. chắc chưa đủ công lực, Giờ hiểu thêm nhiều rồi. Cảm ơn hai anh nhé!

    Like

  4. Hi Tấn Ái và cả nhà,

    Cám ơn Tấn Ái.

    Nếu đã theo dõi cuộc đối thoại này thì để mình thêm một điểm quan trọng, để chúng ta không lạc vào lầm lỗi suy tưởng nhiều người thường có.

    Đoạn lý luận mình có trước đây là thuần túy dùng logic để đi từ cái tương đối, là cái chúng ta biết và có kinh nghiệm, đến cái tuyệt đối, là cái ta không biết và không có kinh nghiệm. Đây cũng như là nhà toán học dùng toán để tính ra là nơi đó phải có một hành tinh đang bay, dù không ai, ngay cả ông ta, thấy được hành tinh đó. (Toán chính là logic).

    Lý luận là khí cụ duy nhất của Triết lý Tây phương và triết lý Phật gia (Ghi chú: Phật giáo thì rộng hơn là triết lý Phật gia).

    Và ta nói lý luận đưa ta đến cái tuyệt đối — Không, hoặc Đạo, hoặc Thượng đế.

    Nhưng đừng nên hiểu lầm rằng trong tôn giáo, lý luận là cách để người ta thấy thượng đế (hay cái “tuyệt đối”).

    Trong tôn giáo, cùng lắm là lý luận phụ thêm một tí ti mà thôi. Thực ra, trong đa số trường hợp, người ta không cần môt tí lý luận nào trong tôn giáo, bởi vì người ta có những cách khác hay hơn, để thấy và gặp thượng đế (hay cái “tuyệt đối”).

    Ví dụ: Thánh kinh Thiên chúa giáo bắt đầu bằng câu “Từ thuở ban đầu Thượng đế tạo ra các tầng trời và đất” (In the beginning God created heavens and earth). Tức là mặc nhiên chấp nhận rằng Thượng đế có mặt từ trước cả “thuở ban đầu”. Chẳng lý luận gì lôi thôi cả.

    Trong tôn giáo, người ta chấp nhận có Thượng đế vì người ta thấy thượng đế, bằng:

    — Gặp thượng đế và nói chuyện tận mặt như trong các Thánh Kinh
    — Gặp và nói với thượng đế, thường là qua các giấc mơ hay một loại thần giao cách cách cảm.
    — Cảm được thượng đế hiện diện ở trong tim mình hàng ngày.
    — Cảm được thượng đế đang đưa mình đi hàng ngày (qua các trải nghiệm về cuộc đời của mình).
    — Các hình thức tâm lý ngoại cảm về “thế giới bên kia”.

    Tất cả các hiện tượng này đều rất chủ quan, nghĩa là người thì thề thốt là có, người khác thì nói tôi có thấy gì đâu.

    Nhưng đừng nghĩ rằng chủ quan là không có. “Anh nói anh yêu cô Hồng. Anh nói láo. Tôi có thấy tình yêu là cái gì đâu. Anh chứng minh đi, đưa cho tôi xem tình yêu của anh nó ra thế nào, tròn hay méo, màu gì. Tôi muốn thấy tận mắt, sờ tận tay, trước khi tôi tin là tình yêu có thật.”

    Nếu ai đã yêu thì biết rằng, tình yêu rất thật, nhưng chỉ thật với mình thôi. Bảy tỉ người khác của địa cầu không thấy được nó. Và mình chẳng có cách nào “chứng minh khách quan” cho ai cả.

    Thượng đế cũng thế. Thánh kinh nói “Thượng đế là tình yêu.” Mà tình yêu thì chỉ có thể trực nghiệm và “thấy” bằng cảm xúc.

    Hốt nhiên đại ngộ và cảm thấy mình là một với năng lượng vô hình vô lượng vô biên gọi là Không, cũng là một trực nghiệm tương tự.

    Cho nên Thượng đế và tôn giáo là lãnh vực sâu thẳm của con tim. Trực nghiệm và chủ quan.

    Tôn trọng cái trực nghiệm chủ quan của mỗi người và biết rằng nó rất thật với họ, dù mình không thấy–như là tình yêu.

    Đừng lâm vào vào tranh cãi lý luận, như mấy cậu sinh viên học triết năm thứ nhất. 🙂

    Cả nhà vui vẻ nhé. 🙂

    Liked by 4 people

  5. Bài này đặt nhiều vấn đề quá, thật mình không biết bắt đầu từ đâu để … nói leo cùng các anh.

    1. Về việc “đừng lệ thuộc vào ngôn từ”, từ một góc tiếp cận hơi khác một chút, mình xin chia sẻ với cả nhà một trải nghiệm của bản thân.

    Mình vốn dĩ là một người rất kém trong việc cảm nhận về vạn vật xung quanh, cộng với gốc là dân chuyên toán thủa học sinh nên tư duy rất bám trên lý lẽ và logic. Mình cố gắng hiểu người khác qua những gì người khác nói, cố gắng hiểu những gì người khác “nói” qua những ngôn từ được thốt lên, rồi ngồi xử lý những thông tin ấy, một cách logic (theo mình tự đánh giá).

    Thế nhưng mặc dù mình rất dễ tin những gì người khác nói và rất tha thiết hiểu người khác, gần đây, mình phát hiện ra rằng, mình rất ít hiểu người khác, đặc biệt là những người thân. Lý do là vì mình quá dựa trên ngôn từ thế nên rất hay hiểu sai, hiểu không chính xác, hiểu không đầy đủ …Thế nên mình rút ra một điều rằng, để hiểu điều người khác “nói” cần biết lắng nghe và tha thiết mong hiểu điều người ấy nói và … bất chấp người ấy nói cái gì!!!

    2. Đúng là lý luận về “tương đối” và “tuyệt đối” thật quá phức tạp đối với một người vô thần và “duy vật” như mình (có lẽ mình thuộc nhóm cuối cùng mà anh Hoành đề cập), những khái niệm về “tuyệt đối” mà anh Hoàng nói có thể hiểu là những sự không giới hạn được không? Không giới hạn về không gian, không giới hạn về thời gian, không giới hạn bằng hiểu biết (những cái đã được kiến thức conngười chứng minh sự tồn tại) … Những gì không biết là không biết, đừng vì không chứng minh được nó tồn tại mà kết luận nó không tồn tại.

    3. Cuối cùng câu nói “đạo khả đạo phi thường đạo” phải chăng là để trí óc con người được cởi bỏ hết mức, được tự do hết mức trong suy nghĩ và nhận thức? Giống như một đứa bé sau giai đoạn đi men, bám vào cái gì đó để đứng vững và đi tới, sẽ đến giai đoạn cởi bỏ mọi bám víu để tự đi theo mọi hướng nó muốn, khi đó mới thật là biết đi.

    Liked by 1 person

  6. Chào các bạn.

    Dựa theo ý phản hồi ,mình chia sẻ một chút cho vui . Rất trân trọng tính cách (tham khảo ) của bài viết . Và thấy được ý thức hạn chế của mình trong lý luận triết học.

    Mình nghĩ một số phương pháp khoa học đã không thể chứng minh hết các chân lý (.Nhận định kiểu trường phái tương đối,dựa trên các kết quả thực nghiệm,các hiện tượng vật lý ),Điều này rất đúng với anh Thiện,mình không phủ nhận luật tương đối trong phân tích lý thuyết khoa học. Hẹp.Rộng của lý thuyết tương đối đã được giải thích khá đầy đủ .Các định luật cơ học cũng đã bổ xung cho thuyết này.phát triển và xây dựng nó trên căn bản thực tiễn.

    Như thế cũng không nghĩa là.không có gì tuyệt đối cả .
    Chân lý tuyệt đối không hề lệ thuộc,chi phối bởi thời gian,không gian,không ảnh hưởng vào các yếu tố xã hội ,nó vượt mọi đối tượng vũ trụ .Cái tính nhất quán và huyền nhiệm của nó..một phần khai mở bởi thuyết nhất nguyên hoặc trong kinh vệ đà,

    Có một trạng thái không cảm giác về bản ngã,có thể tìm thấy trong thiền định ,Ở đó chân lý tuyệt đối sẽ giải quyết nhữ ng vấn đề nhân sinh với tôn giáo .Khác với học thuyết tương đối chỉ đúng trong điều các điều kiện cụ thể.

    Những sai lầm hạn chế của các lý thuyết hướng đến mọi chân lý , Môt duy vật Karl marx trong nhất nguyên ,bản chất vật chất của nó ,không thông qua bởi tâm thức con người ,nhường chỗ lại cho vi thượng đế nội tại của chân lý tuyệt đối.

    Tóm lại ,cái ba lăng nhăng của mỗi hoc thuyết không đáng tranh luận nhiều ,mình muốn gần hơn với Thượng đế quyết định đến vật chất và tinh thần mỗi người trên khía cạnh tích cực nhân quả.Vì thế mình tâm đắc với câu (đừng lệ thuộc vào ngôn từ,công thức luật lệ để phán đoán và chia cách nhau,) như một giáo dục tư duy đến các ban trẻ.

    Chúc vui ĐCN.

    Like

  7. Hi Quỳnh Linh,

    1. Về ngôn ngữ thì em nói rất đúng, nếu chỉ nghe tiếng mà thôi, không bao giờ hiểu. Chữ nghĩa tự nó đã mù mờ, ông nói gà bà hiểu vịt.

    Lại nữa, ý nghĩa của một câu nói còn nằm trong giọng nói, âm điệu nói, ngôn ngữ cơ thể… ngay cả sự im lặng trong câu nói… Phần đông các truyền thông là qua sự im lặng.

    Cho nên ta cứ phải lắng nghe rất kỹ với con tim thực sự muốn hiểu.

    2. Tuyệt đối thì có gì là khó hiểu đâu. Em nói đúng rồi cái gì không có giới hạn là tuyệt đối–không giới hạn thời gian, không gian, màu sắc, v.v… Bất cứ con người ở nền văn hóa nào, chỉ cần ngồi lý luận 5, 7 phút là phải đụng đến tuyệt đối, có gì khó hiểu đâu.

    Các triết gia thế giới nói lăng nhăng đủ kiểu mấy ngàn năm không ngoài bốn chữ: tuyệt đối, tương đối, chủ quan, khách quan.

    3. Em hiểu chữ Đạo như đứa bé tập đi cũng đúng. Cởi bỏ mọi ràng buộc (nhà Phật gọi là vô chấp) thì ta sẽ sống an nhiên tự tại, với Đạo (từ của Đạo gia) hay với tâm tự do thanh tịnh (từ của Phật gia).

    Like

  8. Đừng lệ thuộc vào ngôn từ, công thức, luật lệ cứng ngắc để phán đoán và chia cách nhau.

    -> mình thấy bài của Hoành rất hay và ý nghĩa. Mình đã đọc đi đọc lại bài này rất nhiều lần và cảm thấy rất lý thu. Cảm ơn bạn Hoành đã chia sẻ với mọi người.

    Nhân đây cũng có một điều mà mình cứ thắc mắc mong bạn giải quyết hộ, mình rất cảm ơn: nếu nói không phụ thuộc vào ngôn ngữ vậy ngôn ngữ là không giá trị ? Nếu ngôn ngữ là không diễn tả hết vậy thì ứng với câu đạo khả đạo phi thường đạo cũng vô nghĩa. Mình cũng không thể tin vào câu đó được luôn.

    Cảm thấy rất là mơ hồ và nghịch lý. Rất mong được giải đáp từ các bạn.

    Xin chân thành cảm ơn.

    Like

  9. Dear Ryan Vncent,

    Cách lý luận của bạn làm mình nhớ cái trò cấp III bọn mình hay chơi là ngồi “luận” về câu “Mọi cái đều tương đối.” Vậy câu ấy cuối cùng là đúng hay sai?! 😀

    Chẳng ai có thể phủ nhận vai trò của ngôn ngữ trong nền văn minh nhân loại cả. Ngôn ngữ không diễn tả hết không có nghĩa là ngôn ngữ không diển tả gì hết, là vô nghĩa, mà chỉ là chưa đây đủ, chưa trọn vẹn. Mình nghĩ không phụ thuộc vào ngôn ngữ nghĩa là đừng CHỈ bám về từ ngữ để mà tiếp nhận thông tin trong khi giao tiếp. Kiểu như :
    “Em bảo anh đi đi
    Sao anh không đứng lại
    Em bảo anh đừng đợi
    Sao anh vội đi ngay …”

    Like

  10. Chào Ryan Vincent,

    Mình nói là đừng “lệ thuộc” chứ đâu có nói là đừng “dùng”. Chúng ta có thể dùng khí cụ nào đó mà không lệ thuộc nó.

    Ngôn ngữ là phương tiện truyền thông đương nhiên giữa con người. Nếu thích một cô, muốn làm quen, mà lại không dùng ngôn ngữ thì thì chắc là không bao giờ có bạn gái, không bao giờ có vợ 🙂

    Nhưng ngôn ngữ có giới hạn, cho nên ta phải hiểu những giới hạn của ngôn ngữ để sống:

    Tất cả mọi khí cụ đều như thế–kềm, kéo, dao, búa–mỗi dụng cụ chỉ làm được vài chuyện, trong giới hạn nào đó

    Ngôn ngữ có nhiều giới hạn vì rất mù mờ và không đủ. Cho nên khi ta nghe “cô ấy rất đẹp” thi hãy nghĩ là “cô ấy đẹp với anh chàng này đang nói thế, với người khác thi chưa biết.”

    Nếu chàng nói “Anh yêu em mãi mãi” thì chàng thường không có ý như vậy, mà thường là hiểu ngầm cả một mớ ý khác, như là “trừ phi em đi với anh chàng khác.”

    Hay, “tôi rất yêu nước” thì rất mù mờ, vì nó có thể có nghĩa là “tôi sẽ cầu nguyện cho đất nước hàng ngày” hoặc “tôi sẽ cho nổ bom ngoài chợ để làm cách mạng cho đất nước tiến bộ.”

    Cho nên khi nghe một câu nói, mfnh cứ chấp nhận nó tàm tạm thôi, với tất cả các mù mờ và hiểu ngầm của nó.

    Và đừng nên đánh nhau vì một người mê “xã hội” một người mê “tư bản”, vì khi nói chuyện rành mạch với nhau có thể là hai người đều mê cùng một chuyện nhưng lại dùng từ khác nhau.

    Và đôi khi chẳng nên nói gì cả vì lúc đo ngôn ngữ thành vô hiệu. Ví dụ như khi nàng đang quạu. 🙂

    Hay dùng ngôn ngữ (là cái rất tương đối) để chứng minh cái tuyệt đối (như chứng minh là có hay không có thượng đế). Điều này không thể. Chúng ta chỉ có thể dùng cảm xúc thâm sâu để hiểu thượng đế. Ngôn ngữ chẳng giúp được việc này.

    Nói chung là biết giới hạn của ngôn ngữ và dùng (nói và hiểu) ngôn ngữ với các giới hạn đó. Đừng bị tù đày trong ngôn ngữ. Thế thôi.

    Liked by 3 people

  11. đạo khả đạo phi thường đạo. tôi hiểu là đạo luôn luôn có là đạo phi thường. không thể nói chỉ thể tự hiểu qua cuộc sống. không thể giải thích chỉ có thể tự cảm nhận. thứ có thể giải thích có thể nói ra bằng mồm đó không phải là đạo. nó giống như hư vô nhưng lại là tồn tại

    Like

  12. Nói như J.Krishnamurti: CHÂN LÝ là MÃNH ĐẤT KHÔNG có LỐI MÒN hay TỰ DO ĐẦU TIÊN và CUỐI CÙNG.

    Like

  13. Tôi hiểu câu ” đạo khả đạo phi thường đạo” như thế này: ” đạo” là thứ không thể giải thích thành 1 định nghĩa được.nó giống như nhận thức của chính bạn. Những điều trước kia bạn còn nhỏ bạn cho là đúng thì khi bạn lớn lên theo năm tháng những điều đó có thể không còn đúng nữa. và càng về sau, những lý lẽ đúng hơn càng phủ nhận những lỹ lẽ có trước đó. ” đạo” cũng vậy. khi bạn tu tới những tầng thứ cao hơn thì những lý lẽ bạn ngộ ra được ở những tầng thứ trước sẽ không còn phù hợp nữa, nghĩa là nó không phải là 1 khái niệm cố định. Vì thế mà xưa kia thích ca mâu ni đã không viết lại 1 cuốn sách nào cả. vì ông liên tục đạt tới những cảnh giới cao hơn và ông thấy rằng khi đạt tới những tầng thứ cao hơn, những lý lẽ sẽ khác đi. ” Kinh phật” chỉ là thứ mà các đệ tử của ông ngộ ra được những lời dạy của thích ca mâu ni và viết lại mà thôi!

    Tuy nhiên theo nhận thức của riêng tôi thì: “Đạo là 1 con đường để đạt tới cảnh giới cao”. Giống như bạn muốn lên đỉnh núi thì cũng có nhiều cách phải không nào. Đạo được ví như 1 cách.

    Like

  14. Toàn là các vị cao nhân. Hạ bối không dám có ý kiến chỉ biết lắng nghe và chiêm nghiệm mà thôi.

    Like

  15. Hoan nghênh đến chú bác cô dì đã dùng ngôn ngữ để cố vạch ra cái không thể nghĩ bàn! Lý luận tức phi luận lý và ngay nơi này đã đang vượt ngoài tuyệt đối và tương đối. Có lý luận nào ở đời này không dùng ngôn từ và ký hiệu? Ngay nhà bác học lý lẽ E=mc^2 và rồi được chấp nhận như một định luật vũ trụ.
    Hoan nghênh và xin hãy mở lòng chia sẻ.

    Like

  16. Chào các anh chị, và anh Hoành, sau 10 năm em mới đọc được bài viết và comment của các anh chị. Vậy cho em hỏi? sau 10 năm nhận định của các anh chị về câu nói “Đạo khả đạo phi thường đạo” vẫn còn giữ nguyên như trước, hay sau khi trải nghiệm trong cuộc sống Ngộ ra được điều mới và thay đổi cách nhìn về câu nói trên? Em rất mong nghe chia sẻ từ các anh chị.
    Link FB của em: https://www.facebook.com/kiet.nguyen.37017.
    gmail: kietktvt@gmail.com

    Like

  17. Hi Tuấn Kiệt,

    Chẳng có gì thay đổi hết em, vì bản chất của nghệ thuật sống (và tất cả mọi loại nghệ thuật trên đời) đều không thể gói trọn vào ngôn từ, chữ nghĩa, hay công thức.

    Vì thế người ta nói sống là một nghệ thuậtf (an art). Chẳng ai nói sống là một khoa học (a science).

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  18. Theo như ý của Lão tử, thì câu đó cũng chả khác gì Lộn khả đào, đao khả lộn đúng không anh. Vì nếu đã coi là đúng thì mất đi tính bất dịch của nó rồi, vừa nói ra đã phủ định luôn. Đấy là đạo của lão tử.

    Like

  19. Hôm nay , tình cờ đọc được bài chia sẻ của Anh Hoành khi đang học và tìm hiểu thêm về Lão Tử. Thật tâm đắc với bài chia sẻ của Anh và thấy mình còn quá nông cạn trong lãnh vực tâm linh. Thành thật lời chia sẻ của anh . 🙏🙏🙏
    Mãi 15 năm sau mới được biết bài này !!! Mong được đọc và học nhiều từ sự chia sẻ các bài viết của Anh.
    SaoMai

    Like

Leave a comment