Ủi Đồ


Ủi cái cổ áo trước, rồi 2 cái tay, thân trứơc, thân sau. Trung bình khoảng 5 phút xong một cái áo sơ mi của anh, 2/3 trên thẳng thớm hơn 1/3 dưới (chả là lúc nào anh cũng phải đóng thùng đi làm mà 😛

Đến áo của mình thì hạ nhiệt bàn ủi vì áo mình toàn là vải mỏng manh, nhẹ nhàng, lại có nhiều đăng ten, họa tiết. Ủi bên trong rồi ủi bên ngoài. Lúc mua áo hay may áo mình thường đòi hỏi nhiều ở đường kim mũi chỉ, để những lúc ủi đồ cũng dễ chịu với cái đẹp từ trong ra ngoài.

Rồi đồ của các con, nhỏ hơn, nhỏ hơn cho đến những “món” cuối cùng của con gái 3 tuổi. Để riêng qua một bên cái này bị đứt chỉ, cái kia bị mất nút, cái nọ còn dơ phải giặt lại. Mẹ hay đánh các con một roi để biết công người giặt đồ khi ăn uống, chơi nghịch lấm lem quần áo là vậy.

Cái bàn ủi! Cám ơn mày đã làm bạn với tao. Mày đã già và cũ lắm rồi. Hôm bữa lửa bốc cháy chỗ cái đuôi mày tao đau lòng lắm. Đón mày ở tiệm sửa điện về mà như đón người thân ở bệnh viện.

Cái lưng của mình ơi. Biết nàng đau nên ta ngồi rất thẳng, thẳng thì thẳng nhưng đau thì cứ đau. Thôi kệ, mọi người mặc đồ được ủi đều mang một tí đau của mình. Nhưng mà cũng đáng công làm đẹp cho những niềm yêu.


Nguyễn thị Phương Thảo

15 thoughts on “Ủi Đồ”

  1. Phương Thảo đúng là một thiền sư, có thể thấy và hưởng từng chi tiết nhỏ trong các việc hàng ngày.

    Thiền sư cao minh thì cũng chỉ đến mức đó là cùng. Anh nói thật đó.

    Like

  2. …mọi người mặc đồ được ủi đều mang một tí đau của mình

    Nhưng mà cũng đáng công làm đẹp cho những niềm yêu. 😛

    Cô tưởng như nghe thấy tiếng cười khúc khích không âm thanh khi em “múa” bàn ủi trên những cái áo sơ mi đóng thùng, áo vải mỏng manh, nhẹ nhàng, lại có nhiều đăng ten, họa tiết, từng món đồ của các nhí, từng cái đứt chỉ, cái mất nút ” và thấy những ngọt bùi, thơm thảo …

    Phải rồi yêu thương đâu chỉ là ái ngữ, mà thể hiện trong từng việc nhỏ đời thường: tẩn mẩn, kiên nhẫn trong chăm chút, kể cả một roi đánh, một câu mắng …. >:D<

    Thú vị thực !

    À ! hèn chi có người cứ nhắc cô hoài về tư thế lưng khi ngồi lâu làm đẹp cho những cây cỏ hoa lá trong khu vườn yêu. 😛

    Ừ thì ngắn, nhưng cô thấy mọi người có thể nghĩ nối dài ra …

    😛 😀 😛

    Like

  3. Chu choa, Anh Hoành ơi,

    Đọc comment của anh xong em biến ra ngoài ngồi mãi đến giờ không nói được lời nào.
    Em chỉ biết chút chút về sự tập trung khi học yoga thôi, và mãi đến những năm 35 – 36 tuổi mới được dẫn nhập điều này.

    Khi ai khen em đẹp em hay nói lời cảm ơn là “Con mắt của bạn cũng đẹp mới nhìn thấy tôi đẹp”. Hôm nay em cũng muốn nói lời cám ơn anh, một thiền sư cao minh vì đã nhìn thấy một “thiền sư” nơi em.

    Em cám ơn anh ạ.

    Phương Thảo

    Liked by 1 person

  4. Thảo ơi,
    Dễ thương quá!
    Thật thú vị khi đọc những chia sẻ đời thường rất đáng yêu như thế này… Chị đọc bài này, thấy vui như được ăn ly kem vậy, dù đang là buổi sáng. Cám ơn em!
    Anh xã và các cô cậu nhà Thảo phúc lắm lắm khi nhận niềm yêu từng giờ, từng phút, từng giây… từ em đó.
    Hạnh phúc ngọt ngào quá, mà không dễ mấy người biết tận hưởng như em đâu!
    Chia sẻ thêm những khoảnh khắc đời thường dễ thương như vầy nữa nha Thảo.
    Và ráng thẳng lưng lên để nâng niu cột sống của em vì đó cũng là “cột sống” của cả nhà em nữa đó.
    Vui nhiều nha, gia đình ngọt ngào ơi…

    Like

  5. Hi Phương Thảo,

    Những việc rất đời thường nhưng khi ta làm với tình thương yêu, với tinh thần phục vụ thì việc ấy sẽ trở nên ý nghỉa hơn.

    Cảm ơn PT về bài viết đơn giản mà dễ thương nhé

    Like

  6. Chị Thảo thật là tinh tế. Cảm ơn chị về một bài học về sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ và tình yêu âm thầm của người mẹ :).

    Chị khỏe nhé 🙂

    Like

  7. Phương Thảo ơi!!!
    Em làm chị xúc động rồi nè! Thật hạnh phúc cho những người phụ nữ được chăm sóc gia đình mình, dù cực khổ vẫn ngọt ngào, hạnh phúc! Vì ở đó là niềm yêu thương không gì sánh được phải không em? Chị thấy thật thú vị khi tưởng tượng nhìn ngắm em đi tới, đi lui dọn dẹp, sắp xếp và khẻ hát lời tình yêu nhỏ… Rất dễ thương, thật tuyệt vời! Cảmơn em đã làm đẹp cuộc đời bằng tình yêu thương chăm sóc! Chúc em mãi ngọt ngào bên những niềm yêu!!! (anh Hoành nhận xét vậy là đúng mà! em đừng chạy biến, Hì… :P) Nếu chị có câu nào đẹp hơn vậy cũng tặng em ngay! 😀 😛

    Like

  8. Xin chào cả nhà.

    Em ngẫu hứng viết bài này trong vòng 15 phút hôm tối thứ Bảy rồi nộp bài luôn, không ngờ được khen đến thế. Được khen rồi em lại thấy trân trọng hơn nữa những gì mình đang có.
    Nhờ các anh chị và các bạn động viên như thế này chắc em sẽ mở một cửa hàng giặt ủi “Thảo’s CARE” lúc về hưu. Mong mọi người ủng hộ :).

    Phương Thảo.

    Like

  9. Chào Phương Thảo.

    Hiếm hoi lắm , mình đọc được một áng văn hay . Rất phục tác giả nghe. Tựa ( bàn ủi )nghe ngộ nghỉnh .Khi đọc ,lại thấy vui, mình cười vì cái (duyên ) lạ lùng của tinh thần (hài) mà Phương Thảo mang đến bằng những lời đơn giản gân gủi nhất.

    Và cảm động cho ta hồi tưởng ký ức thương yêu của tình mẹ tình chị ,và gần nhất là tình bà xă…hì .

    Những giọt mồ hôi thân thiết , những vết phỏng vô tình ,những cằn nhằn dễ thương .và cái bàn ủi chịu khó của mình,cũng không làm sao nói hêt điều gì làm nên bởi bàn tay đảm đang . Với vô số những vẻ đẹp công hạnh của người thiếu nữ Việt Nam.

    Cám ơn Phương Thảo (rất tự tin) Đem niềm vui ý tứ,làm đẹp mới lại màu áo thường ngày ,xóa đi những nếp nhăn xấu xí phiền hà .(mệt quá) cái ông bạn già bàn ủi của tôi.

    Hôm nào rảnh ,mình phải đi mua một cái bánh kem ngọt nhất thế giới ,để cám ơn bà xã ủi đồ cho mình mấy mươi năm rồi (.lâu lâu,cũng hay hỏi ai bức hột nút áo của anh đây?) thiệt tình ,ớn mấy bà.

    Chúc Phương Thảo vui nha,

    Like

  10. Ngày mới cưới nhau, vợ tôi luôn luôn là người ủi đồ cho cả nhà. Dạo đó ủi bằng bàn ủi ‘con gà”, phải bỏ than đỏ vào cho nóng mới ủi được. Vải vóc thì cả năm mới được phân phối vài mét, nên phải hết sức cẩn thận khi ủi. Vì vậy cần bàn tay phụ nữ. Vợ tôi cũng hay nhắc ” Anh làm nghề dạy học, lúc nào cũng đứng trước mặt hàng chục người, hàng trăm con mắt nhìn vào, ăn mặc không đàng hoàng, áo quần không thẳng thớm, học sinh không chỉ cười anh mà còn chê em không biết chuẩn bị cho chồng”. Sau này vợ tôi bỏ việc nhà nước, ra kinh doanh. Công việc cứ cuốn hút chẳng còn nhiều thời gian để ủi quần áo cho chồng. Những lúc phải ủi, thì vội vàng không kỷ lưỡng như trước. Tôi lại quen thói “áo quần bảnh bao” vợ tập cho rồi, nên dầu “lúc nào cũng áo bỏ vào thùng” cũng không thể để áo ” 1/3 phần dưới” sơ sơ cũng được và quần xếp nếp 2, 3 ly được. Vậy là việc ủi đồ được chuyển sang cho tôi vì mỗi tuần tôi có đến 2, 3 buổi sáng không phải lên lớp. Mỗi lần ủi đồ cho vợ, nhìn những bộ quần áo vợ đã mặc hơn cả chục năm, tôi xót xa, nhắc vợ đi may đồ mới. Vợ tôi lại thoái thác. “đồ còn tốt mà anh. Ừ, để gần tết rồi em đi may luôn..” Nhưng nhiều “cái gần tết” trôi qua, có khi may mắn tiệm may còn nhận hàng thì vợ tôi có đố mới diện tết, nhưng nhiều cái gần tết tiệm may không nhận đồ nữa, vợ tôi lại lôi bộ quần áo may năm trước, diện vào. Cuộc sống kham khổ, làm vợ anh nhà giáo nghèo đã khiến vợ tôi lúc nào cũng đắn đo trong chi tiêu, mua sắm. Đọc câu chuyện của Phương Thảo, tự nhiên tôi lại lan man từ chuyện ủi đồ đến chuyện “tiết kiệm quá mức” của vợ tôi. Thú thật tôi không biết mình nên vui hay nên buồn trước chuyện này.

    Like

  11. Anh Hải ạ,

    Anh không nên buồn vì anh rất hạnh phúc khi có chị Dung tiết kiệm vậy.
    Tiết kiệm là một tính tốt, và lại chị Dung không cần diện đồ mới vẫn đẹp mà.

    Anh đâu có nghèo xét theo nghĩa giàu nghèo của anh em mình.

    Mình sống trong những ngôi nhà cấp 4, nhưng nhà anh, nhà em và nhiều nhà giáo khác đâu có thiếu niềm vui và tình yêu hả anh.

    Em thì không buồn đâu vì em quen ăn mặc rất bình thường

    Chắc mọi người quen vậy rồi!

    Anh chị vui nhé

    😛 😀 😆

    Like

  12. Chào anh Thanh Hải,

    Thảo không hình dung được sự có thể lan man từ bài “Ủi đồ” đến chuyện “tiết kiệm quá mức” của một người vợ, nhưng khi anh đã lan man đến đó thì Thảo lại hình dung tiếp một điều rất rõ ràng là anh đang nghĩ về những gì yêu thương và gần gũi nhất của mình: cái bàn ủi con gà ngày đó, người vợ chu toàn và biết tính toán của mình hôm nay …. Thế là quý, đạt và vui rồi.

    Vậy chúc anh vui nhé :).

    Thank you for your reading.

    Phương Thảo.

    Like

  13. Phương Thảo ơi! (định dùng từ “thân” nhưng chợt nhớ ra hình như là chưa “quen”, thôi đành chọn chữ “ơi”)!
    Sáng nay đang ủi áo, tự nhiên lại nhớ bài “Ủi đồ” của Thảo. Ừ, đúng rồi, cái cổ áo trước, rồi đến hai cổ tay trước nhỉ, rồi hai cánh tay. Ồ, hai cánh tay cũng chỉ ngắn thôi, nhưng nếu nhiều cánh tay cùng nối lại thì có thể ôm cả trái đất đấy, Thảo nhỉ! Phần bờ vai, phải kê vào góc nửa trái soan của mặt bàn mà ủi rồi có muốn chết ly thì chốc nữa ủi hai thân trước hẵn tính. Bờ vai mình nhỏ quá, vậy mà cũng có lần chị hai gục vào đó khóc ngon lành ngày giổ anh rễ, chỉ có hai chị em lên chùa Trà am cúng. Cũng mới tháng trước thôi, cô trò nhỏ QL cũng gục vào đó vừa thổn thức vừa hỏi dồn:
    ” Thầy ơi em có lỗi gì mà anh ấy …”. Không biết có còn ai mượn vai mình để cho lòng nhẹ chút xót xa không? Nhưng thân trước rồi thân sau thì không phải rồi, Thảo ơi. Mình vẫn thường ủi thân sau trước, rồi thả cho thân sau nằm hẳn xuống mặt bàn, phủ từng thân trước lên để ủi. Có cảm giác như là ủi như thế, thân sau sẽ đở thân trước, giống như mỗi lần choàng tay từ sau lưng ôm ai đó vào lòng: vững vàng, tin cậy. Hay chỉ tại mình là đàn ông nên có cách ủi cũng ngược đời???

    Like

  14. Ô… một bài viết rất ngộ mà bây giờ mình mới đọc,lâu rồi mình kô ủi đồ cho cả nhà vì mình ủi ko khéo , mình đã giao vịêc đấy cho ông xã rồi,… mình làm vịêc khác bù lại cho nó công bằng,,,đúng là khi mình làm việc gì đó với lòng yêu thương thì nó sẽ thấy nó nhẹ nhàng.

    Mỗi sáng mình dậy lúc 5giờ kém để nấu cơm cho 2 đứa con trai đem theo đi học , mình làm việc đó với lòng yêu thương con nên thấy cũng vui ….

    Like

  15. Ủi đồ, chuyện cũ mà mới. Mới là ngay tuần này mình sẽ “giành lại” quyền ủi đồ từ người giúp việc bao năm nay. Mình sẽ sắm thêm một cái bàn để ủi đồ trong phòng mình, để “thủ vai” ủi đồ cho anh, cho mình, cho con, bằng cái bàn ủi “đã già”, bằng cái vai bên phải đang đau, nhưng không sao :).

    Like

Leave a comment