Trong Mắt Bạn – Bài thơ Không Đề

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu với các bạn một bài thơ “cây nhà lá vườn” mà một ông bạn già người Mỹ tặng mình nhé. Bài thơ không có tên 🙂

Vào năm 2006, mình ở thành phố Burlington tiểu bang Vermont và chơi với ông Hank cùng xóm. Ông Hank đã gần 60 tuổi khi đó. Ông rất tốt, hiểu biết rộng và cực kỳ tâm lý vì ông cũng đã từng làm nghề tư vấn tâm lý.


Khả năng lắng nghe của ông tuyệt vời. Ông gần như không phản ứng lại ý kiến của mình bao giờ, dù rằng mình hồi đó khá nóng tính và tìm đủ mọi cách để “aggressive”, xông xáo trong quá trình khám phá bản thân mình, học kỹ năng A, B, C… Mình hồi đó cũng chỉ trích nhiều thứ của người Mỹ, như nhà thờ nói chuyện chán và tẻ nhạt, Mỹ đi gây sự với thế giới…. Ông tuy là người theo đạo nhưng chẳng phản ứng lại và đồng ý như vậy. Khả năng kiên nhẫn của ông rất tuyệt. Bây giờ nghĩ lại mình thấy rất cảm phục ông.

Một lần mình gửi cho ông bài thơ “The Guy in the Glass” của Dale Wimbrow mà chị Huệ đã có dịp giới thiệu với các bạn trên ĐCN. Bài thơ nói về bản tính trung thực. Ông trả lời lại bằng một bài thơ tặng cho mình sau đây. 🙂

Qua thời gian mình đọc đi đọc lại và thấy rất thích bài thơ. Một người bạn không định kiến như một tấm gương vậy, giúp mình nhìn thấy bản ngã thật của mình 🙂 Nhìn lại, bài thơ đánh dấu một giai đoạn trưởng thành tâm lý của mình.

Xin chia sẻ với các bạn dưới đây.

Chúc các bạn một ngày tĩnh tâm,

Hiển.

.

Có quá nhiều bụi trên gương,

Quá nhiều vết xước trong tấm kính.

Lưng bạc bị hoen ố,

và méo mó.

Ở đâu tôi có thể thấy được một thoáng của

cái tôi hoài ẩn hiện nhưng trung thực?

.

Mẹ, cha, chồng, vợ:

đầy kỳ vọng cho tôi thực hiện.

Những mô tả công việc, những định nghĩa sứ mệnh

cho con người mới-và-cải-tiến của tôi, nhưng không

một phản ánh tư duy chính xác nào

.

Nhưng trong đôi mắt vô tư của một người bạn

trong giây lát, tôi thấy tôi là ai

và biết tôi có thể trở thành ai

    Cho Hiển
    11-09-06

.

So much dust on the mirror,
so many scratches in the glass.
The silvered backing is tarnished
and distorts.
Where do I catch a glimpse of
my elusive but authentic self?

Mother, father, husband, wife:
full of expectations for me to fulfill.
Job descriptions, mission statements
for new and improved me, but no accurate
reflection is to be found.

But in a friend’s disinterested eyes,
for a moment, I see who I am
and know who I can become.

    For Hien
    11-09-06

8 thoughts on “Trong Mắt Bạn – Bài thơ Không Đề”

  1. Hi anh Hiển,

    Thật tuyệt vời khi được một người bạn già tặng một bài thơ hay và sâu sắc như thế này. Em đọc đi đọc lại cả chục lần chỉ để cố hiểu ngụ ý của tác giả, mà thấy vẫn confusing lắm.

    Ví dụ mấy điểm này:

    in the glass: tại sao không phải là on the glass? vết xước thì thường ở trên mặt kính chứ sao lại “trong tấm kính”

    elusive: cái này có thể hiểu như là trước một tấm gương bị xước đi như thế thì hình ảnh của mình thật khó nhìn, cứ mờ mờ ảo ảo có phải không anh nhỉ?

    disinterested eyes: từ này có 2 nghĩa, một là thờ ơ, hai là impartial – vô tư. Em thực sự không hiểu ý tác giả muốn nói là đôi mắt thờ ơ hay vô tư của người bạn (cả hai đều có thể hiểu là khi cái Tôi của mình bao bọc trong rất nhiều những trách nhiệm, nghĩa vụ to tát, nhưng tất cả cũng chẳng là gì trước một người xa lạ cả).

    Em hiểu thế có đúng không :P?

    Anh dịch rất hay, chỉ có đoạn 2 em nghĩ diễn giải lại như thế này một chút không biết anh thấy sao:

    Mẹ, cha, chồng, vợ:
    đầy những kỳ vọng mong tôi đáp ứng
    Những mô tả công việc, những tuyên bố sứ mệnh
    cho một tôi mới-và-cải-tiến, nhưng tôi không tìm thấy
    một sự phản chiếu chính xác nào

    Chúc anh có một tấm gương sáng rõ để luôn thấy một-tôi-mới-và-trung-thực nhé 🙂

    E. Hòa

    Like

  2. Hi Hòa,

    Cám ơn Hòa, câu hỏi của Hòa rất hay. Anh cũng trả lời theo đoán biết thôi nhé chứ không chắc chắn 100% vì anh không phải bậc thầy về tiếng Anh 🙂

    ** “in the glass” anh nghĩ là do tiếng Anh như vậy thôi. Anh search Google “scratches in the glass” và ra một số kết quả. ‘in the glass” anh đoán có nghĩa là có vết xước ở bề mặt nặng và hằn cả vào bên trong tấm kính. Xước li ti ở bề mặt không thì dùng “on the glass” cũng được.

    ** “elusive”: đúng rồi, elusive là lẩn tránh, khó bắt được. Khi có gương như thế thì bắt được ảnh thật của mình là khó rồi. 🙂

    Vấn đề là, tấm gương đó là tấm gương thực như thế, hay là do trái tim mình không trong sáng, nhìn thấy quả chuối ra nghĩ ngay đến gánh ra chợ bán đây 🙂 Tấm gương đó phản ánh thế giới quan của mình. Đặc biệt đây là bài thơ ông Hank trả lời lại cho bài “The Guy in the Glass” nói về thành thật, ước muốn chân thật.

    Làm sao để mà thành thật được khi tôi làm cái gì là vì cái gì khác chứ không phải là vì tôi thích làm cái đó. Tôi đi học vì cơm ăn áo mặc chứ không phải vì kiến thức, tôi đi làm để kiếm tiền chứ không phải vì thích đi làm. Tôi đi tìm kiếm mọi thứ mà tôi cứ tưởng tôi muốn nhưng không phải. Tôi không biết thực ra tôi muốn gì nữa. Những cái tôi có cảm xúc rất mạnh về cũng có thể chỉ là ảo tưởng phù du.

    “disinterested eyes” có thể hiểu là thờ ơ hay vô tư đều được cả. Một người bạn tốt như một cái ao phẳng lặng để mình đem tâm sự ra soi vào và nhìn thấy mình. Vì ao disinterested không dùi thêm ý kiến của bạn hay của mình, khiến mình chậm lại, bình tâm lại và vì mặt ao phẳng lặng, trong thoáng chốc, mình nhìn thấy hình ảnh không méo mó của mình, con người thật của mình.

    Đoạn dịch của Khánh Hòa cũng hay vậy 🙂 Nhưng reflection cũng có nghĩa là tư duy. Và vì tư duy ở phần trí thức, cái thường trực trong nhận thức của mình nên dịch là “tư duy” hợp lý hơn. Ở đây, ông Hank cũng chơi chữ “reflection” vừa là tư duy vừa là phản chiếu.

    Cảm ơn Khánh Hòa, chúng ta hãy luôn cố làm sạch gương 🙂

    Hiển

    Like

  3. Thật hạnh phúc khi có người bạn như ông Hank phải không Hiển? Chúc Hiển có thêm nhiều người bạn như ông Hank.

    Like

  4. Hi Khánh Hòa và Hiển,

    Để anh góp thêm một tí ý về hai từ reflection và disinterested, và nghệ thuật dịch thuật.

    Nhưng trước đó, từ “một tôi mới-và-cải-tiến” rất hay, Hòa.

    I. Reflection là “phản chiếu” hay “phản ánh tư duy.” Đôi khi người ta có thể chỉ dịch là tư duy, suy tư, suy gẫm, v.v… trong vài trường hợp. Nhưng đúng nghĩa nhất là “phản ánh tư duy” tức là suy nghĩ “lại” về một vấn đề nào đó, hay một “suy tư phản ánh ngược lại” từ điều gì đó.

    “Phản chiếu” trong tiếng Việt thường chỉ có nghĩa quang học, mà không mang nghĩa tư duy.

    Nếu:

    1. “phản chiếu” đã có nghĩa tư duy,
    2. hoặc nếu chưa có nhưng trong ngữ cảnh mình dùng (một cách sáng tạo) mình tin là có thể làm cho độc giả hiểu hàm ý “tư duy”

    thì dùng phản chiếu là hay nhất.

    Tức là khi một từ nguyên thủy có 2 nghĩa đen và bóng, cụ thể và trừu tượng, thì từ dịch nên có cả hai nghĩa.

    Nhưng “phản chiếu” trong ngữ cảnh này rất khó để mang nghĩa tư duy (tự nhiên cho người đọc), thì ta phải chọn. Nếu phải chọn, thì thông thường là chọ từ với ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là “phản ánh tư duy” ở đây.

    * Thêm vào đó, người Mỹ khi dùng từ reflection, thường dùng theo nghĩa “tư duy” hay “phản ánh tư duy”, chứ rất ít khi dùng theo nghĩa quang học, trừ khi họ nói về ánh sáng.

    * Trong ngữ cảnh này

    Mother, father, husband, wife:
    full of expectations for me to fulfill.
    Job descriptions, mission statements
    for new and improved me, but no accurate
    reflection is to be found.

    Tức là, Mọi người muốn tôi làm mọi thứ với các mô tả công việc và định nghĩa sứ mệnh cho tôi, mà những thứ mô tả và định nghĩa này không phản ánh chính xác một tí tư duy nào (của họ hay của bất cứ ai) về tôi.

    * Giải thích ngữ cảnh như thế, cũng cho thấy chỉ dùng từ “tư duy” hay “suy gẫm” hay “suy tư” thì không mang ra hết được mọi ấn tượng của từ reflection, như từ “phản ánh tư duy” ở đây, dù như vậy thì hơi dài.

    * Nhưng nếu muốn take risk như Khánh Hòa, dùng từ “phản chiếu” và hy vọng đọc giả có thể cảm được ý “tư duy” trong đó, thì cứ tự nhiên take risk và dùng “phản chiếu.”

    (Kinh nghiệm của anh là take risk như vậy có hiệu quả hơn khi mình viết tiếng Việt nguyên thủy. Take risk trong một bản dịch thường không có hiệu quả, và lại bất công cho tác giả bản chính).

    II. Từ disinterested có thể là “thờ ơ” hay “vô tư”. Nhưng “thờ ơ” là uncaring. Ban bè thì không uncaring được. Nên ở đây, vô tư (“không ý kiến”, “không tư tưởng”) thì chính xác hơn.

    Mọi người khỏe nhé 🙂

    Like

  5. Hi Khánh Hòa và Hiển,

    Còn một từ nữa có thê take risk tốt hơn là phản chiếu, đó là “phản ánh.” Phản ánh được dùng khá thường xuyên trong ý trừu tượng trong chữ Việt, cho nên take risk hay hơn là “phán chiếu” nhiều.

    “Phản ánh” không phong phú như reflection, và dùng nó sẽ mất sức mạnh về nghĩa “tư duy”. Tuy nhiên nếu ta rất muốn rút gọn câu dịch, thì “phản ánh” có thể xem là acceptable risk. 🙂

    Like

  6. Cám ơn chị Ngọc Hoa. Em cũng rất mong như vậy. Ông Hank thật hiếm có vì sự hiểu biết và kiên nhẫn của người cao tuổi như ông.

    Like

  7. Hi anh Hoành và anh Hiển,

    Cảm ơn hai anh đã giải thích. Em học được rất nhiều qua cách dịch bài thơ này.

    Em đồng ý là dùng nghĩa “phản ánh tư duy” thì chính xác hơn là “phản chiếu” hay “phản ánh”. Không rõ trong tiếng Việt những trường hợp như thế này mình gọi là gì nhỉ, nếu có một cụm nào mô tả trạng thái này thì có lẽ sẽ dễ hiểu hơn là mình phải dùng nghĩa “phản ánh tư duy” em thấy vẫn trừu tượng thế nào ấy.

    Hai anh khỏe nhé.

    E. Hòa

    Like

Leave a comment