Trường Cũ

Bỏ trường từ độ ấy

Ném thân hồ hải phong trần

Rồi chẳng hiểu vì sao một ngày trở lại

Bên cửa lớp bồi hồi ông giáo dừng chân.

Bỏ trường từ độ ấy

Cô giáo về xuôi vui với thị thành

Rồi cuồn cuộn thời gian cuồn cuộn người xuôi ngược

Một tháng đôi lần khắc khoải nhớ đồng xanh

Bỏ trường từ độ ấy

Cậu bé học trò đi hoang

Một chiều mùa xuân nắng vàng góc phố

Thoáng áo trắng bay trong hồn nhỏ bàng hoàng

Bỏ trường từ độ ấy

Cô bé về ru con lời hát thật buồn

Câu ca cũ sao thắt lòng đến vậy

À ơ, bướm vàng đậu đọt mù u…

Ta cũng bỏ trường từ độ

Thả lỡ câu văn em vén áo theo người

Chợt ngơ ngẩn đường về… chiều, lá đổ

Ngày ấy xa rồi… Thương lắm tuổi đời ơi!


Nguyễn Tấn Ái

24 thoughts on “Trường Cũ”

  1. Anh Ái,
    Bài thơ thật hay, hay từng câu từng chữ một. Thấm thía
    lắm. Đặt biệt cho riêng Đạt có cảm giác này
    khi về thăm trường xưa 30 năm sau là 4 câu :

    Bỏ trường từ độ ấy
    Cậu bé học trò đi hoang
    Một chiều mùa xuân nắng vàng góc phố
    Thoáng áo trắng bay trong hồn nhỏ bàng hoàng

    Cám ơn anh
    Đạt

    Like

  2. Chào Tấn Ái . Về trường cũ là một diễm phúc không mấy ai có phải không bạn .Nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên nơi mái trường thân yêu và đem kiến thức mình để dạy các em thơ .Thế là bạn đã trã công lại cho quý thầy cô của mình rồi đó .
    “Ta cũng bỏ trường từ độ
    Thả lỡ câu văn em vén áo theo người
    Chợt ngẩn ngơ đường về…Chiều,lá đổ
    Ngày ấy xa rồi..Thương lắm tuổi đời ơi ”
    Có gì lưu luyến và tiếc nuối một thời đã qua .Ngẩn ngơ đường về ,ai có ngờ trở về trường xưa ,phượng xanh vươn cành mừng đón ,hàng tên phượng đã khắc tên Thầy Ái tự bao giờ .Chúc mừng Thầy Ái nha .
    HP

    Like

  3. Chào Tấn Ái,

    Bài thơ rất dễ thương. Một chút tiếc nuối nhẹ nhàng thoảng qua. Chắc rằng kỷ niệm êm đềm sẽ làm đẹp thêm con đường trước mặt. Chúc ông giáo sau cảm giác bồi hồi sẽ thấy ấm lòng lại với trường cũ tình xưa.

    Chúc vui

    Like

  4. Bài thơ có chút đượm buồn thầy nhỉ?
    Sau này khi rời trường đi nơi nào đó để tạo dựng tương lai, chắc lòng em sẽ đầy luyến tiếc lắm! Nhưng đồng thời sẽ không bao giờ có thể quên những kí ức về trường cũ…
    Cám ơn những dòng thơ đầy sâu lắng của thầy!

    Like

  5. Bài thơ nói hộ nhiều tâm trạng lắm Ái ơi.
    Riêng 4 câu sau thật da diết . Cảm ơn Ái nhé.

    Like

  6. Ái chào anh Đạt!
    Những thân tình quan hoài của người anh từ nơi xa ái rất trân trọng!
    Đúng là khổ thứ 3 có gì đó gần tâm cảnh của anh anh nhỉ?
    Chúc anh vui! Và cảm ơn những động viên của anh nhiều lắm!

    Like

  7. Bỏ trường từ độ ấy

    Cô bé về ru con lời hát thật buồn

    Câu ca cũ sao thắt lòng đến vậy

    À ơ, bướm vàng đậu đọt mù u…

    CHo dù em có nghe thầy đọc bài thơ này rồi nhưng vẫn thắt lòng ở đoạn này, những tuổi đời lỡ cỡ bước sang ngang

    Like

  8. Anh cả kính!
    Chị DaLa,Chị Ngọc Hoa,anh Hồng Phúc!
    Vi Với Nguyên!

    Cả nhà yêu nhau!
    Chị Huệ luôn nhắc Ái rằng đcn là một, Ái hiểu điều này, mà vẫn áy náy.
    Hôm qua Ái có quyền ưu tiên cho mình, vì vui quá thành mệt. Sáng nay, vừa mới trao đổi với anh Đạt thì cúp điện, thành ra lỗi với cả gia đình!
    Ái xin vì yêu thương, gia đình mình không trách Ái! Anh Hoành bảo đảm cho Ái giúp đi!
    Ái mong sao mạng đừng dứt để tâm tình của Ái đến với gia đình mình!
    Còn gì yêu hơn khi tâm sự của mình được chia sẻ!
    Mà gia đình ơi!
    Từ điển tiếng Việt hình như chưa có từ rất tâm tình là “chia sẻ” này, hình như chỉ có từ ” chia xẻ'”, “san sẻ”. Ái tin là đóng góp của đcn đó!
    Yêu thương mọi người!

    Like

  9. Ái ơi,

    Cậu bé đi hoang ngày nào giờ đã về trường cũ.
    Vui nhiều với hiện tại, nhưng thi thoảng vẫn chạnh lòng nhớ tà áo dài ngày xưa?

    Mà Ái này,
    Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà nội phát hành năm 1997, trang 210, có định nghĩa thế này Ái ạ:
    Chia sẻ: bớt cho một phần.

    Như thế, tuy ĐCN không sáng tạo ra từ chia sẻ, nhưng có công làm cho từ này mang nghĩa rộng hơn nhiều và đẹp vô cùng, phải không Ái?

    Thăm Chi và hôn các cháu Ái nhé 😆 😆

    Like

  10. Chị !
    Đồng ý nhé!
    Ái sẽ chỉ ra 3 quyển từ điển tiếng Việt không có từ ” chia sẻ”, dù Ái vẫn thường dùng.
    Chị chỉ ra là Ái vui lắm rồi.
    Chừ khuya quá, mai nhất định sẽ nói, rồi mình kiểm điểm mấy ông từ điển!
    Yêu quí nghe chị!

    Like

  11. Ái ơi,
    Chỉ là mình may mắn có trong tay quyển từ điển đầy đủ hơn của Ái mà thôi!
    Biết rồi, thầy giáo đương nhiên là “nói có sách, mách có chứng” rồi. Nên mình cũng vội vàng kiểm tra lại quyển đang dùng ngay đấy thôi.
    Tự điển không có cũng chẳng lạ Ái ạ: không phải quyển tự điển nào cũng đầy đủ cả đâu 😉
    Viết bài mới đi Ái nhé. Khỏi bận tâm về bằng chứng mà cũng chẳng cần kiểm điểm mấy ông từ điển. Ái có gửi đơn thì mấy ổng cũng bảo: xin vui lòng tham khảo thêm ở quyển này, quyển này… 😆
    Ái và cả nhà ngon giấc nhé. Big hug dến cả nhà này 😆

    Like

  12. Hi Tấn Ái và Yến,

    Mình nghĩ là từ “chia sẻ” do mình dùng và quảng bá đầu tiên trên ĐCN. Và từ này mình học từ Võ Thị Hảo.

    Một lúc nào đó, lâu năm lắm rồi, mình viết gì đó cho báo Phụ Nữ TP HMC. Lúc đó Hảo là trưởng đại diện cho báo PN ở Hà Nội (như Hoàng Thiên Nga đại diên cho Tiền Phong ở Tây Nguyên).

    Hảo chỉnh chữ “chia xẻ” của mình thành “chia sẻ”. Mình hỏi tại sao, vì từ nhỏ đến lớn ở trong Nam chẳng thấy “chia sẻ” bao giờ. Hảo nói là Hảo biết điều đó, nhưng “chia sẻ” mới đúng nếu dùng ngữ âm tiếng Bắc (vùng Hà Nội) làm chuẩn, như thông lệ cho tiếng Việt. Về nhà xem tự điển Việt Nam (hình như quyển Yến dùng), thấy cũng là “chia sẻ.” 🙂

    Like

  13. Hi anh Hoành và Ái,

    Lâu lâu anh em mình đem sách vở ra soi, cũng vui anh nhỉ?
    Từ điển em đang dùng (Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, xuất bản lần đầu năm 1969, tái bản lần thứ ba năm 1997) định nghĩa như thế này:

    Xẻ: 1. Cắt dọc một vật gì thành nhiều nhiều lớp: xẻ gỗ.
    . . . 2. Đào đất thành một đường dài: xẻ rãnh.

    Sẻ: Lấy ra, đổ ra một phần; chia ra, nhường cho một phần: sẻ mực, sẻ bát nước đầy làm hai, sẻ thức ăn cho người khác.

    Như vậy, Chia sẻ: bớt cho một phần, có vẻ phù hợp với định nghĩa trên hơn.

    Trong quyển này không có từ “chia xẻ” anh ạ. Có lẽ do dân miền nam mình phát âm từ này không chuẩn, mọi người nghe lâu ngày thành quen mà thôi.

    Em không biết các quyển tự điển do các nhà xuất bản miền nam phát hành thì như thế nào. Nhưng như Ái đang dùng thì hình như lại có từ “chia xẻ” đấy anh ạ. Kinh nghiệm của em thì nên chọn sách từ một nhà xuất bàn có uy tín. Đỡ rủi ro hơn…

    Mà các nhà xuất bản có uy tín tầm cỡ thế giới như Larousse còn có khi sai đó. Em nhớ có năm Larousse cho thu hồi lại tự điển vừa phát hành vì phát hiện có lỗi sai. Đúng là uy tín thật!

    Anh và Ái vui nhiều nhé 😛 😀

    Like

  14. Hi Yến, Tấn Ái và cả nhà,

    Hiện nay có một cách rất nhanh và khá chính xác để biết cách đánh vần một chữ chuẩn nhất (hay ít ra là được chấp nhận nhiều nhất) là dùng Google. Ví dụ muốn biết: “chia sẻ” hay “chia xẻ” là “chuẩn” nhất, thì Google “chia sẻ”, sau đó Google “chia xẻ” , xem những websites uy tín dùng từ nào nhiều nhất.

    Các sites uy tín là các sites chuyên về chữ nghĩa như các báo lớn (tuôi trẻ, dân trí, tiền phong,v.v…)

    Khi nào thấy hai từ có vẻ như ngang nhau trên Internet, lúc đó anh mới mất công tra tự điển.

    Anh mới Google “chia sẻ” và “chia xẻ” thì thấy hai bên có vẻ ngang ngữa !

    Và thấy có 2 bài về “chia sẻ” và “chia xẻ” cũng hay, post đây cho mọi người:

    .

    “Chia sẻ” hay “Chia xẻ” ???

    Saturday, 26. July 2008, 18:57:35

    Nhiều bạn nhắc nhở tôi rằng: sao chú/anh/bạn có nhầm lẫn không khi viết “chia xẻ” mà không là “chia sẻ”?

    Vâng, từ “chia sẻ” được đại chúng hóa từ trong các Từ Điển cho đến Báo Chí và cả sách Nghiên Cứu; thậm chí trong mọi sách Giáo Khoa. Ngay trong “Pháp Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh: Partager = (1):chia, chia cắt, phân phối, phân cát – (2): chia, sẻ với, dự vào: Partager la joie et les peines d’un ami = chia vui, sẻ cực với bạn – Partager les périles = chia nguy hiểm với ai. [ tr.1232-Minh Tân xb. Lần thứ hai-1950].

    Tuy nhiên cũng xin dừng lại ở đây để “chia xẻ” một chút!

    Khi đặt ra vấn đề cho mẫu tự “s” hay “x” ở đây, có lẽ ta nên lấn sân sang phạm trù ngữ học một chút…hay nói cách khác là xét đến cách phát âm. Trong ngữ học, khi nói đến cách phát âm là ta đề cập đến một trong các mặt của phương ngữ tức cách phát âm tùy vào mỗi địa phương. Chính Đào Duy Anh cũng dùng cái phương ngữ của mình khi viết: “ Passer la nuit, une nuit = thức xuốt đêm”[sd.tr.1154]. Ở đây âm “s” đã di chuyển sang âm “x” và ngược lại,cũng như miền khác âm “l’ thành “n” và ngược lại vậy.

    Trong Tiếng Việt, khi giải nghĩa một từ chúng ta không nên quên cách thành lập từ của nó; cho nên khi ta đặt câu hỏi: [“sẻ” nghĩa là gì trong “chia sẻ”] thật tình là gây khó dễ cho người trả lời!

    Cách thành lập “từ láy” hay còn gọi là “tiếng đệm”, nói như Phan Khôi: “Số là, tiếng ta là thứ tiếng đơn âm, chữ nào chết nghĩa ấy, không chắp đầu hay chắp đuôi để biến thành chữ khác nghĩa khác như các thứ tiếng Âu châu được, cho nên rất cần có tiếng đệm. Có thể nói: nhờ tiếng đệm làm cho tiếng nói của ta nẩy nở thêm nhiều ra, và có những cái đại đồng tiểu dị giữa từ ngữ này với từ ngữ khác, là cái làm cho một thứ ngôn ngữ văn tự lên đến bậc minh xác và tinh tế”[Việt Ngữ Nghiên Cứu-tr.63-nxb.Đà nẵng-1997-]

    Chúng ta thử lược qua một ít âm “e” trong tiếng láy của tiếng nước ta:

    -Mát mẻ…mới mẻ…đẹp đẻ…gọn gẻ…bắt bẻ…sạch sẻ…san sẻ… mà bảo giãi nghĩa các từ “mẻ…đẻ…gẻ…sẻ…” trong các từ đó…quả là bó tay!

    -Và từ “sẻ” trong “chia sẻ” nghĩa là gì?

    -Trong “chia xẻ” , từ “xẻ”có nghĩa là = chẻ ra, bổ ra, cắt ra, phân ra…để chia!

    * Từ “sẻ” trong “chia sẻ” không phải là tiếng láy, tiếng đệm; vì tiếng láy/đệm nó có nguyên tắc cấu tạo của nó. Ở đây “sẻ” không đi cùng “đồng phụ âm” (ch) với “chia”, nó cũng không “đồng vận”[ví dụ: hấp tấp – hoang toàng – chơi vơi – tiu nghỉu…], nó cũng không “điệp âm”[như: lâng lâng – khăng khăng – bời bời…] vv…và vv…Và “chia sẻ” cũng không phải là từ ghép vì từ “sẻ” không có nghĩa. Vì thế, “chia sẻ ” đơn giản chỉ là cách phát âm theo địa phương mà thôi, như Đào Duy Anh tuy là nhà ngôn ngữ học đôi lúc cũng theo thói quen của mình mà viết: “Passer la nuit = thức xuốt đêm”

    * Từ “xẻ” trong “chia xẻ” tự nó đã có nghĩa và nó đi cùng với một từ khác cũng có nghĩa nữa (“chia”); cho nên từ “chia xẻ” là từ ghép.

    Thử đi tìm từ “chia sẻ” và “chia xẻ”:

    (1)- Đồng Âm Dẫn Giải và Mẹo Luật Chính Tả – Trần Văn Thanh – Việt Nam Tu Thư xb – Soạn giả đã kê cứu:
    -Việt Nam Từ Diển (Hội Khai Trí Tiến Đức)-1931
    -Hán Việt Từ Điển (Đào Duy Anh)-1932
    -Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (Đông Hồ và Trúc Hà) –Saigon-1936
    -Đồng âm vận tuyển (Trần Văn Khải)-1949
    -Những ký chú trích ở Danh từ Khoa học (Hoàng Xuân Hãn)
    -Đại Nam Quốc Âm tự vị (HT. Paulus Của)
    *-“xẻ”: bổ dọc ra, xẽ gỗ, mổ xẻ, chia xẻ.
    [Không có “chia sẻ]

    (2)- Tự Điển Việt – Hoa –Pháp (Eugène Gouin)
    *-“Chia xẻ: partager, couper, fendre”
    [Không có chia sẻ]

    (3)- Pháp Việt từ điển (Đào Đăng Vỹ)-1961
    *- “Chia xẻ: partager // division.
    [Không có “chia sẻ”]

    (4)- Vietnamese English student’s Dictionary (Nguyễn Đình Hòa)-1967
    *- “Chia xẻ: to share (with)
    [Không có “chia sẻ”]

    (5)- Từ điển Việt Anh (Bà Võ Lăng) [Nhà xb Tổng Hợp Tiền Giang – 1991-]
    *- “Chia xẻ”: to divide up, dismember, to share (trouble, griefs, pleasures etc…)
    [Không có “chia sẻ”]

    (6)- Từ Điển Anh Việt (Nguyễn Văn Khôn) Nhà xb tp. HCM.
    *- to share someone’s opinion: đồng ý với người nào.
    – toshare (in) someone’s grief: chia buồn với người nào.
    – He shares (in) my troubles as well as my pleasures: nó chia vui xẻ cực với tôi.
    [Không có “chia sẻ”]
    %%%%%%%%%%%%%%%%%

    Nhân có các bạn tôi đặt vấn đề ấy ra cho nên tôi cũng viết ít dòng trên để nêu ý kiến riêng của mình như một sự cảm ơn hơn là làm thinh như một sự cố chấp trước nhiệt tình của các bạn.
    Tuy nhiên những gì tôi nói, có gì bắt buộc tôi phải nói đúng đâu!
    Chỉ là nêu vấn đề ra thôi.
    Vì thế, mong nhận được ý kiến của các bạn như một cuộc thảo luận hơn là nhằm khẳng định.
    Và rất mong được trò chuyện với các bạn.

    hongphuongvien

    TĐH chú thích: Thực ra chữ “sẻ” có ý nghĩa riêng, như Yến đã trích từ Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, xuất bản lần đầu năm 1969, tái bản lần thứ ba năm 1997

    Sẻ: Lấy ra, đổ ra một phần; chia ra, nhường cho một phần: sẻ mực, sẻ bát nước đầy làm hai, sẻ thức ăn cho người khác.

    .

    Hát cho đồng bào: ‘Chia sẻ’ hay ‘chia năm xẻ bảy’?

    Cập nhật lúc 09:55, Thứ Năm, 12/10/2006 (GMT+7)

    (VietNamNet) – Chỉ tại sai một chữ mà cả chương trình từ thiện hướng về miền Trung lũ lụt phải chịu cảnh dở khóc dở cười.

    Cuối tuần qua, hai đêm ca nhạc Đêm chia sẻ và Hát cho đồng bào tôi đã được tổ chức tại phòng trà Không Tên và 2B nhằm quyên góp tiền cứu trợ người dân miền Trung vừa qua cơn bão lũ. Rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ và MC tham gia với tấm lòng chân thành. Ngoài việc không lấy cát-xê, họ còn gửi vào đêm diễn tiền và đồ lưu niệm để bán đấu giá. Tổng cộng sau hai đêm diễn, số tiền thu về khoảng 1,7 tỉ đồng.

    Đáng lẽ Đêm chia sẻ đã diễn ra một cách ấm áp và tràn ngập tấn lòng nếu không có một chuyện rất nhỏ xảy ra. Vì Ban tổ chức bận rộn lo chương trình nên không chú ý lắm đến dòng chữ thiết kế trên sân khấu. Đến ngay sát giờ diễn, bật đèn lên mọi người mới tá hoả vì chữ “xẻ” chứ không phải “sẻ”. Khán giả ngồi dưới chưng hửng vì không hiểu là vô tình hay có ý nghĩa gì đặc biệt.

    Một nhạc sĩ trẻ vừa bước chân vào nghề biên tập cho một kênh truyền hình cáp thắc mắc: “Hay là người ta chơi chữ? Làm chương trình từ thiện này xong sẽ chia năm xẻ bảy đây?!” Lâu nay, chuyện tiền quyên góp cho đồng bào bão lũ bị sử dụng không đúng mục đích vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Anh đem thắc mắc này đi hỏi thì mới biết là do sai chính tả chứ chẳng chơi chữ gì.

    Chỉ vì cái chữ “xẻ” đó mà báo hại chương trình không thể phát sóng lại trên các đài truyền hình. Còn phóng viên chụp ảnh cứ phải né nó. Sai chính tả gì mà ác thiệt!

    *

    Diệu Linh
    .

    Like

  15. Hi anh, Ái và cả nhà,

    Càng đi sâu, càng thấy thú vị quá!

    Theo em, em sẽ không dùng Google để đánh giá một từ “chuẩn” nhất, theo nghĩa là chính xác nhất đâu anh ạ. Google chỉ là phương tiện trao đổi thông tin, và như anh thấy, việc có hai cách dùng từ để chỉ diễn giải cùng một ý, như nhà mình đang phân tích, cho thấy Google bó tay trong việc phân định từ nào là chuẩn nhất. Xét theo nghĩa được đa số chấp nhận, xác suất sử dụng nhiều nhất thì đúng hơn. Chuyện mọi người quen dùng và dùng nhiều chắc không thể là bằng chứng cho việc từ đó được xem là “chuẩn”, anh nhỉ?

    Theo kinh nghiệm riêng của em, cứ mỗi khi đọc thấy một từ viết khác cách mình thường viết, là em kiểm tra liền. Đầu tiên, em sẽ gõ Tự điển Việt Anh của Lạc việt, vì em tin là khi soạn tự điển, chắc chắn phần mềm tự điển Lạc Việt đã có tham khảo bộ tự điển tiếng Việt để cập nhật rồi. Sau đó, nếu rảnh, em sẽ check thêm quyển tự điển em hay dùng. Vậy thôi anh ạ.

    Hai bài anh post lên thú vị quá. Ước gì có thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia ngôn ngữ học để mình tham khảo thêm thì hay biết mấy, anh nhỉ?

    Like

  16. Hi Yến,

    Thực ra thì ngôn ngữ là một cây sống, sinh sôi nẩy nở hằng ngày, nên cách nhiều người sử dụng nhất sẽ thành chuẩn, dù là ai muốn chứng minh là nó sai. Ví dụ: từ “Việt Kiều,” ai cũng biết là nó sai, bởi vì “kiều” là từ dùng cho người nước ngoài ở trong nước mình, như Hoa kiều, Ấn kiều… Trên nguyên tắc , phải là Người VN ở Nước Ngoài, hay cùng lắm là “kiều bào.” Nhưng chữ “Việt Kiều” vẫn là chữ chiến thắng.

    Anh thấy tự điển Webster của Mỹ rất hay. Có từ nào mới, hoặc cách dùng mới của một chữ (dù là cách này các chuyên gia nói là sai), sẽ được webster đưa vào, với giải thích như là “slang” chẳng hạn. Và Webster cập nhật hàng năm. Như vậy thì ngôn ngữ mới phát triển phong phú được.

    Anh nghĩ là trong trường hợp 50/50 như chia sẻ và chia xẻ, chúng ta nên dùng cả hai, thay vì phải chọn một bỏ một, như vậy thì trong ngôn ngữ ta sẽ có 2 chữ đúng, thay vì chỉ một chữ. Làm ngôn ngữ phong phú, quan trọng hơn là cách đánh vần nào “chuẩn” nhất. 🙂

    Like

  17. Ái mến
    Đạt có nhiểu rung cảm mỗi khi đọc bài biết của Ái. Nói là những
    bài viết thì có vẻ không công bằng cho những gía trị trong thơ
    và văn của Ái mà Đạt hân hạnh được đọc qua trên ĐCN này. Đạt
    xin gọi đó là những tác phẩm văn học. Đạt mong những tác phẩm
    này cần được phổ biến rộng rãi đến với mọi người của mọi “tầng lớp”
    xã hội.
    Chúc thầy Ái vẩn mài bút mỗi ngày để tạc những tác phẩm văn hóa.
    Phạm Lưu Đạt

    Like

  18. Hi anh Ai,
    Cam on anh da nhac nho em nhieu voi nhung van tho that dang yeu:
    Bỏ trường từ độ ấy

    Cô giáo về xuôi vui với thị thành

    Rồi cuồn cuộn thời gian cuồn cuộn người xuôi ngược

    Một tháng đôi lần khắc khoải nhớ đồng xanh

    Like

  19. Chào Anh Hoành ,Chị Kim Yến, Tấn ái cùng các anh chị thân mến .Cảm ơn các anh chị đã phân tích từ “Chia Xẻ” Và “chia sẻ” rất sâu .Nhưng HP đang dùng TỰ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Viện Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên .Nhà xuất bản Đà Nẵng xăm 2002 .có từ ” chia sẻ”ở trang 155
    **Chia sẻ : Cùng chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu .Chia sẻ cho nhau từng bát cơm ,chia sẻ vui buồn .Chia sẻ một phần trách nhiệm .
    **Chia sớt ; Chia sẻ chia sớt cho nhau từng dạ lúa lúc khó khăn .

    **Chia xẻ : Chia thành nhiều phần cho không còn nguyên là một khối nữa ..Chia xẻ lực lượng .
    Hồng phúc trích từ Tự điển tiếng Việt Năm 2002 xin thông tin cho Tấn Ái và quý anh chị là có từ CHIA SẺ trong Tự Điển ạ .Xin chúc cả nhà vui khõe vạn sự tốt lành .Xin chào .
    HP

    Like

  20. Vui rồi, vui rồi!
    Ái cảm ơn gia đình chung với Ái trong một nghi vấn.
    Giờ thì yên tâm nhé, Ái dùng cả 2 mà không băn khoăn nữa. Thực tình từ ” chia sẻ” mà Ái vẫn đang dùng rất hay, theo cảm tính, võ đoán. Gia đình mình phân tích một hồi thành vững lí tính rồi. Yên tâm!
    Mai mốt có băn khoăn gì Ái lại kêu lên, cả nhà cùng bàn luận nhé!
    Chúc anh cả, chị Yến, anh Phúc ngủ ngon!

    Like

  21. Chào anh Ái. Trường cũ của anh đọng trong mỗi người đọc một nỗi niềm riêng. Hiền cũng có bài thơ về trường cũ nhưng “lạc quan” hơn:
    Về lại trường xưa
    Cùng bục giảng với thầy cô giáo cũ
    Cùng bục giảng với học trò một thuở
    Mới thấu hiểu cuộc đời sau thác lũ
    Là phù sa màu mỡ cây đời.

    Like

  22. Thầy ơi, trò về xuôi rồi cũng nhớ núi lắm…Thơ của thầy, bao giờ đọc cũng nghe diết da, nặng lòng đến tận cùng.Tận cùng của nỗi buồn, tận cùng của trăn trở…

    Like

  23. Vũ Hồng!
    Em năng ghé thăm trang này em nhé!
    Em cũng có năng lực viết lắm đó, cố gắng tham gia viết cùng các cô chú nghe em!

    Like

Leave a comment