Cái tôi của nước

Chào các bạn,

Ở đời có 3 loại người đi 3 cách khác nhau. Loại thứ nhất như chiếc xe đồ chơi bằng gỗ của trẻ con, chạy đụng tảng đá nhỏ là đứng. Loại thứ hai như xe tăng, càn quét sụp đổ hết tường vách nhà cửa để tiến lên. Loại thứ ba như nước uyển chuyển, đụng đá thì uốn vòng qua đá, đụng tường thì uốn vòng qua tường, mà đi.
wooden_car
Bạn thuộc loại nào?

• Xe đồ chơi thì bạn sẽ không đi đâu được cả đời.

• Xe tăng thì bạn sẽ tạo nên hủy diệt và sụp đổ trên bước tiến của bạn.

Tiếc thay điều này thì lại quá thông thường trong đời sống. Ta đã thấy bao nhiêu cuộc cách mạng đẫm máu trong thế kỷ này. Đã bao con người kiêu căng cho rằng đường ta là đúng, nên ta cứ càn quét tận diệt mấy đám ngu dốt, chống cách mạng, phản động, phản tiến hóa mà đi. Rồi thế giới đã được gì, ngoại trừ những rừng xương khô và những dòng sông nước mắt?
tank
Ngay cả trong đời sống cá nhân thường ngày, bao nhiêu người đang đâm sau lưng đồng nghiệp, nói xấu bạn bè, truy tố bằng hữu, dối trá với láng giềng, phi pháp, phi đạo đức, giả nhân giả nghĩa, và dối trá với cả chính mình—láp nháp nonsense, nói những lời mà chính mình cũng biết là sai—chỉ để được thăng chức, thắng một hợp đồng làm ăn, làm lớn trong chính phủ, chiếm một vị trí thuận lợi.

Ngay cả những người “đạo đức”—không ăn chận của ai, không cướp giật của ai, tối ngày đi nhà thờ đi chùa–thì đã bao nhiêu lần họ mắng mỏ gia đình, kết án bạn bè, xỉa xói làng xóm, xỉ vả thế gian chỉ vì họ tự xem là người đạo đức (self-righteous, tự đạo đức ) và có quyền đứng trên cao mắng xuống những người “tầm thường tội lỗi.”

Bạn có thể thấy được những khổ đau mà các xe tăng tạo nên cho thế giới, và cho chính họ không? Thường khi xe tăng không biết nó gây đau khổ cho chính nó khi cán sập nhà cửa phải không các bạn? Dĩ nhiên, đó là cái mà Phật gia gọi là si mê và Thiên chúa gia gọi là mù quáng của sự ác (Vâng sự ác, ngay cả cho những người “tự đạo đức” đi nhà thờ đi chùa mỗi ngày).

Khi cái tôi đã biến thành một chiếc xe tăng khổng lồ thì không nói được nó sẽ gây đổ vỡ đến mức nào–dù chỉ vô tình lạc tay lái một tí cũng có thể làm sập nhà, hay dù có đè căn nhà cũ nát đáng cho sập thì cũng có thể vô tình đè chết vài người đang ngủ trong đó.

Nhưng ngay cả xe tăng cũng không vượt được những khối đá to bằng nó hay to hơn.

Và xe tăng sẽ có lúc hết xăng, và lúc đó, vì thù nhiều mà bạn ít, cho nên có khả năng cao là sẽ bị đốt, phải không các bạn?

• Nhưng nước lướt qua một cọng cỏ cũng không làm trầy cỏ. Đụng đá tảng thì mơn man đá tảng như bạn hiền và vòng quanh đá tảng mà đi.
glass sphere on water
Nước đến khắp mọi nơi mà không cần gây đổ vỡ, không làm trầy trụa ai, và là bạn của tất cả mọi người mọi thứ.

Nước không có hình thù cố định, không có cái tôi cứng nhắc.

Nước hiền dịu khiêm tốn. Hình thù của nước là hình thù của những gì quanh nước.

Nước uốn mình theo đường đi, thế đất, và chướng ngại. Nước tìm chỗ trũng, chỗ thấp hèn mà đến.

Nước tưới mát mọi loài cây cỏ, không phân biệt cây xấu cây tốt, cây thánh thiện cây tội lỗi.

Nước không cầu thiện, nhưng vẫn làm thiện.

Nước không cầu thắng, nhưng vẫn thắng.

Nước không cầu yêu, nhưng vẫn yêu, và vẫn được yêu.

Nước chỉ là nước.

Và là sự sống của con người.

Vậy thì làm sao chúng ta có thể như nước?

Chúng ta đã đọc bao nhiêu bài đắc nhân tâm, bao nhiêu đoạn Kinh thánh, bao nhiêu bài kinh Phật? Và vẫn cảm thấy hình như mình cứ vẫn là mình mà chẳng thấy mình mềm ra, nhân ái ra?
staycalm
Tai sao vậy?

Thưa, vì đọc là một chuyện, nhưng thực hành lại là một chuyện khác.

Và ta không cần phải quan tâm đến thực hành đắc nhân tâm lúc ta đang bình thường, ta đang vui vẻ, lúc không ai chọc tới ta, không ai xâm lấn quyền lợi ta, không ai trái ‎y’ ta. Vì khi bình thường ai trong chúng ta cũng là thiên thần cả.

Ta chỉ thực sự phải thực tập làm nước khi ta có vấn đề.

Phiền một nỗi là khi có vấn đề, đầu óc chúng ta tự động khóa lại tất cả mọi cánh cửa và chỉ mở một cánh của duy nhất–“Tôi phải giải quyết vấn đề này”:

. Thằng này láu cá, phải cho hắn một bài học.
. Con này ngu quá, phải giáo dục nó một tí.
. Tên này coi thường tôi quá, tôi phải tát cho hắn vài cái.
. Ông phải kiện mày cho mày biết ông.
. Trời đất công bình xuống đây mà xem hắn đày đọa tôi.
. Con người phản bội thế kia thì chết cũng đáng.
. Làm thế là hiện thân của quỹ dữ, ta phải thay trời trị mày.
. Ta nguyện theo ‎ý chúa diệt lũ tàn bạo như mày.

Nói chung là, khi ta nổi giận hay đau đớn (dù là đúng hay sai) thì tâm ta thường quên hết mọi sự và chỉ nghĩ đến đánh đấm, “dạy dỗ”, trả thù, đòi công lý, thế thiên hành đạo…

Và ta quên mất là ta nên là nước. Và ta trở thành chiếc xe tăng.

Đây là câu chuyện rất bình thường cho đại đại đa số chúng ta. Chẳng có gì là b‎í ẩn cả.

Vì vậy, muốn thực tập là nước ta phải để tâm đến một điều duy nhất: Tập là nước khi bị xúc phạm, khi bị nóng giận, khi bị đau khổ. Những lúc đó, hãy nạy mở cho được cánh cửa của nước, vì những lúc đó, ngoại trừ cửa sân hận, mọi cánh cửa đều đã bị khóa chặt.

Nhưng làm sao để mở cánh cửa hiền dịu vào những lúc đớn đau sôi nổi được?

Đây là vấn đề cực khó, khó đến mức đôi khi trở thành không thể. Cho nên nó đòi hỏi những nỗ lực phi thường.

Sau nhiều năm học và thực hành personal development (phát triển cá nhân), mình có được vài kinh nghiệm. Lẽ ra thì không nên nói đến ở đây, vì các kinh nghiệm này rất riêng tư, nhưng nếu không chia sẻ hết mức thì sẽ không giúp được các bạn tận tình. Cho nên mình đành phải chia sẻ với các bạn các kinh nghiêm rất riêng tư của mình.

. Ở một mức nhẹ và mức trung bình, mình luôn luôn có thể bỏ qua vấn đề bằng cách tự nhủ “Ôi, chuyện nhỏ mà, quan tâm làm gì. Bỏ qua cho bạn bè một tí”, và đi tập thể thao hay nghe nhạc là quên. Hoặc ngồi thiển hay tập thái cực khí công.

praying
. Nhưng ở mức thật nặng, đến mức tổn thương cả tâm trí, thì mình thực sự chìm ngập trong đó, và không cách nào làm cho bớt đau, bớt nhức, bớt giận. Đến lúc này thì tập thể thao và ngay cả ngồi thiền cũng không giúp mình được. Khi việc nhẹ thì thiền có hiệu lực. Khi nặng quá, ngồi thiền mà máu cứ sôi trong người thì không thiền được (Có lẽ là mình thiền chưa đến mức thượng thừa).

Nhưng đối với mình thì cầu nguyện lại có hiệu lực trên tất cả, để điều phục tâm mình, để mình cảm được có một đấng toàn thiện cao hơn mình đang chia sẻ với mình, để mình muốn làm cho đấng toàn thiện thấy được mình cũng có thiện tâm, để tâm mình bình lặng lại.

Đôi khi trong vài trường hợp giận quá sức, mình cầu nguyện theo kiểu nói ra cho hết nóng, như thế này: “Chúa Giêsu à, chúa biết là con đang hết sức giận, và quả thật là con chỉ muốn nắm cổ tên mất dạy này đấm cho nó vài đấm, gãy vài vài cái răng, ngã ra bất tĩnh nhân sự, thì may ra mới hết giận. Chúa mà đế mấy tên mất dạy như vậy ngang ngược cả đời thì con cũng rất thắc mắc tại sao. Nhưng con biết là chúa muốn con yêu mọi người, kể cả kẻ thù và kể cả tên này. Vậy thì xin chúa hãy cho con bình tâm lại. Con chẳng dám hứa là con yêu được tên này, ít ra là lúc này. Nhưng xin chúa hãy cho con bình tâm lại và vui vẻ trong tay chúa. Vì con không muốn con phải bị tâm bệnh vì tên này. Và xin chúa hãy cho con từ từ biết yêu hắn, vì con biết chúa muốn con yêu mọi người kể cả tên này. Và con thực sự muốn đi con đường tình yêu vô điều kiện của chúa. Con thực sự muốn thực hành điều chúa dạy. Con thực sự muốn theo gương chúa.”

Thường thường lời cầu nguyện này rất hiệu lực, chỉ môt lúc sau là mình dịu lại. Nếu vài ngày sau đó lại “nổi cơn” thì lại cầu nguyện như thế.

Bên trên bình có nói “[Mở cánh của dịu hiền] là vấn đề cực khó, khó đến mức đôi khi trở thành không thể. Cho nên nó đòi hỏi những nỗ lực phi thường.” Đúng thế các bạn. Đối với mình, đôi khi nó quá khó và đòi hỏi những nỗ lực phi thường mà mình không có được, cho nên mình phải cầu nguyện, để xin được sức mạnh phi thường đó từ các đấng cao hơn.

Dĩ nhiên là mỗi người chúng ta có một đấng tối cao với một tên khác nhau để cầu nguyện. Thượng đế không cần phải có chỉ một tên hay một khuôn mặt hay một sứ giả. Nhưng mình chỉ muốn chia sẻ, là sau khi đã thực hành mấy mươi năm đủ mọi bộ môn khác nhau, mà đa số là các bộ môn không cầu nguyện, cuối cùng thì mình thấy rằng chỉ có cầu nguyện mới là con đường dễ dàng nhất, và cho mình nhiều sức mạnh nhất, và giúp mình bình tâm và yêu ái trong những hoàn cảnh mà trước kia mình không thể nghĩ là mình hay ai trên thế giới có thể làm được. Và vì vậy mà mình hiểu tại sao các lãnh đạo lớn như Abraham Lincoln, Gandhi, Nelson Mandela lại hay nói đến cầu nguyện.

Đàng nào đi nữa thì điếm chính mình muốn chia sẻ ở đây là: Lúc chúng ta phải quan tâm đến hiền dịu như nước là lúc ta bị xâm phạm, bị mất mát, bị làm trái ‎, bị lừa lọc, bị mất lòng vì lý do gì đó. Lúc đó là lúc phải cố hết sức để tự thắng những đớn đau và sân hận trong lòng, để có lại được con tim hiền dịu. Lúc đó là lúc quỹ dữ đóng hết mọi cánh của của ánh sáng trong ta, nói theo Thiên chúa gia. Lúc đó là lúc chúng ta phải thực sự nạy mở cánh cửa của nước, của dấu ái hiền hòa.

Nếu ta không quan tâm thực hành những lúc “bị tấn công và vây hãm” như thế, mình cam đoan là bạn có thể đọc đắc nhân tâm 100 năm nữa cũng chẳng được gì (dù là bạn có thể viết sách đắc nhân tâm sau khi đọc nhiều đủ).

Bạn có thể làm cách nào thì tùy ‎bạn, để đạt được điều hiền dịu đó.

Trong mấy mươi năm, mình đã thực hành hết mọi cách trong mọi sách. Kinh nghiệm của mình là, cách hiệu lực nhất là cầu nguyện, tức là không đi một mình, mà đi với một sức mạnh mạnh hơn mình cả triệu lần.

Nhiều người càng lớn tuổi thì càng như xe tăng lớn. Nhiều người càng lớn tuổi thì càng độ lượng như đại dương.

Bạn cứ chọn cho riêng bạn con đường để trưởng thành tâm linh. Mình chỉ chia sẻ với bạn con đường mình đã chọn.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ: Nước

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
http://www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Cái tôi của nước”

  1. Hi anh Hoành,

    Cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân tuyệt vời này của anh.

    Em thực sự cũng mới biết đến khái niệm “nước” này, hôm nay anh viết ra lại càng rõ hơn. Đúng là khi nào mà thấy bế tắc, lại nghĩ đến một dòng nước chảy lững lờ, êm đềm, quanh co, uốn lượn. Thấy con người hết cứng nhắc đi, mềm dẻo trong cách suy nghĩ và quyết định hơn.

    Cầu nguyện thì em không theo đạo nào cả, ở nhà chỉ vài lần đi chùa thôi, em cứ nghĩ ai theo đạo mới cầu nguyện cơ anh ạ nên không biết nên hiểu và thực hành thế nào.

    Anh khỏe nhé 🙂

    Em Hòa

    Like

  2. Hi Hòa,

    Câu hỏi của Hòa có lẽ là một trong những câu hỏi khá thường xuyên, và là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất, nếu người trả lời rất thành thật, bởi vì mọi vấn đề tâm linh đều là vấn đề chủ quan, đều là kinh nghiệm chủ quan cá nhân. Như là tình yêu.

    Hỏi tại sao tôi lại yêu say đắm chàng (dù là chàng chỉ là trung bình trong thiên hạ), thì e rằng không mấy ai trả lời khách quan được, vì mọi câu trả lời khách quan sẽ bị bẻ gãy dễ dàng bởi các lý luận chỉ hạng nhập môn.

    Vì vậy, Thánh kinh có một câu anh rất thích: “Thượng đế là tình yêu.” Thượng đế rõ ràng, manh mẽ, bí ẩn, và chủ quan như tình yêu.

    • Nhiều người đã hỏi anh theo đạo gì, thực sự là anh không trả lời được. Chí có thể trả lời theo lịch sử, “Hồi nhỏ gia đình theo công giáo.” Bây giờ thì khó nói, vì có nhiều điểm trong tổ chức của giáo hội công giáo anh không đồng ý, như là bất bình đẳng nam nữ (phụ nữ không được làm linh mục), bất bình đẳng giữa tu sĩ và giáo dân, chống dân chủ (Rome và hàng tu sĩ lãnh đạo, giáo dân thì không quyền hành gì), và tập trung quyền hành vào Rome (làm yếu thực lực xã hội và văn hóa bản địa) …

    Bây giờ thì anh suy nghĩ về kinh thánh và thần học như là một người protestant hơn. Và anh giải thích Thánh kinh cho các bạn theo truyền thống protestant.

    Nhưng lại học kinh Phật từ hồi 18 tuổi, lúc học triết ở đại học văn khoa, và rất thoải mái tụng kinh, thiền định và giảng kinh Phật trong chùa.

    Đó là chưa kể anh rất thỏai mái vào Mosque sùy sụp lạy và nghe đọc kinh Koran (trong Mosque đọc bằng tiếng Ả rập nên mình không đọc được,nhưng đọc tiếng Anh ở nhà).

    Đến đâu anh cũng thực sự cảm thấy mình belong như là ở nhà. Thế thì anh theo đạo gì? Làm sao mà trả lời câu đó được.

    Trong Thánh kinh có một câu anh rất thích: “Tôn giáo mà Thượng đế, Cha của chúng ta, chấp nhận là tinh khiết và vô nhiễm là: Lo lắng cho trẻ mồ côi và góa phụ trong cơn khốn đốn và giữ mình không bị ô nhiễm bởi thế gian.” (Religion that God our Father accepts as pure and faultless is this: to look after orphans and widows in their distress and to keep oneself from being polluted by the world. James 1:26-27).

    Tôn giáo tinh khiết mà Thượng đế chấp nhận là đó. Còn các hình thức bên ngoài như Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo chỉ là các tổ chức của con người để giúp đỡ nhau, và để dùng một loại nghi lễ với nhau để dễ cảm thông nhau. Nó cũng giống như các công ty mà thôi. Em có thể vào công ty này hay công ty kia để mua gạo, hay ra ngoài đường mua gạo từ các bà bán gạo rong, hay về nhà tự trồng gạo.

    Chẳng lẽ Thượng đế tầm thường đến mức chỉ chơi với nhà thờ này mà không chơi với chùa kia hay sao? Hoặc chỉ muốn em gọi bằng tên này mà không là tên kia hay sao? Hoặc chỉ hiểu một cách nói chuyện, một ngôn ngữ đặc biệt thôi hay sao?

    Rất nhiều tôn giáo thế gian tuyên bố độc quyền nắm giữ thượng đế, độc quyền nắm giữ chân lý, độc quyền nắm giữ con đường đi đến thượng đế. Suy nghĩ một tí xem. Em nghĩ là thượng đế tồi vậy sao? Làm sao thượng đế quyền năng vô biên lại có thể bị con người sở hữu chủ, bị cầm tù, dễ thế?

    Rồi những người không thuộc tôn giáo thế gian nào hết thì sao? (Chắc là phải thực sự kể anh trong số đó). Những người không tin vào thượng đế thì sao?

    Anh tin là thượng đế tạo nên tất cả, tất cả là con thượng đế. Người không tin vào thượng đế nhưng sống tử tế ắt phải được thượng đế yêu thương hơn là các qu‎í vị đi nhà thờ đi chùa hàng ngày mà tâm địa dữ dằn, tối ngày chỉ muốn đập đầu kẻ họ cho là “xấu.”

    Lo lắng cho trẻ mồi côi và góa phụ trong cơn khốn đốn–tức là lo lắng đến những người nghèo khổ–và giữ mình khỏi các ô nhiễm của thế gian–tức là không gian dối không áp bức–đó là tôn giáo mà thượng đế chấp nhận.

    Thượng đế không cần ta có vào chùa hay vào nhà thờ hay không.

    Anh tin là nếu em muốn nói chuyện với thượng đế hay với chư Phật thì các vị sẽ nghe. Cứ nói theo bất cứ cách gì em thấy thoải mái. Các vị đủ thông minh và năng lực đề hiểu lòng ta. Kêu các vị bằng bất cứ tên gì–Ông Trời, Thượng Đế, Chúa, Allah, Chư Phật, Phật Thích Ca, Phật Adida, Ơi ông bà nào trên kia, Có ai trên đó không? …

    Nếu em “gởi một message đi” anh tin là có lúc em sẽ nhận được phản hồi.

    (Anh quen cầu nghuyện vói Chúa Giesu vì thói quen hồi nhỏ. Nhưng khi vào Chùa anh vẫn vầu nguyện với chư Phật. Và trong Mosque anh cầu nguyện với Allah. Có sao đâu?)

    Thánh kinh có câu: “Hỏi thì sẽ được trả lời. Tìm thì sẽ thấy. Gõ cửa thì cửa sẽ mở.” (Ask and you will be answered. Seek and you will find. Knock and the door will be opened to you).

    Và thánh kinh cũng có nói: “Thượng đế là tình yêu” và “Phúc cho những người có quả tim tinh khiết vì họ sẽ gặp thượng đế.”

    Con tim tinh khiết, đó là công thức để gặp thấy Thượng đế, gặp thấy tình yêu.

    Thượng đế ở khắp mọi nơi, quanh ta và trong ta, nhưng phải có con tim tinh khiết thì mới thấy được thượng đế. Con tim ta tinh khiết đến đâu?

    (Và khi con tim ta tinh khiết, ta thấy được thượng đế khắp nơi, quanh ta và trong ta. Đó là lúc mà Phật gia nói là giác ngộ, tìm lại được bản lai diện mục của mình–mình và tất cả vũ trụ trong ngoài là MỘT. Đó là “the ONE”, thượng đế trong các trào lưu New Age).

    Và cũng như ta chỉ nhìn thấy tình yêu bằng con tim, chứ không phải bằng con mắt, ta cũng sẽ nhìn thấy thượng đế bằng con tim, chứ không bằng con mắt.

    Anh giải thích vậy có dễ hiểu không? 🙂

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  3. Anh ơi, em cũng muốn nhẫn nại như là nước, nhưng cái gì cũng nín nhịn như vậy không biết có biến mình trở thành con người nhu nhược, xuề xòa, thậm chí là bàng quan không. Ví dụ như khi anh thấy cảnh mẹ bán con, cảnh chồng đánh vợ ở ngoài đường, anh sẽ xử lý thế nào với triết lý của nước? 🙂
    -nhung

    Like

  4. Hi Nhung,

    Anh chỉ nghe người ta nói nước hiền hòa mềm dịu chứ chưa bao giờ nghe ai nói nước nhu nhược cả. 🙂 Đại hồng thủy, sóng thần, flash flood, tức nước vỡ bờ… đủ mọi hình ảnh kinh thiên động địa để chẳng ai dám coi thường nước cả.

    Nhưng sự thực là nước rất tĩnh lặng. Tức nước mới vỡ bờ. Có động đất dưới lòng đại dương hay cuồng phong trên không mới có sóng thần. Có phả rừng mới có flash flood.

    Nếu em phải là sóng thần thì hãy chắn chắn rằng là đó là vì thời tiết chung quanh làm em phải thành thế, chứ đó không phải là mình là xe tăng, đụng đâu làm đổ vỡ đó.

    Em cứ phải tự mình làm quyết định.

    Và mình hiền dịu nhưng nhậy cảm với cuộc đời chung quanh, hay là mình lãnh cảm, đó là do ý thức và tâm thức. Nếu người có tâm lo lắng cho đời cho người thì sẽ hiền dịu nhưng không lãnh cảm. Người chỉ cần lo cho mình mà không quan tâm đến đời thì dễ thành lãnh cảm.

    Người có tư duy tích cực không bao giờ lãnh cảm. Người tiêu cực dễ thành lãnh cảm.

    Cái tâm của mình quyết định, chứ không phải là thái độ yên lặng hay đánh đấm bên ngoài quyết định.

    Em khoẻ nhé 🙂

    PS: Về phản biện xã hội, thì nếu em có bài cho phanbien.com thì rất tốt. Cám ơn em nhé.

    Like

  5. Hi anh Hoành,

    Cảm ơn anh đã dành thời gian giải thích kĩ cho em. Em thấy rất dễ hiểu. Thực sự là em chưa gặp ai có cách nghĩ về đạo cởi mở như anh đó. Em chưa từng thấy ai bảo sáng thứ 7 đi chùa, sáng chủ nhật đi lễ nhà thờ cả, cứ như hai điều đó là mặt trăng với mặt trời, nước với lửa vậy ;).

    Đúng như anh nói, đạo gì thì cuối cùng cũng là đặt Tình yêu là trung tâm, tình yêu như mặt trời dẫn lối hành động con người. Thượng đế, hay Chúa, hay Phật thực ra chỉ là những cách thể hiện khác nhau, như các loại ngôn ngữ khác nhau gọi tên một đồ vật mà thôi. Tuy vậy đôi khi thấy nhiều người theo đạo nhưng lại hiểu sai, làm sai đi những điều tốt đẹp nên em cảm thấy mình khá “dè dặt” khi tiếp cận.

    Khi anh giải thích như thế thì em thấy mình cũng nhìn nhận việc cầu nguyện hay tìm hiểu các đạo khác nhau cũng thoải mái và cởi mở hơn nhiều lắm. Nếu thực sự điều đó giúp mình sống tốt hơn, làm được những điều tốt và tránh xa điều xấu, thì có lý gì mà không lắng nghe anh nhỉ.

    Cảm ơn anh rất nhiều đã chia sẻ. Chúc anh luôn khỏe nhé 🙂

    E. Hòa

    Like

  6. Dear Anh Hoành,

    Rất cảm ơn anh về những lời chia sẻ thật chân thành, có dịp đọc bài này, em hoàn toàn đồng ý với quan niệm của anh về đấng tối cao (Không biết có phải vì em cũng là người không có đạo?!); về điều này em đã tự cảm nhận từ lâu nhưng chưa bao giờ có dịp được nghe diễn giải một cách rõ rành như anh đã cho tụi em.

    Chúc anh một ngày thật vui.

    Ngadtl

    Like

  7. Hi Lê Nga,

    Cám ơn Lê Nga đã chia sẻ với anh. Nga biết không, anh biết là những giải thích của anh về Thượng đế rất chính xác, theo truyền thống Kinh thánh Thiên chúa gia và Kinh Koran của Hồi gia, và cũng rất gần gủi với triết lý của Phật gia. Hầu như tại mức sâu thẳm nhất, các tôn giáo đều gặp nhau không 100% thì cũng 75%. Chân lý hình như chỉ có một đỉnh.

    Nhưng điều lý thú là những điều anh nói ra thường được cảm nhận sớm bởi những người chẳng theo tôn giáo nào cả. Và nhiều quý vị “có đạo” nào đó, nghe anh nói một lúc là không vui, vì khi anh bắt đầu vượt biên giới từ đạo này bước sang đạo kia là quý vị nhìn anh với con mắt “chú mày lạc đạo.”

    Tôn giáo đã làm sai nghĩa vụ mà Thượng đế và sứ giả của Thượng đế, tức là các vị thầy sáng lập, đã giao phó cho nó, là làm cho người ta gần nhau hơn và yêu nhau hơn.

    Ngược lại tôn giáo là lý do để con người chia rẽ dữ dội nhất. Hãy nhìn những chiến tranh tôn giáo trong lich sử loài người đã và đang diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày thì ta thấy.

    Thật là điều đáng buồn.

    Nhưng anh có good news cho Nga. Nếu em nghiên cứu lời chúa Giêsu và Phật Thích Ca rất cẩn thận và thực hành lời các vị thật là nghiêm chỉnh, em sẽ thấy chân lý và sức mạnh của lời dạy của các vị mạnh mẽ thế nào trong chính con tim của mình, và em sẽ biết dù cho người ta có si mê và lạm dụng các ngài đến mức không tưởng, thì lời dạy của các Ngài sẽ không bao giờ chết.

    Em khỏe nhé. 🙂

    Liked by 1 person

  8. đọc bài anh rất hay, e là người công giáo, rất thích tư tưởng a, chúa là đấng giàu lòng thương yêu, dù ai theo đạo nào, nhiễm là giữ tâm trong sạch sẽ được chúa yêu, anh chia sẻ rất hay.
    tuy nhiên, đọc câu trả lời anh trả lời cho bạn nói anh đạo nào thì em thực sự chỉ muốn đưa cho anh 1 câu thế này thôi :”ngươi không được thờ 2 chủ, vì nó sẽ kinh chủ này và ghét chủ kia, ngươi ko được vừa làm tôi thiên chúa, vừa làm tôi đồng tiền”

    anh nói anh có bố mẹ là người công giáo, dĩ nhiên, anh là người công giáo, nhưng giờ, có lẽ tôn giáo của anh là…. không xác định được, như dân Do thái ngày xưa, khi không tìm được chúa nữa, không nhận ra chúa nữa…

    cũng giống kinh thánh lắm, thường thì kẻ ngoại đạo lại là ng trở về trong số 10 người được sáng mắt và ca ngợi thiên chúa.
    đây chỉ là ý kiến của em.
    em yêu công giáo, em mong anh sẽ trở lại 🙂
    Thiên Chúa ở cùng anh…
    như người cha nhân hậu mong người con hoang đàng trở về, anh không hoang đàng chỉ là anh có hơi… mất phương hướng.. nếu anh thấy đó là điều bất công khi nam nữ bất bình đẳng thì anh hãy xem, người đàn ông nào có thể cao trọng được như đức mẹ?
    đặc điểm nổi bật của người phụ nữ công giáo có lẽ là hy sinh và thầm lặng. mà nói chung là em cũng thấy hơi bất công nhưng em chấp nhận được.
    thân ái
    *em không có ý phê bình, chỉ là đọc và muốn nói vậy thôi anh à*

    Like

  9. Hi Song Hà,

    Em chưa hiểu điều em đọc: “ngươi không được thờ 2 chủ, vì nó sẽ kinh chủ này và ghét chủ kia, ngươi ko được vừa làm tôi thiên chúa, vừa làm tôi đồng tiền.” Đây là nói đến một bên là Chúa một bên là tham lam tiền bạc. Một bên là tham lam một bên là chính trực. (Nhưng Thiên Chúa không phải là đạo Công giáo. Thiên chúa là cha của tất cả mọi người trên thế gian)

    Thượng đế có nhiều tên khác nhạu, tùy theo tiếng thổ âm mỗi vùng. Và Thượng đế có thể sai nhiều thiên sứ hay con của Thượng đế, đến nhiều nơi khác nhau của thế giới để giảng dạy cho những dân tộc khác nhau.

    Sự mù quáng của các tôn giáo sau đó, thường tạo ra đạo này nhất đạo kia nhì, rất bệnh hoạn. Và Công giáo trong vòng mấy trăm năm làm đổ máu của rất nhiều người, từ Hồi giáo đến Tin lành, vì kiêu căng cho rằng chỉ Công giáo là đúng. Và người Công giáo chưa bao giờ sám hối và chấp nhận các hành động đổ máu đó, và ăn năn trước mặt Chúa. (Đức giáo hoàng John Paul II có xin lỗi về nhiều điều đó, xem http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_apologies_made_by_Pope_John_Paul_II . Nhưng nói chung là, anh thấy người Công giáo không xin lỗi và vẫn kiêu căng ngạo mạn như xưa)

    Nếu em không vượt qua được các rào cản tôn giáo đó, thì Chúa trong lòng của em có rất nhiều hạn chế và không phải là Chúa thật.

    Em cần đọc kỹ lại lịch sử của giáo hội công giáo, do những sử gia không công giáo viết.

    Tôn giáo chỉ là một đoàn thể của một số người, chẳng có gì hơn thế. Không nên nói tôn giáo nào là đường thật, vì con người KHÔNG THỂ có đường thật, chỉ có đường nửa sai nửa đúng. Chỉ Thiên chúa có đường thật. Đường của Chúa Giêsu là “yêu Chúa và Yêu người vô điều kiện.”

    Và đây là đoạn James (em CHúa Giêsu) nói về tôn giáo trong Thánh kinh: “Tôn giáo (đạo) mà Thiên Chúa, Cha của chúng ta, chấp nhận là tinh tuyền và không lỗi lầm là tôn giáo này: chăm sóc cô nhi quả phụ trong cơn túng quẫn và giữ mình không bị thế gian làm dơ bẩn.” (James 1:27). (Religion that God our Father accepts as pure and faultless is this: to look after orphans and widows in their distress and to keep oneself from being polluted by the world. James 1:27).

    Đó là tôn giáo của Thiên Chúa, dù người ta gọi đó là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo hay Vô thần.

    Đừng nhầm Thiên Chúa với các đạo.

    Và đừng bao giờ xem Công giáo là số một, vì tội lỗi công giáo có trong lịch sử thuộc hàng số 1 thế giới. Ngay trong lịch sử nam Việt Nam thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Gia đình công giáo đó, lãnh đạo miền Nam, và làm tội làm tình người Phật tử và các tăng ni đến mức phải gọi là “kiêu căng quá độ và ngu xuẩn quá độ”, đưa đến sự sụp đổ của toàn chế độ.

    Đừng bao giờ nói Công giáo là đường đúng, và người không đi theo đường Công giáo là lầm lạc. Người nói thế chẳng biết Thiên chúa là gì.

    Like

Leave a comment