Nói chuyện thế nào ?

Chào các bạn,

Kể từ hôm nay chúng ta sẽ khai triển sâu từ từ, làm thế nào xây dựng vòng ảnh hưởng của ta lớn rộng và chắc chắn. Từ nhỏ tới lớn chắc chẳng mấy khi ta được học lớp về nói chuyện. Lúc bắt đầu bập bẹ một hai chữ… ba… ma… là bắt đầu nói chuyện với mẹ. Rồi từ đó về sau là nói chuyện tự nhiên với mọi người, từ bố mẹ anh em đến thầy cô bạn bè. Thỉnh thoảng có học được một tí vể ăn nói cho lễ độ tế nhị, nhưng đó chỉ là một vài cách thưa hỏi, chứ chẳng có lớp nào dạy ta nói chuyện cả.
conversation1
Nhưng đó mới chính là vấn đề. Đi thì ai cũng biết đi, chẳng có lớp dạy đi. Nhưng sự thật là con nhà võ phải học đi rất kỹ, và vì vậy đi như con nhà võ thì rất chắc chắn, khó bị ngã. Ăn thì chẳng có lớp dạy ăn, nhưng ăn như thiền sư “ăn chính niệm” thì tốt cho sức khỏe hơn 10 lần. Ngày xưa đi sinh con thì đi, nhưng học thì không có lớp. Ngày nay cả bố lẫn mẹ đều học lớp “sinh con” để công việc “đi biển” của phụ nữ trôi chảy hơn và có được người bạn đường chia sẻ.

Vậy thì, ta cũng cần phải học nói chuyện. Nhưng, tại sao lại phải học? Nếu không học thì có hại gì? Từ nhỏ tới lớn tôi nói chuyện một ngày 24 tiếng (nói quên ăn quên ngủ :-)) có sao đâu?

Nếu ta không học nói, thì cách nói chuyện chỉ là biểu hiên tự nhiên của cá tính (do bẩm sinh và thói quen nhờ giáo dục gia đình), và như vậy là hên xui may rủi. Có người thì nói chuyện ai cũng thương, có người thì ai cũng ghét, đa số chúng ta thì thường khi nói chuyện xong mới thấy là có những điều mình đã không nên nói, hoặc là những cách nói mình đã không nên dùng… Nói chung là vì ta không thuần thục kỹ năng nói chuyện, cho nên chất lượng nói chuyện tùy thuộc nhiều vào hên xui may rủi, tùy theo hôm đó ra ngõ có gặp… trai… hay không.

Vậy thì ta cần nghiên cứu học hỏi để có thể kiểm soát và thuần thục kỹ năng nói chuyện hơn. Và vì nói chuyện là kỹ năng ăn nói chính—truớc cả nói trước đám đông, trước cả phỏng vấn tìm việc, trước cả giảng bài—cho nên nói chuyện là kỹ năng mẹ đẻ của tất cả các kỹ năng nói khác. Học cách nói chuyện là học căn bản nói cho tất cả các kỹ năng nói khác.

Nói đến nói chuyện, chúng ta dễ bị đi lạc vào cả một rừng qui luật, như là phải khiêm tốn, phải nhỏ nhẹ, phải thành thật, phải thấu hiểu, v.v… Rất dễ bị hỗn độn trong đầu và bị lạc vòng vòng. Cho nên, chúng ta sẽ dùng một cách khác, giản dị hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ chú trọng vào vài điểm chính, từ đó mọi điều tốt khác sẽ tự động nảy sinh.

I. Mục đích của nói chuyện: Xưa nay chẳng mấy người trong chúng ta nghĩ đến mục đích của nói chuyện. Gặp bạn là nói, cả tiếng đồng hồ, hết giờ thì bye-bye ra vể. Vậy thôi.

Nhưng nếu nghĩ lại kỹ một tí thì nói chuyện là chia sẻ. Chia sẻ gì thì chưa cần biết. Nhưng chắc chắn là nói là để chia sẻ–thông tin, ‎sở thích, tình cảm, kiến thức…

Mà muốn chia sẻ thì mình phải hiểu người kia. Càng hiểu sâu hiểu kỹ, càng chia sẻ tốt. Ví dụ hai màn đối thoại sau đây:

— “Buồn quá ghé nhà bồ chơi.”
“Buồn gì vậy?”

— “Buồn quá ghé nhà bồ chơi.”
“Ừ qua đi. Để mình chạy ra tiệm tạp hóa đầu ngõ mua vài trái xoài nhâm nhi.”

Dù rằng chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra, ai cũng có thể thấy được người bạn trong ví dụ thứ hai có vẻ nhậy cảm và hiểu bạn mình hơn người trong ví dụ 1 rất nhiều.
conversation2
II. Vì vậy, quy luật nói chuyện thứ 2, là phải lắng nghe, vì chỉ có lắng nghe mới hiểu biết để chia sẻ.

Đây là qui luật thực hành đầu tiên. (Quy luật số một bên trên là mục tiêu trong tư tưởng). Và qui luật lắng nghe này trái ngược lại với đa số chúng ta. Chúng ta thường thường dùng nói chuyện để trình bày ý kiến của mình (“Thằng cha đó xí trai dã man tàn bạo”), hay sở thích (“Tôi thích nhạc rock hơn nhạc cổ điển), hay kiến thức (Decartes là cha đẻ của tam đọan luận). Nhưng đó chỉ là một chiều, và là chiều thứ hai. Chiều đầu là chiều lắng nghe, vì nếu không lắng nghe thì ta cũng nói không hiệu quả. Phải lắng nghe trước khi nói.

Cho nên phải mang “lắng nghe” về vị trí đầu trong “nói chuyện.”

Nhưng, lắng nghe bằng cách nào?

    1. Tâm niệm: “Tôi muốn thực sự hiểu được bạn tôi đang nghĩ gì, đang cảm xúc gì. Và tôi chỉ có thể hiểu được, nếu tôi lắng nghe và quan sát.”

    2. Tĩnh lặng: Ồn ào thì không lắng nghe được.

      Tĩnh lặng tức là không nói nhiều, nhất là nói ra ‎ ý kiến của mình khi không cần nói. Ví dụ:

      “Biết ông Hảo dạy toán không?”
      “Cái ông hắc quẩy kiêu căng đó ai mà không biết.”

      Câu trả lời này có thể đã cắt ngang vĩnh viễn một cuộc nói chuyện quan trọng và sâu sắc như sau:

      “Biết ông Hảo dạy toán không?”
      “Biết.”
      “Mày biết tao làm sao không?”
      “Không. Nói đi. Tao nghe.”
      “Tao có bầu với ổng…”

      Tĩnh lặng là không suy nghĩ lung tung trong đầu trong khi nghe. Chỉ nên chú tâm vào việc nghe mà thôi. Ví dụ:

      “Hôm nay trời thấy buồn quá.”
      (Nghĩ thầm: “Anh chàng này chắc lại đang thất tình cô nào đây”)

      Đừng nên suy nghĩ và phán đoán trong khi nghe như thế. Chỉ nghe vởi một qủa tim tĩnh tặng, không phán đoán, không thành kiến.
      conversation3
      Tĩnh lặng là không xung phong “cố vấn” khi chưa được hỏi. Ví dụ:

      “Bỏ thì thương, vương thì tội. Chẳng biết làm sao bây giờ.”

      Đây không phải là câu xin ‎‎y’ kiến cố vấn (như các ông thường hiểu lầm), mà chỉ là một lời tâm sự. Cách trả lời hay nhất là một chữ “Ừ.”

    3. Lắng nghe là nghe từng chữ cho kỹ.

    4. Lắng nghe là nghe cả “âm hưởng” của mỗi chữ.

    — Vân tốc nhanh hay chậm?
    — Mỗi từ nghe như pháo nổ, hay như là chinh phụ ngâm khúc?
    — Đang nói bình thường, tự nhiên chậm lại, hay đổi giọng … tức là có nhiều uẩn khúc bên trong.

    5. Lắng nghe là nghe cả “âm thanh của tĩnh lặng” (the sound of silence)

    Một quảng lặng yên có thể nói đến một tâm tư trĩu nặng rõ ràng hơn là nghìn câu nói. Thông thường, chúng ta sợ yên lặng, cho nên hay phá những quảng lặng như vậy bằng cách nói năng lung tung. Đừng làm thế. Hãy lặng yên và nghe lời nói của yên lặng.

    6. Lắng nghe là nghe cả “ngôn ngữ thân thể.” Dáng đi, cách ngồi, cách đứng… có thể nói lên rất nhiều cảm xúc trong lòng.

    7. Lắng nghe là nhẹ nhàng khuyến khích người kia nói tiếp, bằng gật đầu đồng y’, hay “ừ” “vâng” “dạ”, hay lập lại các tĩnh từ người kia mới nói “Ừ, buồn thật”, “Ừ, khó thật.”

    8. Lắng nghe là lắng nghe. Lắng nghe không có nghĩa là bạn phải cho y’ kiến, cho cố vấn, cho phán đóan, hay làm gì đó. Khi người kia cần y’ kiến, họ sẽ hỏi y’ kiến bạn, lúc đó hãy nói. Bằng không thì bạn chỉ cần lắng nghe, vậy là đủ cho cuộc nói chuyện rồi.

III. Chia sẻ thường có nghĩa là chia sẻ đồng ‎ý. Cho nên khi nói chuyện nên nói về các điểm đồng y’. Các điểm bất đồng , nếu không có lý do quan trọng thực sự phải bàn đến, thì chẳng việc gì phải lôi nó ta. Có nhiều người chỉ thích lôi những điểm bất đồng ra nói. Sao vậy?

IV. Chia sẻ không phải là một hành động tri thức, mà là một hành động tình cảm. Ngay cả khi người ta chia sẻ tri thức, ví dụ “Mình post bài giải toán này đề chia sẻ với các bạn,” dù tóan là tri thức, thì chia sẻ tri thức toán là hành động tình cảm để chia sẻ với những người mình yêu qu‎y’. Cũng như chia sẻ một quả cam–dù quả cam là thực phẩm thì việc chia sẻ quả cam cũng là hành động tình cảm.

Vì vậy, hãy đặt con tim vào việc chia sẻ khi nói chuyện. Dùng con tim để sống chí tâm, chí thành, chí tình.

Chúc các bạn một ngày vui.

Hoành

18 thoughts on “Nói chuyện thế nào ?”

  1. Hi, anh
    Theo mot vai trai nghiem cua em thi khi can mot ai do lang nghe minh, em lai thich nguoi do co van cho minh nhieu hon. Neu nhu ho chi ah, uh… gi thoi thi em lai co cam giac hut hang, va tiep theo do la cuoc noi chuyen khong the co chieu sau duoc anh ah.
    Co phai em da yeu cau qua cao o nguoi ban cua minh khong ha anh?
    Em Uyen.

    Like

  2. Hi Uyên,

    Em đang nói từ cái nhìn của người đang tâm sự, và bài này anh viết theo cái nhìn của người nghe tâm sự, tức là phía ngược lại.

    Có lẽ là khi mình muốn tâm sự với ai thì mình cũng mong được một tí cố vấn, không ít thì nhiều. Nhưng đứng từ phía kia, tức là phía người nghe, anh nói là, “Đừng cho y’ kiến cho đến khi được hỏi.” Anh đâu có nói là đừng cho y’ kiến.

    Nếu xung phong cho ý kiến khi chưa được hỏi, thường là có nhiều vấn đề: (1) Ý kiến cho khi không được hỏi thường là không được quan tâm, không được trân trọng. (2) Cho ý kiến lúc chưa được hỏi, mình thường cắt đứt dòng tâm sự của người nói, đôi khi chuyển cả hướng cảm xúc của họ. Mà điều họ cần là để dòng cảm xúc phát triển tự nhiên, ví dụ: hết giận, đến buồn, đến suy nghĩ, đến tĩnh lặng, đến tha thứ, đến bình an. Nếu mình cứ xía vào, nhiều khi mình cản trở tiến trình tự nhiên này. (3). Nếu mình cho ý kiến sớm quá, nhiều khi ý kiến mình sai bét. Nếu cứ tiếp tục ngồi nghe, mình có thể hiểu rõ vấn đề hơn, và cho ý kiến khác đi.

    Thực ra cách nghe trên đây cũng là cách nghe của các chuyên gia, như bác sĩ, tâm lý gia, luật sư…

    Việc “hỏi xin ý kiến” nói trên, không hẳn là một câu hỏi rõ ràng, mà chỉ là mội vài chữ, như “Uyên thấy sao?”

    Và dĩ nhiên khi được hỏi cố vấn, mà mình lại chẳng cố vấn gì, thì còn trông mong gì được nữa 🙂 Nhưng cho cố vấn thế nào lại là một chuyện khác, phải không? Đề tài này để lúc khác 🙂

    Uyên khỏe nhé 🙂

    Liked by 1 person

  3. em thấy khi con người ta tâm sự cho một ai đó tại họ không quá rỗi rắm với tất cả mọi chuyện và họ không biết cách sử lý
    tâm sự chỉ để nhận sự cảm thông tâm sự để thấy mình được quan tâm và đôi khi tâm sự chỉ để mình được nói những bức súc mà trước đó mình chưa giải thoát được và khi mình bắt đầu tâm sự mình sẽ sắp xếp mọi chuyện lại “có thể theo một tiến trình thời gian, cũng có thể theo mạch cảm xúc từ yêu thương đến oán trách ” để khi tâm sự xong người nghe đã hiểu ra mình phải làm gì và người được tâm sự chỉ là người làm cho người tâm sự bộc lộ nhưng nỗi niềm của mình và dẫn dắt họ theo chính câu chuyện của họ

    Like

  4. Quang nói vậy đúng lắm đó. Tiếng Mỹ có từ “to lend a sympathetic ear” như là “Whenever you need a sympathetic ear, I am always available.” Người nghe thực ra chỉ cần ngồi nghe một cách gần gũi, để người nói tâm sự và sort out his/her feelings (sắp xếp các cảm xúc lại). 🙂

    Like

  5. Hi anh Hoanh,
    Bai viet rat hay anh ah. Em rat thich nhung su quan sa’t tinh te’ cua anh ^^ hihihhi. That dung khi anh viet’ “Đừng cho y’ kiến cho đến khi được hỏi.” vi em thay minh dang tam su va gia~i bay`, cam xuc dang flowing, ma nguoi nghe lai jump vao, doi khi ca’t ngang ma.ch ca?m xu’c va nhieu khi lai khong tha’u hie?u du’ng voi nhu~ng gi` minhd ang nghi~ thi` tha.t la` ma’t di su. te’ nhi. va` do`ng ca?m. La`m ngu`oi no’i im re re` re` luon. Vay la` tha’y bu.c mi`nh he’t muo’n no’i nu~a ro`i hihih ^^

    Anyway, thanks anh nhie`u ve` ba`i vie’t. Ra’t hay ! Die? m 10 cho cha’t luo.ng ^^

    Hi vo.ng se~ duo.c do.c nhu~ng bai vie’t cua anh nhieu hon sau nay !

    Like

  6. Chào anh Hoành,

    Em đã đọc bài interested in people và bài này của anh tuy nhiên em vẫn có một câu hỏi:

    Em tự nhận là một người kém giao tiếp và tự ti. Khi đi ra ngoài xã hội gặp gỡ chưa bao giờ em thấy tự nhiên và thanh thản. Cụ thể là em đi chơi với bạn bè thì nhiều lúc em không biết nói gì trong khi các bạn cười đùa vui vẻ.

    Vậy anh có thể gợi ý cho em cách khắc phục được không ạ vì em vẫn băn khoăn là nhiều lúc em không biết phải nói gì! Cảm ơn anh!

    Like

  7. Hi Vũ,

    1. Có lẽ việc đầu tiên em nên làm là nhìn lại em và cho điểm em cao hơn một tí. Mọi sách vở trên thế giới, từ cổ chí kim, của tất cả mọi nền văn hóa, đều ca ngợi sự im lặng và phê phán nói nhiều. Thiền còn có dòng thiền vô ngôn, không nói một lời nào, để giác ngộ (và anh cho rằng đây là một cách luyện tập rất tốt, vì theo kinh nghiệm của anh, những khi anh sáng ra nhiều nhất toàn là những lúc cực kỳ tĩnh lặng). Cho nên nếu em có thói quen ít nói, thì đó là một viên kim cương rất lớn em có trong túi áo. Sao lại tự ti? Thiên hạ nói nhiều thì mặc thiên hạ. Có luật nào cấm em ngồi lắng nghe mọi người đâu?

    2. Điều thứ nhì em cần luyện tập là tập thói quen THƯỞNG THỨC cái đẹp, cái hay nơi người khác. Anh nói là “thưởng thức” nhé. Không chỉ là “thấy”. Em thấy một bông hoa đẹp, nhưng em chẳng biết thưởng thức cái đẹp đó thì cũng như không thấy thôi.

    • Trước tiên là em tập thưởng thức cái đẹp nơi thiên nhiên (vì dùng thiên nhiên là dễ thực hành nhất). Bước ra khỏi nhà, thấy một hoa cúc nở trước sân nhà, em ngồi xuống, nhìn bông hoa đó thật kỹ… cành lá xanh mướt, những cánh hoa vàng nhỏ rực rỡ trong nắng, những đường cong dịu dàng của từng cánh hoa vàng, những lay động nhẹ nhàng trong gió… làm sao tạo hóa có thể làm một bông hoa giản dị nhưng đẹp đến vậy?

    Em có thể đứng nhìn một hàng cây dưới nắng mai, những cánh chim câu bay trên thành phố… và tận hưởng cái đẹp mình đang ngắm nhìn. Nếu em không biết thường thức cái đẹp thiên nhiên ngay chung quanh mình, không phải mua vé máy bay sang Jamaica xem bãi biển ngà, thì em sẽ không biết thưởng thức cái đẹp trong con người quanh em.

    • Và em tập thưởng thức cái đẹp trong con người. Em nhìn một người nói chuyện, thấy anh ta say mê nói chuyện về ăn bún riêu chẳng hạn, em có thể ngạc nhiên về chuyện đó: “Sao mình không mê bún riêu mà anh chàng này mê dữ vậy ta?” Em có thể thưởng thức sự say mê của anh chàng qua cách anh ta mô tả về bún riêu, nói về quán bún riêu, nói về ăn bún riêu… Đó là một ngạc nhiên kỳ thú, đó là một cái đẹp mình đang thưởng thức. Và em có thể hỏi thêm chi tiết về bún riêu nếu em tò mò.

    Nếu em làm được như thế thường xuyên thì mỗi khi nhìn người khác nói em sẽ thấy được một nét đẹp thật đáng ngạc nhiên, thật lạ lùng của người đó. Nếu em đừng để cái đầu của em bị giam tù bởi những thành kiến như “tiếng Huế nghe rất khó chịu” thì em sẽ thấy có rất nhiều câu hỏi kỳ thú khi em nghe một cô nói tiếng Huế rặc ri giữa Hà Nội hay Sài Gòn: “Hay quá nhỉ, sao cô này không nhái giọng Bắc hay giọng Nam khi ở Bắc hay Nam như những người khác? Sao cố ấy quá tự nhiên nói tiếng Huế ngay ở đây? Cô ấy chưa ở ngoài Huế bao giờ hay sao? Nhưng chưa ở ngoài thì sao lại tự nhiên như vậy? Cô ấy rất hãnh diện về giọng Huế của mình hay sao? Cô ấy rất tự tin hay sao?…”

    Nói chung là nếu em hoàn toàn không có thành kiến về bất kì việc gì, và em thích quan sát để thưởng thức và học hỏi, em luôn luôn thấy được những nét đẹp kì thú nơi người khác, mỗi người, mỗi lúc, kể cả người em ở chung một nhà mấy năm rồi, vì mỗi người là một thế giới riêng, luôn luôn cho mình thấy những điều mới lạ nếu mình biết ngắm nhìn để thưởng thức những nét lạ kì thú… kể cả khi người ta làm việc em kị, như là ăn sầu riêng và em rất ghét mùi sầu riêng.

    Nếu em làm được như thế, thì cả thiên hạ ai cũng muốn ngồi nói cả ngày để em ngồi nghe, và chẳng ai cần em nói gì cả. Cơ thể (thân ngữ) của em sẽ nói rất nhiều ấm áp thân tình với họ.

    Em khỏe nhé.

    Liked by 1 person

  8. Hi anh Hoành!!
    Những bài viết của anh có sức hấp dẫn đến kì lạ. Em thấy bài nào cũng hay, súc tích, có ý nghĩa. Em rất đồng ý với quan điểm của anh trong bài này. Đứng trên góc độ một người cần chia sẻ hay người được chia sẻ thì e thích sự lắng nghe, lắng nghe bằng trái tim, lắng nghe bằng sự chân thành. Với người cần chia sẻ thì như vậy cũng đủ rồi, trừ khi họ mong muốn có một sự góp ý cụ thể từ việc đặt ra câu hỏi cho người mình tin tưởng
    Cảm ơn anh về bài viết. Chúc a khỏe!!

    Like

  9. chà hay thật.em đã có thể im lặng khi nghe người ta nói , không cắt ngang lời khi họ đang nói, không đưa ý kiến khi người ta không cần.quan trọng là phải biết lắng nghe.im lặng đúng là đỉnh cao của âm thanh. cảm ơn anh HOANH rất nhiều…

    Like

  10. Em là fan cuồng của anh Hoành rồi đây, ngày nào cũng vô vườn chuối lục chuối mà ăn ngấu nghiến haha.

    Anh có biết những trang web nào mang tính chất nội dung hơi giống dotchuoinon.com thì giới thiệu cho em nhé! Cảm ơn anh.
    Chúc anh luôn có những bài viết hay.

    Like

  11. Dạo này em viết và kiểm tra chính tả rất kỹ nhưng sao khi post lên lại không có dấu, mong anh Hoành thông cảm.

    Like

  12. Hi anh Hoành,
    Có một người nói với em là “ngộ được đến đâu thì ngộ”, không cần phải quá “tham”. Trong bài này anh nói chú trọng vào một – hai điểm chính căn bản, mọi việc tốt đẹp khác sẽ tự nảy sinh. Nhưng em thấy anh viết tới 4 điểm chính “in đậm”, vậy là hai hay bốn vậy anh?

    Like

  13. Tks Trang. Anh nói “một hai” với nghĩa “một vài” hay “vài”, chứ không có nghĩa con số. Anh đã sửa thành “vài”, đồng thời chỉnh lại cách trình bày giàn bài, cho rõ ràng hơn.

    Like

  14. Hi anh Hoành,
    Chợt đọc lại bài này khi em đang thắc mắc những nguyên tắc trong giao tiếp. Cảm ơn anh Hoành đã lắng nghe dòng comment của em bên trên ạ.
    Thật sự đọc lúc đầu em thấy hơi rối (chắc có lẽ do thiếu nhạy cảm), rồi tìm lại bài này xem lại thật kỹ sau một thời gian thực hành, em mới thấy kinh nghiệm mà anh chia sẻ thật sự là quý giá (ban đầu đã quý giá rồi nhưng ko hiểu được thì chắc anh đành chịu 🙂 )…
    Em xin cảm ơn anh một lần nữa nhé. Kính chúc anh và gia đình thật nhiều sức khỏe ạ!

    Like

  15. Chào anh Hoành.
    Cám ơn anh vì bài viết khá rõ ràng và tích cực.
    Em có một thắc mắc nhỏ mong được anh giải đáp.
    Làm thế nào để tĩnh lặng lắng nghe mà k suy nghĩ trong đầu ạ?
    Thường thì khi nghe một điều gì đó thì suy nghĩ của em sẽ là cố gắng tìm hiểu xem người nói đang bị gì với mong muốn hỗ trợ họ tốt nhất. Nhưng bài này anh lại bảo là không nên suy nghĩ hay phán đoán, chỉ tĩnh lặng và nghe thôi. Nếu chỉ như vậy thì làm sao biết được người nói đang như thế nào? thành ra mình không nhạy cảm và đồng cảm được với người nói rồi anh.
    Ví dụ cho dễ hình dung, khi nghe bạn nói
    -“Buồn quá ghé nhà bồ chơi.”
    Thì em sẽ chẳng biết bạn này bị gì, theo phản ứng thì em sẽ hỏi lại:
    -“sao vậy, bị gì, nói nghe”
    với một tâm thế muốn biết bạn bị gì để mình tìm cách giúp đỡ bạn.
    Lúc đó trong đầu em sẽ nghĩ tới hàng loạt các nguyên nhân mà em biết có thể làm cho bạn này buồn, sao đó sẽ là hàng loạt các biện pháp để giúp bạn.
    Đấy, nếu là hiện tại thì suy nghĩ em sẽ như vậy đấy anh. Và em nghĩ, nếu chỉ nghe thôi thì sao mình biết được bạn kia thế nào và làm gì để giúp đỡ hả anh? Em đang thấy có sự mâu thuẩn với sự tĩnh lặng không phán đoán của anh vừa nói. Anh cho em xin thêm góc nhìn anh nhé.
    Cám ơn anh,

    Liked by 1 person

  16. Hi Phước Thịnh,

    Đương nhiên là em muốn hiểu chuyện và hỗ trợ bạn. Nhưng mỗi việc đều có giờ của nó.

    Muốn hiểu chuyện thì phải lắng nghe, không có cách nào khác, không có cách nào khác, không có cách nào khác. Lắng nghe là lắng nghe. Không làm việc khác trong đầu như suy đoán, tính toán, cho tư vấn, thêm ý kiến.

    Em thấy bác sĩ tâm lý nói chuyện (đúng ra là nghe chuyện) với bệnh nhân chưa? Bác sí tâm lý nghe, sau khi nghe nhiều thì sẽ hiểu hết chuyện và biết cách giải quyết.

    Nghe là một nghệ thuật. Khi nghe thì chú tâm vào nghe, đừng ồn ào trong đầu không nghe được.

    Nhớ, sống ở đời, nghe quan trọng gấp đôi nói, vì thế mà trời cho ta 2 cái tai và chỉ một cái miệng.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment