Kiên Nhẫn là gì và làm sao để có kiên nhẫn

Chào các bạn,

Có lẽ đức tính được người đời ca tụng nhiều nhất là tính kiên nhẫn. Cato the Elder nói, “Kiên nhẫn là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính.” Issac Newton nói, “Nếu tôi có được khám phá giá trị nào, đó là nhờ chú ‎y’ kiên nhẫn hơn là bất kỳ tài năng nào tôi có.” Vậy, kiên nhẫn là gì và làm sao ta có được kiên nhẫn?

Từ kiên nhẫn (patience) có nhiều nghĩa hơi khác nhau tùy theo từng ngữ cảnh. Khi thì nó có nghĩa kiên trì, không bỏ cuộc; khi thì không quá nóng lòng chờ kết quả, cứ bình tĩnh chờ thời gian đến; khi thì có nghĩa nhẫn nhục chịu đựng khó khăn. Tùy theo ‎ y’ nghĩa khác nhau, chúng ta có luyện tập kiên nhẫn khác nhau.

patience

1. Kiên nhẫn là biết thời gian tính. Đây là vấn đề timing. Đây là kiên nhẫn người ta nói đến thường nhất, thực tế nhất, và cần ít công phu nhất.

Bất cứ điều gì trên đời cũng cần thời gian. Nếu nấu cơm cần 20 phút để cơm chín, thì ta không thể tăng lửa cao gấp 5 lần và 4 phút sau thì xong nồi cơm… cháy. Kiên nhẫn là biết thời gian đòi hỏi cho một vấn đề, chờ thời gian đó đến. Đây thuần túy là kiến thức và kinh nghiệm.

Mỗi vấn đề, mỗi công việc, đều có những chu trình riêng và những mốc thời gian cho chu trình. Người hiểu vấn đề thì kiên nhẫn đợi thời gian, làm việc theo chu trình thời gian. Người không hiểu thì bồn chồn nóng nảy “Tại sao chưa thấy gì?” và làm thêm điều gì đó chưa nên làm, vì vậy mà hỏng chuyện. Cho nên, việc gì chưa biết chưa rành, thì học người có kinh nghiệm hơn chỉ lại.

Chú sư tử rình mồi, biết là dòng suối này thường có nai đến uống nước, cho nên cứ kiên nhẫn nằm trong bụi rậm, hết trưa đến chiều đến tối, hôm nay chưa có, ngày mai cũng phải có. Căn bản thời gian tính này mà còn không biết, và không hành động theo thời gian, thì nhất định là phải đói.

2. Kiên nhẫn là kiên trì cho đến lúc thành công. Đây là mức cao hơn của kiên nhẫn, và là yếu tố số một của thành công trong các dự án. Nếu ta có một mục đích, và mắt ta không rời mục đích đó, cứ gắng công đi đến mục đích dù mưa gió bão bùng hay động đất, thì ta sẽ đến mục đích một ngày nào đó. Đây thuần túy là vấn đề ‎y’ chí. Chúng ta đã nói đến vấn đề này trong bài Kiên trì—Yếu tố số một của thành công.

persistence4
Kiên trì ở đây, ngoài yếu tố “đi hoài cũng tới đích”, nó còn hàm ‎y’ nghị lực chiến thắng 3 lọai tiêu cực trên đường đi—tiêu cực từ chính mình, tiêu cực từ hoàn cảnh, và tiêu cực từ người khác.
.

  • Tiêu cực từ chính mình là không tự tin vào mình, không tin là mình có thể có tài năng, không tin là mình có thể thành công. Người không tin vào mình thì không bao giờ đến đích vì họ không bao giờ đi, vì họ tin là họ không đủ sức đi. Đây là chưa đánh đã thua.
  • Tiêu cực từ chính mình còn là ngượng ngùng, ngại ngùng, không dám đứng dậy nổi bật lên, chỉ muốn chìm vào đám đông cho thoải mái, cho nên không dám làm điều gì vượt trội.

    Muốn tự tin vào chính mình thì chỉ phải lăn vào chiến trận để biết là mình thực ra cũng không tồi. Như học trò học võ, cách duy nhất để tự tin là ra sân đấu. Mấy hôm đầu ăn đòn hơi nhiều, mấy hôm sau ăn đòn ít hơn, và lại thấy mình cũng cho đối phương ăn được vài đòn. Thế là có tự tin.

    Nếu cứ để sợ hãi trong lòng mình níu mình lại, không cho mình vào chiến trận, không cho mình ăn đòn, thì mình sẽ sợ hãi và thiếu tự tin cả đời.
    .

  • Tiêu cực từ hoàn cảnh là đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhà tôi nghèo, tôi có tật, tôi không được thông minh… Cứ mang cái yếu của mình ra để biện minh cho sự thiếu thành công của mình.
  • Thành công không lệ thuộc vào cái yếu của mình, mà chỉ lệ thuộc vào cái mạnh của mình. Ví dụ: Giải vô địch toán không biết nhà mình nghèo hay giàu, mà chỉ biết cái đầu mình giỏi toán đến mức nào. Vậy thì, đừng nói nhà tôi nghèo, mà hãy nói tôi có cái đầu nhậy toán. Giải vật tay không biết bạn bị mất một chân, mà chỉ biết bạn có cánh tay vô địch. Vậy thì đừng nói tôi mất một chân, hãy nói tôi có cánh tay lực lưỡng.

    Đổ lỗi cho những yếu kém của hoàn cảnh là suy nghĩ thiếu luận l‎ý. “Thành công của bạn không biết đến các điểm yếu của bạn, và chỉ biết chiều theo sức mạnh của bạn.” Vậy thì, đừng nói đến các điểm yếu của hoàn cảnh của mình. Hãy chú tâm đến những điểm mạnh của mình mà phát triển.
    .

  • Tiêu cực từ những người khác là những chê bai, chế giễu, chống đối, cười cợt… Nếu bạn có một‎ ý tưởng thật siêu, thì chỉ có một mình bạn, và một thiểu số cực kỳ nhỏ, biết nó là ‎siêu. Đa số người còn lại không thể biết đó là ‎ý siêu, vì nếu đa số biết đó là ý siêu, nó nhất định phải là ý xoàng. Cái thật hay, chỉ một số nhỏ người có thể thấy. Vì vậy, bạn sẽ bị đám đông chế nhạo. Bạn có đủ tự tin để phe lờ họ và đi suốt con đường không?
  • humbleness5
    3. Kiên nhẫn là nhẫn nhục, nhẫn nhịn. Đây là ý nghĩa cao nhất của kiên nhẫn. Đây không còn là thành công trong vài dự án, và là hoàn toàn làm chủ tâm mình, làm chủ đời mình, thành công cho cả đời mình. Đây là nhẫn nhục mà ta đã nói trong bài Một sự nhịn là chín sự lành, là khiêm tốn và không còn cái tôi, là mẹ đẻ của tất cả các kỹ năng sống khác, mà ta đã nói trong bài Những kỹ năng sống, Làm thế nào để khiêm tốn.

    Khi không còn “cái tôi” thì ta khiêm tốn, ta nhẫn nhục, ta kiên nhẫn… ta làm chủ tâm mình. Ta có thể có được những kỹ năng sống khác một cách tự nhiên.

    Trong đa số các khóa học về tư duy tích cực trên thị trường ngày nay, chúng ta chỉ học được đến điểm thứ nhất và thứ 2 trên đây. Tuy nhiên, điểm thứ 3 này mới là nền tảng sâu nhất của tư duy tích cực.

    Chúc các bạn một ngày vui.

    Mến,

    Hoành

    © copyright TDH, 2009
    www.dotchuoinnon.com
    Permission for non-commercial use

    13 thoughts on “Kiên Nhẫn là gì và làm sao để có kiên nhẫn”

    1. Cảm ơn anh Hoành đã dành thời gian chia sẻ, e rất đồng ý kiên nhẫn “là biết thời gian tính”, cái này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và đôi khi cần kết hợp với sự khiêm tốn, vì nếu thiếu khiêm tốn dễ dẫn đến “bốc đồng”.

      Bài viết thật hữu ích.

      Like

    2. Ôi hân hạnh cho em quá hii..Thỉnh thoảng em lại vào đọc lại, cũng là một cách nhắc mình phải biết kiên nhẫn :). Chúc anh một ngày vui và chờ các bài chia sẻ của anh!

      Like

    3. Anh Hoành ơi
      Em biết đến một người rất kiên nhẫn theo nghĩa kiên trì không bao giờ bỏ cuộc (điều này làm em rất phục), nhưng lại không kiên nhẫn ở chỗ rất nóng tính và cái tôi quá lớn. Đó là một con người rất giỏi, những việc mà người đó làm là rất tốt, đều là vì xã hội hơn là vì bản thân và vì gia đình. Em rất muốn gửi bài viết này của anh để tặng người đó, vì người đó rất quan trọng với em anh ạ.
      Em cảm ơn anh Hoành nhiều nhé,mong rằng bài viết này sẽ có ích cho người thân của em.
      Em Uyên.

      Like

    4. Em nhận xét rất đúng, Tố Uyên à. Đại đa số người kiên trì để thành công thường có cái tôi rất lớn. Nói theo kiểu Mỹ là Type A personality. Lọai người này thời cuối thập niên 70 và sang thập niên 80 ở Mỹ được ca tụng như là lọai người lý tưởng (có lẽ vì vậy mà gọi là Loại A). Đến giữa thập niên 90s, lọai người này bị bệnh và chết rất nhiều (vì sống quá stressful nhiều năm).

      Cho nên mình phải trưởng thành thêm một bước sâu sắc hơn nữa là kiên nhẫn đến mức độ cao nhất–nhẫn nhục và nhẫn nhịn. Như vậy thì mình vẫn có kiên trì, nhưng là kiên trì của một dòng nước không ngừng, chứ không phải kiên trì của môt chiếc xe tăng cày lên mọi thứ mà đi. Đó là cái mềm dịu đến được mọi nơi, nuôi đuợc mọi loài, và không có gì có thể cản trở được, của nước, mà Lão tử đã nói đến trong Đạo đức kinh.

      Phần lớn trong văn hóa Mỹ (nói chung là Âu Mỹ) thì dừng ở mức kiên trì. Ngay cả trong đa số trường phải “tư duy tích cực”, họ cũng chỉ biết đến mức kiên trì là hết, mặc dù ông tổ của khoa tư duy tích cưc, Norman Vincent Peale, thì đặt căn bản cả khoa TDTC trên yêu thương và nhẫn nhịn, và chúa Giêsu, mà người Thiên chúa giáo Âu Mỹ xem như là thầy và chúa của mình, cũng chỉ có dạy yêu thương và nhẫn nhịn. (Bởi vậy, học trò hay phá hủy cái dạy của thầy! Các đại sư phụ của thế giới như phật Thích Ca, chúa Giêsu, Khổng tử, Lão tử, Tiên Tri Muhammad, luôn luôn bị nhiều đám hậu nhân phá hoại).

      Trong cuối thập niên 90s và thập niên 2000s này, người Mỹ chậm lại một tí, không ai muốn ca tụng lối sống type A, đồng thời được ảnh hưởng Phật giáo và các truyền thống tâm linh diu dàng khác như thổ dân da đỏ (là gốc của nước Mỹ), cho nên họ bắt đầu để ý đến dịu dàng, khiêm tốn và nhẫn nhịn hơn.

      Tuy nhiên, cái học về khiêm tốn và nhẫn nhịn của Âu Mỹ, so với người Đông Phương nói chung, thì còn thua nguời Đông Phương rất xa vời.

      Đằng khác, người Đông Phương mình lại cần học “tự tin” và “tự chủ” hơn một tí.

      Em khỏe nha 🙂

      Liked by 1 person

    5. Cám ơn thật nhiều về những lời viết của các bạn . Biết và làm là hai việc – thực tế rất khó để thực hiện cùng . Biết người ta sai , làm sao để cho người biết sai và trở lại đúng . Phải, cái TÔI rất lớn cùng cái tội đi cùng . Khó lắm. – Kiên Nhẩn và Nhẩn Nhục là hai việc cần học . Đồng thời TỰ TIN và TỰ CHỦ thường đi đến TỰ KIÊU và TỰ MÃN , sau cùng đến chổ TỰ TỬ.
      Cám ơn các bạn .

      Like

    6. Quả thật cs của mình bây giờ đang thiếu chữ “Nhẫn” nên mất cân bằng quá…cảm ơn bài viết của bạn…^^.

      Like

    7. “Kiên nhẫn là nhẫn nhục, nhẫn nhịn. Đây là ý nghĩa cao nhất của kiên nhẫn. Đây không còn là thành công trong vài dự án, và là hoàn toàn làm chủ tâm mình, làm chủ đời mình, thành công cho cả đời mình”

      Em rất tâm đắc với đoạn này. Mấy hôm rồi em có đọc cuốn sách rất nổi tiếng Từ Tốt Đến Vĩ Đại của Jim Collims và trong cuốn cũng có thấy đề cập đến vấn đề khiêm tốn của người lãnh đạo cấp 5(khái niệm đưa ra trong cuốn sách để nói về cảnh giới cao nhất của nhà lãnh đạo). Những công ty phát triễn đột phá và bền vững qua nhiều đời lãnh đạo phần lớn được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo biết khiêm tốn.

      Like

    Leave a comment