Lãnh đạo là gì?

leaders-youth

Chào các bạn,

Trước đây chúng ta đã có bài Điều gì làm nên lãnh đạoThành tố của tuyệt vời , tóm tắt các điểm chính về lãnh đạo. Hôm nay chúng ta bắt đầu đi sâu hơn vào chi tiết, từ những điểm chính trong hai bài đó.

Lãnh đạo có lẽ là nghệ thuật sống hấp dẫn nhất cũng như mù mờ nhất của con người. Hấp dẫn vì lãnh đạo giỏi luôn luôn làm cho mọi thành viên đi theo bùng lửa trong lòng. Mù mờ vì (1) lãnh đạo tùy thuộc rất mạnh vào cá tính người lãnh đạo, và (2) vì đa số mọi người hay nhầm lẫn chức vị với lãnh đạo.

Hãy tưởng tượng đến một câu thanh niên lập quán phở. Từ “cái không”, cậu thuê nhà, sửa cửa, tìm đầu bếp hoặc tự nấu, quảng cáo tiếp thị, đón khách , nếu cần thì làm tiếp viên và chùi nhà luôn, tạo thành tiệm phở. Khi tiệm phở thành công, cậu thuê một quản lý trông coi tiệm, để cậu đến nơi khác mở thêm tiệm mới. Cậu này là lãnh đạo, và người quản lý của tiệm phở là quản lý.

1. Điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là lãnh đạo tạo từ “cái không” ra “cái có” và quản lý thì giữ cái có cho đừng mất đi thành cái không. Lãnh đạo cần tầm nhìn, cần lòng tin, cần sáng tạo, cần can đảm, cần khả năng khởi lửa trong lòng những người theo mình. Quản lý cần quy tắc, phương thức vạch sẵn, duy trì và sử dụng những phương thức này để duy trì và phát triển tổ chức.

Dĩ nhiên là ta muốn các quản lý đều có tính lãnh đạo, như vậy thì tổ chức mới có đủ năng lực sáng tạo và động lực để tiến. Tuy nhiên, các khóa học dạy kỹ năng quản lý (management) nhưng lại gọi là khóa học về lãnh đạo (leadership), làm hại nghệ thuật lãnh đạo rất nhiều, vì làm cho người ta hiểu lầm là lãnh đạo chỉ là những kỹ năng quản lý.

Khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo cũng thường là khác biệt giữa lãnh đạo và chức vị. Các chức vị trong các tổ chức là các chức vị quản lý. Lãnh đạo có thể có chức vị, như là giám đốc hội đồng quản trị, nhưng thông thường là không có chức vị, như người chủ quán phở mới mở, tự mình phải làm đủ mọi chuyện từ chỉ huy và giao tiếp đến quét nhà. Chức vị thông thường nhất cho lãnh đạo là “người sáng lập.”

Bất cứ người nào thành lập môt dự án nào đó, một nhóm nào đó, như là “Thanh niên ái quốc tranh đấu cho cà phê vỉa hè” :-), thì đương nhiên là lãnh đạo của dự án đó, của nhóm đó, mà chẳng cần ai cho mình một chức vị lãnh đạo nào cả. Lãnh đạo là một vai trò tự nhiên nằm trên vai của người lãnh đạo, hoàn toàn không lệ thuộc vào chức vị của tổ chức. Người có “chức vị lãnh đạo” có thể là lãnh đạo thực của tổ chức đó, hoặc cũng có thể chỉ là bù nhìn nếu các thành viên chỉ nghe theo lời của một người khác, tức là người “lãnh đạo thực sự”, dù rằng người này chỉ có chức vị “phó thường dân” trong tổ chức.

leadershipyouth

2. Điều quan trọng nhất cho lãnh đạo là phải biết mình và quản lý được chính mình. Nếu không biết ngay cả mình thì không biết được ai cả, nếu không quản lý được cả mình thì không quản lý được ai cả, làm sao làm lãnh đạo được? Biết mình và quản lý mình thực ra chỉ là một việc, vì nếu ta thực sự biết ta đương nhiên là ta tự quản lý ta được.

Đó chính là làm chủ được tất cả mọi sinh hoạt tri thức và cảm tính của mình. Biết khi nào cơn giận muốn đến, tại sao nó muốn đến, và có khả năng chận nó lại, không cho nó phủ chụp lên mình, vì “giận mất khôn”, làm sao dẫn đường cho ai được?

Tất cả mọi loại cảm xúc—thành kiến, nóng giận, sợ hãi, bảo thủ, yêu, ghét, v.v..— đều có có thể làm cho ta mất thông minh, đều phải được nhận diện, chận đứng và quản lý. Nêu không thì không thể thành lãnh đạo khá được. Một cái tâm luôn luôn tĩnh lặng và bình tĩnh là điều tiên quyết của lãnh đạo. Ngay cả trong các võ đường khi xưa, ngoài giờ chạy nhảy đấm đá, ngồi thiền tập hít thở, tập đầu óc tĩnh lặng, được con nhà võ gọi là tập khí công, là điều quan trọng nhất trong võ học chính tông (Ngày nay, phần nhiều các võ đường không hiểu mức quan trọng của việc này). Tiếng đồn là tập khí công cách đó thì công lực sẽ tăng tuyệt đỉnh. Thật ra, cái chính của ngồi thiền như vậy là để tâm tĩnh lặng, không thể nhảy choi choi vì giận, vì sợ, hay vì gì cả. Thông thường khi gặp nguy hiểm, adrenaline tăng đột ngột và làm cho não bộ ta không còn sáng suốt như lúc thường. Tập tâm tĩnh lặng để adrenaline không thể làm cho ta thành u tối là điều tiên quyết của võ học, và tiên quyết cho tướng trên chiến trường. Tướng mà giữa chiến trận mịt trời tâm vẫn lặng như mặt hồ thu, thì rất khó thua.

3. Lãnh đạo phải tự có lửa trong lòng, vì lãnh đạo phải tự động viên mình và động viên người khác. Thông thường chẳng mấy ai động viên lãnh đạo vì (1) người lãnh đạo có tầm nhìn thường làm các việc chẳng có nghĩa lý gì (nếu không nói là điên) đối với đa số người, và (2) lãnh đạo cứ phải động viên mọi người thường xuyên, nên chẳng ai nghĩ là chính lãnh đạo cũng cần được động viên. Vì vậy, lãnh đạo phải có lửa rất mạnh trong lòng. Cho nên, yêu một cái gì đó, đam mê một cái gì đó, mơ ước đắm đuối một điều gì đó, là một thành tố không thể thiếu trong lãnh đạo. Và nếu ta gạt bỏ đam mê của mình và sống cái đam mê của người khác, dù người khác đó là cha mẹ, thì rất khó để có đủ lửa làm lãnh đạo.

Ở đây ta dùng các từ rất nóng, như đam mê, say đắm, để nhấn mạnh đến sức mạnh của điều tạo ra lửa trong lòng. Nhưng đam mê này không nhất thiết phải hừng hực như lửa, mà nó có thể là một ước muốn rất mạnh mẽ nhưng tĩnh lặng và dịu dàng, như đam mê đi tu hay đam mê hy sinh cuộc đời lo cho các người nghèo nơi thôn ấp. Thực ra, như đã nói trên, quản lý tâm được tĩnh lặng là điều kiện tiên quyết cho lãnh đạo, cho nên nếu ta đam mê mạnh nhưng tâm ta cứ nhảy chồm chồm vì đam mê đó, thì ta chưa đủ khả năng lãnh đạo. Phải có ước muốn và quyết tâm rất mạnh, nhưng vẫn quản lý được tâm tĩnh lặng, như vậy mới là lãnh đạo.

4. Lãnh đạo phải có mục đích. Đây còn gọi là tầm nhìn, nếu ta muốn ám chỉ mục đích xa hơn là một hai năm. Lãnh đạo là dẫn đường, mà dẫn đường thì đương nhiên là phải biết đi đâu. Mà đi đâu, thì đó là quyền và nghĩa vụ của người lãnh đạo. Mình cứ muốn đi đâu trước, rồi gọi mọi người đi theo, ai muốn đến cùng nơi thì sẽ theo mình, ai không muốn thì không theo. Đây là điều rất quan trọng trong lãnh đạo. Ví dụ, Gandhi muốn dành độc lập bằng đấu tranh bất bạo động. Có rất nhiều người Ấn lúc đó chủ trương bạo động. Nếu Gandhi nghe theo họ, và thay đổi đường lối thì đó không còn là Gandhi nữa. Lãnh đạo phải đặt mục tiêu, và mọi người đi theo lãnh đạo.

Nhưng tại sao ta hay nghe nói lãnh đạo phải đi theo dân? Đi theo ở đây là đi theo ước muốn và rung động của dân—dân muốn công ăn việc làm, không bị áp bức, con cái có trường học, khi bệnh có bệnh viện, có quyền giữ tài sản, v.v… Phục vụ những ước muốn này là “đi theo dân”. Còn xuất cảng/nhập cảng thế nào, tổ chức giáo dục thế nào, tổ chức phát triển thế nào, đó là mục tiêu của lãnh đạo. Thủ tướng không thể nói với các bộ trưởng, “Muốn làm gì đó thì làm.” Thủ tướng phải có đường đi rõ ràng để các bộ trưởng cùng đi trong đường đó. Tương tự như thế, người sáng lập một nhóm bạn trẻ phải biết là mình muốn lập nhóm để làm gì thì mới có thể kêu gọi bạn bè gia nhập được.

leadership-flyingbirds
5. Lãnh đạo phải có hấp lực tự nhiên. Tự nhiên tức là tự mình mà có, không cần các trò quỷ quái hay tiếp thị rẻ tiền. Lãnh đạo là dẫn đường cho một nhóm người, đương nhiên là phải có hấp lực để người theo mình. Nhưng hấp lực đó từ đâu mà có?

Đương nhiên hấp lực đến do mục đíchhăng say (lửa) của mình, nhưng nó còn lệ thuộc vào một số yếu tố khác.

• Những giá trị mà mọi người ưa thích: Nói chung, ta có thể nói ai cũng quý trọng nhân lễ nghĩa trí tín, tạm dịch (không hoàn toàn chính xác) là lòng thương người, lễ độ, lòng trung thành, trí tuệ, và thành thật. Người có những cá tính này đương nhiên là có nhiều người yêu.

Tuy nhiên, người ta lại rất ghét đạo đức giả, hoặc “tự xem là đạo đức” (self-righteous), hoặc máy móc. Cho nên nếu miệng nói nhân lễ nghĩa trí tín để chỉ đạo đức giả thì thiên hạ ghét. Hoặc cứ xem ta là người đạo đức hơn thiên hạ, cũng không ai ưa. Hoặc cứ dùng đạo đức công thức máy móc như rôbô, cũng rất đáng chán.

Nói chung là nếu ta nhân lễ nghĩa trí tín thật trong lòng, và đừng mang nhân lễ nghĩa trí tín của ta ra mà đo người khác và phê bình người khác, nếu ta khiêm tốn và thành thật với những khuyết điểm của mình một tí, thì ta sẽ có hấp lực tự nhiên. Và vì là hấp lực tự nhiên, nên nó tự nhiên mà có. Nếu ta cố cho có, thì không có được, mà nếu có thì cũng không “tự nhiên.”

• Càng mở rộng cửa lòng ta thì nhiều người càng dễ vào. Con người của ta phong phú hơn chỉ là cái tên và chức vụ– ta có gia đình, con cái, sở thích cá nhân (ẩm thực, âm nhạc, phim ảnh, thơ phú, v.v..), lo lắng, quan tâm,… Người khác càng hiểu con người cá nhân của ta, càng dễ cho họ yêu ta. Ngược lại, ta càng quan tâm vào đời tư của người khác, càng dễ cho ta yêu họ. Dĩ nhiên quan tâm vào đời tư không có nghĩa là xâm phạm vào đời tư của người khác. Khi mình cảm thấy người ta có vẻ ngại là mình chúi mũi hơi sâu thì dừng lại ở đó.

6. Lãnh đạo phải tự tin. Vì lãnh đạo có tầm nhìn thì thường thấy cái mà người khác không thấy, cho nên thường là lãnh đạo không có thầy dìu dắt trong công việc của mình. Vì vậy, tự mình phải mần mò, thử từng bước một trên cuộc hành trình. Tính toán sai và sửa sai là chuyện thường. Nhiều người khác sẽ cho rằng mình sẽ thất bại, vì sai hơi nhiều. Nhưng mình phải tự tin vào quyết tâm của mình. Quyết tâm phải thành công là sẽ thành công. Không có quyết tâm này, không lãnh đạo được. Tự tin tạo nên quyết tâm và can đảm, không sợ thất bại.

leadership-lion-posters
7. Lãnh đạo là phục vụ: Leader is servant. Đây là một mô hình mà mọi “lãnh đạo” đều nói và chẳng mấy người làm. Theo mình nghĩ, nếu một cậu bé đánh giầy đang đáng giầy cho ta và ta lỡ tay làm đổ cà phê trên chiếc dép của cậu bé, nếu ta không xung phong mang chiếc dép đi rửa, thì ta không có khả năng phục vụ. Phục vụ có nghĩa là làm việc kiểu tiếp viên nhà hàng, hay bé đánh giày phục vụ khách. Dĩ nhiên là lãnh đạo quốc gia thì không có thời giờ phục vụ trong nhà hàng, nhưng nếu ông ta không sẵn sàng làm tiếp viên hay đánh giày khi có dịp, thì ông ta chưa đủ chín mùi tâm linh (spiritual maturity) và mọi “phục vụ” của ông ta chỉ là “dịch vụ đầu môi” (lip service).

8. Mọi chúng ta đều là lãnh đạo và đều là người đi theo. Trong cách sống bình đẳng và nâng đỡ nhau ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều là lãnh đạo (leader). Cứ khởi động một dự án, thành lập một nhóm, dạy vài học trò, đương nhiên là lãnh đạo. Và ai trong chúng ta cũng là người đi theo (follower). Nếu ta ở trong một nhóm do người khác lãnh đạo, thì ta là người đi theo. Trong mô hình mạng lưới ngày nay, được Internet hỗ trợ mạnh mẽ, tất cả chúng ta lãnh đạo nhau và theo nhau, trong nhiều dự án khác nhau. Mô hình kim tự tháp, với một lãnh đạo cao nhất ở trên, rồi nhiều cấp thấp hơn đi xuống từ từ, còn lại rất ít trong xã hội. Ngay cả trong các đại công ty, mô hình kim tự tháp gần như biến mất. Người ta hay nói đùa (nhưng có thật) là sơ đồ tổ chức các công ty ngày nay chỉ có hai hàng—hàng đầu tổng giám đốc, hàng nhì tất cả mọi nhân viên của công ty.

Vì vậy mỗi người chúng ta, già trẻ nam nữ, đều cần có tự tin, đứng lên tổ chức các hoạt động lợi ích cho xã hội và làm lãnh đạo trong hoạt động đó, đồng thời hăng hái đi theo ủng hộ các lãnh đạo khác trong các hoạt động khác. Tất cả đều hỗ trợ nhau tiến bước đưa nước nhà tiến về phía trước.

Lãnh đạo là sức mạnh và ước muốn nội tâm thể hiện ra hành động bên ngoài. Gốc rễ là sức mạnh bên trong, nhưng phải có biểu hiện bên ngoài mới là lãnh đạo, vì dẫn đường là phải dẫn ai đó. Vì vậy, lãnh đạo là kết hợp cao nhất của nội tâm và hành động. Nó là biểu hiện cao nhất của sức sống con người. Và bởi vì lãnh đạo là tùy ta, chứ không tùy ai thăng chức cho ta cả, cho nên ai trong chúng ta cũng nên làm lãnh đạo cho một dự án nhỏ nào đó, để vừa giúp ích cho xã hội vừa phát triển nhân cách của mình bằng phương thức tối cao.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

19 thoughts on “Lãnh đạo là gì?”

  1. Bài viết của anh khá thú vị. Theo anh, để trở thành 1 người lãnh đạo tốt, cần phải rèn luyện thêm các kỹ năng gì nhỉ (ngoài việc người lãnh đạo phải có “lửa, tầm nhìn, tự tin”)?

    Like

  2. Em thích câu này: “Điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là lãnh đạo tạo từ “cái không” ra “cái có” và quản lý thì giữ cái có cho đừng mất đi thành cái không”

    Bài viết của anh dễ đọc và thấm, không mang tính “phô trương” mà những bài viết về lãnh đạo khác thường thấy. Như vậy sẽ khuyến khích mọi người “tập làm lãnh đạo” 😀

    Like

  3. Hi Loan,

    Cám ơn Loan đã hỏi một câu rất hay và rất thực tiễn.

    Lãnh đạo có tầm nhìn, đương nhiên là có kỹ năng đặt mục tiêu. Có lửa, đương nhiên là có kỹ năng khuyến khích và kích động người khác. Có tự tin, đương nhiên là có kỹ năng lèo lái con thuyền qua mọi sóng gió. Có nhân (yêu người) đương nhiên có tất cả các kỹ năng quản lý nhân sự, như là gần gũi lo lắng cho nhân viên, lương bổng tốt, giúp nhân viên phát triển đời sống. Có lễ, cho nên có kỹ năng kính trọng và ăn nói lễ độ với người trên và kẻ dưới. Có nghĩa, cho nên có kỹ năng trung thành, kể cả khi người của mình bị thế giới ruồng bỏ. Có trí, cho nên có kỹ năng xử sự với trí tuệ. Có tín, cho nên có kỹ năng nói chuyện với thành thật và làm cho người tin mình.

    Tất cả các kỹ năng lãnh đạo tự nhiên đã có sẵn trong những điều ta có thể gọi là “tính cách lãnh đạo” hay là “đạo đức lãnh đạo. ”

    Tuy nhiên, khi đã phải dùng đến từ “kỹ năng” thì ta đã nói đến cấp thấp hơn lãnh đạo rồi–đó là quản lí. Bởi vì, kỹ năng là kỹ thuật. Nếu ta phải học “kỹ thuật” cư xử với người, tức là ta không có sức mạnh bên trong để sinh ra “kỹ thuật” đó một cách tự nhiên. Cái tự nhiên mà sinh ra thì không còn gọi là “kỹ thuật” nữa, mà thấp nhất thì cũng là “nghệ thuật.” Nhưng khi nói đến “sức mạnh từ con tim” thì nó còn cao hơn cả nghệ thuật. Đó đã là “tâm linh”, là tinh thần (spiritual).

    Have a great day, Loan !

    Like

  4. Hey anh!!!! Em đang muốn tìm hiểu về leader nên search google vào bài viết của anh. Em thấy bài viết của anh khá hay và thú vị. Thanks anh rất nhiều.^^

    Like

  5. Hi, cám ơn bài viết của anh.
    Anh cho em hỏi: Nếu chỉ dùng 1 từ để mô tả “lãnh đạo”, anh sẽ chọn từ j?

    Like

  6. Hi Bonzon,

    Câu hỏi của em rất hay. Anh nghĩ răng mỗi người có một “style” lãnh đạo riêng, và sẽ có câu trả lời khác nhau cho câu hỏi của em. Tức là, không chỉ có một câu trả lời đúng cho tất cả.

    Một chữ của anh: Tâm

    Em khỏe nhé.

    Like

  7. Em chào anh! Em rất thích phần mô hình mạng lưới và câu này của anh “Vì vậy, lãnh đạo là kết hợp cao nhất của nội tâm và hành động. Nó là biểu hiện cao nhất của sức sống con người.”

    “Nếu chỉ dùng 1 từ để mô tả “lãnh đạo”, anh sẽ chọn từ gì?”
    Anh đã chọn : “Tâm”.
    Anh có thể giải thích vì sao anh lại chọn từ này không ạ?
    Em vẫn nghe người ta hay nói rằng : Lãnh đạo – từ cái tâm. Nhưng em vẫn chưa hiểu rõ lắm …

    “Tâm” có phải cũng bao gồm cả các yếu tố “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” anh đã nói ở trên không anh:”Có nhân (yêu người) đương nhiên có tất cả các kỹ năng quản lý nhân sự, như là gần gũi lo lắng cho nhân viên, lương bổng tốt, giúp nhân viên phát triển đời sống. Có lễ, cho nên có kỹ năng kính trọng và ăn nói lễ độ với người trên và kẻ dưới. Có nghĩa, cho nên có kỹ năng trung thành, kể cả khi người của mình bị thế giới ruồng bỏ. Có trí, cho nên có kỹ năng xử sự với trí tuệ. Có tín, cho nên có kỹ năng nói chuyện với thành thật và làm cho người tin mình.”

    Em cám ơn anh rất nhiều vì những chia sẻ chân thành như thế này 🙂

    Like

  8. Hi Anne,

    Chữ Tâm là từ Phật học, rất quen thuộc với văn hóa Việt Nam, đến nỗi mọi người đều dùng nó. Tâm có nhiều mức độ ý nghĩa, từ cạn đến sâu, theo thứ tự anh có dưới đây, mức sau bao gồm mức trước.

    1. Tâm là yêu người: Đây là nghĩa chữ tâm mà mọi người đều dùng, để cả những người buôn thúng bán bưng.

    Yêu người là lo lắng, chăm sóc, phục vụ người mình lãnh đạo. Ví dụ: Công ty của mình, và mình lãnh đạo nhân viên, rất dễ để nghĩ rằng họ phục vụ mình để làm giàu cho mình (và thực sự là nhiều chủ công ty nghĩ thế).

    Tâm là suy nghĩ rằng, công ty này dù là của mình, nhưng nó được dùng để tạo công ăn việc làm cho mọi người, và nhiệm vụ của mình (lãnh đạo) là lo cho mọi người đều có việc làm tốt (tức là công ty phải mạnh), mức lương phải cao đến mức công ty vẫn có thể gánh được, kỹ năng nhân viên phải được phát triển càng ngày càng cao, thái độ nhân viên càng ngày càng hướng thượng thanh cao… tức là mình thực sự phục vụ nhân viện của mình (tức là yêu nhân viên—dù là bên ngoài mình vẫn có thể phải làm mặt lạnh, vì l‎ý do quản lý).

    Yêu khách hàng: Phục vụ khách hàng, chứ không phải lường gạt hay bóc lột, hay chỉ nghĩ đến túi tiền của khách hàng.

    Anne nói đúng. Chữ “tâm” này cũng là chữ “nhân” của Khổng tử trong “nhân lễ nghĩa trí tín”. Anh nhớ trong quyển Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu có nói: Nhân bao trùm tất cả, có nhân thì đương nhiên có lễ nghĩa trí tín.

    Chúng ta hay nói “lòng nhân”. Chữ “lòng” là chữ “tâm” đó, lòng nhân là “tâm nhân” hay “nhân tâm.”

    (Anh đọc sách cổ, hình như “Thiền Uyển Tập Anh” thì phải, có nói đến “Kinh Lòng”, ngày nay là “Bát Nhã Tâm Kinh”).

    2. Mức cao hơn của chữ tâm, ít người biết hơn, là “Tĩnh lặng” hay “tâm tĩnh lặng”, là đích điểm tối hậu của Phật pháp.

    Tâm tĩnh lặng thì:

    • Không thành kiến
    • Không tham, không sân, không si
    • Không ngã mạn (tức là không kiêu căng)
    • Không sợ hãi

    Nói chung là tĩnh lặng, không bị dao động. Các cụm từ bắt đầu bằng chữ “Không” trên đây là các khái niệm Phật pháp, có nghĩa khác và sâu sắc hơn nghĩa người ta dùng thông thường. Anh hay nói đển các việc này trong các bài về Thiền. Em có thể đến thăm site Phật học của anh http://trandinhhoanh.wordpress.com.

    Và anh nói về Phật pháp là nói về phát triển tâm trí và nội lực của mình, chứ không phải nói chuyện “tôn giáo”.

    Anne khoẻ nhé . Em hỏi rất hay. Công phu tư duy của em rất thâm hậu 🙂

    Like

  9. Như anh nói thì ta có thể hiểu: Lãnh đạo là tìm ra con đường đi và thuyết phục mọi người tin rằng cuối con đường là cả một sự tươi sáng( có thể nói là HẠNH PHÚC ); còn quản lý là làm sao cho mọi người đi đúng con đường đã chọn. Xim cảm ơn Anh vì những lời chia sẻ chân thành.

    Like

  10. Huynh vui lòng cho muội hỏi, người chỉ huy được xếp vào vai trò của người lãnh đạo hay người quản lý ạ?

    Like

  11. Bài viết của anh rất hay. Lãnh đạo là tạo từ “cái không” ra “cái có” và quản lý thì giữ cái có cho đừng mất đi thành cái không.
    Cảm ơn Anh. Chúc Anh khỏe và thành công.

    Like

  12. Dear Anh Hai

    Em thấy thú vị quá khi em đọc được bài này của Anh Hai. Em vẫn biết có sự khác biệt giữa người lãnh đạo và người quản lý.

    Nhưng em không biết phải phân biệt làm sao cho vừa dễ hiểu lại vừa cặn kẽ thì em đọc được bài này của Anh Hai.

    Thật tuyệt vời khi Anh Hai phân tích: “Điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là lãnh đạo tạo từ “cái không” ra “cái có”

    Và quản lý thì giữ cái có cho đừng mất đi thành cái không.

    Lãnh đạo cần tầm nhìn, cần lòng tin, cần sáng tạo, cần can đảm, cần khả năng khởi lửa trong lòng những người theo mình.

    Quản lý cần quy tắc, phương thức vạch sẵn, duy trì và sử dụng những phương thức này để duy trì và phát triển tổ chức”

    Em cảm ơn Anh Hai thật nhiều

    Em M Lành

    Like

  13. Cám ơn anh, một bài viết cụ thể để người đọc cảm nhận được rất tốt. Em đang trên con đường tìm kiếm tri thức và hoàn thiện đam mê lãnh đạo thì nhận được bài viết này. Như anh đã phân tích, cái cốt của lãnh đạo là tâm phải tĩnh lặng, biết mình để mà tĩnh lặng, không dao động như mặt hồ thu. Để tâm tĩnh lặng và biết mình quá khó phải không anh? Em có câu hỏi muốn nhờ anh giải đáp là làm gì để nhận biết cái sâu thẳm bên trong bản thân mình? Và hiện tại có những cách gì đã được viết thành sách để rèn luyện tâm tĩnh lặng. Chúc anh sức khỏe

    Like

  14. Hi Thắng,

    Em có thể đọc chuỗi bài Tư duy tích cực của anh ở cột bên trái trang ĐCN, hoặc cuốn “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống” của anh có trong các nhà sách.

    Like

  15. Cám ơn Anh đã chia sẽ bài học về Lãnh đạo là gì, cụ thể và dễ hiểu.
    Theo em đươc biết, nhu cầu con người từ cái ăn, cái mặc…đến việc muốn mọi người chấp nhận giá trị bản thân (muốn được tôn trọng) thì thường có ước muôn làm lãnh đạo hay quản lý nghĩa là bị chấp dinh vào việc này, nếu không được thì đau khổ và có khi họ dùng thủ đoạn để đạt điều mình muốn.
    Lãnh đạo quan trọng nhất là biết mình và quản lý được mình. Lãnh đạo phải có TÂM và có TẦM. Nhưng cốt lõi vẫn là Tâm tĩnh lặng: Không thành kiến – Không tham, không sân si – Không ngã mạn – Không sợ hãi.
    Làm thế nào để dẫn dắt mọi người đi lối nào có Hạnh phúc ? Trước tiên minh phải Hạnh phúc, tĩnh tâm đã.
    Những điều học được từ Bài này. Cảm ơn Anh đã bỏ công sức thời gian để chia sẽ.
    Em Tâm

    Like

  16. Em cảm ơn anh. Lúc nào tìm đọc các bài viết mới và cũ của anh và ĐCN em cũng thấy học hỏi được rất nhiều ạ.
    Hiện em đã và đang thực hành nghệ thuật lãnh đạo trong việc lãnh đạo bản thân mình, trong vai trò làm mẹ của mình và trong công việc ạ.
    Em cảm ơn anh nhiều ạ.
    T.huyen

    Like

Leave a comment