Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

Đài tưởng niệm Đồng Lộc
Đài tưởng niệm Đồng Lộc

Chào các bạn,

Ai trong chúng ta lại không cảm thấy bi tráng với câu chuyện 10 Cô Gái Đồng Lộc. Mình có cơ duyên “gặp” các cô năm 1995 tại nghĩa trang Đồng Lộc. Cuộc viếng thăm làm mình buồn rất nhiều năm, và có lẽ là sẽ tiếp tục buồn suốt đời, mỗi lần nhớ đến.

Năm 2005, mình có cơ duyên được chị Diệu Ánh (Sài gòn) gửi bài thơ “Lời Thỉnh Cầu Ở Nghĩa Trang Đồng Lộc,” của anh Vương Trọng, lúc đó đã được khắc vào bia đá ở Nghĩa Trang, đã đổi tên thành Đài Tưởng Niệm Đồng Lộc. Mình dịch ra tiếng Anh.

Đây là bài thơ với một cách nói chuyện rất chân chất, từ tốn, bình thường—chết tan xác vì bom cũng chỉ bình thường—vì vậy nó vượt được lên trên tất cả màu sắc chính trị và nghệ thuật, và nói lên được tiếng khóc vượt biên giới, vượt thời gian, tiếng nói bi thảm của chiến tranh, không phải như một hành động chính trị, mà như một ung nhọt trong tâm thức con người.

Năm ngoái lại có cơ duyên, qua chị Diệu Ánh và chị Minh Lý (phóng viên Hà Tĩnh, hiện ở Vũng Tàu), bài dịch của mình đến anh Vương Trọng, rồi Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Tĩnh. Sở quyết định khắc bài dịch của mình lên bia đá, cùng bài thơ nguyên thủy của anh Vương Trọng.

Ngày 17 tháng một, năm 2009 vừa qua, Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Tĩnh đã làm lễ dựng bia mới. Câu chuyện về bài dịch này có trong 2 bài báo sau đây:

Báo Văn Hóa Thể Thao: Bài báo của Lê Phượng ở Thông Tấn Xã Việt Nam về bài dịch thơ Đồng Lộc

Báo Tuổi Trẻ: Dựng bia đá lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

10 Cô
10 Cô

 

 

 

 

 

 

 

Họ tên Năm sinh Tuổi lúc qua đời Chức vụ Nguyên quán
Võ Thị Tần 1944 24 Tiểu đội trưởng Thiên LộcCan LộcHà Tĩnh
Hồ Thị Cúc 1944 24 Tiểu đội phó Sơn BằngHương SơnHà Tĩnh
Võ Thị Hợi 1948 20 Chiến sĩ Thiên LộcCan LộcHà Tĩnh
Nguyễn Thị Xuân 1948 20 Chiến sĩ Vĩnh LộcCan LộcHà Tĩnh
Dương Thị Xuân 1947 21 Chiến sĩ Đức TânĐức ThọHà Tĩnh
Trần Thị Rạng 1950 18 Chiến sĩ Đức VĩnhĐức ThọHà Tĩnh
Hà Thị Xanh 1949 19 Chiến sĩ Đức HòaĐức ThọHà Tĩnh
Nguyễn Thị Nhỏ 1944 24 Chiến sĩ Đức LạngĐức ThọHà Tĩnh
Võ Thị Hà 1951 17 Chiến sĩ Thị trấn Đức ThọĐức ThọHà Tĩnh
Trần Thị Hường 1949 19 Chiến sĩ Thị xã Hà TĩnhHà Tĩnh

Nhân dịp này mình xin cám ơn anh Vương Trọng, chị Diệu Ánh, chị Minh Lý và Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Tĩnh, đã làm một việc có ảnh hưởng sâu đậm đến tình cảm vốn đã thâm sâu của mình đối với đất mẹ và với những linh hồn mình rất ngưỡng mộ.

Sau đây xin chia sẻ cùng các bạn bài thơ của anh Vương Trọng và bài dịch của mình.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,
Hoành
____________

10 Mộ
10 Mộ

Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần người khác
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ, xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.

Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mỳ luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

Cần gì ư? – Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Đồng Lộc, 5-7-1995
Vương Trọng

Chú thích
Đọc Lời thỉnh cầu của nhà thơ Vương Trọng
Ngày 19-8-1998. Tôi trồng 2 cây bồ kết tại nghĩa trang này.

Đại tá
Nguyễn Tiến Tuấn
Công an Hà Tĩnh

A Request at Dong Loc Cemetery

That’s enough for ten bowls
The rest of incense, let’s save for others
We’re not the sole fallen ones
So much blood and bone was spent for Dong Loc
Memories, let’s spread evenly
Like grass in the valley, sunlight on the hill.

Look! Tongue-grass buds cling to the pants!
O you red-scarfed children standing straight by the tombs
You love us so much, don’t you?
Then, go home, find little plants
Plant them on Tro Voi Hill and on these bare lands
We’re so thirsty longing for some tree shades!

Twenty-seven years have passed, we haven’t grown a day
Three times changing bed, we’re now back in Dong Loc
Friends, if you love us, don’t cry!
Go back and tend the rice for better harvest
The last meal we ten had no rice
Just a handful of cassava, then out with hoes we went.

Our needs? One afternoon someone has asked
We’re not yet married and haven’t got a chance to love
When the bomb buried us all, our hair was enmeshed in dust
Lying here in these tombs, we haven’t got a chance to wash our hair
We ask that on the parched ground of this cemetery
Someone would grow some carob trees (*)
That spread fragrance evenly in the ethereal incense smoke…

Vuong Trong, Dong Loc July 5, 1995

Note: Having read Vuong Trong’s Request, I plant two carob trees at this cemetery today, August 19, 1998.

Colonel Nguyen Tien Tuan, Ha Tinh Police

(*) Note by translator: Carob or locust tree is a kind of leguminous tree, the pods of which are boiled in water and the resulting liquid is used as hair shampoo.

Translated by Trần Đình Hoành
( A Vietnamese resident in USA)

Ô. Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính Trị, trong lễ khánh thành bia đá
Ô. Trương Tấn Sang, Bộ Chính Trị, trong lễ khánh thành bia đá

.

Học sinh trường THCS Đồng Lộc
Học sinh trường THCS Đồng Lộc

Mang “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” đến với bạn bè thế giới…

Thứ Ba, 15/07/2008 15:07

(TT&VH Online) – Đã quen biết anh từ lâu với tên gọi Trần Đình Hoành – một luật sư – Việt kiều yêu nước sinh sống tại bang Virginia (Hoa Kỳ) nên tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe anh báo tin bài thơ của nhà thơ Vương Trọng về 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã được anh chuyển dịch sang tiếng Anh.

Càng vui hơn khi nghe anh nói nhà thơ Vương Trọng báo tin sẽ làm việc với Sở VH-TT Hà Tĩnh về việc khắc bản dịch tiếng Anh lên bia đá bên cạnh bản khắc tiếng Việt đã được dựng tại nghĩa trang Đồng Lộc. Đây là điểm tham quan luôn thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước, nhất là vào những ngày tháng 7 này- kỷ niệm 40 năm ngày 10 cô gái đã anh dũng hy sinh (7/1968 – 7/2008).

 Anh Trần Đình Hoành cùng nhà báo Lê Phượng
Và như bao lần trò chuyện trước đó, trong cuộc gặp mới nhất giữa tôi với vợ chồng anh tại tư gia ở bang Virginia đầu tháng 7 vừa qua, câu chuyện giữa chúng tôi dường như không dứt. Có khác chăng lần này chúng tôi nói nhiều hơn xung quanh bài thơ về 10 cô gái anh hùng đang yên nghỉ tại nghĩa trang Đồng Lộc mà anh đã chuyển dịch sang tiếng Anh.

* Anh biết đến Đồng Lộc từ khi nào?

– Đầu tháng 5/1995 tôi về thăm Hà Nội. Đoàn Việt Kiều chúng tôi được tổ chức một chuyến đi về Nghệ An thăm quê hương Cụ Hồ và thăm Đồng Lộc.

 Nghĩa trang Liệt sĩ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc
Trước đó, thú thực tôi không biết nhiều về Đồng Lộc. Khi đến đây, nhìn thấy mảnh đất quê hương nghèo nàn, nắng gắt, nhìn chứng tích chiến tranh với những hố bom, nghe câu chuyện kể về 10 cô gái đã cùng hy sinh giữa tuổi đôi mươi và thấy 10 ngôi mộ của các cô nằm thẳng hàng bên nhau, tôi thực sự xúc động. Thương cho quê hương còn nhiều khó khăn và thật tiếc cho những mảnh đời bị cắt ngang trong khi đang tràn đầy nhựa sống… Những năm sau đó, những hình ảnh về Đồng Lộc nhiều lần trở lại trong tôi, nhất là khi có những sự kiện đặc biệt đánh thức ký ức, như khi tôi đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

* Anh biết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng và đã chuyển dịch sang tiếng Anh như thế nào ?

Bức ảnh “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”
– Mùa hè năm 2005, một người bạn của tôi – chị Diệu Ánh – thực hiện chuyến du hành trên Đường mòn Hồ Chí Minh. Ghé qua Đồng Lộc, thấy bài thơ của anh Vương Trọng khắc trên bia đá, chị đã chụp lại và gửi qua e-mail cho tôi. Chị Diệu Anh làm vậy vì biết tôi rất thích thơ và đã dịch vài bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Bài thơ của anh Vương Trọng làm tôi thực sự cảm động vì nó khơi lại trong tôi ký ức về Đồng Lộc năm xưa. Tôi đã lập tức chuyển dịch sang tiếng Anh và đăng lên diễn đàn về Việt Nam do tôi quản lý.

Đầu năm 2008, chị Diệu Ánh cho tôi biết tình cờ chị gặp chị Minh Lý, là phóng viên người Hà Tĩnh ở Vũng Tàu và cũng là một người bạn của anh Vương Trọng. Chị Diệu Ánh hỏi ý kiến tôi muốn gửi bản dịch bài thơ tiếng Anh của tôi cho anh Vương Trọng. Sau khi chỉnh sửa lại lần cuối cho chuẩn nhịp điệu thi ca và gần với xúc cảm của bản chính, tôi gửi lại bản dịch cho chị Diệu Ánh. Qua chị Minh Lý, bản dịch tiếng Anh đã được chuyển đến anh Vương Trọng. Sau đó anh Vương Trọng cho tôi biết sẽ làm việc với Sở VH-TT Hà Tĩnh để thực hiện việc khắc bài thơ bằng tiếng Anh lên đá và sẽ dựng bên cạnh bia khắc bản tiếng Việt.

* Anh nghĩ gì khi du khách nước ngoài sẽ đọc bản dịch bài thơ bằng tiếng Anh?

– Bài thơ của anh Vương Trọng về 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc thật dịu hiền, rất con người nhưng đã nói lên được nỗi bi thảm và hào hùng của cuộc chiến tranh năm xưa. Nếu bài thơ bằng tiếng Anh được khắc và lưu giữ tại Đồng Lộc, du khách nước ngoài sẽ có dịp hiểu thêm về các cô. Và tôi xem như mình đã có cơ hội chia sẻ trực tiếp…

Đầu năm 2008 anh Trần Đình Hoành được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam trao tặng bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng đất nước”. Trước khi chia tay, anh còn kịp khoe với tôi về hai cô con gái, Trần Lê Thanh Nguyên và Trần Lê Minh Chi. Nghe bố kể câu chuyện về 10 cô gái Đồng Lộc, cùng đồng cảm và chia sẻ với mối quan tâm với bố, Thanh Nguyên đã cùng với bố gửi 500 USD về Sở VH-TT Hà Tĩnh để sử dụng vào Quĩ Nghĩa Trang Đồng Lộc.

* Việc chuyển dịch bài thơ có khó không anh?

– Rất khó, mà lại không. Khó vì thông thường dịch thơ không bao giờ dễ. Lúc đầu bản dịch của tôi có khoảng hơn 40 câu, vì tôi cố tình ngắt một số câu thành nhiều dòng để giảm tốc độ đọc và tăng thêm cảm xúc cho người đọc. Nhưng trong bản gốc tiếng Việt lại chỉ có 25 câu. Theo đề nghị của anh Vương Trọng muốn bản dịch tiếng Anh cũng có chiều dài tương tự với bản gốc, tôi đã chỉnh sửa gọn lại thành 25 câu. Cũng không khó khăn gì nhiều vì chỉ cần hy sinh tốc độ đọc một chút thôi là được.

 Lớp lớp thế hệ đang hướng về Đồng Lộc

Còn không khó, vì vốn dĩ tôi rất thích thơ. Tôi từng làm thơ tiếng Anh và dịch một số bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh. Thơ của tôi đã được đăng trên tờ báo về thi ca văn học trong giới đại học Mỹ (Illuminations). Thêm nữa, tôi đã có ấn tượng về Đồng Lộc và cảm xúc sâu đậm về sự hy sinh của 10 cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân. Điều này giúp tôi chuyển dịch bài thơ có hồn và gần với xúc cảm của bản gốc tiếng Việt.

* Xin cảm ơn anh!

Lời thỉnh cầu ở Nghĩa Trang Đồng Lộc

Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần người khác
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi!

Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em cổ quàng khăn đỏ
Bên bia mộ, xếp hàng nghiêm trang thế
Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị còn khao khát bóng cây che!

– Hai bảy năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương nhớ chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường!

– Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…
Vương Trọng
(Đồng Lộc, ngày 5/7/1995)

Bản dịch tiếng Anh của anh Trần Đình Hoành:

A Request at Dong Loc Cemetery

That’s enough for ten bowls

The rest of incense, let’s save for others

We’re not the sole fallen ones

So much blood and bone was spent for Dong Loc

Memories, let’s spread evenly

Like grass in the valley, sunlight on the hill.

Look! Tongue-grass buds cling to the pants!

O you red-scarfed children standing straight by the tombs

You love us so much, don’t you?

Then, go home, find little plants

Plant them on Tro Voi Hill and on these bare lands

We’re so thirsty longing for some tree shades!

Twenty-seven years have passed, we haven’t grown a day

Three times changing bed, we’re now back in Dong Loc

Friends, if you love us, don’t cry!

Go back and tend the rice for better harvest

The last meals we ten had no rice

Just a handful of cassava, then out with hoes we went.

Our needs? One afternoon someone has asked

We’re not yet married and haven’t got a chance to love

When the bomb buried us all, our hair was enmeshed in dust

Lying here in these tombs, we haven’t got a chance to wash our hair

We ask that on the parched ground of this cemetery

Someone would grow some carob tree

That spread fragrance evenly in the ethereal incense smoke…

Vuong Trong, Dong Loc, July 5, 1995

TĐH translated

Lê Phượng
(viết từ Washington DC., 7/2008)
Chủ Nhật, 18/01/2009, 15:27 (GMT+7)

Dựng bia đá “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”

TTO – Sáng 17-1 Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh phối hợp Công ty xây dựng Xuân Hà Hà Tĩnh và Ban quản lí khu di tích liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc dựng tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng, viết năm 1995.

Học sinh trường THCS Đồng Lộc

Học sinh trường THCS Đồng Lộc đọc bài thơ phía mặt trước của bia đá

Tấm bia cao 2,5 m (đế bia 0,5m), rộng 1m, dày 20cm được dựng dưới gốc cây bồ kết trong nghĩa trang liệt sĩ mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã hi sinh trong trận bom tàn khốc sáng 24-7-1968 tại đây.

Trong một lần về quê Hà Tĩnh, đến viếng mộ mười cô gái ở nghĩa trang Đồng Lộc, Việt kiều và là dịch giả Trần Đình Hoành vất vả lắm mới đọc được trọn bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” được khắc trên tấm bia nhỏ bởi nhiều nét chữ đã mờ (tấm bia này do nguyên giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, AHLLVTND-Nguyễn Tiến Tuẫn làm từ năm 2002). Vì thế, ông Hoành muốn có một tấm bia lớn hơn để dễ đọc hơn, đồng thời khắc bài thơ bằng song ngữ Việt-Anh để truyền xúc cảm của bài thơ trước gương hi sinh của mười cô gái TNXP thời chống Mỹ đến bạn bè quốc tế, bởi Khu di tích này ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến viếng thăm.

Ô. Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính Trị, trong lễ khánh thành bia đá
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí thư trung ương Đảng xem tấm bia mới dựng

Ngoài 500 USD do ông Hoành hiến tặng, Công ty xây dựng Xuân Hà Hà Tĩnh cúng phụng 20 triệu đồng để dựng tấm bia đá ý nghĩa này.

VŨ TOÀN


Chị Nguyễn Thị Tiến trước Bia đá – mặt tiếng Anh.

BÀI THƠ SONG NGỮ Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC

 

Chào các bạn,

Dưới đây là bài bài báo nhà thơ Vương Trọng vừa viết về bài thơ Lời Thỉnh Cầu ở Nghĩa Trang Đồng Lộc, mà anh viết năm 1995, khắc lên bia xi-măng năm 2002, mình dịch ra Anh ngữ năm 2005 (biên tập lại năm 2008), và khắc song ngữ lên bia đá tại Nghĩa Trang Đồng Lộc tháng 1 năm 2009.
dongloc
Mình thăm Đồng Lộc tháng 5 năm 1995, trên một chuyến về thăm quê hương cụ Hồ tại Nghệ An, với một số Việt Kiều khác, do anh Nguyễn Ngọc Trân, trưởng Ban Việt Kiều Trung Ương tổ chức. Trên đường anh Trân cho xe ghé vào Đồng Lộc. Lúc đó mình hoàn toàn chẳng biết Đồng Lộc là gì cả.

Ấn tượng đầu tiên của mình là, đó là một vùng rất nghèo khổ, xác xơ, nóng đổ lửa… và nó làm cho mình có cảm giác buồn buồn vì cái nghèo của quê hương và cái khổ của dân quê. Mình vẫn luôn luôn như thế từ hồi 16, 17 tuổi.

Vào đến nơi, thấy mười ngôi mộ xi măng khiêm tốn nằm trên một ngọn đồi với vài bóng cây lưa thưa, giữa một vùng đồng khô cỏ cháy. Rồi từ từ hiểu chuyện, nhìn hố bom nơi các cô hy sinh, nhận biết rằmg các cô này cở tuổi mình hay có người chỉ sinh trước một hai năm, nhưng cuộc đời có quá nhiều khác biệt… làm cho mình thật là nhức nhối. Lúc đó mình “try to be connected” với các cô bằng cách nhờ anh Trân chụp một tấm ảnh mình ngồi bên cạnh một ngôi mộ. Tấm ảnh này có đăng trong báo Quê Hương (của Ban VKTW) sau chuyến đi đó.

Vì các cô trẻ mãi không già, cho nên mình luôn luôn có cảm tưởng các cô này là những người em gái bất hạnh của mình. Vì vậy, mình không quên các cô được những tháng năm sau đó. Hơn 10 năm sau, khi đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm lần đầu, ý tưởng đầu tiên đến trong đầu mình là 10 cô gái Đồng Lộc.

Đến năm 2005, 10 năm sau khi anh Vương Trọng viết bài thơ và 3 năm sau khi nó được khắc vào bia xi măng, chị Diệu Ánh (admin của VNBIZ forum) trong một chuyến du hành trên quốc lộ Trường Sơn, ghé qua Đồng Lộc, thấy bài thơ, chụp và gởi cho mình. Mình dịch ngay ra tiếng Anh và post trên VNBIZ. Đây là bài thơ duy nhất mà mình ứa nước mắt rất nhiều lần trong khi dịch.

Đến đầu năm 2008 chị Diệu Ánh gặp chị Minh Lý, phóng viên Hà Tĩnh nhưng hiện sống ở Vũng Tàu, chị Minh Lý biết anh Vương Trọng. Thế là mình chỉnh sửa lại bài thơ một tí nữa rồi nhờ chị Diệu Ánh và Minh Lý chuyển đến anh Vương Trọng. Anh Vương Trọng nói chuyện với anh Thế Ban, sở Văn Hóa Thể Thao Hà Tĩnh. Sở quyết định khắc cả bài nguyên thủy lẫn bài dịch vào bia đá, thay bia xi măng đã hao mòn quá nhiều. Tháng giêng 2009, bia đá hoàn thành.

Mình đã viết một bài hồi tháng ba năm nay (2009) về bài thơ này để chia sẻ với các bạn. Hôm nay chúng ta nghe câu chuyện từ phía anh Vương Trọng. Bài này của anh Vương Trọng đã đăng trên Văn Nghệ Công An ngày 20 tháng 7 năm 2009.

Cám ơn anh Vương Trọng. Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

.

Bài thơ song ngữ ở Nghĩa Trang Đồng Lộc

Vương Trọng

Vương Trọng
Vương Trọng

Từ khi Ngã ba Đồng Lộc trở thành khu di tích lịch sử của Thanh niên xung phong cả nước, khách tìm đến nơi này mỗi ngày một đông, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên. Có người nói rằng, chỉ cần đến nơi này một lần, bài học về giáo dục truyền thống tự nhiên thấm vào người, và lớp trẻ có điều kiện để nhận thức được cái giá của độc lập, tự do.

Gần đây có nhiều bạn trẻ sau khi viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc, ra Hà Nội có tìm gặp tôi để trò chuyện. Có người tôi quen biết từ trước, nhưng cũng có kẻ tôi mới được gặp lần đầu. Nguyên nhân là vì một bài thơ của tôi đã được khắc đá và dựng lên ở nghĩa trang này. Hơn nữa, bài thơ đó lại được dịch ra tiếng Anh, khắc trên tấm bia đá cao 2,5 mét, rộng 1 mét, mặt này là bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của tôi, mặt kia là bản dịch của ông Trần Đình Hoành, một Việt kiều ở Mỹ. Bởi vậy tôi muốn có đôi lời tâm sự với bạn đọc về chuyện này.

Đài tưởng niệm Đồng Lộc
Đài tưởng niệm Đồng Lộc

Mùa hè năm 1995, lần đầu tôi đến thăm nghĩa trang Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Mặc dù mười cô gái đã hy sinh trước đó 27 năm trời, thế nhưng khi đứng lặng trước hố bom đã giết các cô, khi thắp hương lần lượt cắm lên mười nấm mộ, cũng như khi chứng kiến những kỷ vật các cô để lại…, tôi tự nhủ phải viết một cái gì đấy để giải tỏa nỗi xúc động. Bút ký, tuỳ bút cũng có thể chuyển tải được cảm xúc này, nhưng vì trong đoàn còn có nhà văn Xuân Thiều, nhà văn Nam Hà, nên tôi nghĩ nên “nhường” văn xuôi cho hai vị cao niên này. Bởi thế trước mắt tôi chỉ còn một cửa hẹp là thơ.

Nhưng thơ về Đồng Lộc cũng không phải dễ, vì trước đó đã có nhiều người viết rồi, có bài khá nổi tiếng như của nhà thơ Huy Cận. Thế thì mình phải viết thế nào để không bị chìm lấp bởi những bài đã có. Sự hy sinh cùng một lúc của mười cô gái trẻ khi đang san lấp hố bom làm mọi người cảm động, nên khi nào trên mười ngôi mộ cũng có thật nhiều hương khói. Khi cắm những nén hương đang cháy lên mộ các cô, tôi tự hỏi, nếu mười cô gái hiển linh, họ sẽ nghĩ thế nào?

Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Nhiếp ảnh gia Văn Sắc)
Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Nhiếp ảnh gia Văn Sắc)

Qua tài liệu thu thập được, tôi biết số người hy sinh ở ngã ba này thật nhiều, riêng Trung đoàn phòng không 210 đã có 112 liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ mảnh đất này. Thế mà họ không có bia mộ để thắp hương, bởi thịt xương họ đã hoà trộn vào đất. Thế là cái ý tưởng dùng lời mười cô gái trò chuyện với các đoàn khách thăm viếng được nẩy sinh, và tôi thấy thuận lợi khi muốn chở ý tưởng: mọi chính sách, chế độ đối với những người đã hy sinh, nghĩ cho cùng là vì những người đang sống. Bởi vậy, xây dựng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc cũng là một cách thể hiện sự biết ơn đối với các liệt sỹ đã hy sinh.

Bài thơ có bốn khổ thì ba khổ đầu là lời mười liệt sĩ nhắc người đến nghĩa trang nên nhớ thắp hương cho những liệt sĩ mà thân xác đã tan trong đất, khuyên các em nhỏ nên trồng cây, các bạn cùng trang lứa cố gắng sản xuất. Còn các cô chỉ ước có vài cây bồ kết…
ngabaDong Loc
Bài thơ tôi viết và in lần đầu vào năm 1995, đến năm 1998 lại xuất hiện trong tuyển tập thơ về Đồng Lộc. Điều đáng nói là tập thơ này đã đến tay anh Nguyễn Tiến Tuẫn, là một trong ba anh hùng ở Đồng Lộc, thời mà mười cô gái hy sinh, anh đang phụ trách đơn vị Cảnh sát giao thông ở trọng điểm ác liệt này. Anh bảo rằng, anh bị bài thơ ám ảnh, và tự đặt cho mình phải làm một việc gì đó để giải toả sự ám ảnh này. Việc anh làm là lên huyện Hương Sơn tìm hai cây bồ kết con để đáp ứng lời thỉnh cầu của mười cô gái: ” Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”. Hai cây bồ kết anh trồng rất cẩn thận, hố đào to, phân tro nhiều nên tốt rất nhanh.

Bốn năm sau, năm 2002 thì hai cây bồ kết đã cao tới ba, bốn thước; cây lớn vào mùa thu đã nở hoa. Một lần trở lại thăm nghĩa trang đúng lúc gặp một đoàn khách, biết anh là người đã trồng hai cây bồ kết này, mọi người rất cảm phục và hỏi anh từ ý nghĩ nào mà làm được việc hết sức độc đáo và tuyệt vời này? Anh trả lời là từ cảm xúc một bài thơ, thế là họ hỏi anh có nhớ bài thơ đó không. Anh nói rằng bài thơ đó anh đã thuộc, nhưng không quen đọc thơ trước đám đông, anh hứa với họ là nếu lần sau quay lại thì thế nào cũng được đọc bài thơ đó ở đây. Mọi người nghe, kể cả người giới thiệu khu di tích, ai cũng nghĩ anh nói thế cho qua chuyện, ai ngờ anh bắt đầu ý định khắc bài thơ ấy lên đá. Điều trước tiên là phải liên hệ với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đơn vị phụ trách khu di tích này. Nghe anh trình bày ý định khắc đá bài thơ đó, mọi người tán thành và coi đây là một việc làm văn hoá. Thế là chiều ngày 14 tháng 8 năm 2002, bia đá cỡ 80cm . 40cm với bài thơ 25 câu chia thành bốn khổ, được khắc sâu và tô màu sơn vàng rất dễ đọc đã dựng lên cạnh hai cây bồ kết bên nghĩa trang Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

10 Mộ
10 Mộ

 

Mấy năm năm nay, nhiều tờ báo đã đăng bài về chuyện này, và có nhiều bài đã gây xúc động người đọc. Ông Trịnh Xuân Tòng là cán bộ giảng dạy trường đại học Cần Thơ, đã nghỉ hưu; sau khi đọc bài báo của Ngô Vĩnh Bình nói về chuyện bài thơ và hai cây bồ kết, ông đã bỏ công mấy tuần liền để vẽ một bức tranh cỡ lớn với nhan đề : Múa dưới trăng, nỗi vui mừng khi có cây bồ kết . Trong bức tranh, ông đã vẽ mười cô gái liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc, khi trăng lên đã cùng nhau nhảy múa, năm cô leo lên cây, năm cô múa trên đất. Trong bức tranh lớn đó, ông trích bốn câu thơ làm đề từ:

Ngày bom vùi, tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết…

Đặc biệt hơn, ông còn viết một bức thư cảm động Gửi mười em gái ngã ba Đồng Lộc. Bức tranh và bức thư này, báo QĐND đã giới thiệu trong số đặc biệt ra ngày 22- 12- 2002.

Gần đây tôi có dịp trở lại Đồng Lộc. Khác hẳn với quang cảnh tôi đã chứng kiến năm 1995, bây giờ ở khu di tích Đồng Lộc, đường sá rộng rãi, nhà cửa xây dựng khang trang, và đặc biệt cây cối quanh vùng tươi xanh như một vùng du lịch sinh thái. Không còn những vạt “cỏ may khâu nặng ống quần” khách đến thăm, không còn đồi Trọ Voi trọc lóc, lở lói. Nhiều cảnh tôi nhắc đến trong bài thơ đã lạc hậu so với bây giờ.

10 Cô
10 Cô

Đồng chí giới thiệu khu di tích hướng dẫn đoàn chúng tôi đi thắp hương trên từng nấm mộ và đốt những quả bồ kết khô. Mấy năm nay, nhiều đoàn khách đến thăm khu di tích này thường đem theo những chùm quả bồ kết khô để đốt sau khi thắp nhang. Người đầu tiên đốt bồ kết ở đây là nhà văn Nguyễn Thế Tường, quê Quảng Bình, công tác tại Tuần báo Văn nghệ. Tháng 10 năm 2002, anh Tường gặp tôi ở Tuần báo Văn nghệ, khi anh sắp vào nghĩa trang Đồng Lộc, anh hỏi tôi có nhắn gì không. Tôi nói rằng, hai cây bồ kết mới ra hoa nhưng chưa có quả, tôi muốn nhờ anh mua hộ tôi một chùm bồ kết, vào đó đốt để viếng mười cô gái. Anh đã làm thế, và ngạc nhiên, khi vừa đốt mấy quả bồ kết thì bát hương lớn bỗng hoá, cháy bùng lên, làm mọi người ngạc nhiên và anh gọi điện cho tôi ngay. Ngẫu nhiên hay tâm linh? Anh bảo rằng mọi người có mặt hôm đó, kể cả những người quản lý khu di tích, không ai nghĩ là ngẫu nhiên.

Tôi tới bia đá khắc bài thơ của mình thì thấy có nhiều em sinh viên đang xúm xuýt mở sổ chép thơ. Biết tôi là tác giả, nhiều em xin chụp ảnh lưu niệm và hỏi chuyện quanh bài thơ. Bằng vi tính, nét chữ khắc đẹp, chỉ tiếc cắt khổ phần đầu không thật chính xác, vì bài thơ của tôi gồm bốn khổ, khổ đầu sáu câu chứ không phải bốn câu như đã khắc.

Tương đài Đồng Lộc, khi còn hoang vu, tháng 5 năm 1995, khi TĐH đến thăm
Tương đài Đồng Lộc, khi còn hoang vu, tháng 5 năm 1995, khi TĐH đến thăm

Sau đó không lâu, trong đoàn Việt kiều Mỹ về nước đến viếng nghĩa trang Đồng Lộc, có ông Trần Đình Hoành, một luật sư nhưng ham mê văn học, người đã từng dịch nhiều bài thơ của các nhà thơ Việt Nam ra tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ. Ông xúc động khi đọc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” và muốn truyền sự xúc động đó cho du khách nước ngoài nên đã dịch bài thơ này. Giám đốc sở Văn hoá và Du lịch Hà Tĩnh là nhà văn Đức Ban, người rất hiểu tác dụng của thơ văn vào cuộc sống, đã cho bài thơ và bản dịch đó hiển hiện lên bia đá như các bạn đã thấy vào sáng 17 tháng giêng năm 2009.

Nhân đây tôi chép lại bản tiếng Việt và tiếng Anh đã khắc trên hai mặt bia đó.

Ô. Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính Trị, trong lễ khánh thành bia đá
Ô. Trương Tấn Sang, Bộ Chính Trị, trong lễ khánh thành bia đá

Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

– Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

– Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.

– Hai mươi bảy năm qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

– Cần gì ư ? Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Đồng Lộc, 5 – 7- 1995
Vương Trọng

.

 

Học sinh trường THCS Đồng Lộc
Học sinh trường THCS Đồng Lộc


A Request at Dong Loc Cemetery

That’s enough for ten bowls
The rest of incense, let’s save for others
We’re not the sole fallen ones
So much blood and bone was spent for Dong Loc
Memories, let’s spread evenly
Like grass in the valley, sunlight on the hill.

Look! Tongue-grass buds cling to the pants!
O you red-scarfed children standing straight by the tombs
You love us so much, don’t you?
Then, go home, find little plants
Plant them on Tro Voi Hill and on these bare lands
We’re so thirsty longing for some tree shades!

Twenty-seven years have passed, we haven’t grown a day
Three times changing bed, we’re now back in Dong Loc
Friends, if you love us, don’t cry!
Go back and tend the rice for better harvest
The last meal we ten had no rice
Just a handful of cassava, then out with hoes we went.

Our needs? One afternoon someone has asked
We’re not yet married and haven’t got a chance to love
When the bomb buried us all, our hair was enmeshed in dust
Lying here in these tombs, we haven’t got a chance to wash our hair
We ask that on the parched ground of this cemetery
Someone would grow some carob trees
That spread fragrance evenly in the ethereal incense smoke…

Dong Loc July 5, 1995
VUONG TRONG
Translated by TRAN DINH HOANH
( A Vietnamese Resident in The USA)

 

13 thoughts on “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”

  1. A very moving story of these 10 young ladies who died in the flower of their age.
    People from both sides of the War will see their death differently. Either they had made a supreme sacrifice for the liberation of their Country or they had been used by unscrupulous ideologists to wage an unnecessary war.
    I believe that in their heart, these heroines were convinced that they were doing their patriotic duty on their own free will.
    Like Tran Quoc Toan who died young 700 years ago, these 10 young ladies will be forever young whenever Vietnamese in the future happen to read their story.

    Liked by 1 person

  2. Đồng Lộc đúng là vang danh trang sử ngàn năm của đất nước, nhưng mọi người ơi, bên cạnh 10 cô gái ngã Ba năm nào còn rất nhiều đồng chí, đồng đội của các cô nữa mà, vì vậy, khi mọi người nghĩ đến Đồng Lộc thì hãy nghĩ luôn đến những người đã nằm xuống, bên cạnh 10 cô gái nhé

    Liked by 1 person

  3. toi that su cam thay xuc dong khi doc bai tho nay cung nhu nhung tinh cam chan thanh, thieng lieng cua nha tho vuong trong.toi thay that tu hao,khi dat nuoc minh da sinh ra nhung nguoi con gai nhu the!

    Liked by 1 person

  4. Chao ban…! tinh co doc dc bai viet ban tren web thay ban co nhieu tinh cam voi nguoi hatinh chang…hi..hy vong ngay gap ban o que minh..noi do hatinh

    Liked by 1 person

  5. Lời thỉnh cầu ỏ nghĩa trang Đồng lộc là bài thơ hay nhất trong cac bài thơ ve Đồng lôc.Bài thơ hay từng ý thơ,từng câu chữ. Cám ơn nhà thơ Vương Trọng

    Liked by 1 person

  6. Bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng thật hay và đầy cảm xúc, Tôi có biết một chút tiếng Anh nên đọc bài thơ được dịch ra tiếng Anh của tác giả Trần Đình Hoành , tôi
    càng thêm xúc động và tán thán công đức của tác giả Trần Đình Hoành về việc làm rất có ý nghĩa này . Thế hệ các con các cháu chúng tôi đang sinh sống ở nước ngoài khi về thăm quê hương thấy, những di tích lịch sử, văn hóa , nghệ thuật dân tộc được chuyển tải bằng ngôn ngữ hiện đại quốc tế như tiếng Anh thì thật là có ích cho chúng . Quê hương tuy xa nhưng rất gần các bạn ạ
    Xin cảm ơn đọt chuối non và Ban biên tập rất nhiều . Đây là một trang truyền thông hay, lành mạnh , tích cực .

    Like

  7. Trọng kính Anh TĐ Hoành , Thưa Anh, Đồng Lộc thì vậy …nhưng còn nghĩa trang gì ở Biên Hòa thì sao ? Anh có Bia Đá nào cho họ hay không ? Hay họ không đáng được hưởng một chút gọi là…!
    Rất trọng kính Anh và Quiuý vị.

    Like

  8. Comment của mình trong bài “Những Nữ Thanh Niên Xung Phong Bình Yên Nơi Cửa Phật”, mình có nói đến 10 cô Đồng Lộc, ở đây:

    Những nữ thanh niên xung phong bình yên nơi cửa phật

    Mình đăng lại comment ở đây:

    Thât là cảm động rới nước mắt. Mình luôn có ấn tượng mạnh dữ dội về các nữ thanh niên xung phong, có lẽ vì điều đầu tiên mình biết về nữ thanh niên xung phong là 10 cô gái Đồng Lộc, khi anh Nguyễn Ngọc Trân, lúc đó là Chủ nhiệm Ban Việt kiều Trung Ương, đưa đoàn Việt kiều đi thăm Nghệ An (Sầm Sơn), di tích nhà cụ Hồ, và Ngã ba Đồng Lộc. Lúc đó (1995) chưa có đền thờ cho 10 cô Đồng Lộc, chỉ có 10 nấm mộ nhỏ nằm trên một ngọn đồi nhỏ trơ trọi dưới nắng mùa hè thiêu đốt. Mình đọc về các cô và đứng giữa hàng mộ của các cô mà cảm thấy trong lòng chập chùng chơi vơi như sóng vỗ.

    10 năm sau, năm 2005, khi đài tưởng niệm các cô đã thành hình, bạn Diệu Ánh của mình, thăm Đồng Lộc và gửi cho mình bài thơ Lời Thỉnh Cầu ở Nghĩa Trang Đồng Lộc trên một bia đá nhỏ tại đài tưởng niệm. Mình dịch bài thơ sang tiếng Anh.

    Đến 2009 khi ban quan lý đài tưởng niệm lập bia đá mới, lớn hơn, họ khắc một bên bia là bài thơ của anh Vương Trọng, bên mặt kia là bài dịch của mình. Mình rất vui khi được chia sẻ đời sống với 10 cô Đồng Lộc, đã thân quen và chưa một lần gặp mặt.

    Có một làn một bạn cũ của mình (Việt kiều chống cộng ) ở Mỹ phàn nàn là tại sao mình dịch bài thơ cho đài tưởng niệm Đồng Lộc. Mình nói vì đó là bài thơ nói về nỗi đau của chiến tranh. Nó nói về thân phận con người, chẳng ăn nhập gì tới chính trị. Bạn mình hạch hỏi: “Tại sao không dịch một bài như vậy nói về các chiến sĩ VNCH?” Mình nói, “Tại vì mình chưa gặp một bài nào làm mình xúc động đến nỗi muốn dịch. Nếu gặp thì mình đã dịch rồi. Mình chẳng thích chính trị, nhưng quan tâm đến con người và những nỗi đau của con người.”

    Các bạn có thể đọc bài về bài Lời Thỉnh Cầu ở Nghĩa Trang Đồng Lộc ở đây:

    Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

    Like

Leave a comment