Phỏng vấn tuyển việc

Chào các bạn,

Phỏng vấn tuyển việc, job interview trong tiếng Anh, là cuộc gặp giữa đại diện công ty và người đang tìm việc. (Nhiều người dịch là phỏng vấn tuyển nhân viên, nhưng cách dịch đó quá một chiều). Đến bước này là thư tìm việc của bạn đã qua khỏi vòng loại đầu tiên, nói theo kiểu Mỹ, là một danh sách dài gồm nhiều đơn tìm việc gởi vào công ty đã được shortlisted (thu ngắn lại) và bạn đang nằm trong shortlist (danh sách ngắn). Thông thường phỏng vấn là giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên cho những chức vị quan trọng, có thể có đến 2 hay 3 vòng phỏng vấn, mỗi vòng là một cuộc thu ngắn (shortlisting). Trong bài này chúng ta sẽ nói đến các phương cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn.

1. Đến lúc này thì có lẽ bạn đã khảo sát một tí về công ty trong giai đoạn gởi thư tìm việc. Việc đầu tiên cho việc phỏng vấn là nghiên cứu một thêm một tí về công ty. Chỉ cần Google một tí trên Internet là có khối thông tin. Nhớ một ít chi tiết, để khi phỏng vấn không lớ ngớ như Bác Ngố lên thành.

2. Khảo sát thêm về người sẽ phỏng vấn mình. Thông thường là cả hai người–giám đốc nhân viên và giám đốc của phòng mình sẽ làm việc (ví dụ, giám đốc IT). Nhưng đôi khi chỉ có một trong hai người này. Tuy vậy, cứ chuẩn bị cho cả 2 người cho chắc ăn. Việc “chuẩn bị” này nên lồng vào việc “tạo dây liên hệ” với công ty theo tiến trình sau đây:

• Gọi vào công ty, nói chuyện với người đã báo tin cho bạn về cuộc phỏng vấn (thường là giám đốc nhân viên, hay trợ lý của bà ta). Đại khái nói ý này: “Em tên là XYZ. Em mới nhân được thơ báo tin phỏng vấn của cô. Em rất vui. Em gọi vào để cám ơn. Và để xác nhận với cô là em sẽ có mặt đúng 2 giờ chiều ngày … như thơ cô báo.”

Cú điện thoại này của bạn thực ra là một cuộc phỏng vấn rồi đó; nhưng cuộc này bạn nắm phần chủ động 100%. (Các bạn nên ghi nhớ các “tư tưởng chiến lược” trong ví dụ này nhé. Vì đây là phương cách giao tiếp thương mãi chung, không phải chỉ cho phỏng vấn tìm việc).

Xin chú ý, trong thí dụ này mình dùng cách xưng hô cô và em, cách xưng hô thân mật và lễ độ của người Việt. Nếu bạn xưng hô “bà” và “tôi”, nhất định là không có việc. Nếu xưng hô bà và em, cơ hội tăng một tí, xưng hô cô và em lại tăng thêm một tí nữa.

Nhưng giả sử nói chuyện với cô thư ký của bà ta thì sao? Nếu cô ấy nhỏ hơn mình vài tuổi thôi, chớ có kêu cô ấy bằng em, nếu cô này hay tự ái vặt, tìm cách rĩ tai bà chủ, thì hỏng cả việc của mình. Cứ kêu là chị, cách xưng hô trong đại học và giới trí thức. Xưng là mình hay là gì đó. “Tôi” là từ lạnh lùng nhất trong ngôn ngữ Việt. Lễ độ và dễ thương với mấy cô thư ký. Các cô ấy phải là đồng minh của mình thì việc mới thành.

Hỏi cô: “Cô có thể cho em biết cô hay là ai sẽ phỏng vấn em để em chuẩn bị tinh thần.” Câu hỏi này nhằm nhiều mục đích. Thứ nhất, để mình biết cách chuẩn bị. Thứ hai, để cô biết là mình rất quan tâm đến cuộc phỏng vấn, như vậy là mình rất quan tâm đến công việc. Thứ ba, để nói một cách rất tế nhị là “Cô ơi, em hơi run. Cô giúp em.” Nói như vậy, nhưng thực ra không nói vậy, cho nên không tỏ ra vẻ yếu ớt. Ngược lại, nó tỏ ra vẻ mình rất quan tâm đến công việc. Lưu ý, trong câu hỏi này mình nói “cô hay là ai”; đừng bỏ cô ra ngoài câu nói.

Hỏi thêm: “Cô ơi. Trong cuộc phỏng vấn em nên xưng hô với cô và với ông giám đốc IT như thế nào ?” Câu này vừa để cho mình biết cách xưng hô hay nhất, vừa để cô thành đồng minh giúp mình.

Nếu nói chuyện với cô thư ký, thì cũng hỏi như vậy, và nhớ là phải rất dịu dàng lễ độ với các cô thư ký, vì các cô ấy thường nhiều tự ái hơn là bà chủ.

Đừng nên nói quá lâu và quá nhiều trong cuộc điện đàm này.

Phỏng vấn
Phỏng vấn

• Sau đó, gởi vào một lá thơ để “cám ơn cô đã báo tin phỏng vấn”, và cám ơn việc “cô đã nói chuyện với em trong điện thoại hôm nay,” và “như em đã nói, em sẽ có mặt hôm ấy.”

Gởi thêm một email với nội dung tương tự. Trong email nhớ nhắc là mình cũng có gởi một lá thơ thường. Muc đích của email là vận tốc. Mục đích của thơ thường là để nó có dịp nằm chình ình trên bàn cô. Mục đích của cả hai là “tạo liên hệ” với công ty.

Tức là đến lúc này mình đã có bốn liên hệ với công ty: Thơ xin việc, cú điện thoại, email, và thơ thường. Ba liên hệ sau cùng là giữa mình và người sẽ phỏng vấn mình.

Đừng text vào điện thoại di động (nếu bạn biết số). Texting là dành riêng cho việc riêng thôi.

• Google để tìm thêm thông tin về những người sẽ phỏng vấn mình.

3. Đến ngày phỏng vấn:

• Ăn uống cái gì đó cho tỉnh táo trước khi đi. Cách ăn mặc thì có lẽ các bạn đã rành hết rồi.

• Đến trước khoảng 10 hay 15 phút để làm quen với không khí, và may ra thì có dịp nói chuyện một tí với cô thư ký.

• Mang theo một tập tài liệu, gồm vài resume của bạn (phòng khi cô làm lạc trong đống hồ sơ của cô rồi, và vài tài liệu về công ty). Điều quan trọng là trên tay có cầm cái gì thì cũng làm cho mình thoải mái hơn là thấy hai cái tay quá thừa thải.

• Chuẩn bị tinh thần: Đừng nghĩ rằng đây là một cuộc khảo thí. Cứ xem đây là môt cuộc nói chuyện với vài người bạn mới. Nếu không được việc làm, ít ra mình cũng biết thêm được hai người quan trọng. Biết đâu mai mốt lại gặp nhau trong một trường hợp khác. Dù không được việc, ít ra cũng có hai người có cảm tình với mình rất nhiều.

Cũng cần nhớ rằng, đây vừa là cơ hội để công ty biết thêm về mình, vừa là cơ hội để mình biết thêm về công ty. Chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi về công ty. Đây là đường hai chiều, công ty chọn mình và mình chọn công ty, chứ không nhất thiết là đường một chiều của người “xin” việc. Và người phỏng vấn mình cũng cố làm cho mình thích họ, chứ không phải chỉ có mình cố gắng một chiều.

Một đối diện ba
Một đối diện ba

4. Lúc vào phỏng vấn:

• Nếu cô đưa tay ra bắt, thì bắt tay một cách chắc chắn, tự tin.

• Đợi mời ngồi rồi hãy ngồi. Tốt hơn là không nên ngồi trước.

• Nếu cô mời trà hay cà phê, thì cứ xin một ly. Đây là nghĩa là “Vâng, em cám ơn ly trà của cô.” Từ chối lời mời thường là việc không tốt. Nhưng nếu cô quên mời, thì đừng nên tự hỏi.

• Chủ động nói trước bằng một vài nhận xét tốt, như “Cửa sổ này của cô nhìn ra ngoài đẹp quá, em rất thích”, hay “Em thích bức tranh này quá”, hay “Cô thích nhạc cổ điển sao?” (nếu cô đang mở nhạc cổ điển), hay “Đấy là ảnh của con gái cô sao?”

• Lực chọn cách ngồi thoải mái nhất cho mình. Ngồi thẳng lưng, tréo chân, hay tay để trên đùi (gần đầu gối) là cách ngồi trung tính và thoải mái nhất. Ngồi hay chân sát vào nhau cũng được. Tuy nhiên thế ngồi này, nếu không thẳng lưng thì nhìn rất khúm núm. Hơn nữa, nếu ghế hơi cao thì rất phiền. Khi ngồi, hoặc thẳng lưng hoặc hơi hướng đến phía trước. Đừng dựa hẳn vào lưng ghế.

• Lúc cô nói, thì thỉnh thoảng gật đầu. Đến lúc quan trọng thì chồm người đến phía trước một tí, nhìn thẳng mặt cô, để lắng nghe.

• Lúc trả lời câu hỏi thì tuyệt đối không nói câu nào tiêu cực như là không thích việc đang làm, không thích công ty đang làm, v.v… Đổi thành, “Công ty này của cô lớn hơn và có nhiều cơ hội cho em tiến hơn” hay “Em đang làm hãng xe hơi, nhưng em từ lâu lại rất thích IT. Em nghĩ là tương lai thế giới nằm trong IT, nên em muốn vào công ty IT của cô.” (Chúng ta sẽ bàn thêm về các câu nói trong phỏng vấn trong một dịp khác).

• Nếu có dịp thì hỏi thêm về công ty, và dùng các dịp này để cho cô biết mình rành về công ty. Ví dụ: “Em đọc báo thấy công ty quý vừa rồi lời 2 triệu đô la, như vậy đợt tuyển này có phải là công ty bành trướng thêm không ạ?” hay “Thưa cô, nếu em được vào làm ở đây, và nếu em làm khá, thì trong 5 năm em có thể có những đường tiến nào trong công ty ?” Đây là câu để cô biết là ta chính chuyện đường dài với công ty.

• Tuyệt đối không nên hỏi chuyện tiền. Nếu cô hỏi: “Em muốn lương bao nhiêu?” Câu trả lời hay nhất là: “Em nghĩ là nếu cô tuyển em vào đương nhiên là cô biết em xứng đáng được bao nhiêu, em sẽ tin vào ý cô.” Vài quyển sách ở Mỹ nói chuyện trả giá ở đây, nhưng theo ý mình, đó là rất tồi và không hiệu quả.

• Nhưng nên hỏi về các quyền lợi khác như bảo hiểm.

• Không nên hỏi về vacation.

• Nếu cô hỏi đúng điều gì mình không biết thì cứ trả lời không biết một cách thành thật và tự tin. Ví dụ: “Thưa cô em chưa có dịp phải sử dụng C language, nhưng nếu cần học em có thể học rất nhanh. Em không lo về việc ấy. Em có rất nhiều kinh nghiệm về các ngôn ngữ lập trình khác rồi.” Chú ý: Câu này chấm dứt bằng một đoạn rất tích cực. Đừng có trả lời “Dạ em không biết” rồi ngưng tại đó luôn, nói thêm một cái gì rất tích cực.

5. Phỏng vấn về viết ngay một email và một thơ thường, cám ơn. Sau đó, cứ vài ba bữa là gọi vào cô hỏi tin tức. Cho đến khi biết kết quả. Nếu không được việc, cũng nên gởi một cái thơ cám ơn, và nhắn “Hôm nào cô cần thêm người thì nhớ đến em.” Biết đâu 3 hôm nữa cô lại cần thêm ngưởi. Tất cả các lá thơ và các cú điện thoài này đền nhằm xây thêm liên hệ giữa mình và công ty (cô).

Trên đây là tóm tắt vài ý chính giúp các bạn khi vào phỏng vấn. Các vấn đề này nếu viết kỹ và dài dòng thì thành một quyển sách. Chúng ta sẽ cứ nói từ từ ở đây, trên blog này. Bốn điều quan trọng cần ghi nhớ trong bài này là: Thứ nhất, tích cực trong tư duy và cách nói chuyện. Thứ hai, chuẩn bị. Thứ ba, luôn luôn chủ động. Thứ tư, xây dựng quan hệ—nếu không được công việc, cũng được quan hệ. Thực ra, nếu bạn suy nghĩ kỹ thì công việc là chuyện tức thì, quan hệ là chuyện lâu dài. Nếu được cả hai thì càng tốt, nhưng nếu không được cái tức thì, ít ra mình cũng xây dựng được cái lâu dài.

Chúc các bạn nhiều may mắn.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

26 thoughts on “Phỏng vấn tuyển việc”

  1. Bạn Hoành nè (đúng tên ban ko vậy?), riêng bài này mình muốn hỏi bạn viết ra nhờ đâu vậy? Nhờ kinh nghiệm bản thân hay là nhờ điều j vậy?

    Mình cũng đang trong quá trình tìm job. Những cái bạn nói mình thấy rất khác sách vở và người ta vẫn khuyên trên các trang tìm việc. Thú thật là một số cái mình cũng nghĩ (và làm) y như bạn nói vậy, nhưng mà thấy khác người ta khuyên quá xá nên cũng hơi hoang mang, hehe.

    Ít ra hôm qua mình đã viết tới 5 cái mail để cảm ơn cho 2 người-suýt-là-boss-của-mình. Hì 🙂 Tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn :d

    Like

  2. Trời ơi, kinh nghiệm xương máu đó bà chị. Xin việc từ lúc xin đi nhổ cỏ quét nhà cho đến lúc làm boss tuyển luật sư và managers cho mình. Đọc hết vài chục quyển sách dạy tìm việc. Đi bộ chắc cũng vài ngàn km (chưa tính đi xe). Nhiều quí vị viết sách nhưng kinh nghiệm tìm việc chỉ là tí ti so với dân tị nạn–dân tị nạn bắt đầu từ con số âm (dưới zero). Nhưng mà điểm chính là, chị cứ lấy common sense ra mà suy nghĩ chớ ai nói gì cũng tin sao?

    Liked by 1 person

  3. Hihi, tui đọc tham khảo mà. Đọc mòn mỏi nhiều lắm mà tới lúc phỏng vấn cứ làm theo ý mình thôi, bí kíp nọ kia trong sách vở quên tiệt à. Vậy mà mí cái bạn nói ở trên tui thấy nhập tâm dễ lắm, tại nó gần với cái tôi nghĩ hơn là mí cái trong sách 😀

    Like

  4. Chị Nhung, sách còn có thể có một số các vấn đề khác. Văn hóa quốc gia: Sách viết cho người Mỹ thì phải khác cho người Việt. Mình viết cho người Việt nên đã lồng văn hóa Việt vào rồi. Nếu các quí vị cứ dịch sách nước ngoài rồi viết sách báo Việt thì hỏng. Văn hóa thời kỳ: Ngay cả văn hóa Mỹ cũng thay đổi. Sách viết với hiểu biết văn hóa 1980’s và 1990’s, lúc văn hóa Mỹ vẫn còn rất aggressive và chú trọng đến “tôi” rất mạnh, thì khác với văn hóa Mỹ ngày nay, ít “tôi” hơn một tí, và quan tâm đến người khác nhiều hơn, cũng như hấp thụ tư tưởng đông phương (phật học và đạo học Lão tử) nhiều hơn.

    Like

  5. Cảm ơn anh vì những kiến thức và kinh nghiệm rất bổ ích đó 🙂 Have a wonderful day! 🙂

    Like

  6. Bài này rất hay và bổ ích, vì nó thực tế, thực dụng và hợp với người Việt Nam nên mình dễ áp dụng. Nhất là kiểu xưng hô “cô/anh/chị – em”. 😉
    Đúng là viết từ “kinh nghiệm xương máu” viết ra có khác!
    Cám ơn anh Hoành rất nhiều.

    Like

  7. Chào anh Hoành,

    Hoatukinh đọc một số bài viết của anh và thấy bài này quan tâm nên mạn phép anh đưa vào trang diễn đàn Nhân sự Việt (HRViet.vn) để các bạn được tham khảo.

    Nếu sự phổ biến này bất tiện và không phù hợp, rất mong anh cho biết để Hoatukinh xóa bài.

    Dưới đây là đường link dẫn đến bài đăng trên HRViet.vn

    http://hrviet.vn/forum/showthread.php?p=3058#post3058

    Rất xin lỗi nếu làm phiền!
    Trân trọng cảm ơn sự phản hồi của anh!
    Chúc anh sức khỏe và có thêm nhiều bài viết bổ ích.
    Hoatukinh.

    Like

  8. Chào anh/chi Hoatukinh. Đã viết ra là để chia sẻ với anh chị em mà. Cám ơn anh/chi đã quan tâm đến các bài viết trên dotchuoinon. Kiến thức thì càng nên được chia sẻ càng nhiều càng tốt.

    Chúc anh/chi khỏe nhé.

    Like

  9. Anh Hoanh a!
    Bay gio em moi doc thay nhung bai anh viet tren DOT CHUOI NON. Anh biet co ai can 1 nha van dang phan dau thanh tai chi giup de em den xin viec, ap dung nhung kinh nghiem anh chi day.
    Chuc anh Hoanh hanh phuc nhe.

    TA VẪN ĐI VỀ BÊN TIẾNG KINH
    TÂM TƯ CHƯA DỨT ĐỘNG U TÌNH
    NHIỀU ĐÊM GẶM NÁT GỐC LÒNG CŨ
    CHỜ KHÓI YÊU THƯƠNG TỤ DÁNG HÌNH
    (tặng anh mấy cây thơ đó. Coi bộ anh giỏi chuyện tu hành và hi vọng được học ở anh điều gì đó)

    Like

  10. Cám ơn Thùy. Chắc là em hiểu cách tu của anh hay sao vậy? Chuông mõ kinh sách mà “chờ khói yêu thương tụ dáng hình.” Sao giống Lan và Điệp quá vậy?

    Và tìm việc kiểu “nhà văn đang phấn đấu thành tài” chắc là không xong rồi. Vì trên đời này ai mà thuê nhà văn làm việc. Người ta thuê ký giả, biên tập viên, thông dịch viên… Chứ nhà văn thì… em chưa tra tự điển sao? Mấy tự điển sâu sắc luôn luôn có chữ đói đi kèm chữ nhà văn 🙂

    Nhưng mà anh cố suy nghĩ xem anh có thể giúp em việc gì.

    1. Anh có thể quảng bá thông tin dùm em. ĐCN có trang thông tin cộng đồng. Anh có thể mở thêm mục tìm việc trên đó. Em gởi thông tin về em cho anh, anh có thể để vô đó để mọi người thấy.

    2. Anh có thể giúp em cải tiến kỹ năng viết lách và làm cho mọi người biết đến em, bằng:

    * Em xung phong viết bài cho ĐCN. Viết các bài có tính cách phóng sự hay lịch sử địa lý về vùng đất và con người nơi em ở. Anh sẽ giúp em cải tiến nghiệp vụ phóng viên bằng cách edit bài của em rất kỹ. Dĩ nhiên là nếu em có tính tự ái vặt thì việc này không thành. Nhưng nếu em đừng tự ái, chịu khó học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn em sẽ khá lên nhiều, vì anh luôn luôn theo tiêu chuẩn the best we can do.

    (Nhưng nếu em học theo anh thì em phải chịu đựng lắm. Anh train luật sư mới ở Mỹ. Đa số là cử nhân Anh ngữ ưu hạng mới thi vô được trường luật và phải xong tiến sĩ luật. Nhưng mới vào nghề thì vẫn phải được trained để nâng trình độ đủ tiêu chuẩn. Các vị phàn nàn thấu trời. Nhưng không sao, chưa có người nào mà sau một thời gian lại không cám ơn anh là đã train họ rất kỹ. Dặn trước để em không bị shocked).

    Sau một thời gian, nghiệp vụ em sẽ cao và em đã có bài trên ĐCN để bỏ vô resume của em. Lúc đó em tìm việc với các báo hay nhà xuất bản sẽ dễ dàng.

    Khi nào em viết 100 chữ, anh chỉ phải sửa lại 3 chữ thôi, là em xong.

    * Viết cho ĐCN thì em không có lương. Vì đây là chùa Đại Cổ Nhuế. Mọi người trong ĐCN đều làm công quả. (Cổ Nhuế là một làng ở Từ Liêm, Hà Nội, có rất nhiều di tích lịch sử dưới lòng đất. Đại vì mình phải xôm tụ một tí 🙂 ). Công quả, nhưng thời giờ anh bỏ ra train em, thì tính ra tiền cũng là một mớ cho em rồi.

    Nếu em OK thì email cho anh tại tdhoanh@gmail.com. Rồi anh em mình sẽ bàn chuyện em nên viết gì. Dĩ nhiên là em có quyền nghỉ bất kỳ lúc nào. Và em cũng cho anh quyền lấy lại lời hứa nếu trong một thời gian anh thấy em không tiến bộ.

    Em khỏe nha.

    Like

  11. Tuyệt vời, rất dễ tiếp thu và thực hành. Tuy em đã đi làm nhưng chắc chắn những chia sẻ của anh sẽ có lúc dùng tới.
    Cám ơn anh nhìu!

    Like

  12. Bài viết rất dài và hay. Cảm ơn chú Hoành đã chia sẻ. Nhưng có một vấn đề cháu thắc mắc: việc viết thư tay gửi cho nhà tuyển dụng có cần thiết không? bây giờ chỉ cần gửi một bản email là được rồi chứ? Mong nhận được sự chia sẻ từ chú và mọi người (những anh/chị đã từng viết thư tay rồi). Mến!

    Like

  13. Hi Hiệp Khách Hành,

    Câu trả lời là “Yes”. Việc viêt thơ tay vẫn cần vì các lý do sau đây:

    1. Email có thể bị mất vào spam mail hay deleted vì bất cẩn.

    2. Nếu cần phải in ra giấy, thì email nhìn không lịch sự. Nếu có nhìn lịch sự (như in ra thư Word chẳng hạn) thì giấy in vẫn xấu hơn là giấy trịnh trọng mình gởi thơ.

    3. Nếu người nhận không cần đọc lá thơ giấy mình gởi vào, họ vẫn có thể vất đi, nhưng họ có ấn tượng rất rõ “Anh chàng này rất cẩn thận, xử với mình rất trịnh trọng, và rất muốn công việc này.” Ấn tượng có giá trị bằng hơn cả một cuộc interview.

    Dí nhiên, nếu nhà tuyển dụng ghi rõ: “Đừng gời thơ giấy” thì ta phải nghe theo (“Don’t send paper mail”). Nhưng nếu họ chỉ cho email address bên cạnh địa chỉ thường, thì dùng cả hai là thượng sách. Trong email cũng nên có một câu “Để tiện nghi cho ông, tôi cũng đã có gởi một lá thơ qua đường bưu điện. For your convenience, I have also mailed you a hard copy of this letter via post office).

    Like

  14. Em cảm ơn anh Hoành nhiều vì bốn điều anh nhắc ở dưới không những áp dụng được khi phỏng vấn tuyển việc, mà còn dùng được trong thương lượng, đàm phán nữa ạ.

    Like

  15. “Tuyệt đối không nên hỏi chuyện tiền. Nếu cô hỏi: “Em muốn lương bao nhiêu?” Câu trả lời hay nhất là: “Em nghĩ là nếu cô tuyển em vào đương nhiên là cô biết em xứng đáng được bao nhiêu, em sẽ tin vào ý cô.””

    Anh chia sẻ một chút thêm điểm này được không anh? Em vẫn nghĩ là các công ty ki bo lắm, lúc nào cũng tìm mọi cách cut cost mà thôi. Giả sử nếu mình deal mình sẽ được 2500/tháng, trong khi offer ban đầu của người ta là 2000/tháng thì sao anh?

    Like

  16. Hi Huyền Vân,

    Tiền luôn là chuyện khó khăn để nói.

    Đối với người mới vào nghề, các công ty thường có mức lương cho người mới vào. Muốn thêm cũng chẳng ai đồng ý, mà sẽ không được tuyển, vì mới vào nghề mà đã kỳ kèo chuyện tiền.

    Với người đã có kinh nghiệm trong nghề, thì thường là hãy tfm cách để company nói chuyện tiền trước. Nếu họ thích mình thì họ sẽ nói “công việc này sẽ có múc lương là….” Lúc đó nếu mình muốn cao hơn thì hãy tìm cách thương lượng.

    Like

  17. Chào cả nhà!
    Thấy anh chị đang bàn luận vấn đề mức lương sôi nổi quá nên em mạnh dạn chia sẻ tình huống vừa rồi em đi phỏng vấn.
    Chị tuyển dụng rất trẻ, hỏi mức lương ở công ty cũ em đang làm. Em trả lời là 4t. Chị nói sang đây bạn cũng muốn có một mức lương tương đương đúng ko? Em thành thật trả lời: Thực ra mức lương được trả dựa trên khả năng làm việc của bản thân, em có một quan điểm rằng cứ làm việc hết mình đi rồi sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Nên lương ở đây em được hơn 4t, 4t hay kém một chút cũng ko sao cả.
    Chị ấy khen quan điểm của em. Mặc dù chưa biết kq ra sao nhưng em thấy hài lòng.. Nếu ko đạt ở công ty này em có thêm kinh nghiệm để phỏng vấn công ty khác.
    Em vừa đọc thêm một phần là gửi thư tay cho nhà tuyển dụng của a Hoành. Em đang sắp xếp làm việc đó.
    Cảm ơn anh Hoành chia sẻ những kiến thức rất quý báu.
    Chúc a khỏe!

    Liked by 1 person

  18. hi anh Hoành !
    Em cảm ơn rất nhiều những chia sẻ về kinh nghiệm của anh ạ.
    Em đã xem một số sách và mẹo phỏng vấn nhưng có nhiều điểm khác với những gì anh đã chia sẻ.
    Sắp tới em sẽ bắt đầu gửi hồ sơ xin việc và cần chuẩn bị phỏng vấn.
    Anh có thể chia sẻ thêm những gì cần thiết cho một sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc được không ạ.
    Về vấn đề tiền lương liệu rằng ở Việt Nam trả lời như vậy thì có được không, vì em thấy nhiều tài liệu nói rằng không nên chủ động đề cập đến lương.
    Còn nữa ạ: làm sao để làm nổi bật ưu điểm của mình ạ. làm sao để đặt câu hỏi thông minh.
    Một kỹ sư yêu thích văn học và viết lách thì có nên đề cập đến sở thích ấy trong CV ko ạ

    Like

  19. hihi,
    Em tham gia một buổi hội thảo việc làm và anh diễn giả nói kỹ năng giao tiếp xếp thứ nhất, sau đó là teamwork rồi mới đến kỹ năng chuyên môn.
    Anh có thể gợi ý một chút để mình có thể nói về tầm quan trọng của teamwork ko ạ, còn kỹ năng chuyên môn thì nói gì khi lần đầu xin việc, nếu em đã từng tham gia nghiên cứu khoa học ở trường đại học thì có được tính ko ạ?
    Thanks !

    Like

  20. Hi anh Hoành,
    Cám ơn anh Hoành đã chia sẻ nhưng trải nghiệm thật quý báu! Lúc trước em đi xin việc cứ lơ ngơ thụ động, kỹ năng giao tiếp cực kém. Qua bài viết của anh em mới thấy mình thiếu sót thật nhiều điều. Chân thành cảm ơn anh Hoành rất nhiều!
    Chúc anh và gia đình thật nhiều sức khỏe!

    Like

  21. Con cảm ơn chú Hoành đã viết nhiều bài rất hữu ích và tích cực giúp đọc giả, đặc biệt là người trẻ con càng yêu quý và học hỏi từ chú nhiều hơn. Xin Chúa chúc lành cho chú ạ! 🙂

    Like

  22. Em chào anh Hoành,

    Em cũng đang trong giai đoạn tìm việc. Bài viết của anh rất hữu ích cho em.

    Em có mấy câu hỏi như sau ạ:

    1. Tìm việc ở nước ngoài thì có khác với ở Việt Nam không ạ? Cụ thể như những gì anh nói ở trên về việc tạo liên hệ tình cảm, mật thiết qua cách xưng hô, gọi điện, hỏi han… có áp dụng ở nước ngoài không ạ, ví dụ như ở Mỹ, nơi anh có rất nhiều kinh nghiệm?

    2. Trong giai đoạn mình mới gửi thư tìm việc, chưa được phỏng vấn, thì có chiến lược nào mình nên thực hành? Có nên gọi điện hỏi khi chưa có kết quả hay không? Khi nào đó anh có thể chia sẻ cho tụi em kinh nghiệm viết thư xin việc được không ạ? Khi thực hành xin việc ở nước ngoài thì có những lưu ý gì anh cho là quan trọng để thành công?

    Cảm ơn anh rất nhiều ạ.
    E Hạnh

    Like

  23. Hi Hồng Hạnh,

    Những điều anh nói dùng ở đâu cũng vậy, vì đó là liên hệ con người.

    * Trước khi có interview, nhiều người nộp đơn quá (thường thì cả trăm lá đơn cho một position) nên có gọi điện thoại vào hỏi gì thì cũng chẳng ai quan tâm tới mình được. Nếu được thì cách hay nhất là cầm tay lá đơn, đến công ty vào tận văn phòng người mình gửi thư, giao tận tay người đó hay giao cho thư ký của người đó. Nói câu đại loại là: “Tôi đi công việc ngang qua đây, thấy tiện đường nên quyết định vừa trao thư vừa take the opportunity to pay the company a quick visit.” Nói “quick” vì mình muốn rút lui nhanh để bà con còn làm việc, vì mình vào bất ngờ.

    Dùng cơ hội đó nói chuyện nhanh một vài câu để người kia nhớ mình: “Wow, this is a nice location. You can see the whole city from here.”

    “I guess there must be a lot of candidates for this position?” (Đó là một câu khen, không phải là câu hỏi, và nếu người ta không cho mình con số, đừng hỏi).

    “My name is Hạnh, nice to meet you” (Chia tay ra bắt tay. Đây là cách hỏi tên người kia một cách lịch sự, và để get a little more personal).

    “Thank you very much for you help. I hope to see you soon.” (Nói ngầm là tôi muốn được trở lại interview).

    Chỉ 2 phút như thế này quá đủ để mình impress người kia và để người kia nhớ mình.

    Nhớ ăn mặc như là mặc để interview. Không như đang chạy bộ.

    Bắt tay thì bắt một tay như Tây, nhưng cúi mình xuống một chút như võ sinh Aikido chào trong võ đường. Đó là cách chào cả Đông lẫn Tây, có impression rất lớn đối với dân Tây, Mỹ.

    Gặp thư ký giao hồ sơ cho thư ký là được, đừng đòi phải gặp Bà/Ông boss. Người ta sẽ bực mình, vì ai cũng đang bận. Và cô thư ký sẽ tự ái vì mình xem thường cô ấy. Thư ký có quyền lực rất lớn, chỉ cần cô ấy nói với boss: “Cô này có vẻ rất dễ thương / hay, cô này có vẻ rất tự kiêu” là mình được việc hay hỏng việc.

    * Cover letter là cái quan trọng nhất, CV quan trọng số 2. Cover letter cho phép mình biểu lộ con người mình qua ngôn từ, cái nhìn và hiểu biết của mình về công ty và công việc, vài điểm nhấn mạnh trong kinh nghiệm của mình… Cho nên nên suy nghĩ nhiều khi viết cover letter. Bạn có chỉ 1 đoạn đầu của cover letter để cho người ta có đủ impression về bạn. Các phần sau của lá thư chỉ là diễn giải thêm đoạn đầu. Viết thư như là Hồng Hạnh viết cho cô Cindy Smith, không như một máy computer viết cho một máy computer đọc.

    * CV thì cần sáng sủa và ngắn gọn. Thường thì một job, chỉ cần tên công ty và chức vụ là đủ để hiểu. Nếu cần giải thích công việc thì tóm lại trong vài chữ, 5, 6 chữ thôi. Cách viết rất ngắn nhưng đầy đủ cũng biểu lộ mức thông minh của mình. Hơn nữa, viết ngắn thì CV mới sáng sủa và dễ đọc.

    Apply môi job đều cần một CV mới. Đưa những kinh nghiệm liên quan nhất lên trên, và có thể giải thích một câu, hai câu ngắn. Các kinh nghiệm ít liên quan hơn, thì giải thích ngắn hơn, hoặc/và đưa xuống phần dưới.

    Hobbies và những kỹ năng lặt vặt khác thường nói về mình nhiều hơn là phần “kinh nghiệm”.

    * Always smile. Always! Cái smile của mình làm người ta nhớ mình. Đa số ứng viên đi interview căng quá nên không smile, cho nên mình là interviewer cứ phải nhìn các khuôn mặt căng lạnh cả ngày, rất chán đời.

    A. Hoành

    Liked by 3 people

Leave a comment