Tư duy tích cực là gì ?

Chào các bạn,

Tư duy tích cực là gì? Tư duy tích cực khác với một vài loại tư duy khác như thế nào? Tại sao ta lại cần tư duy tích cực?

“Tư duy” thường có nghĩa là suy nghĩ, và nói đến suy nghĩ là ta thường có ấn tượng rằng đó là một hoạt động của não bộ một lúc nào đó. Thực ra, từ “tư duy” ở đây rông rãi hơn, và có nghĩa là một thái độ sống, một cái nhìn về cuộc đời và sự sống, tương tự như tư duy trong cụm từ “thay đổi tư duy.” Tư duy tích cực chính là “sống tích cực” hay “thái độ tích cực.”

“Tích cực” có nghĩa là … không tiêu cực 🙂 , là

(1) khi nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt;

(2) nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt; và

(3) luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.

Ví dụ: (1) Bạn A. của mình thật năng động và có lòng tốt với mọi người, (2) chỉ hơi keo kiệt một tí, nhưng như vậy thì, nếu bạn làm thủ quỹ cho nhóm mình, chắc chắn là quỹ chẳng bao giờ thiếu hụt, và (3) cứ làm từ thiện hoài thì chắc chắn là bạn sẽ từ từ biết cách “phung phí” tiền cho người nghèo khổ.

Đặc điểm của tư duy tích cực là

(1) tập trung cái nhìn và tư tưởng vào cái tốt, nếu thấy cái xấu cũng phải tìm cho ra cái tốt trong cái xấu để tập trung tư tưởng vào đó, và

(2) dùng cái tốt như là động lực thúc đẩy mình sống và làm việc, đi đến mục đích cuối cùng là làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Cuộc đời đây là cuộc đời của chính mình, và là cuộc đời của thế giới mình sống. Tức là, cái tốt vừa là động lực thúc đẩy mình sống, vừa là mục tiêu tối hậu của cuộc sống.

Thông thường người ta thường phân chia thế giới thành hai nhóm người—tích cực và tiêu cực. Nhưng đó chỉ là cách nói tắt cho thuận tiện; thực ra ai cũng vừa tích cực vừa tiêu cực, chỉ là khuynh hướng nào mạnh hơn mà thôi. Hơn nữa, thông thường ta hay có thói quen tích cực hay tiêu cực tùy theo… trời mưa nắng và tùy theo đối tượng suy tưởng là người yêu hay… ông hàng xóm khó chịu.

Ta thực tập tư duy tích cực để ta luôn luôn tích cực–những ngày nắng đẹp cũng như những ngày ngập lụt, khi dạo phố với người yêu cũng như khi bị đụng xe–đối với tất cả mọi người–bạn thân hay địch thủ, thánh nhân hay đồ tể.

Bay!
Bay!

Và ta cần “thực tập” vì tâm tính không dễ gì thay đổi được. Tâm tính của mỗi người là một bộ máy tâm sinh lý đặc biệt, cứ như thế mà vui buồn yêu ghét. Không phải muốn đổi tâm tính là có thể làm xong trong một ngày, một tuần. Nếu cơ thể cần được tập luyện mỗi ngày, khá lên mỗi ngày một tí, vài ba năm mới được như vận động viên, thì tâm tính cũng thế, cũng phải được rèn luyện mỗi ngày, không, mỗi phút giây ta sống. Và phải kiên nhẫn một thời gian thì mới có được kết quả “trông thấy”.

Nhưng tại sao ta phải suy tư tích cực? Trời sinh sao để vậy không được sao?

Trước hết, tâm tính của ta không phải do trời sinh. Các yếu tố di truyền có dự phần một tí, như là sinh ra thì có hai tay hai chân, nhưng có đai đen Judo hay một cơ thể èo ọt bệnh hoạn là do ta. Trí lực và tâm lực cũng thế, trời sinh ra có tâm trí, tích cực hay tiêu cực là do ta.

Và thực ra thì chẳng ai bắt ta phải tích cực hay tiêu cực cả, sống cách nào là sở thích cá nhân và tự do lựa chọn của mỗi người. Nếu ta muốn làm thư sinh trói gà không chặt, tối ngày thương mây khóc gió, như các nho sĩ trong Số Đỏ, thì cũng được. Nhưng nếu ta muốn mạnh mẽ từ thể chất đến tinh thần, sống như hải âu cưỡi gió trên những lọn sóng đại dương, thì ta phải tư duy tích cực. Chỉ là vấn đề lựa chọn.

Một trong những câu hỏi ta hay gặp khi nói đến tư duy tích cực là: “Đôi khi ta cũng cần phải phê phán chứ. Critial thinking cũng cần vậy.” Critical thinking, tạm dịch là tư duy phê phán, là một phương thức suy nghĩ rất được chú trọng ngày nay. Thực ra critical vừa có nghĩa là phê phán, vừa có nghĩa là nghiêm trọng. Đây là cách suy nghĩ đặt trọng tâm vào nghi vấn—đánh dấu hỏi tất cả các tiền đề, các kết luận, các dữ kiện, các phương pháp làm việc, trong một vấn đề, cho đến khi ta thỏa mãn với độ chính xác của tất cả các điều này và đi đến một kết luận chính xác. Và nếu nói đến nghi vấn và phê phán tức là nói đến việc phải mang cái xấu (và cái tốt) ra mổ xẻ. Mà nói đến cái xấu là có người nghĩ rằng như vậy có vẻ không tích cực.

Chúng ta sẽ nói đến critical thinking chi tiết hơn trong một dịp khác. Tại đây chúng ta chỉ cần nhắc rằng, critical thinking (tư duy phê phán) và positive thinking (tư duy tích cực) đều cần thiết và có thể đi đôi với nhau. Positive thinking là một thái độ sống, hơn là một phương thức suy nghĩ. Critical thinking là một phương thức suy nghĩ. Ta có thể dùng critical thinking với một thái độ tích cực, hoặc với một thái độ tiêu cực.

Ví dụ, đối diện với các vấn đề giáo dục, ta có thể dùng critical thinking để mang ra một số các vấn đề như chương trình học chưa khoa học và thực tiễn, phương pháp giảng dạy còn từ chương, lương giáo viên còn thấp, học cụ còn thiếu thốn, v.v… Nếu là người tiêu cực thì ta sẽ ngồi đó nhăn nhó phàn nàn: “Nhà nước ta tồi, dân ta tồi. Chấm hết.” Nhưng nếu là người tích cực thì ta sẽ nhìn vào các yếu tố tích cực như văn hóa Việt kính trọng thầy cô, kinh tế quốc gia phát triển khá trong thập niên qua, một số các công ty viễn thông (Internet) là công ty nhà nước, liên hệ quốc tế tốt, người Việt ở nước ngoài đông, để tính đến một kế hoạch vận dụng tất cả sức mạnh nầy vào việc cải cách giáo dục.

Critical thinking là một phương pháp phân tích để tìm hiểu một vấn đề thật kỹ. Positivie thinking là một thái độ tích cực ta có trong khi làm công việc phân tích tìm hiểu đó. Cả hai đi đôi với nhau rất tốt.

Tư duy tích cực là chủ động, dùng thái độ của mình để tạo ra thế giới của mình. Thế giới của mình là cơ thể và đầu óc của mình, gia đình mình, bạn bè mình, những công việc mình làm, những người mình giao tiếp hằng ngày. Mình chủ động tích cực để biến thế giới đó và những người trong thế giới đó trở thành vui vẻ hơn và tích cực hơn một tí. Thay vì cứ sống theo lối phản ứng—gặp người vui thì vui, gặp người cau có thì cau có—tức là làm cho thế giới của mình chao đảo từng phút từng giờ, thì mình chủ động giữ thế giới của mình an vui tích cực luôn luôn. Điều này, trên phương diện triết lý, có thể gọi là duy tâm, tức là dùng tâm thức của mình để quản lí mình và môi trường sống của mình đó, các bạn a.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

25 thoughts on “Tư duy tích cực là gì ?”

  1. anh oi , nhung bai viet cua anh rat hay. Nhung anh co the de hinh nen mau den de doc ko moi mat ko anh. Vi bai cua a nhieu lam ^^. E chi gop y thui

    Like

  2. Huy vừa đọc được một bài thơ rất thú vị, liền nhớ ngay đến bài viết về tư duy tích cực của Anh Hoành, nên comment ngay vào đây để chia sẻ cùng mọi người.

    Chúc mọi người sống thật vui và hạnh phúc.

    ————————————————————–

    Nếu ai đã có lần
    Một mình trước biển
    Sẽ thấy con người nhỏ bé làm sao
    Nhìn những con sóng dữ thét gào
    Mới hiểu được vì sao mình tuyệt vọng

    Nếu ai đã có lần
    Bất cần sự sống
    Hãy đón hạt sương mai trên một cành hoa
    Ngắm nụ cười của lứa đôi vừa được làm mẹ, làm cha
    Sẽ hiểu được vì sao chúng ta cần phải sống

    Nếu ai đã có lần
    Thấy giữa lòng khoảng trống
    Hãy hiểu rằng trong vũ trụ kia còn có những lỗ đen
    Ai rồi cũng sẽ phải quen
    Với những phút giây lòng mình trống vắng

    Nếu ai đã có lần
    Nghe lòng cay đắng
    Nghe xót xa sau một cuộc chia tay
    Hãy vui lên vì trong cuộc đời này
    Sau một cuộc chia tay là khởi đầu rất mới

    Nếu ai đã có lần
    Cảm thấy mình chưa hiểu
    Thật nhiều điều đang có ở chung quanh
    Hãy cứ cười lên vì đời vẫn màu xanh
    Cuộc sống chỉ thú vị khi vẫn còn khám phá

    Nếu ai đã có lần
    Sống trong vất vả
    Giữa những vòng đời hối hả trôi nhanh
    Sẽ thấy yêu sao những phút thanh bình
    Ngoài khung cửa nghe bình minh chim hót

    Nếu ai đã có lần
    Thấy lòng dịu ngọt
    Trước một nụ cười, một ánh mắt, một vòng tay
    Hãy chẳng cần đi tìm khắp đó đây
    Vì hạnh phúc đơn giản là vậy đó
    Vì có những lúc tưởng như không mà có

    Liked by 1 person

  3. HI anh Hoành,

    Anh Hoành viết bài nầy hay lắm, em hay sống theo lối phản ứng như anh nói vậy đó, mà em lại nghĩ là mình thực hành câu nói ” đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy “. Làm như vậy có đúng không anh?

    Nếu như anh nói sống theo lối phản ứng sẽ làm cho thế giới của mình chao đảo thì hóa ra câu tục ngữ trên trở thành sai sao?

    @ Hi Huy, cảm ơn Huy về bài thơ hay quá, dễ thương quá. Quả thật Hạnh Phúc là những điều thật đơn giản mà mình cứ lao đao tìm kiếm đâu xa cho khổ…

    Like

  4. Hi Anh Hoành,

    Đây là bài thơ “Nếu” của tác giả Võ Trung Hiếu.

    Khi đọc hết bài thơ, Em cảm thấy dường như tác giả đang miêu tả về tâm trạng của 1 người đang phải đối mặt với những thách thức lớn lao trong cuộc sống.

    Với kinh nghiệm sống, sự từng trải cộng với khả năng suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống, nhân vật trong bài thơ đã được dẫn dắt từ một người cố gắng để sống trở thành một người sống để cảm nhận hạnh phúc ở xung quanh mình. Thật đúng như là:

    Hãy chẳng cần đi tìm khắp đó đây
    Vì hạnh phúc đơn giản là vậy đó
    Vì có những lúc tưởng như không mà có

    Đăng Huy

    Liked by 1 person

  5. Hi Dala,

    “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.” Câu này nói về “áo”, chứ đâu có nói về “con người”.

    Chẳng lẽ về nhà quê nói chuyện với nông dân mà cứ diện đồ veston càvạt vào thì nói sao hiệu quả bằng mặc bộ bà ba đen (hay ít ra là áo quần xoàng xoàng thôi)?

    Hay là gặp nông dân thì nói chuyện Michael Jackson thay vì cải lương Thọai Khanh Châu Tuấn?

    Nhưng nếu gặp người nói chuyện trộm cắp hay chuyện tiêu cực, mà mình lại nói theo, thì đó là “áo” hay “con người?”

    Mỗi chúng ta là một ngọn đèn. Đèn đi đâu thì cũng soi sáng. Soi sáng cách nào là tùy theo hòan cảnh nên “mặc áo” cho đèn (cái chụp bóng đèn) thế nào. Nhưng nhiệm vụ của đèn là soi sáng.

    Đâu có thể nói là đèn đi vào bóng đêm thì tối thui theo bóng đêm được.

    Dala khỏe nha 🙂

    Liked by 1 person

  6. Hi anh Hoành,

    Cảm ơn anh Hoành đã giải thích. Nhưng theo em nghĩ, câu tục ngữ trên anh đã hiểu theo nghĩa đen. Nghĩa đen thì đúng là hai lọai áo, nhưng nghĩa bóng lại chính là hai cách ứng xử và dĩ nhiên là cách ứng xử của con người rồi.

    Bụt tượng trưng cho những người hiền lành, đạo đức; và ma tượng trưng cho kẻ xấu, kẻ ác. Đi với Bụt, hay chơi, hay sống với những người hiền lành, đạo đức không phải là mình đem áo cà sa ra mặc mà mình cũng đối xử tốt như họ vậy. Ngược lại, đi với ma, là hạng người xấu thì không thể đối xử tốt được, ( áo giấy: loại áo quần vàng mã dùng để cúng vong hồn người chết – tượng trưng cho cách đối xử phù hợp với người xấu ) mà phải có cách đối xử phù hợp, thường là mang tính cách đề phòng

    Thí dụ cụ thể : Khách đến chơi nhà là một vị linh mục hay hòa thượng ta sẵn sàng mở rộng cửa, niềm nở mời chào, khay bưng nước rót. Nhưng thử hỏi nếu đứng trước nhà bạn là một bọn côn đồ, mặt mũi bặm trợn thì bạn có mở cửa mời vào nhà không hay bạn sai người ra đóng cổng ngay hay thậm chí còn có thể nhấc phone gọi công an nữa.

    Còn nói về nông thôn anh ăn mặc cho hòa đồng thì tốt thôi, nhưng nông dân cũng có nhiều hạng, có người tốt kẻ xấu. Gặp người tốt thì anh cởi mở tâm tình được chứ gặp người xấu hay chôm chỉa, chưởi thề văng tục, say xỉn… thì anh có nói chuyện được không. Lúc đó thì có Thọai Khanh Châu Tuấn cũng chẳng ăn thua gì.

    Anh nói mỗi chúng ta là một ngọn đèn, đèn thì dùng để soi sáng nhưng đèn là đèn và đêm là đêm, làm sao có thể đồng hóa với nhau được. Cũng như có thể nói mỗi người là một cành hoa, nhưng mỗi hoa mỗi vẻ mỗi hương, làm sao đồng hóa hương hoa lài với hoa cúc hay hoa hồng với hoa vạn thọ được.

    Điều quan trọng em muốn nói là dầu có cư xử như thế nào đi nữa thì mình vẫn là mình, tôi vẫn là tôi. Đèn vẫn là đèn và hoa vẫn là hoa. Thế thôi.

    Anh cũng khỏe nha

    Like

  7. Hi Dala,

    Anh không chắc là anh hiểu đúng ý Dala.

    Tuy nhiên vấn đề có thể trở thành rất phức tạp nếu ta bắt đầu thực sự phân loại “Bụt” và “ma”. Phân lọai người thật sự là đầu mối của mọi nhiễu loạn trên trái đất, vì trên thế giới ai cũng nói (1) ta và phe ta là bụt, và “chúng nó” là ma, và (2) ta tốt chúng nó xấu, và (3) ta tốt với nhau và phải xấu với chúng nó, hay ít ra là tránh xa chúng nó.

    Nói là sống mà không phân biệt tí nào thì không đúng, vì phải biết mình đang nói chuyện với ai để nói cho đúng cách một tí. Nhưng phân biệt thật sự theo cách nghĩ “tôi tốt” và “hắn xấu”, thì anh e rằng mọi vị thầy lớn của thế giới đều cho rằng đó là sai đường.

    Chúa Giêsu tối ngày ăn uống với đám người tệ nhất của dân Do Thái–đám thâu thuế và gái “không đứng đắn”, đây là rác rến của xã hội Do thái–và chúa Giêsu bị các lãnh đạo Do thái buộc tội ngồi chung với người tội lỗi. Chúa Giêsu nói, “Kẻ bị bệnh mới cần thầy thuốc.”

    Và trong Thiên Chúa Giáo, người xây dựng nên giáo hội như ngày nay là thánh Phao lồ, là người, trước đó, đã sử dụng từng tế bào chi li từng giây phút ngắn ngủi của đời mình vào việc bách hại giáo dân. Ai có thể nghĩ đến chuyện đó, ngọai trừ Người có thể thấy được quả tim con người?

    Trong kinh Phật, tâm phân biệt tốt xấu là tâm vọng động tức là tâm si mê.

    Cho nên phân chia lọai người để “thay áo” một tí cho hợp tình hợp cảnh thì được, nhưng để biến nó thành một bức tường chia cách tốt xấu ngay trong tâm mình, thì anh e rằng mình sẽ phạm tội số một trong MỌI truyền thống tâm linh–cái tôi của mình quá lớn.

    Dĩ nhiên đây là nói trong tâm. Biểu lộ ra bên ngoài thì lại tùy ai là người đối diện để mà cư xử cho hợp lý, tức là lại nói đến vấn đề “mặc áo” sao cho phù hợp.

    Dala khỏe nha. 🙂

    Liked by 1 person

  8. Hi anh Hoành và Dala,

    Huy không chắc là Huy nghĩ đúng, nhưng Huy cứ thử comment vào đây để mọi người góp ý thêm.

    1) Đối với vấn đề Dala nêu ra “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mắc áo giấy” và vấn đề tư duy tích cực dường như là một sự khập khiễng khi đặt 2 vấn đề này song song với nhau và thảo luận.

    Qua bài viết của Anh Hoành chúng ta có thể thấy và thống nhất với nhau tư duy tích cực là phương pháp sống, dựa trên phương pháp này chúng ta hãy điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, hành động để cảm nhận được một phần nào đó hạnh phúc trong cuộc sống.

    Đối với vấn đề “Đi với bụt …” của Dala thì đi sâu vào chi tiết hơn, có thể nói nó là kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi với môi trường xung quanh. Thật ra, kỹ năng này chính là một phần của tư duy tích cực, khi bạn thích nghi tốt với môi trường xung quanh dường như cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn và bạn dễ suy nghĩ theo hướng tích cực hơn.

    Có thể hiểu như thế này: khi gặp 1 ai đó không phù hợp với ta (người đó là ma chăng ?) ta vẫn có thể điều chỉnh cách cư xử, điều chỉnh suy nghĩ tìm ra nhưng cái hay của người đó để ta có thể học hỏi. Như vậy , liệu đó có phải chúng ta đang khoác thêm một tấm áo tư duy tích cực lên khi giao tiếp với “Ma” lúc này tấm áo đó có phải là áo giấy chăng ?.

    —————————————————————————-

    2) Đối với vấn đề đúng và sai, tốt và xấu, thiện và ác, thật đúng như anh Hoành phân tích, rất khó có thể đánh giá một cách chính xác được và những người thường đánh giá người khác đúng hoặc sai … ở một số khía cạnh nào đó thường có cái tôi lớn hơn người khác 1 tí.

    Liked by 1 person

  9. Hi anh Hoành,

    Không phải anh không hiểu đúng ý Dala mà là anh chưa hiểu đúng ý nghĩa của câu tục ngữ trên.

    Dây là câu tục ngữ rất phổ biến trong dân gian, dễ dàng thoát ra từ cửa miệng của một chị bán hàng rong hay một anh xích lô xe kéo, và chắc chắn là họ đều hiểu rằng cái ” áo ” trong câu nói ám chỉ đến cách đối xử chứ không phải thuần túy là cái áo mặc bình thường. Mà nói đến cách đối xử là nói đến con người. Anh hiểu sai chỗ nầy đó.

    Vấn đề có trở thành phức tạp hay đon giản là do nơi cách ta nhìn nhận và cách ta giải quyết. Phân loại người cũng không phải là nguồn gốc của mọi nhiểu loạn trên trái đất. Có nhiễu loạn là vì khác nhau chính kiến, khác nhau mục đích mà thôi. Còn nếu có phe ta và phe địch thì đâu phải phe ta hoàn toàn là ” Bụt ” và phe địch hoàn toàn là ” Ma ” đâu. Trong phe ta cũng có người tốt người xấu và trong phe địch cũng vậy. Trong chiến tranh, khi thua trận bị bắt làm tù binh, cũng có những người bên phe địch đối xử với anh tốt vậy, đâu thể nói họ là ma hết. Tương tự, khi phe anh thắng, bắt được nhiều tù binh, anh tra khảo dã man cho đến chết thì có gọi anh là bụt được không?

    Chắc chắn là khi nói chuyện mình phải biết mình đang nói chuyện với ai để có cách ứng xử cho phù hợp. Chẳng hạn em đang nói chuyện với anh đây, em biết anh là một luật sư, một nhà trí thức, một người đàng hoàng, thì khi nói chuyện em cũng phải nói năng từ tốn lễ độ. Nhưng nếu phải đối mặt với kẻ trộm thì chắc chắn là em phải thủ thế, đóng cửa cài then hoặc là tránh xa. Đó chính là cách ứng xử phù hợp, chứ không phải là cách nghĩ ” tôi tốt, hắn xấu ” vì Thánh Phao Lô là người bắt đạo mà sau cùng đã trở lại đạo đó thôi.

    Chúa ăn uống với đám người thu thuế chỉ là cách Chúa muốn hòa đồng với họ, nhưng Chúa vẫn là Chúa và họ vẫn chỉ là họ. Sau nầy chính những người thu thuế đòi đóng đinh Chúa đấy.

    Nếu như anh nói, trong kinh Phật, tâm phân biệt tốt xấu là tâm vọng động tức là tâm si mê thì những người biết nghe hiểu lời Phật dạy, làm điều tốt mà xa rời ngã quỷ là những người có tâm si mê à? Hay là lại phạm tội xem cái Tôi quá lớn?

    Nói tóm lại, tuy chỉ là một câu tục ngữ đon giản thôi nhưng nếu ta hiểu chưa đúng thì sẽ có những suy nghĩ chưa đúng vậy.

    Đây chỉ là một số thiển ý đóng góp của em thôi. Cảm ơn anh đã cùng chia sẽ.

    Chúc anh một ngày vui

    Like

  10. Hi Huy,

    Dala xin cảm ơn đã cùng chia sẽ, nhưng Huy hãy đọc lại câu của anh Hoành. Anh nói rằng ” Đi với Bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy ” câu này nói về ” áo ” chứ đâu nói về ” con người ”

    Cảm ơn Huy

    Like

  11. Hi Dala,

    Cám ơn Dala đã giải thich thêm . Anh nghĩ là anh đã hiểu Dala rồi. và có lẽ là Dala đã hiểu ý anh rồi. Coi như xong.

    Chỉ có một điểm quan trọng không liên quan đến điểm chính mấy, đó là khái niệm đúng sai, hay hiểu đúng hiểu sai. Nghệ thuật, kể cả nghệ thuật sống, thì không thể có đúng sai, mà thường là hay hoặc dở và tốt hoặc xấu tùy người, và tùy mức độ. Người này cho là hay người kia có thể cho là dở. Mức độ này có thể cho là sai nhưng người ở mức độ cao hơn hay thấp hơn có thể cho là đúng (hoặc là thích hơn). Cho nên chúng ta không nên cố gắng quá đáng về đúng sai. Mọi sự đều rất tương đối.

    Khi chúng ta bắt đầu nhất định ai đúng ai sai, cái gì đúng cái gì sai, đó là lúc chúng ta bắt đầu nhiễu lọan, gây chiến tranh và thù nghịch. Thê giới mình đang bị hàng ngày đó. Em có thể cho là các người khủng bố như al Qqeda là ngã quỹ. Nhưng họ tin là họ chết vì thượng đế, và thế giới phương Tây là ngã quỹ đó. Không phải là chuyên nhỏ đâu.

    Và Bush tấn công Iraq cũng vì ông ta tin là ông ta đúng và chúa ở phe ông ta.

    Chung qui cũng chỉ vì hai chữ “đúng sai.” Đúng sai và chiến tranh và nhiễu lọan là vấn đề cực lớn của thế giới chúng ta, không thể coi thường nó được. Và nó cũng rất tai hại cho dân chủ. Trong một quốc gia mà những nhóm dân quá mãnh liệt về lòng tin của mình vào cái “đúng” của mình và cái “sai” của người khác, thì chỉ có đánh nhau khi bất đồng mà thôi, chứ không thể có một chế độ dân chủ hòa bình được. Người ta chỉ hòa bình được vói nhau khi người ta nói ai cũng đúng, hoặc ai cũng sai nếu nhìn một góc cạnh nào đó.

    Nói về tâm tĩnh lặng cùa nhà Phật, đó là đã vượt qua được đúng sai rồi đó. Cái mà người này gọi là ngã quỹ có thể là ngã Phật của bậc thánh đó em. Cũng như học trò mới học viết thì lo từ tí văn phạm đúng sai. Nhưng đại văn sĩ thì viết có thể như là sai văn phạm lung tung đối với học trò, nhưng là đại văn hào. Cho nên nói gì thì nói, chia sẻ gì thì chia sẻ, nhưng không nên đóng khung tư tưởng mình vào các công thức đúng sai. Mình sẽ rất khó phát triển

    Dala khỏe nhé 🙂

    Liked by 1 person

  12. Hi anh Hoành,

    Cảm ơn anh, xem như anh em mình đã hiểu ý nhau rồi. Em chờ đọc thêm bài của anh nữa.

    Chúc anh vui khỏe

    Like

  13. Cảm ơn anh đã cung cấp cho độc giả những bài viết thật ý nghĩa. Mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyên đề, bài viết về kinh doanh hoặc câu chuyện pháp luật thì thật tuyệt.

    Luật sư Tuấn Anh – 0904890626

    Like

  14. hj anh Hoành
    Cảm ơn anh nhiều vì bây giờ thật sự em cảm thấy mình khá ổn hơn nhiều rùi.hj.em vân thường xuyên lên DCN để luyện tập tư duy tích cực hơn ạ.Ui nhưng mà nhiều lúc vẫn thấy bản thân mình khó hiểu lém ạ.Hết thứ này rồi tới thứ khác là sao nhỉ.Gần đây em ngồi học mà cứ có cảm giác khó thở.em biết nguyên nhân của nó .Chắc chắn là do em suy nghĩ không tích cực,tự gây áp lực cho bản thân mình rồi cứ thế mà bị như vậy.Làm thế nào để em không nghĩ rằng mình có cảm giác đó nhỉ anh.hi quên nó đi ấy .Mọi người trên DCN giúp em nhé
    Cảm ơn mọi người nhiều.Chúc mọi người một ngày vui vẻ

    Like

  15. Hi Thanh Thảo,

    Em nói “Gần đây em ngồi học mà cứ có cảm giác khó thở. Em biết nguyên nhân của nó. Chắc chắn là do em suy nghĩ không tích cực, tự gây áp lực cho bản thân mình rồi cứ thế mà bị như vậy.”

    Em cảm được vậy và nói được vậy là em đang đi đúng đường.

    Khi em gặp cảm giác khó thở như thế thì hãy lặng yên “quan sát” lòng mình một chút và hỏi “Điều gì đang làm minh hồi hộp khó thở?” Thường thì sau một chút quan sát là ta tìm ra được câu trả lời–có thể là vì một người bạn mới nói câu gì đó làm mình giận, hay mfinh vừa nhớ đến kì thi tháng tới và mình lo, hay mình đang nhớ đến ai gây gỗ gì đó trong gia đình và mình stress… Khi nhận ra dược lý do như vậy thì tự bào mình: “Có gì đâu mà phải lo/sợ/nóng. Hãy bình thản là hơn.” Thường là như thế là giải quyết xong.

    Rồi có thể nghĩ đến một điều vui đẹp–như một cánh hoa, một bãi biển… để tư tưởng có thể chuyển hướng nhanh hơn.

    Nhưng nếu điều làm phiền mình không chịu đi nhanh, cứ ở đó làm phiền mình trong lòng mãi không chịu đi, thì hãy “nhìn” thẳng vào nó, như là nói” “Mình nhìn thẳng vào vấn đề đây, mình đang bị thấy khó thở, đó chính là vì bạn Hải sáng nay có nói mình dốt. Và rõ ràng là mình đau từ lúc đó đến lúc này, và đến bây giờ thì bị nặng hơn đến lúc khó thở. Rõ ràng là mình không nên tự ái và khó thở đến thế này. Nhưng mình vẫn đang bị. Vậy là trái tim mình chưa vững mạnh. Nhưng mình không chạy trốn vết đau này. Mình công nhận là mình có tự ái vặt dù đó là việc không nên. Và bạn Hải nói vậy có thể là quá lố, nhưng điều đó không nên làm mình giận Hải, vì ai lại chẳng có lúc quá lố như thế. Và mình nghĩ là sự khó thở này sẽ biến mất sớm… ” Nhìn thằng vào nổi đau/vân đề trong lòng và nói chuyện với nó hiền hòa tử tế như thế… một lúc lâu, thường là nó biết mất hay dịu xuống.

    Liked by 1 person

  16. hj anh Hoành
    Cảm ơn anh nhiều ạ
    Nhiều lúc em cũng đã nghĩ như anh nói .Đúng thật ạ,Nó khiến em cảm thấy khá hơn rất nhiều.Ui sao con người cứ phải lớn lên thế nhỉ.Em muốn mình trở về khi còn nhỏ quá .Mọi thứ thật nhẹ nhàng và dịu êm.
    Em sẽ cố gắng để trở thành một người mang một tính cách điềm đạm nhất.Em không cho phép bản thân mình thế này đâu.
    Mọi người ơi hãy cho em sức mạnh nhé để có thể thay đổi chính bản thân mình
    Chúc mọi người một ngày tràn đầy vui vẻ

    Like

  17. Chủ đề đã đóng rồi, nhưng em cũng muốn share 1 chút
    ” Đi với…” là kĩ năng – là cái bề ngoài – là “áo” còn “tư duy tích cực” là Thái độ – là cái bên trong được rèn luyện – là “người”
    Với những người khác nhau mình ứng xử khác nhau “mặc áo” khác nhau nhưng đều chung một thái độ, một giá trị của mình.
    Em cũng đã thắc mắc nhiều khi mới học tư duy tích cực. Và nhận được lời khuyên là thực hành trước đã, sau một thời gian sẽ cùng nhìn lại vấn đề. Mong bạn Dala cũng làm như vậy. Sau 1 thời gian bạn sẽ tự tìm được câu trả lời
    Mến
    Huân

    Like

  18. Cám ơn anh Hoành vì bài viết và những lời bình luận thật chân tình ạ. Chúc bạn thanhthaosm sớm vượt qua nhé!

    Like

  19. Em cảm ơn anh Hoành về bài viết hay và ý nghĩa quá ạ. Cảm ơn anh và Đọt chuối non luôn cho em nhiều bài học mỗi ngày ạ.
    Em T.Huyền

    Like

Leave a comment