Chưa thể gom cả cuộc đời vào một mã số

VietnamNet
– Nếu luật Hộ tịch được thông qua, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số định danh, tuy nhiên, mã số này chưa có tính năng tích hợp các thông số khác như bảo hiểm, mã số thuế…

Chiều 26/3, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về dự thảo đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

2020 mỗi người có một mã số định danh

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cho hay, dự kiến, đến 2020, toàn bộ công dân đều có số định danh cá nhân.

Theo dự thảo, số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời.

Mã số định danh công dân chưa cho tính năng tính hợp các thông số khác như mã số thuế… Ảnh minh họa: Minh Thăng

Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân khi đăng ký khai sinh kể từ ngày luật Hộ tịch có hiệu lực. Đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày này, số định danh được cấp khi thực hiện thủ tục cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân hoặc đăng ký thường trú. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và chứng minh nhân dân. Đây sẽ là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Ông Phan giải thích, số định danh cá nhân không phải vấn đề mới mà đã được đặt ra tại một nghị định năm 2010 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an còn thực hiện cấp chứng minh thư nhân dân theo công nghệ mới gồm 12 số và có vai trò như là số định danh cá nhân. Dự thảo đề án xác định số định danh cá nhân cấp cho công dân chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà Bộ Công an đã thí điểm cấp cho công dân tại một số quận huyện của Hà Nội.

Nói như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, số định danh như là chìa khóa để mở ra các thông tin về nhân thân, thay vì buộc người dân phải loay hoay trình giấy tờ để chứng minh nhân thân của mình.

Còn theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương, việc cấp mã số sẽ đem lại tiện ích to lớn cho người dân lẫn cơ quan quản lý. Với người dân, số giấy tờ tùy thân sẽ giảm đáng kể. Về phía Nhà nước, nhiều cơ quan liên quan tới việc quản lý thủ tục, giấy tờ cũng được giảm đi.

Chưa thể gom cả cuộc đời vào một mã số

Tuy nhiên, tại hội thảo, một số ý kiến đề xuất nên có lộ trình cải cách xa hơn để hướng tới việc “gom cả cuộc đời” vào một mã số và mã số định danh có thể tích hợp thông tin tất cả các giao dịch của người dân, thay thế được cho thẻ bảo hiểm, hộ khẩu, mã số thuế… Còn nếu cấp mã số chỉ để tiện cho cơ quan quản lý thì cách làm này chưa triệt để.

Ngay bản thuyết minh cho đề án cũng để ngỏ khả năng này. Lãnh đạo Bộ Tư pháp giải thích: “Về vấn đề số định danh cá nhân sẽ thay thế cho toàn bộ các số khác như: số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, số số hộ khẩu… Bộ Tư pháp cho rằng, số định danh công dân sẽ là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Công dân chỉ cần biết duy nhất một số là số định danh và đây cũng là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác sử dụng thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ quản lý ngành”.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Pháp luật Trần Thất nói rõ hơn, trong điều kiện nước ta hiện nay chưa thể cấp được một thẻ định danh có “công dụng” tích hợp tính năng của tất cả các loại thẻ khác như một số nước đã làm. Do đó, cần giải quyết vấn đề đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công dân. Mã số định danh công dân là công cụ để nhà nước quản lý.

Ông Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giải thích thêm, nhiều ý kiến cũng đề xuất  nên cấp một loại thẻ tích hợp nhiều ứng dụng để tiện cho giao dịch của công dân. Song, để làm được điều này đòi hỏi phải xây dựng được hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tương thích.

Trong khi đó, với thực tế dân cư hiện nay, ngay cả ở các thành phố lớn thì việc giao dịch qua thẻ ATM vẫn còn nhiều vấn đề.

“Nên mục tiêu hiện nay và trong điều kiện kinh tế hiện nay chỉ tính tới thu thập dữ liệu công dân để gắn cho mỗi công dân một mã số. Chứ ta chưa có đủ điều kiện để cấp được một thẻ có nhiều ứng dụng như vậy”, ông Dung phân tích.

Một số đại biểu khác cho rằng, khi số định danh công dân được cấp cho mỗi công dân thì rất cần có sự liên thông với các giấy tờ công dân đang sử dụng để giúp người dân thuận tiện trong các giao dịch dân sự.

Dự kiến, mọi ý kiến đóng góp sẽ được ban soạn thảo tiếp thu trước khi trình Chính phủ vào cuối tháng 3.

Theo ông Vũ Xuân Dung,  kinh phí đề Bộ Công an triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng (nhưng mới trang bị ở cấp tỉnh, quận, huyện, phường). Nếu tới đây ngành tư pháp trang bị hệ thống cập nhật cơ sở dữ liệu tới cấp xã thì kinh phí sẽ lớn hơn.

Lê Nhung

Leave a comment